Chủ nghĩa nhân văn trong văn học Việt Nam

1. Chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử quá trình đấu tranh và xây dựng để xác lập một cộng đồng văn hóa có chung cội nguồn, có truyền thống lâu đời, bền vững với những giá trị cốt lõi hình thành nên chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.

Căn bản của chủ nghĩa nhân văn là ca ngợi và tôn vinh các giá trị mang tính người của con người trong đời sống hiện thực. Nói một cách sơ lược thì chủ nghĩa nhân văn là một hệ thống tư tưởng lấy cõi người, lấy con người làm trọng. Công cuộc kiến thiết văn hóa là một công cuộc của người và lấy con người, lấy cõi đời làm bản vị (Đặng Thai Mai). Các giá trị nhân văn và cao hơn là chủ nghĩa nhân văn Việt Nam (được hiểu như là một hệ thống các giá trị nhân văn) đã xuất hiện từ rất sớm trong tiến trình lịch sử phát triển dân tộc. Ở đó tình thương yêu con người, coi trọng nhân phẩm, coi trọng quyền được phát triển của con người, coi lợi ích con người là tiêu chuẩn của các quan hệ xã hội dần hình thành và trở thành một hệ thống trong quan niệm, trong tư duy, trong cách sống của cả một cộng đồng.

Chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam nằm trong dòng chảy văn hóa và làm nên bản lĩnh sáng tạo, sức sống của con người Việt Nam, kết tinh thành hệ giá trị chân - thiện - mỹ gắn với con người và cuộc đời, biểu hiện thành tâm lý và ý thức, phong tục tập quán và lối sống, tạo thành tính cách của con người và cộng đồng dân tộc. Các giá trị nhân văn truyền thống đó chi phối quan niệm, tư tưởng, triết lý, đạo đức và cách thức ứng xử, làm nên diện mạo tinh thần, tâm hồn và tình cảm của cả một dân tộc, là hệ quy chiếu để xác lập các giá trị trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người và xã hội... 

Chủ nghĩa nhân văn truyền thống của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, trong một không gian kinh tế - xã hội được gọi là phương thức sản xuất châu Á. Nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận chủ nghĩa nhân văn như là một bản sắc chủ đạo của truyền thống văn hoá Việt Nam. Xuất phát từ nền văn minh lúa nước Đông Nam Á, mô hình kinh tế xã hội và chế độ phong kiến kiểu châu Á mà phổ biến là trình độ kinh tế tiểu nông, nền tảng xã hội và cấu trúc làng xã cổ truyền kết nối thành một cộng đồng quốc gia, lại liên tục phải chiến đấu chống giặc ngoại xâm đã làm nên những nét riêng của chủ nghĩa nhân văn trong văn hoá Việt Nam. Các nhà nghiên cứu văn hoá nhận thấy chủ nghĩa nhân văn ở Việt Nam trong lịch sử có đặc điểm là gắn với đời sống hiện thực, nhập thế, thiên về tính chất hành động có tính thực tiễn, ít lý thuyết, luận lý. Đồng thời, chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam lại rất cởi mở, bao dung và hoà đồng, biết tiếp thu, tôn trọng  những giá trị văn hóa khác. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam vừa tinh tế vừa bình dị, giá trị cao sâu mà vẫn thông dụng với mọi người.

Nền văn hoá Việt Nam thấm đẫm tinh thần nhân văn trước hết vì nó luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, luôn coi con người là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của tạo hoá. Biểu hiện của các giá trị nhân văn trong văn hoá Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Một cách rất tự nhiên, những con người trong cùng một cộng đồng dân tộc Việt Nam đã hình thành lối sống nhân ái, vị tha, nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương con người, quý trọng con người, tất cả vì con người: “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”… 

Trải qua quá trình lịch sử đầy thử thách khắc nghiệt chống thiên tai và chống ngoại xâm, người Việt Nam đã hình thành nên nhu cầu nương tựa vào nhau, cố kết cộng đồng, đoàn kết để tồn tại và phát triển. Có thể khẳng định rằng giá trị nhân cách của con người Việt Nam, sự cao quý của tư tưởng và tâm hồn Việt Nam chính là tình cảm yêu nước, thương nòi và làm thành đặc điểm cơ bản, nổi bật của chủ nghĩa nhân văn truyền thống dân tộc. Yêu nước và tình cảm yêu nước, thương người phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, kết tinh trong nó những giá trị bền vững của chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam, trở thành ý chí và bản lĩnh của cả dân tộc. Ý chí và bản lĩnh ấy hết sức mãnh liệt, được thể hiện rõ nét nhất trong những thời kỳ dân tộc gặp nguy nan, bị ngoại bang xâm lược. Không cam chịu làm nô lệ, không có gì quý hơn độc lập tự do trở thành chân lý được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, biểu hiện thành ý chí, thành trí tuệ, thành hành động đoàn kết, bất khuất, kiên cường, quật khởi, tạo nên tinh thần và khí phách của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam để chiến thắng thiên tai và địch họa. Ý chí anh hùng, hành động anh hùng và phẩm chất anh hùng phổ biến trong nhiều thời kỳ lịch sử trở thành thang giá trị của chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam.

