Cách phòng trừ sâu đục thân, đục cành hại cây ăn quả có múi

 Sâu đục thân, sâu đục cành điều trưởng thành là loài xén tóc lớn có khả năng phát tán di trú lây lan rộng, vòng đời kéo dài một năm, là loài đa thực gây hại nhiều loại cây trồng nông nghiệp và lâm nghiệp. Ấu trùng, nhộng nằm sâu trong thân cây, cành cây nên các loài thiên địch rất khó phát hiện, thuốc bảo vệ thực vật khó tiếp xúc để tiêu diệt nên phải thực hiện tổng hợp các biện pháp phòng trừ và phải phòng trừ đúng thời điểm mới đạt kết quả cao.

Đặc điểm gây hại của sâu đục thân và sâu đục cành điều: Con trưởng thành sâu đục thân thường đẻ trứng vào các kẽ nứt trên vỏ cây, cách gốc 1,5 m trở xuống. Sâu non nở ra, đục vào phần mô vỏ cây, ăn mô vỏ và phần gỗ mềm tiếp giáp với lớp vỏ tạo thành các đường hầm có nhiều ngõ ngách dưới vỏ. Ở đầu miệng lỗ, có nhựa và mùn cây đùn ra. Khi sâu non đục khoanh tròn chu vi thân, cắt đứt mạch dẫn nhựa thì cây sẽ vàng lá và chết dần. Sâu non thường gây hại từ tháng 2-11 hàng năm, nhưng tập trung gây hại nặng vào khoảng tháng 7-9. Con trưởng thành sâu đục cành, thường đẻ trứng vào chồi hoa, các chồi khô, chồi ngừng sinh trưởng của vụ trước. Sâu non sau khi nở, đục một đường hầm từ ngọn chồi xuống các cành lớn hơn thậm chí đến lõi thân chính. Sâu non đục các lỗ có khoảng cách đều nhau khoảng 20-25 cm dọc theo cành bị đục để thải phân ra ngoài và để thở. Sâu đục bên trong làm cho cành suy yếu, dễ bị gẫy trong mùa mưa và khi mang quả nặng.

Năm 2012-2014, tình hình sâu đục thân, sâu đục cành điều gây hại mạnh trên diện tích điều của huyện Đạ Huoai, đặc biệt là 5 xã phía bắc của huyện(xã Đạ Ploa, TTĐạ M’ri, xã Đoàn Kếtxã Hà Lâm và xã Phước Lộc) và chủ yếu gây hại trên cây điều có độ tuổi từ 5-8 năm tuổi. Theo số liệu điều tra, thống kê năm 2014, toàn huyện có 142,8 ha điều bị sâu đục thân, đục cành gây hại, nhiều vườn tỷ lệ cây bị hại lên đến 100%, tỷ lệ cành bị hại 50-70% gây thiệt hại không nhỏ tới năng suất điều và chi phí mua thuốc phòng trừ. Tuy nhiên do phương pháp phòng trừ không đúng nên hiệu quả đạt thấp.

Do vậy, để tìm ra biện pháp, loại thuốc phòng trừ hiệu quả, giới thiệu cho nông dân ứng dụng nhân rộng, nhằm ngăn chặn sự lây lan đang có xu hướng ngày càng tăng trên diện tích điều của huyện. Năm 2014, được sự hỗ trợ chuyên môn của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm đồng, Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai đã triển khai thành công mô hình trình diễn phòng trừ sâu đục thân cành điều tại xã ĐạPloa và thị trấn Đạ M’ri, quy mô 2 điểm (0,5ha/điểm), thời gian triển khai từ tháng 4- 8/2014.

Mô hình được áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ gồm: tỉa cành tạo tán thông thoáng, bón phân, đặt bẫy thu gom tiêu diệt con trưởng thành, đồng thời phun thuốc BVTV ngay từ giai đoạn con trưởng thành đẻ trứng (từ tháng 4 – tháng 6) để tiêu diệt trứng và sâu non. Thực hiện khảo nghiệm 4 loại thuốc BVTVchia làm 3 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức xử lý lặp lại 6 lần (nghiệm thức 1 dùng thuốc Bini 58 40ND + FM Tox 50EC, nghiệm thức 2 dùng thuốc Regent 800WG, nghiệm thức 3 dùng thuốc Catex 3.6EC). Sau 6 lần xử lý thuốc (thời điểm phun bắt đầu từ  ngày 11/4/2014 đến ngày 19/7/2014), với 9 lần điều tra, kết quả nghiệm thức sử dụng thuốc Regent 800WG đã mang lại hiệu quả phòng trừ cao nhất, vết bệnh mới giảm 87,4% so với ban đầu (ban đầu 5.72 vết/cây, sau 6 lần xử lý thuốc Regent còn 0,72 vết/cây). Trong khi đó, tại khu vực đối chứng, mật độ vết bệnh mới tăng so với ban đầu là 71,6% (ban đầu  4,4 vết/cây, sau đó tăng lên 7,55 vết/cây). Ngày 14/11, Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai đã tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu kết quả mô hình và hướng dẫn quy trình phòng trừ sâu đục thân, cành điều tới hơn 50 hộ dân trồng điều. Qua nội dung hội thảo và tham quan thực tế mô hình, nông dân rất phấn khởi, tin tưởng rằng loại sâu này không khó phòng trừ, chỉ là bà con phòng trừ chưa đúng cách, đúng thuốc, đúng thời điểm.

Trên cơ sở hiệu quả đạt được từ mô hình trình diễn nêu trên, Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai giới thiệu biện pháp phòng trừ sâu đục thân, sâu đục cành điều để bà con nông dân ứng dụng. Cụ thể như sau:

1- Biện pháp canh tác:

Hướng dẫn nông hộ tỉa thưa, tỉa cành, tạo tán, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật để tạo thông thoáng cho vườn điều, nhằm loại bỏ trứng, ấu trùng sâu non nằm bên trong các cành nhánh vô hiệu.

Tiến hành tỉa cành, tạo tán 2 lần/năm: lần đầu được tiến hành ngay sau vụ thu hoạch kết thúc vào tháng 4, kết hợp với việc dọn vườn, phát quang bụi rậm, bón phân đợt 1 cho cây. Lần thứ hai tiến hành vào tháng 9 kết hợp với việc làm cỏ, bón phân đợt 2.

Tỉa thưa vườn điều (nếu vườn quá dày) và tỉa toàn bộ những cành  bị nhiễm sâu bệnh, cành giao nhau, cành vượt, cành sà thấp sát mặt đất, cành khô... Các cành lá sau khi tỉa bỏ phải được dọn khỏi vườn cây và đốt tiêu hủy sâu non và trưởng thành còn nằm bên trong. Các vết cắt cành lớn hơn >1cm phải quét bằng dung dịch Bordeaux (1 CuSO4: 4 vôi : 15 nước) hoặc nước sơn, vôi…để phòng nấm bệnh và con trưởng thành sâu đục thân đến đẻ trứng.

2- Biện pháp sinh học:

Cách phòng trừ sâu đục thân, đục cành hại cây ăn quả có múi
Mỗi điểm mô hình được đặt 1 bẫy đèn để xác định thời điểm thành trùng ra rộ và thu gom, bắt con trưởng thành nhằm hạn chế lượng trứng được đẻ ra. Thời điểm đặt bẫy từ cuối tháng 3-4 dương lịch, thời gian thắp sáng bẫy đèn từ 18 giờ tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau (trừ những ngày có trăng sáng).

Cách lắp đt bẫy đèn: Dụng cụ gồm dây điện, bóng điện 4U, tôn phẳng, bạt nilong, nhớt thải, cọc tầm vông. Tiến hành đào hố trữ nước quy cách: rộng 2m, dài 2m, sâu 35- 40cm; lót bạt trữ nước bằng nilong dầy 3mm dưới đáy hố để trữ nước; dùng tấm tôn phẳng, kích thước 1m x 2m (tôn còn mới) làm bẫy; đóng tấm tôn vào 2 cọc tầm vông, chôn giữa hố đào cao hơn mặt nước trong hố từ 60- 65cm. Trên đầu tấm tôn, khoét 1 lỗ để treo bóng đèn 4W, khi nhận được ánh sáng, thành trùng sẽ bay đến, đập vào tấm tôn, rớt xuống hố, nước trong hố pha với nhớt thải nên xén tóc rớt xuống không bò hoặc bay đi được. Hàng ngày thu gom, tiêu diệt con thành trùng.

- Dùng dung dịch Bordeaux hoặc nước vôi (50kg/200lit nước) quét quanh gốc từ 1,5 m trở xuống và quét lên các vết thương >1cm do đốn tỉa cành để ngăn sâu trưởng thành đến đẻ trứng và hạn chế nấm bệnh.

- Khi phát hiện thấy triệu chứng gây hại thì dùng dao sắc đẽo lớp vỏ cây theo đường hầm để bắt sâu non, sau đó quét dung dịch Bordeaux lên vết thương để ngăn nấm bệnh phát triển.

3- Biện pháp hóa học:

Dùng các loại thuốc hóa học Regent 800WG, liều lượng 0,1 gam/1lít nước, Bini 58 40ND liều lượng 3 ml/lít nước, thời gian phun từ tháng 4 đến tháng 6 để xua đuổi thành trùng đồng thời tiêu diệt một số sâu non mới nở (tuổi 1-2), khoảng cách giữa hai lần phun là 20-30 ngày/lần. Phun 600-800 lít dung dịch nước thuốc/1 ha. Phun vào lúc trời mát những ngày không mưa và phải phun kỹ đảm bảo thuốc phải được bám dính toàn bộ cây (thân, cành, lá).

Có thể sử dụng các loại thuốc có khả năng lưu dẫn, nội hấp, xông hơi mạnh như: Regent 800WG, Vibasudin 50ND, Viphensa 50ND, Bini 58 40ND, dùng xylanh bơm thuốc vào đường hầm. Sau khi bơm thuốc dùng đất sét hoặc bông gòn nhét lỗ đục lại để diệt sâu non.

Việc phòng trừ sâu đục thân, đục cành đều phải được tiến hành thường xuyên hàng năm và phải được nhiều hộ nông dân trong vùng cùng thực hiện mới  đạt được hiệu quả phòng trừ bền vững; tránh sự phát tán, di trú của con trưởng thành từ những vườn không phòng trừ sang vườn có phòng trừ. Do vậy, khuyến cáo bà con nông dân trồng điều, đặc biệt là các vùng đang bị gây hại nặng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tích cực phòng trừ./

Nguyễn Thị Thu Thắm

Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai