Hiệu trường phải dạy bao nhiêu tiết?

Hiệu trưởng, hiệu phó có phải dạy học không? Xử lý hiệu trưởng; phó hiệu trưởng không dạy đủ số tiết theo quy định pháp luật.

Cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục, người đứng đầu là hiệu trưởng giữ vai trò như người cầm lái “con tàu đổi mới”. Sự thay đổi tư duy, hành động trong quản lý, điều hành của đội ngũ này vô cùng quan trọng khi thực hiện đổi mới giáo dục. Tư duy lãnh đạo có luôn đi kèm với thấu hiểu những mặt tích cực lẫn thách thức, vất vả các thầy cô giáo cũng như học sinh, sinh viên để có chỉ đạo đúng đắn trong quá trình giảng dạy? Vậy ngoài việc quản lý, lãnh đạo thì hiệu trưởng; phó hiệu trưởng có phải giảng dạy tại trường không, Luật Dương Gia sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này.

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

Căn cứ pháp lý:

– Luật giáo dục 2019

– Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004

– Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT

– Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT

– Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT

– Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 11/09/2020)

– Công văn 8499/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2012

Mục lục bài viết

1. Tổng quan chung

Căn cứ Điều 56 Luật Giáo dục 2019 quy định về hiệu trưởng như sau:

– Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường, do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận.

– Hiệu trưởng trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng.

– Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng; thủ tục, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

– Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng; thủ tục, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo đó hiểu rằng hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường, do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận theo quy định pháp luật.

Phó Hiệu trưởng là ngư­ời giúp việc cho Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng với công việc và nhiệm vụ được giao, Phó hiệu trưởng do Trưởng phòng giáo dục và đào tạo bổ nhiệm đối với trường công lập, công nhận đối với trường tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Phó Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền.

Căn cứ  khoản 1 khoản 2 Điều 6 Luật Giáo dục 2019: các cấp bậc của hệ thống giáo dục nước ta hiện nay gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

2. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại trường mầm non

Giáo dục học mầm non là một chuyên ngành của giáo dục học, có nhiệm vụ xây dựng lí luận và tổ chức khoa học quá trình giáo dục trẻ em ở độ tuổi từ 0 – 6 tuổi

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bắt buộc phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục Căn cứ điều 4 thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định:

“4. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.”

Quy định phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 4 giờ trong một tuần bao gồm các hoạt động dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường như quy định đối với hiệu trưởng.

3. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại trường phổ thông

Căn cứ quy định tại khoản 2 – Điều 6 Luật Giáo dục năm 2019 thì Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông.

Cụ thể, tại Khoản 1- Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định cụ thể về các cấp học và độ tuổi học giáo dục phổ thông như sau:

– Giáo dục tiểu học được thực hiện trong vòng 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một thường là 06 tuổi và được tính theo từng năm học

– Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong vòng 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh để được vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học trên đây. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu thường là 11 tuổi và được tính theo từng năm học;

– Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong vòng 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười thường là 15 tuổi và được tính theo từng năm học.

– Chương trình giáo dục trung học phổ thông nhằm bổ sung các kiến thức cũng như định hướng nghề nghiệp để học lên cấp bậc cao hơn hoặc học nghề theo nguyện vọng của người học.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bắt buộc giảng dạy một số tiết. Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định như sau:

“ 1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.”

Cụ thể, tại Khoản Khoản 6 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT có quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường phổ thông như sau:

+ Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

+ Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Ngoài ra, có thể tham khảo thêm Công văn 8499/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2012  hướng dẫn thực hiện số tiết giảng dạy theo quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành:

Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần. Để thuận tiện cho các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, việc phân công giảng dạy cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường. Nội dung giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể: (1) tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo (các môn học/chủ đề tự chọn); (2) tham gia dạy học môn đạo đức (đối với chương trình giáo dục tiểu học); (3) thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn theo chương trình môn học hoặc dạy thay giáo viên đi học, nghỉ ốm, thai sản, dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sao cho đảm bảo tổng số tiết dạy quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đúng theo quy định hiện hành.

Như vậy, với câu hỏi hiệu trưởng; phó hiệu trưởng có phải giảng dạy tại trường không trong trường hợp này là có. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo quy định. Nếu thời gian hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được các cấp có thẩm quyền triệu tập tham dự họp, hội nghị, tập huấn,… trùng với thời gian phân công giảng dạy tại trường thì hiệu trưởng phân công giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học hoặc lớp học tiếp tục dạy số tiết của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã được xếp thời khóa biểu để tham gia họp, hội nghị, tập huấn,… Đồng thời, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ bố trí lịch dạy vào thời gian khác theo phân phối chương trình để đảm bảo đủ số giờ phải dạy trực tiếp trên lớp học sinh theo quy định.

4. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại trường Đại học

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 11/09/2020), quy định định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, cụ thể là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Đại học được quy định như sau:

– Đối với Hiệu trưởng trường Đại học:

Hiệu trưởng phải giảng dạy tối thiểu 15% định mức giảng dạy.

– Đối với Phó Hiệu trưởng trường Đại học:

Phó Hiệu trưởng phải giảng dạy tối thiểu 20% định mức giảng dạy.

Như vậy, theo các căn cứ nêu trên, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.

5. Xử lý hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không dạy đủ số tiết

Căn cứ Điều 2 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, quy định:

“Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh”.

Do đó, nếu hiệu trưởng không trực tiếp giảng dạy thì không được hưởng phụ cấp  giảng dạy theo quy định của pháp luật.

Để chứng minh hiệu trưởng không giảng dạy thì có thể yêu cầu UBND quận, huyện, phòng giáo dục nơi có trường học kiểm tra, xác minh về sự việc hiệu trưởng không đứng lớp những vẫn nhận trợ cấp. Cùng với đó, chụp lịch giảng dạy hàng tuần của giáo viên trên bảng tin nhà trường trong một khoảng thời gian liên tiếp để có căn cứ chứng minh việc vị hiệu trưởng này  hoàn toàn không lên lớp dạy.

Như vậy, dù ở cấp bậc nào, từ mầm non cho đến đại học, Hiệu trường và Phó hiệu trưởng đều bắt buộc phải tham gia giảng dạy theo số giờ quy định của pháp luật.