Hà nội cấm xe máy sau 2025

Các chuyên gia giao thông lo ngại, việc TP. Hà Nội cấm xe máy vào năm 2025 trong điều kiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại sẽ “khuyến khích” người dân chuyển sang ô tô cá nhân. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, chủ trương cấm xe máy vào nội đô, Hà Nội đã có từ lâu nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia, người dân không đồng tình. Trước đây dự kiến 2030 mới thực hiện, giờ lại lùi thời gian xuống năm 2025. 

Về cảm nhận, ông Liên cho rằng quyết tâm và ý chí của Hà Nội trong việc cấm xe máy là rất tốt,  phù hợp với xu hướng phát triển của các đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, với tình hình giao thông Hà Nội hiện nay, đến 2025 chưa đủ điều kiện để thực hiện. 

Hà nội cấm xe máy sau 2025
Hà Nội dự kiến cấm xe máy vào nội đô từ năm 2025. 

Theo ông Liên, để thực hiện được chủ trương này, Hà Nội phải trả lời được câu hỏi như lâu nay họ vẫn đặt ra: Cấm xe máy người dân đi lại bằng phương tiện gì? Câu hỏi không mới này vẫn đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi TP phải có câu trả lời thỏa đáng. Cụ thể: 

Thứ nhất, để cấm được xe máy trước tiên vận tải hành khách công cộng phải đảm bảo đáp ứng được 60% nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội vẫn chỉ trông chờ vào xe buýt là chủ yếu, nhưng xe buýt lại chưa phát huy được năng lực khi mới chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu đi lại của người dân.  Thứ hai, với diện tích đất chật hẹp trong nội đô, không có giao thông ngầm, xe buýt rất khó phát huy hết năng lực. Do vậy, cấm xe máy, tăng cường xe buýt người dân chuyển sang đi ô tô thì xe buýt “không có cửa” để phát huy được năng lực,  trái lại nguy cơ tắc đường còn cao hơn. “Xe buýt Hà Nội trước đây chạy với tốc độ 28km/h, hiện nay chỉ còn 17km/h.  Điều đó khiến đường càng tắc, tốc độ xe chạy giảm, người dân không mặn mà với xe buýt”, ông Liên nói. Ngoài xe buýt, đường sắt đô thị được xem là loại hình vận tải công cộng văn minh, góp phần quan trọng giảm ùn tắc.  Hiện nay, Hà Nội chỉ có mỗi tuyến Cát  Linh – Hà Đông đưa vào khai thác, đến năm 2025 may ra có thêm tuyến Nhổn – ga Hà Nội, trong khi các tuyến còn lại hiện nay chưa được triển khai. Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào xe buýt và 2 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đưa ra lộ trình cấm xe máy vào năm 2025 là quá sớm, thiếu tính khả thi. Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, trong đề án Hà Nội không đề cập đến những phương tiện để thay thế xe máy. Hiện Hà Nội chỉ có mạng lưới xe buýt và một phần nhỏ đường sắt nội đô. Việc hạn chế xe máy chỉ có thể thực hiện trên các trục có đường sắt đô thị. Còn những khu vực khác cần cân nhắc. Bởi nếu không đánh giá kỹ, cấm xe máy sẽ khiến người dân chuyển sang phương tiện ô tô cá nhân. “Không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng ô tô cá nhân nên việc cấm xe máy có thể là cú hích khiến người dân buộc phải chuyển sang sử dụng ô tô cá nhân vào nội đô. Nếu vậy, việc giải quyết ùn tắc chưa chắc đã thực hiện được”, TS. Phan Lê Bình cho biết. 

Chỉ nên hạn chế xe máy

 Theo chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Xuân Thuỷ, hiện nay giao thông công cộng Hà Nội yếu kém, có tới 80-90% người dân đi phương tiện cá nhân, trong số này có  tới 70% người đi xe máy. Vì vậy, cấm xe máy người dân sẽ rất khó khăn trong vấn đề đi lại, mưu sinh, trong khi đại đa số người đi xe máy là người khó khăn.  Thực tế, hạ tầng giao thông thủ đô cũng yếu kém, mặt cắt ngang đường từ 7-12 m chiếm đến 50-60% thì rõ ràng xe máy đi lại thuận tiện, không gây ùn tắc so với ô tô.   Ông Thuỷ cho rằng, nếu cấm xe máy, ô tô cá nhân sẽ tăng lên, với 200- 300 triệu đồng là có thể mua được ô tô sẽ có tới 30% người đi xe máy có thể bỏ tiền mua ô tô để đi. Trong khi 1 chiếc xe ô tô chiếm dụng mặt đường gấp  5-7 lần xe máy, gây ô nhiễm gấp 3-5 lần. Do vậy, cấm xe máy ô tô sẽ tăng lên thì ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi  trường sẽ khốc liệt hơn hiện nay rất nhiều. Ông Thuỷ cho rằng, không nên cấm xe máy mà chỉ nên hạn chế khi giao thông công cộng thuận tiện, lúc đó người dân sẽ tức khắc bỏ xe máy đi vận tải công cộng. Ngay như tuyến Cát Linh – Hà Đông khi đưa vào khai thác nhiều người dân thấy tiện đã bỏ xe máy, bỏ ô tô cá nhân để đi tàu điện. Do vậy, nên sử dụng biện pháp cạnh tranh để hút người dân đi xe cá nhân chứ không nên sử dụng biện pháp áp đặt đưa ra quy định cấm xe máy. “Hà Nội đặt ra thời điểm cấm xe máy vào năm 2025, vậy chỉ còn 4 năm nữa TP có bao nhiêu tuyến tàu điện, và đạt được bao nhiêu phần trăm người dân đi vận tải công cộng? Ít ra, phải 40% người dân đi vận tải công cộng thì Hà Nội mới nên nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cá nhân, trong khi hiện nay chưa đạt 20% thì chưa nên hạn chế”, ông Thuỷ nói. Ông Thuỷ cho biết, ở các nước, khi vận tải công cộng đạt 50-60% nhu cầu đi lại của người dân họ mới hạn chế xe máy và xe ô tô chứ không cấm. Chỉ có một vài nước, khu vực cấm xe  máy như Bắc Kinh (Trung Quốc), Myanmar. Nhưng khi cấm, người dân rất khổ sở trong vấn đề đi lại. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ bài học từ các nước dựa theo tình hình thực tế giao thông Thủ đô để có giải pháp phù hợp.

