Tình trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào

  • Phát triển bền vững

Thứ tư, 10/11/2021 07:00 (GMT+7)

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang suy giảm?

Miền BắcMiền Nam

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng rất lớn đối với suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam. Thực tế con người vừa phụ thuộc vừa phá hủy hệ sinh thái.

Đây là kết luận của Báo cáo “Đánh giá Đa dạng sinh học tại Việt Nam” được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) vừa công bố.

Thực tiễn, con người đang hoàn toàn phụ thuộc vào các hệ sinh thái để tồn tại. Thế nhưng, các hệ sinh thái này lại đang ngày ngày bị chúng ta xâm phạm không thương tiếc. Báo cáo cho thấy, 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đã bị đe dọa.

Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 km2 diện tích đất rừng bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp như: Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khai thác gỗ trái phép, buôn bán trái phép các loài hoang dã, các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng thâm canh nông nghiệp, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của con người.

Đi sâu vào vấn đề để thấy, sử dụng tập trung các hệ sinh thái thường đem lại lợi ích ngắn hạn hiệu quả nhất, nhưng cũng là nguyên nhân rơi vào tình trạng quá tải và dẫn tới những tổn thất ghê gớm về lâu dài.

Một quốc gia có thể có GDP cao nhờ việc tàn phá các khu rừng và “vắt kiệt” tài nguyên ngành ngư nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đó là sự phát triển thiếu bền vững, về lâu dài, tài nguyên và sinh kế của người dân sẽ không còn. Nếu giá trị kinh tế đầy đủ của các hệ sinh thái được xem xét trong việc đưa ra quyết định của các nhà quản lý thì sự suy thoái sẽ giảm xuống rõ rệt và thậm chí còn được đẩy lùi.

Hệ lụy là suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái đang làm tổn hại đến nhiều người nghèo nhất. Đáng ngại hơn cả lại là nhân tố chính gây ra tình trạng đói nghèo, vì nó làm tăng sự lệ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái. Điều này sẽ tăng thêm áp lực cho các hệ sinh thái, các nỗ lực giảm đói nghèo cũng như sự suy thoái hệ sinh thái.

Tình trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào
Suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái khiến nhiều người lo lắng. (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy, đẩy lùi sự suy thoái của các hệ sinh thái trong khi vẫn đòi hỏi chúng đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng của con người là một thách thức lớn. Những thay đổi trong chính sách có thể làm giảm đi nhiều hệ quả tiêu cực của áp lực gia tăng đối với hệ sinh thái. Tuy nhiên, những hoạt động tích cực mà con người đã xúc tiến dường như còn quá khiêm tốn. Và chắc chắn các hệ sinh thái đang bị hủy hoại nặng nề và các dịch vụ hệ sinh thái sẽ còn tiếp tục bị mất đi nếu chúng ta không có những chương trình hành động hữu hiệu.

Trái Đất - nơi cung cấp đầy đủ các điều kiện để thỏa mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của nhân loại. Chúng ta cần ăn, mặc, đi lại, giao tiếp… tất cả những nhu cầu đó được thỏa mãn bởi các thành phần của tự nhiên là đất, nước, rừng, không khí… Tuy nhiên, trong số 51 tỉ ha diện tích bề mặt, Trái Đất chỉ có thể cung cấp cho con người 18% diện tích có khả năng tạo năng suất sinh học để thỏa mãn những nhu cầu trên.

Rõ ràng, điều chúng ta cần là một chuẩn mực để đánh giá và định hướng nhu cầu sử dụng, điều này giúp chúng ta xác định được “điểm ngưỡng nhu cầu” - mức nhu cầu được thỏa mãn mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Còn nếu vẫn áp đặt tư duy phát triển nóng, tiếp tục bào mòn, bóp nghẹt hệ sinh thái - chính là chúng ta đang tự bào mòn đi chất lượng sống của chính mình.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang suy giảm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email:

  • đa dạng sinh học
  • suy giảm đa dạng sinh học
  • việt nam
  • hệ sinh thái
  • động thực vật

Posted on 29 October 2021

Hoạt động sản xuất của con người là một trong những tác nhân lớn nhất gây nên mất đa dạng sinh học, trong đó, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ảnh hưởng rất lớn đối với suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam. Đây là kết luận quan trọng của báo cáo “Đánh giá Đa dạng Sinh học tại Việt Nam” được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (BCA) công bố ngày hôm nay.

Hà Nội – ngày 29 tháng 10 năm 2021 – Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Hơn 50.000 loài đã được xác định trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách, chiến lược quốc và nhiều dự án, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng, bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.   Từ các dữ liệu phân tích, báo cáo cho thấy 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đã bị đe doạ. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác.    Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam, bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, như khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khai thác gỗ trái phép, buôn bán trái phép các loài hoang dã, các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng thâm canh nông nghiệp, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của con người.  

“Đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam – Phân tích tác động từ một số lĩnh vực kinh tế” là báo cáo đầu tiên trong chuỗi các hoạt động đánh giá khoa học thuộc khuôn khổ Sáng kiến BIODEV2030 tại Việt Nam. Bằng việc chỉ ra hiện trạng tổng quan về đa dạng sinh học tại Việt Nam, báo cáo đã phân tích một số những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn tới sự suy giảm đa dạng sinh học, nhận diện một số lĩnh vực kinh tế đã và đang tác động mạnh mẽ đến đa dạng sinh học, trong đó có các hoạt động sản xuất như nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Nhận định này sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo của dự án nhằm tìm hiểu rõ ràng hơn mức độ, quy mô và xu hướng tác động của các lĩnh vực kinh tế này đối với đa dạng sinh học Việt Nam. Từ đó, khuyến nghị các mô hình cam kết chuyển đổi tự nguyện có tính tích cực cho thiên nhiên và con người trong tương lai. 

 

Ông Vương Quốc Chiến, Quản lý Chương trình BIODEV2030 của WWF-Việt Nam cho biết “Cách tiếp cận lâu nay trong bảo tồn đa dạng sinh học vẫn thường tập trung giải quyết các nguyên nhân trực tiếp như tăng cường thực thi pháp luật hay mở rộng các khu vực quản lý bảo vệ, v.v. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chưa giải quyết triệt để được vấn đề do tính chất phức tạp và sự liên quan của đa dạng sinh học đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Vì vậy, giải quyết các nguyên nhân cốt lõi bằng cách lồng ghép đa dạng sinh học trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh tế đang được xem là một trong những xu hướng tất yếu. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất được xem là những nhân tố quan trọng đóng góp tích cực vào tiến trình tạo ra sự thay đổi này. Năng lực, nhận thức và sự chủ động của các doanh nghiệp khi tham gia các mô hình cam kết tự nguyện hướng đến sản xuất bền vững sẽ là yếu tố then chốt để góp phần phục hồi đa dạng sinh học của Việt Nam.”

 

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học phát biểu: “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các ngành kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam – Phân tích tác động từ một số lĩnh vực kinh tế” và các nghiên cứu tiếp theo của Sáng kiến BIODEV2030 tại Việt Nam là một trong những nghiên cứu độc lập cung cấp các thông tin hữu ích để các nhà hoạch định chính sách có bức tranh toàn cảnh về tác động của các ngành kinh tế tới đa dạng sinh học, từ đó góp phần xây dựng các chính sách phù hợp để khuyến khích và phát triển các mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, tăng cường thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học”.

 

Kết quả báo cáo được trình bày tại một hội thảo do WWF-Việt Nam và BCA tổ chức ngày hôm nay nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cơ quan chính phủ và các tổ chức bảo tồn, phát triển, các cơ quan nghiên cứu liên quan cho các nghiên cứu tiếp theo của sáng kiến BIODEV2030.