Sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật có tính chọn lọc cao có nghĩa là

(Baonghean) - Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay đang gây lãng phí và làm tăng chi phí sản xuất khá lớn. Không những thế, còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hiệu quả trừ sâu bệnh thấp. Khi hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cần đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách. 

Ở nhiều vùng miền, bà con được tập huấn sử dụng thuốc BVTV “4 đúng”, nhưng làm chưa đúng. Điển hình như vụ lúa hè thu 2014 và ngay cả vụ lúa xuân 2015, cả 2 vụ lúa này bị nhiễm nặng sâu cuốn lá nhỏ trên quy mô lớn cả tỉnh. Rất nhiều gia đình đã phải mua thuốc về phun 3 lần trong 1 vụ sản xuất vẫn không tiêu diệt được sâu cuốn lá, vừa gây lãng phí thuốc, gây tốn kém tiền bạc, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng sức khỏe con người. Sau đây là những nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV: 

Sử dụng đúng thuốc:

Thu gom bao bì thuốc BVTV vào hố rác để xử lý. Ảnh: Anh Tuấn

Khi sử dụng thuốc BVTV cần phải biết rõ loại sâu bệnh cần phòng trừ là gì. Nếu không biết thì phải hỏi ý kiến của cán bộ chuyên môn về BVTV hoặc cán bộ kỹ thuật nông nghiệp địa phương. Khi đã được xác định đúng sâu gì, bệnh gì thì mua thuốc đặc trị đúng cho loại sâu, bệnh đó. Loại thuốc mua cần chọn lọc loại thuốc có tác dụng chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít gây độc hại đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng. Đặc biệt cần lưu ý, chọn mua các loại thuốc tương đối an toàn với cây trồng, ít gây hại cho người tiêu dùng sản phẩm, nhất là các loại thuốc diệt cỏ rất nguy hiểm cho cả người, các động vật khác và cả môi trường nước.

Sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng:

Đúng nồng độ, liều lượng bao gồm lượng thuốc và lượng nước khi pha trộn để phun trên một đơn vị diện tích cụ thể cho cây trồng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất thuốc có ghi trên nhãn mác bao bì hoặc hỏi cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Tùy tiện tăng nồng độ thuốc khi pha trộn thuốc vào nước sẽ gây tác hại lớn cho người sử dụng, cây trồng, vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí sản xuất. Ngược lại nếu pha nồng độ thấp quá sẽ không những không tiêu diệt được sâu bệnh, mà còn làm cho sâu bệnh lờn thuốc, kháng thuốc, tạo nguy cơ bùng phát dịch mạnh hơn. Vì vậy tốt nhất nên có dụng cụ cân, đong thuốc, nước khi pha trộn. Không nên ước lượng bằng mắt, không dùng tay bốc thuốc bột. Thuốc pha trộn đến đâu phun sử dụng hết đến đó. Tuyệt đối không để thuốc dư thừa qua ngày hôm sau. 

Sử dụng thuốc đúng lúc:

Chỉ nên phun thuốc vào thời điểm sâu bệnh dễ bị tiêu diệt nhất. Đó là giai đoạn tuổi còn rất nhỏ đối với sâu (phun khi sâu mới nở) và giai đoạn đầu của bệnh mới phát sinh. Phun càng chậm khi sâu đã già tuổi, bệnh đã mãn tính thì hiệu quả phun rất thấp, có khi phun không có tác dụng gây tốn kém, làm tăng chi phí sản xuất. 

Hạn chế phun thuốc khi cây trồng đang ra hoa. Không nên phun thuốc khi trời nắng nóng, nhiệt độ không khí cao, khi trời sắp có mưa sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc. Không phun thuốc ít nhất từ 10 - 15 ngày trước khi thu hoạch các sản phẩm cây trồng.

Sử dụng thuốc đúng cách:

- Trước khi phun thuốc: Cần phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người phun thuốc như quần áo, mũ, khẩu trang, bao tay, ủng. Vì thuốc BVTV là những hóa chất rất độc hại khi dây dính vào da, hít thở nhiều nếu thuốc bốc hơi mạnh... sẽ gây ra những tác hại khó lường có thể dẫn đến chết người hoặc mang vào cơ thể những bệnh tật khó chữa trị. Trước khi pha trộn thuốc với nước, người sử dụng thuốc phải chuẩn bị đầy đủ ống đong, cân, xô pha thuốc, que khuấy khi đổ thuốc vào nước và bình phun thuốc được kiểm tra kỹ không rò rỉ. Nơi để pha thuốc nên ở gần địa điểm phun thuốc, xa nguồn nước sinh hoạt (giếng, ao, hồ, sông, suối...), xa chuồng trại gia súc, gia cầm.

- Khi phun thuốc: Phải hướng vòi phùn vào đúng vị trí gây hại của từng loại sâu, bệnh để tia thuốc vào tiếp xúc được nhiều nhất thì sẽ làm tăng hiệu quả tiêu diệt sâu và bệnh nhiều nhất và không phun thuốc đi ngược lại với chiều gió.

- Sau khi phun thuốc: Quần áo và tất cả dụng cụ lao động phải được rửa sạch sẽ và cất vào kho riêng nơi kín đáo nhất. Toàn bộ vỏ chai, bao bì thuốc phải được thu gom lại bỏ vào hố rác của xóm, làng, xã theo quy định. Nơi nào chưa có hố bỏ rác chung của làng, xã thì gom lại tiêu hủy bằng cách đào hố chôn sâu xuống đất cách xa làng, xóm, xa nguồn nước sinh hoạt của dân làng.

Ngoài 4 nguyên tắc nói trên, xin được chia sẽ một số kinh nghiệm trong việc phối trộn các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh với thuốc diệt cỏ và chất điều hòa sinh trưởng để làm tăng hiệu quả sử dụng của thuốc:

1. Chỉ phối trộn được các loại thuốc BVTV thuộc các nhóm có gốc khác nhau mới có hiệu quả như: thuốc nhóm gốc lân phối trộn với nhóm các ba mát, nhóm gốc lân + cúc, các ba mát + cúc, các ba mát + điều hòa sinh trưởng, thuốc vi sinh phối hợp với gốc lân hoặc cúc.

2. Chỉ nên phối trộn các nhóm thuốc có các tác dụng khác nhau như nhóm thuốc tiếp xúc, nhóm thuốc vị độc, nhóm thuốc xông hơi, nhóm thuốc nội hấp và nhóm thuốc lưu dẫn.

3. Chỉ nên phối trộn thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu với trừ cỏ, thuốc trừ sâu với phân bón... khi cần thiết.

4. Không phối trộn thuốc trừ bệnh với phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng.

5. Không phối trộn thuốc trừ sâu vi sinh với thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh. 

6. Không phối trộn thuốc trừ sâu, trừ bệnh với các loại thuốc gốc đồng (Cu) như: Coc 85, Coper B, Boocdo ... vì thuốc gốc đồng có tính kiềm cao, trong khi đó thuốc trừ sâu, bệnh có tính a xit lớn. Nếu pha trộn lại với nhau sẽ trung hòa làm giảm hiệu lực của thuốc.

Doãn Trí Tuệ

Biện pháp chính bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều lợi ích, trong đó, nổi bật là phòng, trừ sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất, sản lượng, bảo quản nông sản. Nếu sử dụng thuốc BVTV đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả. Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, thuốc BVTV có vai trò quan trọng. Các nhà chuyên môn cho rằng, thiếu đi công cụ này, hơn nửa sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị thất thoát do tác hại của sâu, bệnh và cỏ dại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tác động xấu đến đời sống, thu nhập của người nông dân. Tại nước ta, đơn cử trên cây lúa, nếu không có các loại thuốc BVTV đặc trị vi-rút vàng lùn, lùn xoắn, ngành lương thực, nhất là cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ bị tàn phá nặng nề. Cụ thể, vào những năm 1970 của thế kỷ trước, bệnh vi-rút vàng lùn phát sinh và gây hại nặng trên cây lúa ÐBSCL. Tiếp đến những năm 1978 đến 1980, bệnh vi-rút lúa lùn xoắn lá cũng gây hại hơn 40.000 ha lúa ở khu vực này. Ðến những năm 2000, vi-rút vàng lùn, lùn xoắn lại tiếp tục bùng phát. Tuy nhiên, nhờ kịp thời xây dựng quy trình và lựa chọn thuốc BVTV phòng, trừ phù hợp, dịch bệnh đã được khống chế, giảm thiểu được nhiều thiệt hại.

Theo Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với đặc thù nóng ẩm, mưa nhiều. Ðiều này tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng đồng thời cũng là điều kiện cho những loại sinh vật gây hại sinh sôi, nảy nở nhanh. Cùng với đó, vấn đề thâm canh tăng năng suất và biến đổi khí hậu cũng khiến cho nhiều sinh vật gây hại phát sinh, phá hoại trên diện rộng. Trong những trường hợp nêu trên, nếu không sử dụng thuốc BVTV để phòng, trừ dịch bệnh, ngành nông nghiệp sẽ tổn hại rất lớn.

Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) Nguyễn Hữu Hưng cho biết, cả xã Yên Phú có hơn 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 300 ha trồng rau màu. Bình quân mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường từ 50 đến 70 tấn rau, củ. Sản xuất với quy mô lớn không tránh khỏi tình trạng bùng phát sâu bệnh trên cây trồng. Trong những trường hợp bệnh nặng không xử lý được bằng biện pháp thủ công chúng tôi phải sử dụng thuốc BVTV sinh học, hóa học phòng trừ sâu bệnh. Ðể bảo đảm an toàn, hợp tác xã đã chủ động và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "bốn đúng’’ gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Chúng tôi hướng dẫn người dân lựa chọn các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, ít gây hại với người tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của hợp tác xã những năm qua luôn bảo đảm chất lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, thuốc BVTV đã được sử dụng từ nhiều thập kỷ qua. Hiện, tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Ở nước ta, loại vật tư nông nghiệp đặc thù này cũng đã được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp từ gần 60 năm nay. Không thể phủ nhận việc sử dụng thuốc BVTV đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, kỹ thuật cho nhà nông, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và giá trị nông sản. Ðồng thời, diệt trừ sinh vật gây hại nhanh, triệt để, có thể chặn đứng dịch hại trong thời gian ngắn. Có thể khẳng định thuốc BVTV là một vật tư quan trọng không thể thiếu trong việc phòng, trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, nhà nông cần phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng về đúng nơi quy định; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Tuân thủ kỹ thuật khi sử dụng

Không thể phủ nhận thuốc BVTV là trợ thủ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV có thể gây ra nhiều hậu quả, như dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư trên nông sản, làm giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường, làm ngộ độc cấp tính người tiêu dùng; làm tăng nguy cơ về an toàn thực phẩm; diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích (thiên địch), là điều kiện để dịch bệnh phát triển, làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm…

Ðể sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho rằng, thuốc BVTV được sử dụng phải nằm trong chương trình phòng trừ tổng hợp cây trồng và nông sản (IPM), mà trong đó điểm nổi bật là sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn đúng. Khi sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy định, đúng thời gian cách ly thì sẽ bảo đảm được việc phòng trừ dịch hại, tăng năng suất cây trồng, an toàn cho sức khỏe con người, sinh vật có ích và cho môi trường.

Ðể bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, sử dụng, nông sản, môi trường… các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc cần tiếp tục cải tiến các phương pháp chế biến thuốc, đưa ra thị trường các dạng chế phẩm có độ bám dính vào cơ thể sinh vật gây hại cao hơn (25 đến 30%) so với các dạng cổ điển trước đây chỉ 1 đến 2% (số còn lại bị rơi xuống đất). Ðồng thời, sản phẩm thuốc BVTV thân thiện với môi trường, nhất là các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, các nhóm thuốc BVTV tiên tiến… Không nên phun thuốc định kỳ nhiều lần mà không dựa vào tình hình dịch hại. Ðiều này gây nên sự lãng phí và cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng "kháng thuốc" của dịch hại. Ngoài việc sử dụng thuốc BVTV, để kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện dịch bệnh, từ đó có biện pháp phòng, trừ hiệu quả.

Minh Huệ

Video liên quan

Chủ đề