Các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ

Quyền của phụ nữ theo pháp luật Việt Nam như thế nào ? Hệ thống pháp lý bảo vệ quyền và nâng cao địa vị, vai trò của người phụ nữ. 

Từng là một nước phong kiến ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo trọng nam kinh nữ. Vị trị và vai trò của người phụ nữ trong xã hội phong kiến không được coi trọng. Rất may là xã hội Việt Nam càng ngày càng tiến bộ về mọi mặt, và trong đó là việc đề cao vị trí và vai trò của phái nữ.

Thực tiễn cho thấy những vị trí lãnh đạo cao cấp đất nước có nữ, các bộ ngành có nữ, các tổng công ty tập đoàn lớn đều có nữ quản lý lãnh đạo. Đặc biệt hơn cả là hệ thống pháp luật của nước ta đã quy định vai trò và quyền của phụ nữ rất rõ và toàn diện. Nhân ngày 20/10 – ngày phụ nữ Việt Nam, LawKey xin hệ thống hoá một số quyền của phụ nữ theo pháp luật Việt Nam gửi tới Quý bạn đọc. 

Về quyền được bình đẳng giới

Điều 15, điều 16 Hiến pháp quy định: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều 26  Hiến pháp cũng quy định:  Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Luật Bình đẳng giới nêu, bình đẳng giới là  xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình

Nhà nước bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình:

1. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. 

2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình. 

3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Về quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng, thân thể, bí mật đời tư, danh dự uy tín

Hiến pháp năm 2013 quy định rõ:

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Về quyền tự do kết hôn, chế độ hôn nhân gia đình

Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Pháp luật hôn nhân và gia đình khẳng định nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của mình; vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; có nghĩa vụ sống chung với nhau…

>> Xem thêm: Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào?

Về lao động – bảo hiểm xã hội

Bộ luật Lao động có hẳn một chương quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp… 

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đảm bảo phụ nữ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động. Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp); nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương; dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu. 

Xem thêm: Những quy định của pháp luật về chế độ thai sản

Về bảo vệ phụ nữ trong luật hình sự

Pháp luật hình sự nước ta quy định rất rõ về ưu tiên bảo vệ phụ nữ như: hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; cũng là tình tiết tăng nặng định khung: Giết người mà biết là có thai, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe đối với phụ nữ đang có thai, hành hạ phụ nữ có thai, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với phụ nữ mà biết là đang có thai…

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự hiện hành còn thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý tội phạm là nữ: người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi…

Các quyền công dân cơ bản khác

Quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo….

Trên đây là một số quyền cơ bản của phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, LawKey tổng hợp.

Xem thêm: Quy định của Bộ luật lao động đối với lao động nữ mang thai

Cách đây 90 năm, Hội LHPN Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử đất nước, thời kỳ nào, ở đâu cũng in đậm dấu ấn về những cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam, góp sức dựng xây Tổ quốc. Trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ nhất (tháng 10-1930), Đảng ta đã khẳng định “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được, Đảng lại cần phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ... mục đích là mưu quyền lợi cho phụ nữ, làm cho phụ nữ được triệt để giải phóng”. Từ đó, các tổ chức phụ nữ tiền thân đầu tiên  như: Hội Phụ nữ Giải phóng; Hội Phụ nữ Dân chủ; Hội Phụ nữ Phản đế, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc… đã mở đầu cho sự hình thành, phát triển của Hội LHPN Việt Nam.  

Công cuộc đổi mới đất nước  đã mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ. Hội tiếp tục  khẳng định đóng góp của mình bằng sự nhạy bén, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hội phụ nữ các cấp đã kịp thời quan tâm, giải quyết những vấn đề thiết thân với đời sống, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên. Từ đó, triển khai các chương trình trọng tâm, phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, các cuộc vận động. Vì thế, các phong trào: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình và nuôi dạy con tốt góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, chương trình “Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”, Cuộc vận động “Xây dựng Mái ấm tình thương”… tiếp tục được phụ nữ cả nước nhiệt tình hưởng ứng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.  

Những thành quả đó là do Đảng, Nhà nước đặt trọn niềm tin, đánh giá đúng vai trò và khả năng của phụ nữ, trong đó có Hội LHPN Việt Nam trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết các lực lượng phụ nữ phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hội đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển, trưởng thành của tổ chức Hội LHPN Việt Nam, những thành tích đáng tự hào của phong trào phụ nữ 90 năm qua, còn là công sức của lớp lớp thế hệ cán bộ, hội viên, phụ nữ; là kết quả của sự phối hợp giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các ngành, các cấp trong cả nước.  

Bên cạnh những thành quả đã đạt, phụ nữ Việt Nam ngày nay vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, phụ nữ còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và quản lý còn hạn chế về năng lực cạnh tranh. Tỷ lệ phụ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ của hội phụ nữ các cấp, có nơi, có lúc chưa kịp thời; thiếu chủ động phản ánh, quyết liệt đấu tranh với các hành vi xâm hại thân thể, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em. Trình độ, năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu, đề xuất chính sách và giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội còn chậm.

Bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp tới hội viên, phụ nữ cũng như hoạt động của tổ chức Hội. Thực tế đó đòi hỏi Hội LHPN Việt Nam phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, luật pháp, chính sách, về bình đẳng giới, phù hợp giai đoạn phát triển của đất nước. Thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững an ninh, quốc phòng, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trước mắt, tập trung chủ động, tích cực giới thiệu những cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị chu đáo cho đại hội phụ nữ các cấp vào năm 2021 và đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vào quý I-2022.

Trong chặng đường mới, phát huy niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Hội LHPN Việt Nam, với khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo và tự tin thời kỳ hội nhập, cán bộ, hội viên phụ nữ luôn giữ trọn niềm tin theo Đảng và Bác Hồ, tiếp tục quyết tâm, phấn đấu không ngừng, phát huy truyền thống vẻ vang, xứng đáng với các thế hệ đi trước, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. Hội phụ nữ các cấp cần thực hiện tốt sứ mệnh “Đoàn kết, tập hợp các tầng lớp phụ nữ Việt Nam vì hạnh phúc của phụ nữ và sự thịnh vượng của đất nước”. Tiếp tục khẳng định vị thế của Hội LHPN Việt Nam là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam.