Cách làm siro lê gừng cho bé

Thời tiết giao mùa sang đông, thấy nhiều chị em than thở con bị ho quá nên em muốn mách các chị mẹo nhỏ cực công hiệu này.

Sushi nhà em mới hơn 3 tháng nhưng đã có “thâm niên” bị ho từ khi mới hơn 40 ngày tuổi. Do sinh mổ nên hệ hô hấp của con không được tốt nhưng có lẽ một phần cũng vì em lần đầu làm mẹ nên đã quá chủ quan.

Đợt Sushi sinh là vào giữa hè trời nắng nóng oi bức vô cùng. Vì sợ con nóng nên em hay thường bật điều hoà suốt ngày cho con. Phòng ngủ của em lại có đôi chút “bất cập” vì quá nhỏ, điều hoà để 27 độ thì con lạnh, tăng lên 28 độ thì hai mẹ con lại mướt mải mồ hôi. Em và chồng đã từng vô cùng bối rối không biết phải làm thế nào. Cuối cùng, cả hai thống nhất là cứ để 27 độ C rồi mặc quần áo kín cho con. Tưởng vậy là an toàn, thế nhưng cuối cùng em vẫn gặp phải “tai nạn”.

Tối hôm đó, sau khi cho bé ăn cữ cuối, em và chồng mệt quá nên cũng đắp vội cái chăn cho con mà ngủ luôn. Bình thường nghĩ Sushi chưa biết lẫy nên hai vợ chồng không lo con đạp chăn ra. Vậy nhưng không ngờ sáng hôm sau khi thức dậy, em hoảng hốt khi thấy con một nơi, chăn một nẻo, khăn xô buộc cổ cũng bị tụt ra. Vậy là mới 1 tháng rưỡi, Sushi đã chính thức bị ho.

Lần đầu làm mẹ, em hoang mang và lo lắng vô cùng. Em không dám đưa con đi khám vì sợ bé phải uống kháng sinh nhưng cũng chẳng biết phải mua thuốc gì, dùng mẹo gì cho con hết ho. Mỗi lần đang ăn sữa mà đến cơn ho, Sushi lại bị sắc, có lúc ho đỏ cả mặt, trớ hết bình sữa mới ăn được.

Hai vợ chồng em thuê nhà ở riêng, không có bố mẹ chăm sóc nhưng bản thân em cũng không dám gọi điện hỏi mẹ chồng mẹ đẻ vì sợ “ăn mắng” là mẹ không biết chăm con.

Chồng thương vợ, thương con nên ngay khi biết Sushi bị ho, anh cũng lập tức lên mạng, gọi điện cho bạn bè để hỏi kinh nghiệm chăm con. May mắn, đến chiều đi làm về, em thấy anh xã hớn hở chìa ra một tờ giấy nhỏ, khoe là “công thức bí mật để trị ho” mà anh được mấy “bà tám” trên cơ quan mách cho.

Ngó qua công thức, thấy cũng là những thứ lành, lại có sẵn trong nhà nên em và xã cũng quyết định thử xem sao. Nghĩ là làm, hai vợ chồng vào bếp lấy ít gừng, một quả lê tươi và củ cải trong tủ lạnh để chế biến. Sau 15 phút “hì hục”, cuối cùng cũng ra được hỗn hợp màu trắng đục, có mùi thơm cay cay rất hấp dẫn.

Em và anh xã hồi hộp cho Sushi nhâm nhi. Buổi tối, để bé nếm thêm 1 lần nữa, hiệu quả thật bất ngờ: Sushi đỡ ho hẳn, đêm đó, em và anh xã được một lần ngon giấc đầu tiên sau 3 ngày con bị ho, hay giật mình nửa đêm rồi khóc. Hai vợ chồng mừng lắm, gọi điện cám ơn các chị đồng nghiệp ở cơ quan anh rối rít.

