Tại sao phải dạy học phát triển năng lực

Ngày cập nhật : 27/05/2021

Mặc dù còn nhiều khó khăn về CSVC, đội ngũ nhưng với tinh thần vì HS thân yêu, một số trường học vùng khó khăn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đổi mới.

Sau khi bồi dưỡng, tự bồi dưỡng mô đun 1, 2,3 phục vụ Chương trình GDPT 2018, các trường linh hoạt ứng dụng vào quá trình giảng dạy đem lại hiệu ứng tích cực.

Chuyển giao hoạt động hợp lý

Trường THCS Phong Cốc, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng với tinh thần tiên phong đổi mới nhà trường từng bước nỗ lực bắt nhịp. Cô giáo Nguyễn Hoàng Kim Thanh- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, từ năm học 2017 – 2018 đến nay, nhà trường đã triển khai và thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Việc tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS được thể hiện rõ trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Mỗi phương pháp dạy học tích cực đều có những ưu điểm và tác dụng khác nhau, do vậy nhà trường yêu cầu thầy cô cần lựa chọn phương pháp phù hợp với nội dung bài học và năng lực HS. Nhưng dù lựa chọn phương pháp dạy học nào, thì GV vẫn phải là người luôn tích cực hóa các hoạt động của HS, chuyển giao nhiệm vụ một cách hợp lý. Vì thế, GV cần vận dụng linh hoạt phương pháp, không lạm dụng, độc tôn một phương pháp nào cả. Một số phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học được nhà trường khuyến khích thực hiện như: Dạy học theo trạm, Dạy học dự án, kĩ thuật khăn trải bàn, chuyên gia, góc, …

Đối với dạy học theo định hướng phát triển năng lực, quá trình quan trọng hơn kết quả. Bởi vì quá trình đúng dẫn đến kết quả đúng. Bởi vậy GV phải xác định mục tiêu dạy học theo định hướng năng lực cho mỗi bài học. Từ mục tiêu, xác định nội dung, phương pháp dạy học và cách kiểm tra đánh giá để đạt được mục tiêu đó. Tích cực tổ chức cho HS luyện tập, tăng cường vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn. Trong quá trình dạy học, GV quan sát, nhận xét, đánh giá, phản hồi một cách chính xác để giúp HS điều chỉnh mình ngay trong quá trình học; đồng thời dựa vào kết quả HS đạt được, GV điều chỉnh phương pháp, kỹ thuật, phương tiện cho phù hợp.

Mặt khác, chương trình GDPT tổng thể đã quy định các năng lực chung, chương trình các môn học quy định các năng lực đặc thù mà mỗi môn học góp phần phát triển cho HS. Trong chương trình môn học có những mô tả cụ thể yêu cầu cần đạt về năng lực cho mỗi lớp. Nhà trường sẽ yêu cầu GV phân tích chương trình, nắm vững các yêu cầu cần đạt của mỗi năng lực ở từng khối lớp để xác định nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học cho phù hợp, nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lực cho HS, cô Thanh cho hay.

Tại sao phải dạy học phát triển năng lực

HS luyện tập, tăng cường vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn

Cô giáo Phạm Thị Chương - GV môn Hóa học, Trường THCS Phong Cốc nhận định, so với phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi GV phải đầu tư nhiều thời gian hơn, nghiên cứu các phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học tích cực để áp dụng cho phù hợp. Ngoài các thiết bị dạy học đã có, thầy cô cần sáng tạo thêm các thiết bị dạy học khác phù hợp với các hoạt động học mà mình thiết kế để phát triển năng lực, phẩm chất và tăng tính hứng thú học tập cho HS. Mặt khác, GV cũng cần tìm hiểu thêm các kiến thức thực tiễn để giúp HS giải thích đúng và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống tốt hơn.

Quá trình dạy học môn Hóa, cô Chương đã chủ động áp dựng phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS. Theo cô, sự thay đổi phương pháp khiến giờ học thêm sôi nổi, hào hứng, HS được “trao quyền” chủ động hoạt động để chiếm lĩnh tri thức.

Cô Chương ví dụ, qua bài dạy “Axit- Bazơ- Muối (tiết 2) môn Hóa học lớp 8 để giúp HS hiểu được khái niệm muối, công thức, cách phân loại và gọi tên các muối cô Chương đã xây dựng các hoạt động nhằm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em. Sau phần mở đầu, HS được cô dẫn vào hoạt động 2: Nghiên cứu, hình thành kiến thức mới.

Để trò nắm được khái niệm muối, cô giáo đã chiếu lại câu hỏi 1 ở phần mở đầu, yêu cầu HS giải thích lựa chọn. GV chiếu bảng phân tích thành phần phân tử 3 chất, yêu cầu HS nhận xét. Sau đó các em tự nhận xét khái niệm muối, bằng các quan sát, phân tích, thảo luận cùng nhau và đưa ra câu trả lời. Sau khi HS trả lời cô sẽ nhận xét, kết luận.

Tương tự với các hoạt động khác trong bài dạy cô Chương cũng chuyển giao nhiệm vụ cho HS một cách linh hoạt dưới sự điều hành của GV khiến HS rất thích thú và chủ động học tập, tương tác. Cách dạy trên đã phát huy năng lực cho HS, bao gồm năng lực chung và năng lực chuyên biệt. HS tự học, giải quyết vấn đề sáng tạo, tính toán. Đồng thời có năng lực chuyên biệt, biết sử dụng ngôn ngữ hóa học, tính toán hóa học, thực hành thí nghiệm, vận dụng kiến thức hóa học vào cuộc sống...Từ đó phát triển phẩm chất cho các em như: chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; tăng cường tính hứng thú học tập cho HS.

Nỗ lực đổi mới

Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Thượng Yên Công là trường học vùng sâu của TP Uông Bí với 58.7% HS dân tộc thiểu số. Nhà trường còn nhiều khó khăn về đội ngũ khi thừa, thiếu GV cục bộ, không đồng đều về cơ cấu chuyên môn. Khắc phục những hạn chế đó, nhiều GV trong trường đã chủ động, sáng tạo trong sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát triển năng lực cho HS.

Theo cô giáo Dương Thị Hồng Luyến- Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù tỉ lệ HS dân tộc thiểu số nhiều, việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cũng phần nào bị hạn chế nhưng quá trình dạy học nhiều năm trước nhà trường đã áp dụng  một số phương pháp mới để phát triển năng lực cho HS như: Nêu và giải quyết vấn đề, dạy học theo nhóm; đóng vai, trò chơi ….

Tại sao phải dạy học phát triển năng lực

GV phải là người tích cực hóa các hoạt động của HS, chuyển giao nhiệm vụ một cách hợp lý.

Cô Trần Thị Thương-  GV Toán, Tiếng Việt lớp 5, Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, để những bài dạy thực sự thu hút được HS giúp các em nắm được kiến thức, phát triển năng lực thì người GV cần nắm chắc kỹ thuật dạy học.

Cô Thương xây dựng giáo án và tương tác với HS bằng các câu hỏi trò chơi, sử dụng câu chuyện và hình ảnh minh họa cho bài giảng, trưng bày các sản phẩm của trò, tạo hoạt động nhóm và tăng độ tương tác giữa thầy trò.

Để có những bài dạy hiệu quả, GV phải có động lực đổi mới, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, GV phải nắm chắc các kĩ thuật dạy học tích cực.

Bên cạnh đó, thầy cô phải thành thạo ứng dụng CNTT, tận dụng tối đa thiết bị dạy học đa phương tiện, dành nhiều thời gian cho soạn bài, chuẩn bị giáo án trước khi đến lớp. Biết động viên khích lệ học sinh, linh hoạt trong ứng xử tình huống, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp HS.

Theo GD&TĐ

Ngày nay dạy học phát triển năng lực hay dạy học theo định hướng phát triển năng lực không còn là một khái niệm xa lạ đối với hầu hết giáo viên. Tuy nhiên không nhiều giáo viên có thể hiểu được một cách chính xác về khái niệm, đặc điểm của dạy học phát triển năng lực. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ, thảo luận nhằm xác định lại khái niệm dạy học phát triển năng lực là gì? Vai trò của nó mang lại cho hệ thống giáo dục và cho học sinh của chúng ta là gì? Hãy cùng cẩm nang dạy học tìm hiểu và thảo luận để làm rõ khái niệm và đặc điểm của nó nhé.

Tại sao phải dạy học phát triển năng lực

1. Khái niệm dạy học phát triển năng lực

1.1. Khái niệm dạy học

Có khá nhiều quan điểm về dạy học. Tại đây Cẩm nang dạy học xin được đưa ra 2 quan điểm như sau:

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu giáo dục: “Dạy học là toàn bộ các thao tác có mục đích nhằm chuyển các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các giá trị văn hóa mà nhân loại hoặc cộng đồng đã đạt được vào bên trong một con người”.

Quan niệm này lí giải đầy đủ cách mà nền giáo dục đang cố gắng đào tạo những con người thích ứng với những nhu cầu hiện tại của xã hội. Tuy nhiên quan niệm này làm cho nền giáo dục luôn đi sau sự phát triển của xã hội. Bởi vì nó chỉ có nhiệm vụ tái hiện lại các giá trị tinh thần xã hội đã được vật chất hóa bằng cách nào đó để trở lại thành giá trị tinh thần bên trong người học.

Một số quan điểm khác dựa trên sự phát triển, nhất là phát triển về khoa học và công nghệ cho rằng “Dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các vấn đề thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học một cách sáng tạo và hiệu quả”.

Bản thân tôi (là một người dạy học) lại cảm thấy thích quan điểm này hơn bởi nó cho chúng ta thấy: ngoài nhiệm vụ tại hiện lại các giá trị mà nhân loại và cộng đồng đạt được nó còn có nhiệm vụ giúp người người học phát triển năng lực để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống một các sáng tạo và hiệu quả. Từ quan điểm nay cho chúng ta thấy dạy học luôn gắn liền với thực tiễn và đi cùng sự phát triển của xã hội.

Từ 2 quan điểm trên chúng ta có thể thấy rằng để đưa ra một khái niệm tổng quát và chính xác nhất về dạy học không phải là một việc đơn giản. Vậy chúng ta có thể hiểu khát quát như sau: “Dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước hình thành các năng lực cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra trong cuộc sống của mỗi người học một cách sáng tạo và hiệu quả“

1.2. Các khái niệm năng lực

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam: “Năng lực là đặc điểm của cá nhân, thể hiện mức độ thông thạo – tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn một hay một số dạng hoạt động nào đó”.

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Năng lực là phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao.

Theo quan điểm của những nhà tâm lý học: Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả tốt. Năng lực vừa là tiền đề, vừa là kết quả của hoạt động. Năng lực vừa là điều kiện cho hoạt động đạt kết quả nhưng đồng thời năng lực cũng phát triển ngay trong chính hoạt động ấy 

Tại sao phải dạy học phát triển năng lực

Như vậy các năng lực hình thành trên cơ sở của các tư chất tự nhiên của cá nhân nơi đóng vai trò quan trọng. Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, phần lớn do công tác, do tập luyện mà có.

1.3. Dạy học phát triển năng lực

Dạy học phát triển năng lực là quá trình thiết kế, tổ chức và phối hợp giữa hoạt động dạy và hoạt động học, tập trung vào kết quả đầu ra của quá trình này. Trong đó nhấn mạnh người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một giai đoạn (hay một quá trình) dạy học.

2. Đặc điểm của dạy học phát triển năng lực

Đặc điểm quan trọng nhất của dạy học phát triển năng lực là xác định và đo lường được “năng lực” đầu ra của học sinh. Dựa trên mức độ làm chủ kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh trong quá trình học tập.

Tại sao phải dạy học phát triển năng lực

Dưới đây là những đặc điểm nổi bật của dạy học theo định hướng phát triển năng lực (Dựa trên “Tiêu chí đánh giá SGK theo định hướng phát triển năng lực”)

  • Đặc điểm về mục tiêu: Chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực thông qua việc hình thành kiến thức, kỹ năng; mục tiêu dạy học được mô tả chi tiết và có thể đo lượng và đánh giá được. Dạy học để biết cách làm việc và giải quyết vấn đề.
  • Đặc điểm về nội dung dạy học: Nội dung được lựa chọn nhằm đạt được các mục tiêu năng lực đầu ra. Chú trọng các kỹ năng thực hành, vận dụng vào thực tiễn. Nội dung chương trình dạy học có tính mở tạo điều kiện để người dạy và người học dễ cập nhật tri thức mới.
  • Đặc điểm về phương pháp tổ chức:
    • Người dạy chủ yếu đóng vai trò là người tổ chức, cố vấn, hỗ trợ người học chiếm lĩnh tri thức; chú trọng phát triển khả năng giải quyết vấn đề.
    • Đẩy mạnh tổ chức dưới dạng các hoạt động, người học chủ động tham gia các hoạt động nhằm tìm tòi khám phá, tiếp nhận tri thức mới.
    • Giáo án được thiết kế có sự phân hóa theo trình độ và năng lực của người học
    • Người học có nhiều cơ hội được bày tỏ ý kiến, quan điểm và tham gia phản biện.
  • Đặc điểm về không gian dạy học: Không gian dạy học có tính linh hoạt, tạo không khí cởi mở, thân thiện trong lớp học. Lớp học có thể tron phòng hoặc ở ngoài trời, trong công viên, bảo tàng… nhằm dễ dàng tổ chức các hoạt động nhóm
  • Đặc điểm về đánh giá: Tiêu chí đánh giá dựa vào kết quả “đầu ra”, quan tâm tới sự tiến bộ của người học. Chú trọng khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Ngoài ra 1 đặc điểm quan trọng trong đánh gia đó là: người học được tham gia vào quá trình đánh giá, nâng cao năng lực phản biện, một phẩm chất quan trọng của con người thời kỳ hiện đại.
  • Đặc điểm về sản phẩm giáo dục:
    • Tri thức người học có được là khả năng áp dụng vào thực tiễn.
    • Phát huy khá năng tự tìm tòi, khám phá vừ ứng dụng nên người học không bị phụ thuộc vào học liệu
    • Người học trở thành những con người tự tin năng động và có năng lực.

Trên đây là một số chia sẻ cơ bản về dạy học phát triển năng lực. Dựa trên những hiểu biết cá nhân và kinh nghiệp có được trong quá trình học tập và làm việc cùng các chuyên gia giáo dục hàng đầu. Rất mong sẽ cung cấp cho thầy cô và các bạn một góc nhìn nữa về dạy học phát triển năng lực.

Tham khảo thêm: Phương pháp dạy học theo dự án

Billy Nguyễn