Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt là gì

Đọc bài thơ sau: 
   Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
   Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
   Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
   Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
   Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
   Nước còn cau mặt với tang thương
   Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
   Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
(Thăng Long thành hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định thể thơ được sử dụng trong bài thơ

⇒ Thể thơ : thơ 7 chữ
Câu 2: Địa danh được tác giả gợi nhớ trong bài thơ là nơi nào? 

⇒ Địa danh được tác giả gợi nhớ trong bài thơ là thành Thăng Long
Câu 3: Tìm ra 5 từ Hán Việt được sử dụng trong bài thơ

⇒ Từ Hán Việt : hí trường, tinh sương, thu thảo, tịch dương, tuế nguyệt
Câu 4: Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai câu thơ: 
    “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương”

⇒ Biện pháp tu từ : nhân hóa "đá" , "nước"

→ Tác dụng : Đá và nước được nhân hóa như  ai chứng nhân lịch sử, như thách thức cùng năm tháng , như đau đớn giận hờn với sự đổi thay của nước nhà.Qua đó còn diễn tả tâm trạng suy tư trầm lắng của nhà thơ

Thăng Long thành hoài cổ (chữ Hán: 昇龍城懷古; tạm hiểu là nhớ thành Thăng Long xưa) là một bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ ở thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam.

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật.

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. Ngàn năm gương cũ soi kim cổ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.[1]

Chú giải từ ngữ

  • Một số từ ngữ hiếm gặp trong bài thơ có thể được hiểu như sau:
    • Hí trường: rạp hát, sân khấu nơi diễn tuồng
    • Tinh sương: Tinh là sao, sương là sương giá. Mấy tinh sương là mấy năm.
    • Thu thảo: Cỏ mùa thu.
    • Tịch dương: Mặt trời lúc chiều tối.
    • Đoạn trường: Đứt ruột, ý nói đau đớn.

Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa.[2]

Chủ đề: Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ. Phạm Thế Ngũ viết: Bài này nói lên nỗi đoạn trường của tác giả trước cảnh hoang tàn của cố đô đất Bắc.[3]

Trích:

  • Đỗ Lai Thúy:
Bà Huyện Thanh Quan sống trong một thời đại (lớn) đầy biến động. Nhà Lê/Mạc, chúa Trịnh/Nguyễn, Tây Sơn/Nguyễn Ánh liên tiếp xuất hiện và liên tiếp sụp đổ...Bởi vậy thi nhân trách con tạo (gây chi) biến cuộc đời thành sàn diễn của những đổi thay. Thoạt tiên vẫn những đối lập xưa/nay ấy: Xưa là lối xe ngựa đi về nhộn nhịp thì nay chỉ có cỏ thu phủ dày; xưa là lâu đài đường bệ mà nay chỉ còn trơ lại nền cũ dưới ánh chiều tà. Rồi xuất hiện thêm một đối lập khác nữa tự nhiên/nhân tạo. Ngày tháng (tuế nguyệt) trôi đi kéo theo những đổi thay (tang thương), nhưng đó là những đổi thay của thế giới nhân tạo, thế giới người, còn tự nhiên (đá, nước) thì vẫn bất biến (trơ gan, cau mặt). Soi vào tấm gương vĩnh hằng của tự nhiên, đời sống nhân tạo từ xưa đến nay (kim cổ) càng trở nên giả tạm và thoáng chốc. Con người đối diện với cảnh tượng này (cảnh đấy, người đây) được thức nhận, tỉnh táo hơn so với con người ảo giác ở chùa Trấn Bắc (xem bài "Qua chùa Trấn Bắc"). Nhưng, vì thế, cũng đau khổ hơn. Và cô đơn hơn.[4]
  • Phạm Thế Ngũ:
Nhìn chung, thơ Bà Huyện Thanh Quan, đều có vô số những cái hay: chữ dùng khéo, chọn lọc, thích đáng, đối rất chỉnh, rất thần tình, ý hàm súc, lời trau chuốt, gọn, đẹp...Riêng bài thơ Thăng Long thành hoài cổ", cổ kính mà thanh thoát nhẹ nhàng; ước lệ mà có hồn, có cảm. Sự phối hợp của ý tưởng với thanh âm đã gây nên một thi điệu tự nhiên, uyển chuyển, hấp dẫn; khác xa những dòng chữ chắp nối công phu mà vẫn lủng củng, không hồn của đa số các bài thơ tiền Nguyễn[5].

  1. ^ Chép theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tr. 681.
  2. ^ Nguyễn Văn Hiệp (13 tháng 4 năm 2012). “"Thăng Long thành hoài cổ" - bài thơ tuyệt bút của Bà Huyện Thanh Quan”. Báo Quảng Bình. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2020.
  3. ^ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển hai), tr. 291.
  4. ^ Theo Bà Huyện Thanh Quan, người đi dọc những Đèo Ngang
  5. ^ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển hai), tr. 292-293.

  • Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển Hai). Quốc học tùng thư xuất bản, không ghi năm xuất bản.
  • Nhiều tác giả, Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Nhiều tác giả, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (thế kỷ 13-nửa đầu thế kỷ 19). Nhà xuất bản Văn học, 1978.

Lấy từ “https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Thăng_Long_thành_hoài_cổ&oldid=65608637”

Đề số 47: Phân tích giá trị của những từ Hán Việt trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Bài làm

Nếu lâu đài ngôn ngữ thơ Bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương bởi những động từ chỉ hành động, tính từ chỉ phẩm chất và tri thức hết sức nôm na thì tháp ngà thơ Bà Huyện Thanh Quan lại chỉ được kiến tạo bằng những danh từ mà phần lớn là danh từ Hán Việt. Cách sử dụng những từ Hán Việt như vậy đã mang đến cho các sáng tác của bà màu sắc cổ điển, trang trọng đặc biệt mà bài thơ Thăng Long thành hoài cổ là một ví dụ.

    Tạo hóa gây chi cuộc hý trường,
          Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
  Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
  Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
      Nước còn cau mặt với tang thương.
 Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
           Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Làm thơ bằng những danh từ, nghĩa là Bà Huyện nhìn sự vật ở những bản chất của nó mà bỏ qua tất cả những gì là cụ thể, sống động. Khoảng cách đó một lần nữa được nhân lên bởi việc sử dụng các danh từ đó là từ Hán Việt. Câu thơ vì vậy mà trở nên có diễn, trang trọng và mang tính bác học hơn. Trong Thăng Long hoài cổ, Bố lượng các từ Hán Việt được sử dụng một cách dày đặc đã làm nên những hiệu quả nghệ thuật nhất định mà lối diễn đạt khác không thể có được. Hình như con người ấy đã xa Thăng Long nhiều năm bây giờ trở lại; hoặc giả bà đã từng sống ở đất này từ lâu nay không còn thấy lo như xưa nữa; hoặc giả những gì thuộc về ngày xưa ấy chỉ là trong hoài niệm, không giống như hiện tại. Chỉ biết rằng tất cả là do thời thế xoay vần, đổi thay, do thời gian cũng là do tạo hóa. Hí trường (rạp hát) là lịch sử, tinh sương (sương sao) là thước đo thời gian. Dù tươi đẹp hay suy tàn, lịch sử và thời gian cũng là cho cảnh vật biến đổi nhiều khi rất nhanh chóng. Câu thơ chất chứa tâm trạng băn khoăn, nuối tiếc một cách kín đáo. Và từ đó, nỗi niềm hoài niệm lại trở về trong Lối xe ngựa cũ hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Cũng chỉ một loài thực vật nhưng - cỏ (thuần Việt) và “thảo” (Hán Việt) gieo vào trong tâm trí người đọc những cảm xúc và tưởng tượng khác nhau, có thường gợi nhắc đến những cái cụ thể. Còn thảo thì chỉ là một âm vang xa xôi, trang trọng và nhoè nghĩa. Quá khứ động hiện với hiện tại trong hai câu thơ buồn đến tuyệt diệu mà thần tứ thể hiện tập trung trong ba từ hồn thu thảo. Bóng tịch dương lại dẫn con người ta với những hoàng hôn xưa nay vẫn thường gợi buồn cho lòng thi nhân trung đại. Còn gì buồn hơn khi mặt trời tà chiếu xuống mảnh nền cũ hoang vắng, ở đó từng dựng lên những lâu đài tráng lệ ngày xưa, và trên lối đi ngày xưa rộn ràng ngựa xe, giờ chỉ là cỏ vàng mùa thu phất phơ trước gió. Chỉ một chữ “hồn” mà diễn tả được cả cõi hồn của cảnh vật và cái hồn của lòng người. Thu xưa nay trong thơ văn trung đại văn buồn. Và khi thu nhuốm màu trên hồn thu thảo, bóng tịch dương thì dường như nó càng trở nên buồn hơn gấp bội.

Mạch thơ vẫn tiếp tục mạch suy tư về thời gian và lẽ chảy trôi của tạo hóa. Sự vận dụng tài tình các danh từ Hán Việt không chỉ phù hợp mà còn tiếp tục phát huy tác dụng trong việc diễn tả tâm trạng suy tư trầm lắng của nhà thơ:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
     - Nước còn cau mặt với tang thương.

Biện pháp nhân cách hóa thật hoàn hảo: đá trơ gan, nước cau mặt, khiến cho câu thơ trở nên cựa quậy, sống động, tinh hoa như vượt ra khỏi bề mặt câu chữ. Vẫn tiếp tục sử dụng từ Hán Việt (tuế nguyệt và tang thương), câu thơ vừa tả cái hữu hình của cảnh vật lại vừa nói lên được cái vô hình của thời gian. Thời gian vừa vô hình mà cũng vừa vô tình nên hai từ tuế nguyệt, tang thương đột nhiên nghe nó cũng thật dửng dưng, xa lạ.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
            Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.

Kim cổ là chuyện xưa nay, nó phù hợp với khoảng cách nhìn lại từ nghìn năm xa xôi. Từ kim cổ chất chứa trong nó ý niệm về, tất cả những gì thuộc về quá khứ và hiện tại. Nó là cuộc hí trường, là hồn thu thảo, bóng tịch dương là tuế nguyệt, là tang thương, là đoạn trường mà đang được chiêm nghiệm bởi thời gian. Nỗi đoạn trường không chỉ đơn giản là khổ đau mà nó còn là cái ám ảnh, day dứt mãi khôn nguôi. Nỗi buồn của một người cụ thể giờ đây có ý nghĩa nhân văn phổ biến rộng rãi: Đây là nỗi buồn mà ai cũng có, cũng có thể có, nỗi buồn trước sự trôi chảy của thời gian, sự biến thiên của cảnh vật, sự mong manh của kiếp người, sự vô tình, vô tận của thời gian, của lịch sử...

Có thể nói, cái làm nên giá trị của Thăng Long thành hoài cổ chính là ở màu sắc cổ điển trang trọng của nó được tạo nên từ việc vận dụng các từ Hán Việt một cách linh hoạt. Chính điều này đã làm nên màu sắc, đóng dấu phong cách riêng của nữ sĩ thành Thăng Long so với các nhà thơ trung đại khác cùng thời.