Chăm con nhỏ quả thật rất nhiều rắc rối, nhất là với những người mới lần đầu làm mẹ, mỗi ngày đều là một bài học, một kinh nghiệm mới để học hỏi cho bản thân mình. Vậy nhưng em và chồng cũng rất mừng vì cả hai đã vượt qua được lần ho đầu tiên của con đó mà không cần phải đi khám bác sỹ hay cầu cứu mẹ chồng, mẹ đẻ. Thời tiết giao mùa sang đông, thấy nhiều chị em than thở con bị ho quá nên em muốn mách các chị mẹo nhỏ cực công hiệu này.

Công thức cụ thể như sau nhé:

Cách làm siro lê gừng cho bé

-1kg lê tươi

-1kg củ cải

-1 củ gừng

-khoảng 5ml mật ong (với bé dưới 1 tuổi, các mẹ thay bằng đường phèn )

Lê và củ cải, gừng rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt ép hoặc xay lấy nước..Để riêng mỗi loại nước ra..Đun sôi nước ép lê với củ cải khi sôi rồi thì đun nhỏ lửa chịu khó quấy đều đến khi đặc và sệt lại thì cho nước ép gừng và mật ong (đường phèn) vào quấy đều bật sôi lên rồi tắt bếp..để vào 1 lọ thuỷ tinh..

Ngày cho bé uống 2 lần..mỗi lần uống dùng 1 thìa nhỏ thuốc đã làm pha với 1 ít nước ấm rồi cho uống..

Nước ép lê , củ cải đường phèn ngọt ngọt cay cay rất dễ uống mà hiệu quả lại vô cùng tuyệt vời.

Mẹ Sushi

(Theo Khám phá)

Thời tiết giao mùa thường rất khó chịu, độ ẩm không khí cao, trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao trong khi trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh.

Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên sống trong môi trường đông đúc tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… khi có một bạn nhỏ bị bệnh sẽ dễ lây lan cho các bạn khác.

Vào mùa lạnh, độ ẩm trong không khí thấp và nhiệt độ môi trường không cao, đặc trưng là khí hậu lạnh ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi khuẩn, vi-rút đường hô hấp phát triển mạnh và gây bệnh cho trẻ, tiết trời ấm áp thì khi độ ẩm tăng cao sẽ là điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Đặc biệt, những trẻ hiếu động dễ sinh mồ hôi, không được lau kịp thời khiến các bệnh về đường hô hấp, ho cảm gia tăng.

Cách làm siro lê gừng cho bé
Các nguyên liệu làm siro chữa ho cho bé

Để con không phải sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, mà hậu kháng sinh thường được “khuyến mại” thêm nhiều chứng ví như rối loạn tiêu hóa, bà mẹ trẻ Trần Nguyễn Thu Trà ở Hà Nội đã thực hiện thành công siro chữa ho cho con.

Thu Trà chia sẻ: “Bé Su nhà mình 22 tháng, bị sổ mũi dài sổ mũi ngắn, cứ lau lại chảy, lau lại chảy và kèm ho. Cho đi khám, bác sỹ kết luận viêm phế quản và kê kháng sinh 5 ngày. Thuốc gồm có: kháng sinh dạng bột, kháng viêm (viên trái tim), viên giảm tiết dịch (viên vàng dài), vitamin tổng hợp. Sau khi uống, tình hình không cải thiện là mấy. Đến ngày thứ 4 uống thuốc, mọi việc trở nên khá tồi tệ khi nước mũi của con chảy quá trời, ho nặng đờm hơn. Nói chung là kháng sinh không xi-nhê gì.

May mắn thay, mình đọc được bài viết làm siro ho của chị Trà My, thật sự cảm ơn chị vì chia sẻ công thức cho các mẹ bỉm sữa, trong đó có mình. Sau khi đọc công thức của chị, mình có kết hợp đọc thêm tài liệu, và thay đổi chút công thức cùng cách làm (về cơ bản thì dựa trên công thức của chị), vì lúc đó con mình ho đờm nặng và nước mũi nhiều.

Mấy ngày đầu sử dụng siro không thấy gì, ngày thứ 3, 4, sáng nào con dậy cũng ho rồi nhổ được ra cả đờm (đờm đã long ra). Con mình uống đến nay đã là 7 ngày, và hết 90% các triệu chứng, chỉ còn một chút xíu nước mũi bên lỗ mũi. Bé Sâu nhà mình bị ho, uống ké của em cũng đã khỏi ho. Mình đang làm thêm 3-4 ngày nữa để cho con uống dứt hẳn. Trong quá trình uống si-rô này, mình không dùng thêm kháng sinh, mà chỉ tích cực rửa mũi cho con (dùng bình rửa mũi chuyên dụng)”.

Cách làm siro lê gừng cho bé

Nguyên liệu:

-1/2 quả lê (nếu lê to) hoặc 1 quả lê (nếu là loại lê nhỏ)

-1/4 củ cải trắng

-1 nhánh gừng nhỏ thái sợi

-2 đến 3 tép tỏi (nếu bé ho đờm, sổ mũi xanh thì dùng tỏi, còn nếu nước mũi trong hoặc không có đờm thì không cần dùng nhé)

-Mật ong

-Đường phèn (có thể dùng hoặc không dùng)

-Một nhúm muối nhỏ

Cách làm:

- Lê gọt vỏ thái miếng nhỏ, mỏng

- Củ cải gọt vỏ thái miếng nhỏ, mỏng

- Gừng thái sợi

- Tỏi bóc vỏ

- Cho tất cả vào một cái bát, đổ mật ong ngập nguyên liệu, cho nhúm muối nhỏ vào

- Đem tất cả nguyên liệu đã trộn chung cho lên chưng (hấp) cách thủy từ 30-45 phút

- Khi lê và củ cải đã đạt (trở nên hơi trong, mềm, dùng đũa có thể xiên qua dễ dàng) thì mang ra ngoài, đổ vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn thành một hỗn hợp đồng nhất.

- Liều dùng: Bé từ trên 1 tuổi đến 3 tuổi: 10ml/lần, ngày 3 lần. Bé từ trên 3 tuổi: 20ml lần, ngày 3 lần.

Chú ý: Các mẹ cần cho con uống kiên trì kết hợp giữ ấm. Nhưng các mẹ cũng nên cho con đi khám nếu uống 1 tuần không thấy thuyên giảm. Nếu bị các chứng bắt buộc phải dùng kháng sinh thì không tránh khỏi (như viêm tai giữa chẳng hạn).

Có thể thay đổi mật ong bằng đường phèn cho bé dưới 12 tháng. Vì trẻ dưới 1 tuổi được khuyến cáo là không nên dùng mật ong.

“Hiện bé nhà mình cũng gần 4 tuổi rưỡi, nhưng giờ vẫn dùng siro. Từ đợt mới sinh bị ho, mình đã đã dùng đường phèn hấp húng chanh, nói chung là lành tính. Ho thì không phải nguyên nhân do virus hay vi khuẩn thì uống thuốc cũng không giải quyết được. Siro ho một ngày sử dụng 3 lần cho bé, vì trong mật ong có tính sát khuẩn rồi nên để siro vài ngày cũng không vấn đề. Thông thường khi bé bị ho thì mình cho bé sử dụng siro luôn khoảng 5-7 ngày là khỏi”, chị Thu Trà cho hay

Khi được hỏi về cách làm này, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết: “Cách chữa ho bằng quả lê rất hiệu quả cho việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ và cả người lớn, ngoài ra, quả lê còn có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, xương khớp và nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Củ cải trắng có tên thuốc là la bạc tử, theo Đông y, la bặc tử (hạt củ cải) vị cay ngọt, tính bình. Vào kinh tỳ, vị và phế. Có tác dụng đưa hơi đi xuống (giáng khí), trừ đờm; ngoài ra, còn có tác dụng tiêu thực (giúp tiêu hóa).

Còn củ cải tươi ép, chắt lấy nước có thể chữa được viêm họng. Ngoài ra, gừng, tỏi, mật ong đều rất tốt cho sức khỏe, các nguyên liệu này xay và ép nước tạo ra một hỗn hợp trị ho, giảm đau họng, khản tiếng, ngoài ra còn bổ sung cho cơ thể một lượng dưỡng chất rất hiệu quả, tăng hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Các nguyên liệu này đều khá lành tính, nên siro này an toàn cho trẻ nhỏ”.

Thúy An