Trích lục khai sinh bao lâu

Mục lục bài viết

  • 1. Trích lục giấy khai sinh thực hiện ở đâu?
  • 2. Giải quyết yêu cầu cấp bản sao giấy khai sinh ?
  • 3. Làm lại giấy khai sinh và tách hộ khẩu như thế nào ?
  • 4. Thẩm quyền cấp bản sao giấy khai sinh ?
  • 4.1 Hồ sơ yêu cầu cấp bản sao trích lục giấy khai sinh gồm những gì?
  • 4.2 Thủ tục yêu cầu cấp bản sao trích lục giấy khai sinh
  • 5. Tư vấn đăng ký khai sinh cho con ?

1. Trích lục giấy khai sinh thực hiện ở đâu?

Chào Luật sư Minh Khuê. Tôi có câu hỏi mong đựợc Luật sư giải đáp. Tôi đang làm thủ tục để đơn phương ly hôn với chồng, tuy nhiên chồng tôi gây khó dễ bằng cách không cung cấp giấy khai sinh của con. Tôi có hỏi một luật sư nói trong trường hợp này tôi có thể xin trích lục giấy khai sinh của con. Nhưng ngặt một nỗi ngày xưa đăng ký khai sinh cho con thì tôi đăng ký ngoài bắc.

Hiện tại tôi đã chuyển nơi cư trú vào trong nam, rất khó khăn trong việc ra bắc xin trích lục. Tôi muốn hỏi trong truờng hợp này tôi có cách nào khác để thuận tiện hơn không ?

Tôi cảm ơn.

Luật sư trả lời:

Điều 63 Luật hộ tịch năm 2014 quy định:

Điều 63. Cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký

Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.

Như vậy, Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch là cơ quan có thẩm quyền cấp trích lục bản sao giấy khai sinh.

Khoản 5, Điều 4 Luật hộ tịch 2014 quy định như sau:

Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền.

Như vậy, để xin trích lục giấy khai sinh của bé, bạn có thế đến một trong những cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch nêu trên để làm thủ tục. Không nhất thiết phải đến cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch truớc kia khai sinh cho bé, mà bạn có thể đến nơi mà cảm thấy thuận tiện nhất cho mình. Bởi lẽ, cá nhân muốn cấp bản sao trích lục hộ tịch sẽ "không phụ thuộc vào nơi cư trú".

Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch được quy định tại Điều 64 Luật hộ tịch 2014 như sau:

1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn thủ tục ly hôn trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.

2. Giải quyết yêu cầu cấp bản sao giấy khai sinh ?

Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi: Anh Huỳnh Khang quê ở Nam Định. Năm 2002, anh Khang cùng vợ và con gái chuyển đến Lạng Sơn để sinh sống. Năm nay, con gái anh Khang đến tuổi đi học nên anh chị làm hồ sơ xin học cho cháu vào trường tiểu học X nằm trên địa bàn huyện nơi anh chị sinh sống.

Theo yêu cầu của nhà trường, anh Khang phải nộp bản sao giấy khai sinh của con gái nên anh đã tới Uỷ ban nhân dân xã nơi thường trú để gặp chị Hoa - cán bộ tư pháp - hộ tịch để làm bản sao giấy khai sinh nhưng chị Hoa từ chối và cho rằng Uỷ ban nhân dân xã không thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu nên không có quyền cấp bản sao đó. Anh Khang thấy cách giải thích của chị Hoa chưa thoả đáng và do thời hạn nộp hồ sơ đã sắp hết nên anh tìm gặp chị Tuyết là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã để yêu cầu giải quyết.

Chị Tuyết sẽ giải quyết trường hợp trên như thế nào?

>>Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua điện thoại gọi: 1900.6162

Trả lời :

Theo giả thiết tình huống đưa ra thì con gái anh Khang năm nay 6 tuổi trong khi đó năm 2002 anh mới chuyển đến Lạng Sơn sinh sống, do đó có thể khẳng định rằng con gái anh Khang không đăng ký khai sinh tại Uỷ ban nhân dân xã nơi vợ chồng anh Khang hiện đang thường trú.

Như vậy trong trường hợp này, do con gái anh Khang không đăng ký khai sinh tại Uỷ ban nhân dân xã nơi anh, chị hiện thường trú nên Uỷ ban nhân dân xã đó không thể cấp bản sao giấy khai sinh cho cháu. Như vậy, giải thích của chị Hoa là đúng. Tuy nhiên qua đây có thể thấy cách giải quyết công việc của chị Hoa, cán bộ tư pháp - hộ tịch là chưa linh hoạt và thiếu sự nhiệt tình đối với người dân. Trước nhu cầu của anh Khang, chị hoàn toàn có thể giải thích một cách cặn kẽ hơn và hướng dẫn để anh có thể giải quyết công việc một cách không quá phức tạp. Và trong trường hợp này, là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, chị Tuyết cần hướng dẫn anh Khang đến Phòng Công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện để chứng nhận bản sao giấy khai sinh theo hình thức “sao y bản chính” bằng việc công chứng hoặc chứng thực của các cơ quan này. Đồng thời, chị Tuyết cũng cần có ý kiến nhắc nhở đối với chị Hoa về phong cách làm việc để có thể phục vụ nhân dân một cách tốt hơn.

3. Làm lại giấy khai sinh và tách hộ khẩu như thế nào ?

Thưa luật sư, Em có con gái năm nay được 20 tháng tuổi. Trước đây vợ chồng em chung sống không có đăng ký kết hôn. Khi sinh cháu ra chồng em đi làm khai sinh cho cháu là do nhờ vả người quen làm hộ , chồng em không làm thủ tục nhận con nhưng vẫn được ghi tên vào giấy khai sinh với tư cách là người cha đứa bé vì vậy cháu vẫn mang họ bố.

Em cũng không cắt khẩu để chuyển sang nhà chồng nhưng bên xã kia vẫn nhập khẩu hai mẹ con em vào sổ hộ khẩu của gia đình nhà chồng. Như vậy có được coi là bất hợp pháp không? Bây giờ vợ chồng em chia tay con thì ở với em. Em có đề nghị gia đình chuyển khẩu nhưng gia đình không chuyển cho. Bản thân em thấy những giấy tờ đó không hợp pháp và rất nhiều người khuyên em là đi làm lại giấy khai sinh cho cháu và nhập lại hộ khẩu. Giờ em muốn đăng ký khai sinh lại cho cháu. Em cần phải làm những thủ tục gì ạ ?

Em xin chân thành cám ơn các luật sư !

>>Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình trực tuyến gọi : 1900.6162

Trả lời:

Thứ nhất, về việc đăng ký khai sinh cho con :

Thủ tục đăng ký khai sinh 2020 tại UBND cấp xã

Bước 1: Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Tờ khai theo mẫu;

- Giấy chứng sinh (Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ.

Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú, chứng nhận đăng ký kết hôn của cha mẹ trẻ (nếu có)…

Xem thêm: Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh

Bước 2: Nộp giấy tờ tại UBND cấp xã nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của cha/mẹ. Nếu không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp tại UBND cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh

Sau khi nhận và kiểm tra các giấy tờ trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh. Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.

Thứ hai, việc chuyển hộ khẩu cho con bạn từ gia đình chồng sang gia đình mình :

Với trường hợp nhập hộ khẩu được quy định tại Luật cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên như sau:

"1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định."

Như vậy, theo quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể chuyển hộ khẩu cho bạn và con bạn về nơi bạn sinh sống vì khi bạn và chồng ly hôn thì con bạn sẽ về ở với bạn .

Điều 21 Luật Cư trú đã quy định về thủ tục đăng ký thường trú như sau:

"Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại Công an huyện, quận, thị xã (đối với thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (đối với tỉnh)".

Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu và giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Theo đó, trước hết bạn cần liên hệ với cơ quan công an cấp sổ hộ khẩu, nơi con bạn đang cư trú (quê vợ bạn) để làm thủ tục chuyển khẩu, cơ quan công an sẽ cấp cho bạn Giấy chuyển hộ khẩu và nộp kèm hồ sơ như đã nêu ở trên.

Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú và Luật hộ tịch 2014 (ví dụ như vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ...). Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

4. Thẩm quyền cấp bản sao giấy khai sinh ?

Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi: Anh M năm nay thi vào đại học. Trong hồ sơ thi đại học cần có giấy khai sinh. Anh không muốn để bản chính giấy khai sinh vào hồ sơ vì còn cần cho nhiều việc khác sau này nên anh dự định đi sao giấy khai sinh.

Vậy Ủy ban nhân dân xã nơi anh đăng ký khai sinh có thẩm quyền cấp bản sao giấy khai sinh không ?

Cảm ơn!

>>Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

Trả lời:

4.1 Hồ sơ yêu cầu cấp bản sao trích lục giấy khai sinh gồm những gì?

Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Nếu bạn yêu cầu cấp trích lục bản sao giấy khai sinh lưu giữ trong Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì bạn phải xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh nhân thân.

Đối với những việc đăng ký hộ tịch có quy định thời hạn giải quyết, thì người tiếp nhận hồ sơ phải viết giấy tiếp nhận; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ thì phải hướng dẫn bằng văn bản để người đi đăng ký hộ tịch bổ sung, hoàn thiện. Văn bản hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ bổ sung.

Như vậy, khi bạn đi xin bản sao trích lục giấy khai sinh thì bạn chỉ cần kê khai đầy đủ thông tin vào tờ khai yêu cầu xin cấp trích lục bản sao giấy khai sinh (theo mẫu) đồng thời xuất trình được bản gốc chứng minh thư của bạn là được.

4.2 Thủ tục yêu cầu cấp bản sao trích lục giấy khai sinh

Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

5. Tư vấn đăng ký khai sinh cho con ?

Thưa luật sư, xin cho tôi tư vấn thủ tục khai sinh cho con. Người mẹ sinh con khai trong giấy chứng sinh là nơi thường trú của người mẹ. Sau khi sinh xong, chưa làm giấy khai sinh thì người mẹ nhập khẩu về nơi thường trú của người bố.

Vậy khi đi làm giấy khai sinh cho con thì có cần xin điều chỉnh nơi thường trú của mẹ trong giấy chứng sinh không?

Mong luật sư tư vấn cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn/

Người hỏi: NK Sơn

>>Tư vấn luật về đăng ký khai sinh cho trẻ em, gọi:1900.6162

Trả lời:

Trong trường hợp này của bạn, giấy chứng sinh đó không phải sai do nhầm lẫn gì mà là đúng hộ khẩu thường trú của người mẹ tại thời điểm đó.Bên cạnh đó, giấy chứng sinh có ý nghĩa xác nhận sự kiện một người được sinh ra vào tại thời điểm đó chứ không có ý nghĩa xác nhận hộ khẩu thường trú theo giấy chứng sinh. Vì vậy không cần phải làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng sinh.

Về hồ sơ mà người đi xin làm giấy khai sinh trong trường hợp này gồm có:

- Bản chính giấy chứng sinh.

- Người đi đăng ký khai sinh xuất trình bản chính một trong các giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp và còn giá trị sử dụng.

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai bố mẹ của cháu.

- Sổ hộ khẩu của bố mẹ cháu.

- Tờ khai đăng ký khai sinh

Bạn sẽ nộp những giấy tờ này tại UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú của cha mẹ cháu. Thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh là trong 01 ngày. Trong trường hợp cần xác minh cũng không được quá 05 ngày làm việc.

Lưu ý:

- Làm giấy khai sinh không tính lệ phí.

- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ phải đi khai sinh cho con. Nếu không thể đi được thì nhờ ông, bà hoặc người thân thích đi làm giùm. Quá thời hạn quy định thì bị phạt cảnh cáo

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng ./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê