Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu

Mình hay nhận được những email như: “Em muốn viết truyện nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Mong chị hướng dẫn giúp“. Hoặc: “Mình năm nay 60 tuổi, từ lâu đã rất muốn viết văn nhưng không biết bắt đầu thế nào…”.

Từ kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với công việc viết lách, trong đó có viết báo, viết kịch bản phim, viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tản văn…Nguyễn Nga sẽ chia sẻ đến bạn đọc 10 bước cơ bản để bắt đầu viết truyện. Các bạn có thể áp dụng cách này để viết văn, viết kịch bản phim…

  1. Nghiên cứu thể loại/chủ đề muốn viết
  2. Chuẩn bị không gian để viết
  3. Chọn công cụ để viết
  4. Chuẩn bị ý tưởng
  5. Viết đề cương câu chuyện
  6. Quy định số lượng từ viết trong ngày
  7. Nên viết mở đầu ra sao
  8. Nghĩ về câu chuyện và nhân vật mỗi ngày
  9. Lắng nghe những góp ý
  10. Gọt giũa bản thảo

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu

Xem video hướng dẫn 10 bước để bắt đầu viết một cuốn sách

1.Nghiên cứu thể loại/chủ để muốn viết

Thể loại truyện khá phong phú đa dạng từ truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết….Bạn có thể viết những câu chuyện mang hiện thực cuộc sống hay thế giới kỳ ảo như tiên hiệp, ma mị…

Việc chọn chủ đề câu chuyện để viết trong cuộc sống cũng khá phong phú. Chủ đề tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình… Phong cách viết cũng như giọng văn của bạn có thể là bi, hài, lạnh lùng…

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Trước khi viết truyện, bạn nên tìm hiểu các tác giả viết cùng chủ đề và thể loại với bạn

Sau khi đã xác định thể loại, chủ đề, phong cách và giọng văn, bạn nên dành thời gian nghiên cứu các tác giả thành công trong lĩnh vực viết mà mình đang muốn theo đuổi.

Bạn chọn đọc các tác phẩm của họ để từ đó học hỏi được điều gì giúp họ làm nên tên tuổi. Việc học hỏi này cũng giúp bạn đi tìm phong cách cho riêng mình, tạo sự khác biệt với những tác giả đã “đóng dấu” phong cách hành văn của họ trong tâm trí bạn đọc.

2. Chuẩn bị không gian để viết

Có một khoảng thời gian hơn 1 năm, Nguyễn Nga cũng đã khá sai lầm khi chọn không gian viết. Khi ấy, mình đặt bàn viết ngay hướng gần cầu thang của nhà mình. Nhưng vì dưới tầng trệt của nhà là tiệm hoa tươi nên mọi người thường xuyên đi lên xuống. Kết quả là sau 1 năm, mình đã không thể viết xong cuốn tiểu thuyết như lịch hẹn “mỗi năm một cuốn sách”. Bởi mỗi ngày trôi qua, có quá nhiều người, nhiều tiếng ồn…quấy nhiều tâm trí mình. Mình không thể tập trung viết tiểu thuyết được.

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Bạn nên thiết lập không gian phù hợp cho việc viết lách

Rút kinh nghiệm, mình bắt đầu suy nghĩ và tìm hiểu về không gian viết lách cho một người hướng nội. Và mình nhận ra, mình tập trung tốt nhất khi ở một mình, thật yên tĩnh vào buổi sáng sớm. Từ đó, mình bắt đầu dành 1-2 giờ mỗi sáng ở những quán cà phê yên tĩnh. Hoặc nếu viết ở nhà thì mình chọn viết trong phòng riêng và khóa cửa trong lại để người thân khỏi làm phiền.

Còn bạn cũng nên khám phá và tìm hiểu xem bản thân mình thấy việc ngồi viết ở đâu và khi nào là thoải mái, tập trung nhất? Sau đó, bạn hãy nhanh chóng thiết lập không gian viết lách cho riêng mình nhé!

3. Chọn công cụ viết

Ngày xưa, các nhà văn thường chọn viết lách bằng bút và giấy. Chỉ cần cho họ một cây bút, một cuốn sổ là những áng văn chương để đời sẽ xuất hiện.

Nhưng ngày nay, xã hội hiện đại, điện thoại, máy tính ra đời nên việc chọn công cụ viết lách của các nhà văn cũng ít nhiều thay đổi. Nguyễn Nga thường viết trên cả điện thoại lẫn máy tính cá nhân.

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Bạn có thể viết trên điện thoại, máy tính, sổ tay…

Với điện thoại, mình thường viết những khi không có chỗ để đặt bàn, hoặc phải đi lại bất tiện hay không có nhiều thời gian. Còn nếu có không gian thoải mái, thời gian dư dả, mình sẽ chọn viết trên máy tính. Thi thoảng, mình cũng ghi chép nhanh vào các cuốn sổ tay để thay đổi tâm trạng và có thêm cảm hứng sáng tác.

Các bạn cũng nên linh hoạt trong việc chọn công cụ viết để mình có thể tận dụng tối đa thời gian cũng như không gian để viết truyện nhé!

4.Chuẩn bị ý tưởng

Với một nhà văn, mỗi ngày sẽ có rất nhiều ý tưởng xuất hiện trong đầu bạn. Nhưng bạn phải giống như một ban giám khảo khó tính. Bạn mạnh dạn sàng lọc và chọn lựa xem dùng ý tưởng nào cho tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, hay thậm chí là nội dung cho blog…

Nếu bạn đã xác định là đầu tư nhiều thời gian, công sức, tâm sức cho câu chuyện tiểu thuyết sắp tới, bạn càng phải chọn lọc ý tưởng thật kỹ càng. Hãy chọn một ý tưởng đủ lớn, độc đáo, thú vị, hấp dẫn để công sức mình đổ ra xứng đáng với nó.

5. Viết đề cương câu chuyện

Việc viết đề cương câu chuyện vô cùng quan trọng. Nó giống như khi bạn muốn thiết kế một bộ quần áo, bạn phải vẽ phác thảo hình dáng bộ đồ đó trước khi cắt vải, đo đạc và may.

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Việc viết đề cương cho câu chuyện vô cùng quan trọng

Từ kinh nghiệm viết kịch bản phim truyền hình, khi chuyển qua viết tiểu thuyết, mình đã nghiệm ra việc viết đề cương câu chuyện vô cùng quan trọng. Nếu đề cương của bạn không chặt chẽ, khi hoàn thành tiểu thuyết, bạn phải sửa, thậm chí là viết lại toàn bộ tiểu thuyết.

6.Quy định số lượng từ viết trong ngày

Nhà văn đa phần là những người làm nghề tự do. Do đó, việc kỷ luật đối với bản thân là một điều rất quan trọng. Nó quyết định bạn có thể theo đuổi và gắn bó với nghề viết suốt đời được hay không?

Bạn nên tự nghiêm khắc đặt ra số lượng từ hoặc trang mình phải hoàn thành trong một ngày. Khi viết kịch bản phim, Nguyễn Nga luôn đặt mục tiêu là 3 ngày phải viết xong một tập từ 7-8.000 từ.

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Việc đặt ra thời hạn để hoàn thành tác phẩm giúp bạn tránh được “bệnh” trì hoãn

Sau này, viết tiểu thuyết, mình đặt lại mục tiêu là mỗi năm phải viết xong một cuốn sách. Và trong giai đoạn viết, mỗi ngày phải viết được ít nhất là 1.000 chữ. Luôn nhắc nhở bản thân bắt đầu công việc viết ngay khi thức dậy để bạn có động lực hoàn thành cuốn sách nhanh chóng. Việc này giúp cho bản thân bạn, tránh thói quen trì hoãn việc viết văn.

7. Nên viết mở đầu ra sao

Giống như khi bạn viết một bài văn, Nguyễn Nga vẫn luôn thấy việc mở đầu thường gây khó khăn cho mình nhất.

Đặc biệt, ở thời đại 4.0, mọi thứ dường như đều cần nhanh chóng, gấp gáp…Đa phần mọi người sẽ không đủ kiên nhẫn để đọc tiếp câu chuyện nếu thấy mở đầu không đủ sức hút, “ghim” họ ở lại câu chuyện.

Khi viết cuốn tiểu thuyết “Bà già đến từ âm phủ-tập 1”, Nguyễn Nga đã nhận ra điều này. Một bạn đọc đã nhắn tin cho mình hỏi rằng câu chuyện này thật ra kết thúc là sao vậy? Khi đó, mình khá ngạc nhiên hỏi lại bạn ấy đã đọc hết tập 1 chưa? Bạn này thật thà thú nhận là em đọc đoạn đầu, thấy diễn biến chậm quá, không đủ kiên nhẫn đọc tiếp…

Diễn biến chậm ở đây là sự thiếu sức hấp dẫn, thiếu một cú “hích” để đóng đinh độc giả của bạn vào trang sách. Từ đó, mình nhận ra viết đoạn mở đầu câu chuyện rất quan trọng. Bạn phải suy nghĩ tình huống sao cho thật cuốn hút để giữ chân bạn đọc nhé!

8.Nghĩ về câu chuyện và nhân vật mỗi ngày

Viết một câu chuyện mới với một nhà văn luôn lần đầu “khởi nghiệp”. Bạn phải luôn dành thời gian suy nghĩ cho những bước ngoặt, thoại, tính cách, số phận, hoàn cảnh của các nhân vật….

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Bạn phải luôn nghĩ đến câu chuyện mình đã đang và sắp viết ra mỗi ngày

Để câu chuyện của bạn luôn kết nối với nhau logic, bạn càng phải nghĩ đến nó mỗi ngày. Mình vừa làm thêm, vừa viết tiểu thuyết. Nên thú thật, có một giai đoạn, khi ấy công việc làm thêm quá nhiều và áp lực dẫn đến mình viết tiểu thuyết theo kiểu “chắp vá”. Mỗi ngày, cứ có chút thì giờ là mình ngồi vào bàn viết như một cái máy. Viết xong, mình nhanh chóng thoát ra để làm thêm.

Mình cứ quay cuồng trong công việc làm thêm nên chẳng còn thời gian để “nuôi” nhân vật và câu chuyện trong đầu mình, trước khi viết. Kết quả là tập 2 tiểu thuyết của mình bị “hỏng” quá nhiều chỗ. May là bạn biên tập có tâm đã giúp mình chỉ ra những điều không ổn để mình viết lại.

9.Lắng nghe những góp ý

Trong thời gian viết tiểu thuyết cũng như kịch bản phim, mình đã rất may mắn khi gặp được những biên tập, độc giả góp ý về những điều không “ổn” trong các tác phẩm của mình. Chính nhờ những góp ý của họ, giúp mình nâng tầm cho tác phẩm lên rất nhiều.

Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu
Hãy lẵng nghe những góp ý quý giá từ bạn đọc và các biên tập viên của bạn

“Văn mình, vợ người”, khiến bạn sẽ không đủ tỉnh táo, sáng suốt để nhìn thấy những hạt “sạn” làm lấn cấn khó chịu trong những trang viết của bạn. Nhưng những người ngoài cuộc thường sáng suốt và họ sẽ giúp bạn loại bỏ những hạt “sạn” khó chịu ấy đi.

10. Đánh bóng bản thảo

Sau khi viết truyện xong, bạn đừng vội vui mừng vì nghĩ đã hoàn thành tác phẩm và ra mắt bạn đọc ngay. Với mình, việc viết xong cuốn tiểu thuyết cũng giống như bạn xây xong một ngôi nhà mà chưa được sơn phết. Ngôi nhà ấy còn thô sơ và không thu hút người nhìn.

Người biên tập đầu tiên chính là bạn. Bạn phải bắt tay vào chỉnh sửa, cắt tỉa, làm sao để bản thảo ấy càng lúc càng hay hơn. Sau đó, bạn tiếp tục tìm bạn đọc beta truyện giúp bạn phát hiện những điều chưa hợp lý từ câu chuyện. Và cuối cùng, bạn đừng quên tìm cho mình một biên tập viên phù hợp với thể loại bạn viết để hoàn thành công đoạn cuối trong việc “đánh bóng” bản thảo.

Tổng kết:

Đây là 10 bước cơ bản để bạn bắt đầu viết truyện. Tuy nhiên, trong quá trình viết sẽ còn nhiều việc, nhiều khó khăn mà bạn phải xử lý. Việc viết văn chưa bao giờ là dễ dàng, ngược lại còn cần rất nhiều kiên nhẫn. Mến chúc các bạn có nhiều động lực và đam mê để theo đuổi những con chữ hữu ích cho đời này nhé!