Sau khi tiêm vắc xin cho vật nuôi nếu vật nuôi bị sóc thuốc thì cần phải làm gì

Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC - Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2020; tính đến ngày 20/8/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 3.500 xã của 49 tỉnh, thành phố, với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 160.000 con, số chết và tiêu hủy là 26.000 con, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế (ước tính tổn thất về kinh tế do tiêu hủy số trâu, bò này là khoảng trên 300 tỷ đồng, chưa tính chi phí chăm sóc, điều trị gia súc bị bệnh và chi phí khác cho công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC), ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển chăn nuôi trâu, bò, sản xuất sữa.            

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bệnh Viêm da nổi cục đã xảy ra tại nhiều địa phương gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh rộng trên địa bàn tỉnh nhất là trong những tháng cao điểm mùa mưa bão này là rất cao.          

Để phòng chống bệnh VDNC, người chăn nuôi cần phải thực hiện đồng bộ tổng hợp nhiều biện pháp như: Tiêm phòng vắc xin VDNC; tiêu diệt vật chủ trung gian truyền lây bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; tăng cường chế độ nuôi dưỡng chăm sóc, giám sát sức khỏe đàn trâu, bò… Trong đó tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động, là vũ khí hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh. Tuy nhiên, do bệnh VDNC lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh nên việc sử dụng vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò là một vấn đề còn khá mới mẻ. Chính vì vậy bài viết này nhằm cung cấp cho bà con chăn nuôi và Thú y cơ sở, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi không được hưởng chính sách hỗ trợ tiêm phòng của Nhà nước một số kiến thức cơ bản về cách lựa chọn, bảo quản, sử dụng vắc xin; xác định đối tượng tiêm phòng; biện pháp xử lý khi gia súc bị phản ứng sau tiêm phòng…nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vắc xin, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh VDNC gây ra cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

1Lựa chọn vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục

- Hiện nay, trên thế giới có khoảng 10 loại vắc xin phòng bệnh VDNC. Theo khuyến cáo của Cục Thú y, nên chọn vắc xin Lumpyvac (của Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc Mevac LSD (của Ai Cập) để tiêm phòng bệnh VDNC cho trâu bò. 

- Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp các địa phương triển khai tiêm vắc xin Lumpyvac (Lumpy skin desease virus vaccine), chủng LSD neethling của nhà sản xuất Vetal Animal Health Products S.A – Thổ Nhĩ Kỳ cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Đây là loại vắc xin nhược độc đông khô (quy cách 25 liều/lọ, kèm chai dung môi pha vắc xin 50 ml) đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT cho phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam và đã được hầu hết các tỉnh sử dụng để tiêm phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò.

- Trước khi sử dụng phải kiểm tra kỹ lọ vắc xin : Chỉ sử dụng lọ vắc xin còn nguyên nhãn mác; bánh vắc xin không bị nứt nẻ, không có màu sắc bất thường ; hạn dùng tối thiểu còn 01 tháng.

Sau khi tiêm vắc xin cho vật nuôi nếu vật nuôi bị sóc thuốc thì cần phải làm gì

Tiêm vắc xin Lumpyvac phòng bệnh VDNC cho trâu, bò

2. Bảo quản, sử dụng vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục

- Vắc xin Lumpyvac được bảo quản ở nhiệt độ từ 20C đến 80C (ngăn mát tủ lạnh), không bảo quản ở chế độ đông lạnh. Trong quá trình vận chuyển và sử dụng vắc xin, phải tránh ánh sáng chiếu trực tiếp, cần được bảo quản trong thùng xốp cùng với đá lạnh hoặc đá khô.

- Pha vắc xin với dung môi pha vắc xin kèm theo ngay trước khi tiêm phòng. Chỉ sử dụng vắc xin trong vòng 02 giờ sau khi pha. Lưu ý để chai dung môi pha vắc xin về nhiệt độ phòng (khoảng 250C) rồi mới thực hiện pha vắc xin và lắc đều.

- Lắc kỹ vắc xin đã pha trước khi tiêm. Mỗi lần lấy vắc xin đã pha vào xi lanh phải lắc đều lại một lần nữa. Lưu ý không để còn bọt khí trong xi lanh vì dễ gây abces (áp-xe). 

- Liều lượng và đường tiêm:

  + Liều lượng: Tiêm với liều 2 ml/con (lọ vắc xin 25 liều, pha với chai dung môi 50 ml/tiêm cho 25 con).         

  + Đường tiêm: Tiêm dưới da (Subcutaneous ịnection-SC). Nên tiêm dưới da vùng cổ để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất.        

  + Tiêm định kỳ 01 lần/năm (thời gian miễn dịch của vắc xin Lumpyvac là 12 tháng).

- Lưu ý:

  + Chỉ sử dụng chai vắc xin sau khi pha trong vòng 02 giờ; không được tiêm đồng thời với các loại vắc xin khác và các loại thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ thuốc kháng viêm Corticoid như Dexamethasol, Prednisolon, Cortison...). Không nên tiêm các loại vắc-xin khác cho trâu, bò ít nhất một tuần trước và một tuần sau ngày tiêm vắc-xin Lumpyvac.