Trong lịch sử, nhiều giá trị nhân văn từ các cộng đồng văn hóa khác bằng những con đường khác nhau đã được du nhập và được người Việt Nam tiếp thu, chuyển hóa cho phù hợp và dần trở thành các giá trị nhân văn của dân tộc, trở thành văn hoá truyền thống, như lòng từ bi, hỉ xả, phổ độ chúng sinh của đạo Phật; tinh thần nhân nghĩa, trọng lễ, đề cao nhân - trí - dũng của Nho giáo; lòng nhân ái của đạo Thiên Chúa… Trong xu thế phát triển chung của thế giới, dân tộc Việt Nam cũng tiếp thu nhiều giá trị nhân văn có tính nhân loại phổ quát như tự do, bình đẳng, bác ái phù hợp với truyền thống dân tộc và xu hướng phát triển khách quan của thời đại.

Trải qua biến thiên của lịch sử, chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam được tô đẹp thêm bởi những mẫu hình nhân cách con người tiết tháo, khí phách, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, không chịu khuất phục trước kẻ thù: “Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng - thế kỷ XIII), “Thà chịu tội với nhất thời quyết không mắc tội với vạn thế!” (Nguyễn Quang Bích - thế kỷ XIX). Biết bao bậc anh hùng hào kiệt đã cùng nhân dân làm nên những chiến công hiển hách, ghi những trang sử chói lọi: “Bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước đã” (Trần Quốc Tuấn - thế kỷ XIII); “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân có chí có anh hùng” (Nguyễn Trãi - thế kỷ XV); “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Quang Trung - thế kỷ XVIII),…

Từ cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, dân tộc Việt Nam một lần nữa phải trải qua một thử thách khắc nghiệt chưa từng có. Bất chấp sự dã man, tàn bạo của kẻ thù, nhân dân ta liên tiếp vùng lên đánh giặc, nhiều cuộc kháng chiến của nhân dân, nhiều tấm gương anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống... Kể từ khi đội quân viễn chinh Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng rồi cưỡng đoạt độc lập tự do của dân tộc, cho đến đầu thế kỷ XX, trên thực tế quân xâm lược Pháp đã áp đặt nền văn hóa thực dân lên nền văn hóa cổ truyền của Việt Nam. Thực dân Pháp bắt trẻ em người Việt phải học vỡ lòng bài học lịch sử đầu tiên trong đời “tổ tiên chúng ta là người Gô-Loa” (Nos ancêtres sont des Gaulois).

Từ phong trào Cần Vương (1885-1896) đến Khởi nghĩa Yên Bái (9.2.1930), chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam liên tục bị thử thách khi các cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập dân tộc bị dìm trong biển máu. Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến cuộc khủng hoảng về con đường đấu tranh cứu nước.

Một lần nữa lối sống cao đẹp luôn giữ trọn phẩm hạnh trong mọi hoàn cảnh “chết vinh còn hơn sống nhục”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của những “bông sen Việt Nam”,… biểu tượng cho nhân cách, tâm hồn thanh cao của con người Việt Nam lại được phát huy, trở thành biểu hiện cao nhất trong giá trị làm người.

Trên nền tảng lòng yêu nước nồng nàn quyện chặt với tình cảm nhân ái của nhân dân, chủ nghĩa nhân văn truyền thống cần phải được phát triển trong một tầm thế mới. Trước biến thiên của lịch sử, những giá trị truyền thống của dân tộc lại tìm cách tiếp nhận những giá trị mới để vươn lên, đáp ứng với đòi hỏi của thời kỳ lịch sử mới, với những yêu cầu mới để đòi lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

2. Con đường cứu nước giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã kết hợp truyền thống nhân văn dân tộc và tinh hoa thời đại

Trước yêu cầu cấp bách phải tìm một con đường cứu nước mới, bằng thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén, tháng 6.1911 Nguyễn Ái Quốc đã lên đường sang các nước phương Tây, tìm hiểu tận nơi khởi phát tư tưởng dân chủ tự do với nền văn minh đang có sức mạnh vượt trội, để rồi trở về nước giúp đồng bào giải phóng khỏi xích xiềng nô lệ.

