Em đã tiết kiệm thời gian như thế nào

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một chủ trương lớn của Đảng ta. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thực hành tiết kiệm đã có một ý nghĩa sâu sắc và có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước. 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tiết kiệm là gì?

- Tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”.

- Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng.

- Tiết kiệm là tích cực. “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân.

Vì sao phải tiết kiệm?

- Để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc.

- Để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Điều này càng quan trọng khi nước ta là nước dân chủ nhân dân, không thể tích lũy vốn theo kiểu thực dân, đế quốc bằng cách cướp bóc thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân, vay nợ nước ngoài…

-  Để nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, hậu quả của 80 năm bị đô hộ, vơ vét của đế quốc Pháp rồi đến phát xít Nhật.

Nội dung của tiết kiệm

- Tiết kiệm sức lao động. Tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2,3 người”.

- Tiết kiệm thời giờ. Bác nói “Thời giờ tức là tiền bạc” “Một tấc bóng là một thước vàng”. “Ai đưa vàng bạc vứt đi là người điên rồ. thì ai đưa thời giờ vứt đi là người ngu dại”. Tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác.

- Tiết kiệm tiền của. Phải tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình.

- Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong vị trí công tác của mình. Bộ đội, chiến sỹ phải tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm…; cán bộ cơ quan hành chính thì tiết kiệm thời gian, giấy mực…; cán bộ tư pháp tiết kiệm thời giờ cho dân khi triển khai nhanh công việc…

Ai cần phải tiết kiệm.

- Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp.

Trong chủ đề của Buổi học tập tấm gương đạo đức HCM hôm nay, chúng ta chỉ đề cập đến nội dung Tiết kiệm thời gian.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, trong bất kỳ vị trí, hoàn cảnh nào, Bác luôn tiên phong, mẫu mực, giản dị và tiết kiệm. Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, nhất là tiết kiệm thời gian. Với Bác, việc tiết kiệm thời gian là rất quý báu, người luôn quý trọng, sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết và tác phong hiện đại, để sao cho không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Tiết kiệm thời gian của Bác không chỉ là tiết kiệm cho mình mà còn không để lãng phí thời gian cho mọi người.

Những câu chuyện về tiết kiệm thời gian của Bác hết sức gần gũi nhưng là những bài học quý báu để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Bài học về tiết kiệm thời gian đối với cấp dưới

* Đối với cán bộ nói chung

- Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khoá V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

- Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

+ Chú đến chậm mấy phút?

+ Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

+ Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

* Đối với lãnh đạo

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo: "Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu?  Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động”.

Câu chuyện ấy là lời nhắc nhở có ý nghĩa sâu sắc đối với người chỉ huy quân đội nói riêng và cán bộ lãnh đạo nói chung. Nếu người lãnh đạo mà chậm một bước sẽ mất cơ hội, không chủ động sẽ dễ bị thua thiệt và tính sai một ly thì sự nghiệp chung sẽ đi lệch một dặm.

* Đối với bản thân Bác

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Bác chủ động đi đến điểm hẹn đúng giờ, cho dù trời mưa

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng thời tiết thay đổi đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: Mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.

Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa:

“Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!”

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa sự ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: Giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác...

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Và còn mẫu chuyện “Bác chủ động đi đến chúc tết mọi người”.v.v..

Qua nội dung những mẫu chuyện, chúng ta nhận ra rằng trong công tác cũng như sinh hoạt đời thường, Bác rất khó chịu khi cán bộ làm việc không đúng giờ, lãng phí thời gian, bắt người khác phải chờ đợi mình. Nhưng thay vì phê bình nặng lời, bao giờ Bác cũng nhắc nhở ôn tồn như người anh, người cha khiến nhiều người dù bị góp ý vẫn rất cảm động và ghi nhớ mãi.

Nói về việc tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”, “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Có thể nói, câu chuyện về tiết kiệm thời gian, về thói quen đúng giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học đạo đức có ý nghĩa sâu sắc về tôn trọng chính mình và sự tôn trọng giữa con người với con người trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày. Câu chuyện đã làm sáng rõ chân dung của Bác: Giản dị, phong cách làm việc mẫu mực, suốt đời chỉ lo cho nước, cho dân.

Là Chủ tịch Nước, càng quý thời gian của mình bao nhiêu, Bác càng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn chủ động bố trí, sắp xếp công việc khoa học, hiệu quả, sử dụng hợp lý, tiết kiệm thời gian, không để người khác phải chờ đợi, phục vụ mà luôn quan tâm chăm sóc, sống gần gũi, giản dị, ân cần, thân thiện với đồng chí, đồng bào. Vì thế, cho đến phút lâm chung Bác vẫn không quên dặn dò:"Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân".

Đó là tiết kiệm thời gian của Bác.

Đối với chúng ta hiện nay, vấn đề tiết kiệm thời gian được thực hiện như thế nào?

Thực hành tiết kiệm được Đảng và Nhà nước xác định là một “quốc sách” và đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 1992: “Mọi hoạt động kinh tế và quản lý nhà nước phải thực hành chính sách tiết kiệm”( Điều 27). Điều này đã khẳng định rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, của tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi người dân.

- Luật số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.

Riêng tiết kiệm thời gian thì có:

- Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Trích Chỉ thị: “Nhiều cán bộ, công chức, viên chức cần cù làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước đã chú ý áp dụng các biện pháp tổ chức lao động một cách khoa học, sử dụng hợp lý thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Tuy nhiên, việc quản lý lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế và yếu kém, dẫn đến lãng phí thời gian lao động làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác không cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như làm việc riêng, đi muộn, về sớm, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong của cán bộ, công chức, viên chức.

Để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, cùng với việc thực hiện các nội dung của công tác cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tuỵ, hết lòng phục vụ nhân dân và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:  

1. Thủ trưởng các cơ quan thuộc bộ máy hành chính, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp của Nhà nước có trách nhiệm: 

a) Quản lý và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phân công lao động hợp lý và tổ chức tốt quá trình lao động của cán bộ, công chức, viên chức. Điều tra, khảo sát, xây dựng tiêu chuẩn, định mức lao động và thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức lao động và thời giờ làm việc đã được phê duyệt, áp dụng cơ chế khoán theo công việc hoặc theo thời gian thực hiện công việc;  

b) Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân bổ thời gian hợp lý để thực hiện chương trình, kế hoạch được giao; 

đ) Bảo đảm trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc phù hợp với tính chất, đặc thù lao động cho cán bộ, công chức, viên chức; triển khai có hiệu quả chương trình hiện đại hoá nền hành chính, hiện đại hoá công sở;  

e) Đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện các quy định về sử dụng thời giờ làm việc; có biện pháp khuyến khích, khen thưởng xứng đáng, kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành kỷ luật lao động, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng thời giờ làm việc cao; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng thời giờ làm việc, về kỷ luật lao động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không xét khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thời giờ làm việc. 

2. Cán bộ, công chức, viên chức: 

a) Phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; 

b) Không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm, không chơi games trong giờ làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực;

c) Phải có mặt đúng giờ tại công sở theo giờ hành chính hoặc theo quy định cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Đối với Chi bộ I, bao gồm Văn phòng Sở, Phòng Kế hoạch – Tài chính và Thanh tra Sở, đây là 03 đơn vị trực tiếp tham mưu cho Ban Giám đốc Sở chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện mọi mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Giám đốc Sở và sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể công chức và người lao động thuộc Văn phòng Sở, Phòng KHTC, Thanh tra Sở, thời gian qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan giao cho, nhất là việc chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan.

Thanh tra Sở và P.KHTC tham mưu cho Giám đốc Sở thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, đó là việc tiết kiệm tiền, tài sản cơ quan.

Văn phòng Sở: tham mưu Giám đốc Sở về công tác cải cách hành chính, trong đó có nội dung cải cách thủ tục hành chính và thực hiện quy chế một cửa, một cửa liên thông, với mục đích là tiết kiệm thời gian của tổ chức và công dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Nhân buổi học tập hôm nay, chủ đề là tiết kiệm thời gian, tôi xin nói về việc thực hiện thủ tục hành chính của Sở trong thời gian qua. Với vai trò là cán bộ đầu mối thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bản thân có nhận xét, đánh giá như sau:

Trong mối quan hệ này, đối với Sở thì đòi hỏi thành phần hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, quy trình xét duyệt chặt chẻ đảm bảo đúng chế độ, đối tượng. Đối với tổ chức, công dân thì đòi hỏi phải thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm.

Kết quả đạt được về công tác cải cách thủ tục hành chính 6 tháng qua

Nhìn chung: Công tác cải cách thủ tục hành chính tại Sở đã được tập trung triển khai nghiêm túc, cùng với sự chỉ đạo của Giám đốc Sở và sự nhiệt tình trong công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở. Từ đó việc trình công bố thủ tục, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của Sở ngày càng thuận lợi, mang lại hiệu quả, tạo được lòng tin đối với người dân và doanh nghiệp khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính.

- Công tác rà soát, chuẩn hoá Bộ thủ tục hành chính. Trong 6 tháng, Sở đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, bãi bỏ trên 52 thủ tục hành chính; đã tiếp nhận và giải quyết trên 3.691 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Đây là một khối lượng công việc tương đối lớn.

Tuy nhiên:

- Các Chủ trương, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của ngành có sự thay đổi, bổ sung nhiều, dẫn đến khối lượng các thủ tục hành chính phải đề nghị bãi bỏ, thay đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới là khá nhiều, do đó gặp khó khăn trong trình công bố thủ tục hành chính. Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Sở chưa được hoàn thiện.

- Một số ít hồ sơ giải quyết trễ hẹn so với giao ước thi đua, quy định của Trung ương; quá trình giải quyết hồ sơ tại cấp huyện, xã còn nhiều vướng mắc.

- Nội dung rà soát đơn giản hóa TTHC chưa được quan tâm thực hiện.

Hướng tới: Phối hợp với các phòng, đơn vị trực thuộc Sở

1. Trình công bố mới TTHC: - Đẩy nhanh tiến độ rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố, nhất là các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Người có công, Dạy nghề, Bảo hiểm thất nghiệp… (nói và làm).

2. Rà soát đơn giản hóa TTHC (sáng kiến).

3. Tiếp tục thực hiện Ký giao ước thi đua về thực hiện cải cách thủ tục hành chính giữa các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở, phòng Lao động – TB&XH các huyện, thành phố. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo định kỳ, đột xuất.

4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước để thực hiện tốt việc trao đổi các văn bản, tài liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước qua mạng Internet (sử dụng email để trao đổi công việc); xử lý văn bản trên máy vi tính.

Để thực hiện tốt việc tiết kiệm thời gian thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian, tích cực thi đua lao động, học tập, sản xuất, tranh thủ thời gian, thời cơ thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cuối cùng xin cám ơn các đồng chí đã lắng nghe, chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, thành công trong công tác./.

Hoàng Tây