  + Xi lanh, kim tiêm phải được làm sạch, vô trùng kỹ khi sử dụng; không nên sát trùng xi lanh, kim tiêm bằng hóa chất và không sử dụng chúng khi còn nóng (vì đây là vắc xin vi rút nhược độc); tốt nhất là luộc sôi, để nguội, tráng lại bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% trước khi dùng; thường xuyên thay kim trong quá trình tiêm phòng.     

3. Xác định đối tượng tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục

Tiêm phòng cho tất cả trâu, bò, bê, nghé khoẻ mạnh từ 04 tháng tuôi trở lên (bao gồm cả trâu bò đang cho sữa). Trường hợp tiêm phòng vùng đang bị dịch thì nên tiêm cho cả số bê, nghé khỏe mạnh từ 02 tháng tuổi trở lên và tiêm lặp lại 1 mũi lúc bê nghé được 4 tháng tuổi.

Trong trường hợp nguy cơ dịch bệnh cao “Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh cần tiêm vắc xin cho trâu, bò càng sớm càng tốt. Nếu đủ kinh phí, có thể tiêm cho bê, nghé từ 01 tháng tuổi” (Nguyễn Văn Long – Phó cục trưởng Cục Thú y).

- Không tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé đang có triệu chứng của bệnh VDNC hoặc đang mắc các bệnh khác hoặc đang có những vết thương chưa lành (thiến hoạn…). Đối với trâu, bò đang mang thai (có chửa) cần thao tác nhẹ nhàng; không nên tiêm cho trâu, bò mang thai trước đẻ 1 tháng.

- Đối với số trâu, bò, bê, nghé đã từng bị bệnh VDNC: Thực hiện tiêm phòng sau khi khỏi về triệu chứng lâm sàng khoảng 01 tháng.

Cần theo dõi tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho đàn gia súc (số bỏ sót trong đợt tiêm chính, số mới sinh, mới mua…), đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn để đạt miễn dịch quần thể. Tốt nhất thực hiện tiêm phòng theo lứa tuổi, theo thời kỳ sản xuất (dễ dàng thực hiện tại các trang trại  chăn nuôi).               

4. Giám sát, nuôi dưỡng, chăm sóc đàn gia súc khi tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục

- Trước khi tiêm phòng phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn gia súc (theo dõi qua dáng đi, sức ăn, đo nhiệt độ những con nghi ngờ…), đồng thời thống kê số trâu bò đã mắc bệnh VDNC thời gian trước để xác định chính xác số con được tiêm phòng (tránh tiêm cho những con đang mắc bệnh, đang ủ bệnh hoặc những con vừa mới khỏi bệnh VDNC)

- Trước và sau tiêm phòng 3-5 ngày: Cần tăng cường dinh dưỡng (cho ăn thêm cỏ xanh non, cám gạo, cám bắp, thức ăn viên, mật ong, rỉ đường…), bổ sung một số thuốc như vitamin C, Bcomlex, Multivitamin....để tăng khả năng đáp ứng miễn dịch cho đàn gia súc.

- Sau khi tiêm phòng 2-3 ngày, cần cho gia súc nghỉ ngơi không làm việc nặng (như cày, kéo) hoặc phối giống..., theo dõi giám sát chặt chẽ sức khỏe đàn gia súc để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng do tiêm phòng.

5. Xử lý các trường hợp gia súc bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục

a) Gia súc có phản ứng nhẹ:

- Sau khi tiêm phòng, trâu bò có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, có thể sưng nhẹ ở vị trí tiêm và một số con có thể giảm sản lượng sữa nhưng con vật vẫn ăn uống, đi lại bình thường. Đây là phản ứng có lợi, là biểu hiện của phản ứng đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể động vật sau khi được tiêm phòng.

- Biện pháp xử lý: Chỉ cần cho trâu, bò ăn uống đầy đủ, nằm nghỉ ngơi nơi râm mát, kín gió, yên tĩnh thì trâu, bò sẽ phục hồi sức khỏe sau vài ba ngày.

b) Gia súc bị viêm sưng ở vị trí tiêm:

- Gia súc bị sốt, mệt mỏi, ăn ít hoặc bỏ ăn, lười vận động. Ở vị trí tiêm bị viêm sưng, nóng đỏ, nổi u cục, sờ vào chỗ tiêm thấy con vật bị đau. Chỗ tiêm có thể hình thành ổ áp-xe, sau đó ổ áp-xe sẽ mềm dần và vỡ ra có mủ hoặc có thể hình thành khối u, xơ cứng.

- Biện pháp xử lý:

  + Cho trâu, bò nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, kín gió; tăng khẩu phần ăn cho con vật; xoa bóp bằng dầu gió, cồn salisilat methyl hoặc chườm nóng tại vị trí sưng. Theo kinh nghiệm dân gian, dùng lá cây chuối, cây sống đời, cây đại tướng quân…. đem hơ nóng rồi đắp chườm vào chỗ tiêm bị viêm sưng rất tốt.

  + Dùng thuốc hạ sốt như Anagin C, Paracetamol, Efferalgan….; thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid như Ketoject, Ketovet, Flunixin, Diclophenax…. Không nên dùng các loại thuốc dạng corticosteroid như Dexamethasol vì gây suy giảm đáp ứng miễn dịch

  + Thông thường khoảng 3-5 ngày ổ áp-xe sẽ tiêu mất hoặc vỡ chảy mủ ra. Nếu ổ áp-xe quá to, nằm sâu ở cơ hoặc phát hiện quá muộn thì cần chọc dịch cho mủ thoát ra ngoài (khi ổ áp-xe đã mềm). Sau đó rửa bằng nước muối sinh lý, oxy già và dùng cồn Iốt (Betadine, Povidine) sát trùng vết thương.

  + Sau khi xử lý ổ áp-xe, khi con vật đã khỏe mạnh thì nên tiêm phòng lại vắc xin để đảm bảo khả năng bảo hộ (khi tiêm phòng nếu để xảy ra tình trạng bị áp-xe thì khả năng bảo hộ rất thấp).

c) Gia súc bị sốc phản vệ:

- Trường hợp này hiếm gặp. Thường xảy ra ngay sau khi tiêm vắc xin. Con vật có biểu hiện choáng, ngất, ói mửa, sùi bọt mép, chảy nước dãi, trụy tim, khó thở, chân run rẩy, đi lại không vững hoặc khuỵu ngã,... con vật có thể bị chết nếu không được cấp cứu kịp thời.

- Biện pháp xử lý:

  +Tiêm ngay thuốc chống sốc phản vệ (như Adrenalin…), thuốc trợ tim (như Cafein, Natri camphosulfonat…), thuốc trợ sức (như vitamin C, Glucose 5-10%, Ringer Lactat....)

  + Cho trâu, bò nằm nghỉ ngơi râm mát kín gió, yên tĩnh, đầu thấp, nghiêng sang một bên, khi có biểu hiện khó thở cần hỗ trợ hô hấp bằng cách tác động cơ học vào vùng bụng, ngực của trâu, bò theo kỹ thuật hô hấp nhân tạo.                   

d) Gia súc bị phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin

- Trâu, bò có thể phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin là do những trâu, bò đã mang mầm bệnh trước khi tiêm phòng. Bệnh thường xuất hiện sau khi tiêm vắc xin, từ 24 giờ đến 48 giờ với các biểu hiện phổ biến như mệt mỏi, ăn ít hoặc bỏ ăn kèm theo sốt cao, thở khó, chảy nước mũi…kèm theo các biểu hiện đặc trưng tùy theo bệnh kế phát (ví dụ trâu, bò bị phát bệnh VDNC thì trên da xẽ xuất hiện các nốt sần, cục u đặc trưng).

Do đàn trâu, bò tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang mắc bệnh VDNC và hiện nay đang là cao điểm của mùa mưa bão nên dự báo nguy cơ đàn trâu, bò sẽ phát bệnh VDNC sau tiêm phòng là rất cao, người chăn nuôi và Thú y cơ sở cần lưu ý theo dõi để xử lý dịch bệnh kịp thời.

- Biện pháp xử lý: Tùy theo bệnh kế phát mà có biện pháp xử lý cho phù hợp, hiệu quả.

Nguyên tắc chung là:

 + Tiến hành cách ly con bệnh ra khỏi đàn để tránh lây lan và thuận tiện cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa trị con mắc bệnh;

 + Tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc để nâng cao sức đề kháng và vệ sinh phòng tiêu độc sát trùng chuồng trại;

 + Sử dụng thuốc chữa theo triệu chứng bệnh: Thuốc hạ sốt (Anagin C, Paracetamol, Efferalgan, Decolgel…); thuốc thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (Ketoject, Ketovet, Flunixin, Diclophenax…); thuốc trợ sức tăng sức đề kháng (Vitamine C, B-Complex, Catosal, Multivitamine, dung dịch đường Glucose 5-10%, Ringer Lactat....)

 + Sử dụng kháng sinh nếu có biểu hiện nhiễm trùng: Phải lựa chọn kháng sinh phù hợp tác nhân gây bệnh; ưu tiên sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, thời gian tác dụng kéo dài như Oxytetraxycline (Terramycin/LA), Amoxyline LA…    

Để nâng cao hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn gia súc, người sử dụng cần nên lưu ý các nội dung nêu trên. Mọi quan tâm, thắc mắc liên quan về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò người sử dụng có thể liên hệ Chi cục Chăn nuôi và Thú y hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện (thành phố, thị xã) để được tư vấn, giải đáp.

Nguồn: sonnptnt.baria-vungtau.gov.vn