Cuộc hành trình dài qua nhiều đại dương và lục địa là một cuộc khảo sát vô cùng phong phú, đã đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một vốn tri thức lớn, hình thành một tình cảm cách mạng sâu sắc, làm cơ sở cho Người đi đến một sự lựa chọn chính xác con đường giải phóng dân tộc trong thời đại mới.

Hành trang của Nguyễn Ái Quốc có truyền thống dân tộc và chủ nghĩa nhân văn phương Đông Nho giáo, Phật giáo đã gặp chủ nghĩa nhân văn của thời Phục hưng và cách mạng tư sản Pháp. Người đã đến với nền văn hóa và tư tưởng nhân văn tiến bộ ở phương Tây thông qua con đường tự học tập, trải mình trong lao động, đấu tranh. Từ tình thương yêu con người, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột mà Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam, đề ra chiến lược, chiến thuật tổ chức và lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.

Tháng 12.1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (Tours) Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Việt Nam, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, mở đường giải quyết đúng đắn về đường lối giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã đến với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản... Người xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).  

Khẳng định chỉ có con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, nói rộng ra là giải phóng xã hội và con người, Nguyễn Ái Quốc và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh sứ mệnh trở thành kiến trúc sư của cách mạng Việt Nam, đã thiết kế và chỉ đạo công cuộc giải phóng ấy.

Từ năm 1920 đến 1925 là thời gian Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động vì phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa của Quốc tế cộng sản. Tháng 6.1925, Người sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, xuất bản báo Thanh niên. Từ năm 1925 đến 1927, Người mở nhiều lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc), đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Sau các khoá học, một số được chọn đi học ở trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, một số được cử đi học trường quân sự Hoàng Phố, còn phần lớn trở về nước để “truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân”. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu được xuất bản thành sách với tên gọi là Đường kách mệnh. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc vạch ra những phương hướng cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Mô hình và tiến trình đi qua cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Với niềm tin vô hạn vào sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của con người, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội là do những người lao động và bị áp bức thực hiện. Đường kách mệnh đã chỉ ra rằng “cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc của một hai người”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy phải động viên, tổ chức và lãnh đạo đông đảo quần chúng vùng lên đánh đổ áp bức bất công. Người quan niệm trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, không có gì mạnh bằng sức mạnh nhân dân, và khẳng định quần chúng một khi được giác ngộ, có tổ chức và lãnh đạo sẽ là lực lượng cách mạng vô địch. 

Xác định cách mạng Việt Nam cần phải đi theo con đường cách mạng của học thuyết Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa nhân văn trên cơ sở nhận thức khoa học của thời đại. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2). Người chỉ rõ rằng cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cần được sự giúp đỡ quốc tế, nhưng “muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”. Trên cơ sở đó Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đường kách mệnh khẳng định: muốn đưa cách mạng đến thắng lợi “Trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”(3). Đây cũng chính là con đường, là mục tiêu của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong thời đại mới.

Ngày 3.2.1930, tại Hương Cảng, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến đặc thù. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong, gắn bó với dân tộc, ‘là con nòi” của dân tộc, dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh của toàn dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là lô gích lịch sử, là bước phát triển tất yếu của chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam kết hợp với tinh hoa thời đại mở ra một con đường hội nhập văn hóa Đông - Tây, kết hợp truyền thống và hiện đại, xây dựng một nền văn hóa nhân văn tiến bộ nhất trong thời đại ngày nay. Đó là chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong thời đại cách mạng vô sản, một chủ nghĩa nhân văn hiện đại, năng động và có tính chiến đấu cao. 

Về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, như Hồ Chí Minh chỉ rõ: là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng dựa trên cơ sở Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, thực hiện vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, vì thế Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là Đảng của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Một lần nữa, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước được tiếp nối thành các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tư tưởng về con người, về giải phóng và phát triển con người, coi con người là nhân tố quyết định thành công của cách mạng quán xuyến toàn bộ sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Xây dựng Đảng từ mẫu hình người chiến sĩ cộng sản tiền phong

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, kết hợp hài hòa chủ nghĩa nhân văn truyền thống của dân tộc, của phương Đông, phương Tây và của chủ nghĩa Mác - Lênin thành chủ nghĩa nhân văn cộng sản Việt Nam trong thời đại mới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trước hết nhằm xây dựng đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc có nền tảng lý luận khoa học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi. Đảng là sự tập hợp, thống nhất của đội ngũ những chiến sĩ cách mạng tiền phong, đó cũng là mẫu hình nhân cách người chiến sĩ cộng sản chân chính, là sự kế thừa chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam và những tinh hoa giá trị nhân văn của nhân loại. Sự kết hợp này đã đưa cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo của thời đại, chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam càng trở nên sâu đậm với chủ nghĩa yêu nước của nhân dân, gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Những nguyên lý, phạm trù “nhân”, “nghĩa”, “trí”, “dũng”, “liêm”, “kiêm ái” của Triết học phương Đông; tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam; lòng từ bi của đạo Phật, lòng bác ái của đạo Thiên chúa; phạm trù bình đẳng, tự do, bác ái, ngọn cờ cách mạng dân chủ, tư tưởng nhân quyền và dân chủ phương Tây, v.v.. đã làm thành cơ sở để xuất hiện chủ nghĩa nhân văn chân chính, tiến bộ và biểu hiện tập trung thành phẩm chất đạo đức cách mạng trong mẫu hình người chiến sĩ tiền phong của Đảng.

Mẫu hình người chiến sĩ cộng sản tiền phong là những đảng viên kiên trung, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của đất nước lên trên hết. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng…”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để xây dựng Đảng, thì phẩm chất và đạo đức đảng viên là căn cốt, “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Ðảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”(5).

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(6). Ở đây, trước hết cần phải hiểu địa vị lãnh đạo của Đảng cũng là địa vị của người đày tớ trung thành của nhân dân, nhưng tư thế của Đảng là tư thế của người chiến sĩ tiền phong, phẩm chất đạo đức cách mạng của các đảng viên cộng sản là phẩm chất, khí phách của những bậc anh hùng hào kiệt trong lịch sử chuyển hóa thành mẫu hình người chiến sĩ cách mạng tiền phong của Đảng trong thời đại mới.

“Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; “Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”(7). Đó chính là đảng cách mạng chân chính, biểu hiện tập trung của chủ nghĩa nhân văn mới, trong đó nổi bật là con người trí tuệ, con người lý trí, con người tình cảm, con người hành động, con người cách mạng.

Trong phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng tiền phong, chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo gắn liền với tư tưởng cộng sản Mác - Lênin, được nuôi dưỡng trên mảnh đất Việt Nam, mà ở đó các giá trị nhân văn Việt Nam vừa là điểm xuất phát vừa là mục tiêu thường trực của cách mạng Việt Nam. Đây chính là sự kết hợp giữa chủ nghĩa nhân văn truyền thống của dân tộc với tinh hoa thời đại để tổ chức, giáo dục, động viên, khơi dậy khát vọng, nhiệt tình, ý chí đối với đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đứng lên tự giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong thời đại mới là sự hội tụ và phát triển tất cả những tinh hoa tốt đẹp nhất của con người trong lịch sử dân tộc và nhân loại được thể hiện trong những phạm trù: độc lập, tự do, bình đẳng, dân chủ, bao dung, bác ái, hòa bình, hữu nghị, hạnh phúc và tiến bộ cho mọi con người, trước hết cho dân tộc mình rồi sau đó là toàn thể nhân loại. 

Mẫu hình người chiến sĩ cộng sản tiền phong là mẫu hình của chủ nghĩa nhân văn mới, đó là chủ nghĩa nhân văn trong con người hành động vì những mục tiêu và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Người chiến sĩ cộng sản tiền phong quan niệm về con người là một thực thể tự nhiên - xã hội - văn hóa hài hòa, con người tu dưỡng đạo đức, tinh thần tự học và tự bồi dưỡng phát triển trí tuệ, là con người hành động thực tiễn hiệu quả, chứ không phải là con người tự nhiên chủ nghĩa, không phải là con người cá nhân cô lập, cũng không phải là con người thực dụng hoặc con người lý tưởng đến mức không tưởng.

Đó là chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong thời đại ngày nay dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, có sức lay động mọi con tim, khối óc trong lao động và đấu tranh cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn với con người, xứng đáng hơn với con người. “Nhân dân ta thường nói: Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau. Ðó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”(8).

Chủ nghĩa nhân văn trong mẫu hình người chiến sĩ cách mạng tiền phong còn nổi bật ở tinh thần đoàn kết thống nhất và sự thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(9). Mẫu hình người chiến sĩ cách mạng tiền phong với những phẩm chất của chủ nghĩa nhân văn cộng sản là tiền đề để xây dựng Đảng đạo đức, văn minh, trong sạch, vững mạnh.

Chủ nghĩa nhân văn cộng sản trước hết là nhận thức đúng đắn về con người hiện thực. Cán bộ, đảng viên trong mẫu hình người chiến sĩ cách mạng tiền phong không phải là thần thánh mà là những con người hiện thực, tiềm ẩn trong đó những khả năng tốt - xấu, thiện - ác đấu tranh với nhau. Việc nỗ lực thường xuyên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện là để khẳng định những phẩm giá cao đẹp ở con người thời đại. Việc tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, trở thành những con người có đức, có tài chính là đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa nhân văn mới ở người chiến sĩ cộng sàn tiền phong. Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ vừa có đức, vừa có tài, trong đó đạo đức là gốc. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(10).

Người chiến sĩ tiền phong của Đảng nổi bật ở lòng nhân ái cộng sản thể hiện bằng hành động dấn thân cách mạng, đấu tranh xóa bỏ ách thống trị của đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Lý tưởng, mục tiêu phấn đấu của người chiến sĩ cộng sản tiền phong là hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam và nhân dân lao động thế giới, hướng tới giải phóng nhân loại cần lao và bị áp bức. Đó chính là mục tiêu cao cả nhất, là hạnh phúc lớn lao nhất mà người chiến sĩ cộng sản hy sinh và cống hiến cho nhân dân, cho nhân loại. 

Chủ nghĩa nhân văn trong mẫu hình người chiến sĩ cộng sản tiền phong với lòng nhân ái cao cả được thể hiện bằng sự kiên định lý tưởng cách mạng của Đảng. Đó không phải là lòng thương người siêu giai cấp, trừu tượng mà là tình thương yêu giai cấp đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động, những lớp người bị áp bức bóc lột, là sự kết tinh truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa nhân văn cộng sản.

Cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc và bất công xã hội, đấu tranh chống nghèo đói, lạc hậu, dốt nát, chống cường quyền, độc đoán, quan liêu và chủ nghĩa cá nhân để hướng tới độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc cho nhân dân là một cuộc đấu tranh lâu dài và đầy thử thách, đầy hy sinh, gian khổ. Chính bản thân người chiến sĩ cách mạng tiền phong phải ý thức rất rõ bản thân mình trong hàng ngũ của Đảng, phải nêu cao bản lĩnh đấu tranh, phải đề cao kỷ luật của Đảng. “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”(11). Sức mạnh của một tổ chức đảng và của mỗi đảng viên bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng đòi hỏi tất cả mọi tổ chức đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước mọi quyết định của Đảng. Đảng là tổ chức của những người chiến sĩ cách mạng, tự giác và tự nguyện đấu tranh cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đó là con người biết chủ động lấy phê bình và tự phê bình làm công cụ rèn luyện, phấn đấu không ngừng để nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, xứng đáng với niềm tin cậy và sự mong đợi của nhân dân, xứng đáng với sự nghiệp cách mạng lớn lao của toàn Đảng. “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”(12). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(13).

Trong công cuộc đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, những chiến sĩ tiền phong của Đảng luôn quan tâm đến luân lý cách mạng, đạo đức làm người. Những tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ tiền phong được Hồ Chí Minh nêu lên và chính Người là một kiểu mẫu về đạo đức cách mạng. “Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”(14). Theo Hồ Chí Minh: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(15). 

Xây dựng Đảng từ mẫu hình người chiến sĩ cách mạng tiền phong là xây dựng Đảng theo những giá trị của chủ nghĩa nhân văn cộng sản, cũng là xây dựng con người nhân văn - hiện thực và hành động - tự giải phóng. Đó là con người cá nhân, tập thể, nhân dân và nhân loại, tất cả vì con người, do con người, cho con người.

Khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hiểu rõ khát vọng hàng ngàn năm của toàn thể dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh thần khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cách mạng có thể quy tụ giai cấp và toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Kể từ năm 1930 trên đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngọn cờ cách mạng của dân tộc Việt Nam hòa chung vào dòng thác cách mạng vô sản thế giới, chiến đấu vì những giá trị nhân văn cao cả, đích thực, vì quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do cho các dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân làm cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, thống nhất tổ quốc, đảm bảo cho nhân dân xây dựng cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc và phồn vinh. Đó là Đảng chân chính cách mạng, là Đảng tiên phong về lý luận, khoa học, tiêu biểu cho đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, toàn tâm toàn ý vì nhân dân và Tổ quốc. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa nhân văn truyền thống của dân tộc kết hợp với chủ nghĩa nhân văn cộng sản được thử thách, bồi đắp và phát huy, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác./.

____________________

(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.12, tr. 30.

(2), (3) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.2, tr. 289.

(4), (11), (12), (14), (7), (8), (10), (13), (15) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr. 290, 289, 292, 301, 309.

(5), (6), (9) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.547, 612, 611.