Hà nội cấm xe máy sau 2025

Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm TP.


Gia Văn    

Hôm 5/4, Chính phủ có Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Theo đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng ôtô, xe máy vào các thành phố lớn.

Động thái hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy được 5 thành phố quan tâm những năm gần đây. Tuy nhiên, với Hà Nội và TP HCM - hai trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, dân cư và lượng xe đông đúc, đường phố thường xuyên ùn tắc, vấn đề hạn chế xe cá nhân càng trở nên cấp bách. Thời gian qua, hai thành phố này đã phê duyệt các đề án hạn chế xe cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi tháng 5/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Tại Hà Nội, biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân trong đó có xe máy được chính quyền đặt ra từ năm 2015. Khi đó, Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Bởi nếu không có giải pháp kịp thời, giao thông thủ đô 4-5 năm tới rất phức tạp.

Giữa năm 2016, dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của Thành ủy Hà Nội đưa ra lộ trình cụ thể "từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy". Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, thời điểm này Hà Nội chưa thể cấm được xe máy do thiếu phương tiện công cộng.

Cuối năm 2016, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cho lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 2020, Hà Nội sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết; năm 2021 dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 từ năm 2023, thành phố sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025, thủ đô cấm xe máy ở một số địa điểm trong vành đai 3.

Phiên họp HĐND TP Hà Nội hồi đầu tháng 7/2017 thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Với đề án này, xe máy sẽ dừng hoạt động ở các quận nội thành năm 2030.

Ngành giao thông Hà Nội sau đó muốn đẩy nhanh lộ trình cấm xe máy bằng cách hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận và một số huyện; ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm; thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu.

Tháng 10/2019, thành phố lấy ý kiến cho hai phương án hạn chế xe máy: phương án hạn chế ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận và phương án hạn chế theo vành đai (hạn chế từ Vành đai 3 trở vào).

Cuối năm 2021, thành phố đưa ra đề xuất hạn chế xe máy từ Vành đai 3 kết hợp với quốc lộ 5 kéo dài, giai đoạn 2026-2030. Như vậy, mục tiêu của thành phố sớm thực hiện lộ trình cấm xe máy ở nội đô trước 2030.

Song song với hạn chế, giai đoạn 2017-2030, Hà Nội triển khai các nhóm giải pháp về đầu tư, phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng. Hiện, thủ đô có hơn 7 triệu xe ôtô, xe máy và hơn một triệu xe từ ngoại tỉnh.

Tại TP HCM, vấn đề giảm xe cá nhân cũng được nêu ra từ cách đây hơn 10 năm. Đến năm 2018, UBND thành phố ban hành Quyết định 4341, trong đó hạn chế xe máy được đề cập như một trong những giải pháp quan trọng nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho giai đoạn 2018-2020.

Kẹt xe trên đường Cao Thắng, quận 3, tháng 1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Sau nhiều lần lấy ý kiến, phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học, tháng 10/2020, UBND TP HCM phê duyệt Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn với mục tiêu giảm ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm.

Với đề án này, thành phố xác định việc kiểm soát xe cá nhân cần kết hợp hài hòa giữa giải pháp hành chính và kinh tế, triển khai theo lộ trình cụ thể để nhận sự đồng thuận. Xe máy sẽ được hạn chế đầu tiên ở khu trung tâm (quận 1, 3, 5, 10), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), Phú Mỹ Hưng (quận 7), sau đó mở rộng qua khu vực lân cận khi đủ điều kiện.

Ở lộ trình kiểm soát xe cá nhân đến năm 2025, khu vực hạn chế xe máy dự kiến tại một số tuyến đường trong giờ cao điểm như: Trường Sơn (quận Tân Bình); Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Đinh Tiên Hoàng; Võ Thị Sáu đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Tôn Đức Thắng (quận 1)...

Giai đoạn 2026-2030, thành phố tiếp tục mở rộng phạm vi hạn chế xe cá nhân ở quận 1, đồng thời chuẩn bị các phương án để đến năm 2030 ngưng hoạt động xe máy tại các khu vực thường xuyên ùn tắc.

Cùng với giảm xe cá nhân, nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng được đặt ra gồm hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành các tuyến Metro Số 1, 2, 5 cùng một tuyến buýt nhanh (BRT)... Việc này đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sau khi xe cá nhân bị hạn chế.

Thành phố cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ: quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...

Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án trên cần hơn 391.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần hơn 91.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 cần hơn 300.000 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn lại huy động từ nguồn vốn xã hội hoá, vốn đầu tư nước ngoài...

Đến cuối năm 2021, TP HCM quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, trong đó 819.000 ôtô và hơn 7,6 triệu xe máy, bình quân mỗi ngày có 79 ôtô và 309 xe máy đăng ký mới. So với cùng kỳ năm 2020, ôtô tăng 3,5%, xe máy tăng 2%.

Võ Hải - Gia Minh