Margin trong chứng khoán nghĩa là gì

Margin trong chứng khoán nghĩa là gì
What is margin?

Margin (đòn bẩy tài chính) trong chứng khoán được hiểu là công ty chứng khoán cho bạn vay tiền để mua thêm cổ phiếu.

Những cổ phiếu trong tài khoản của bạn chính là tài sản đảm bảo để thực hiện các khoản vay.

Có nghĩa hiểu đơn giản là…

Giao dịch ký quỹ (margin) là dạng giao dịch cho vay cầm cố tài sản.

Chẳng hạn bạn mua nhà 1 tỷ thì ngân hàng hỗ trợ bạn vay 70% và lấy “sổ hồng” của bạn để làm tài sản đảm bảo.

Đối với chứng khoán thì đơn giản hơn

  • Không cần phải ra ngân hàng làm hồ sơ thủ tục phức tạp.
  • Không cần chứng minh nguồn thu nhập (trả lãi hằng tháng)
  • Không cần thẩm định tài sản

Bạn chỉ cần hoàn thiện hồ sơ ban đầu lúc mở tài khoản giao dịch chứng khoán là có thể vay bất kỳ lúc nào bạn muốn (đương nhiên chỉ vay để mua thêm chứng khoán).

Tại thời điểm bạn vay, bạn sẽ mua thêm được bao nhiêu cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào  2 yếu tố:

  1. Dựa vào tài sản ròng (tài sản thực đang nằm dưới dạng cổ phiếu + tiền) đang có trong danh mục
  2. Dựa vào tỷ lệ ký quỹ của cổ phiếu bạn muốn mua thêm đó là bao nhiêu %

(Bộ phận quản trị rủi ro của công ty chứng khoán đã có sự thẩm định đánh giá về tài sản là cổ phiếu của Doanh nghiệp bạn mua như thế nào rồi.

Đó là tỷ lệ mặc định của mỗi CTCK đưa ra và công khai)

“Margin giúp bạn mua thêm nhiều cổ phiếu bằng tiền vay CTCK để gia tăng lợi nhuận (rủi ro cũng tương đương)”

2. Tỷ lệ ký quỹ

Đầu tiên bạn phải hiểu các định nghĩa và các cách tính để có chiến thuật sử dụng margin hiệu quả.

Ví dụ 1: Cơ cấu tài sản của tài khoản không sử dụng margin

Margin trong chứng khoán nghĩa là gì
Đơn vị tính: triệu đồng

Giả sử bạn đang sở hữu 10.000 cp FPT với tổng giá trị là 500 triệu

(Giả dụ giá FPT là 50.000/ cp).

Bạn chỉ sử dụng tiền mặt để mua cổ phiếu thì cơ cấu tài sản của bạn là như hình.

  • Giá trị thị trường chứng khoán= Giá trị tài sản ròng (vì không sử dụng nợ)
  • Tỷ lệ ký quỹ margin đang 100% có nghĩa là hiện tại bạn đang không sử dụng vay nợ.

Lúc này bạn đã sử dụng hết tài sản thực (tiền mặt) của mình để mua cổ phiếu rồi

Muốn mua thêm bạn phải vay CTCK (cầm cố cổ phiếu trong TK) hay chính là vay margin.

Trước khi sử dụng margin

Bạn cần nắm rõ các 3 tỷ lệ ký quỹ trong đầu tư để biết cách xử lý khi thị trường biến động.

#Tỷ lệ ký quỹ ban đầu: 100%

Đây là số tiền ban đầu mà bạn nạp vào tài khoản để thực hiện giao dịch mua cổ phiếu.

Có nghĩa…

Bạn muốn vay 500 triệu để đầu tư chứng khoán thì ban đầu bạn phải nạp vào ít nhất 500 triệu tiền tươi thóc thật vào TK chứng khoán.

Tùy thuộc vào tỷ lệ margin (tỷ lệ vay cổ phiếu nằm trong danh mục cho vay của Ủy ban chứng khoán) là bao nhiêu thì mới tính được số tiền ký quỹ ban đầu của bạn cần là bao nhiêu.

Tùy cổ phiếu và mỗi CTCK khác nhau họ có bộ phận Quản trị rủi ro để đánh giá mức độ rủi ro của cổ phiếu đấy khi cho vay là như thế nào để đưa ra các tỷ lệ khác nhau 10% cho đến 50% thậm chí cao hơn.

Cũng có những cổ phiếu nằm ngoài danh mục UBCK quy định cho vay hoặc cổ phiếu ít thanh khoản, rủi ro thì sẽ không cho vay.

 Nếu Tỷ lệ ký quỹ (TLKQ) thực tế > TLKQ ban đầu: Bạn được thực hiện lệnh mua chứng khoán giao dịch kí quỹ trong phạm vi hạn mức còn lại.

Ví dụ 2:  Cơ cấu tài sản của tài khoản sử dụng margin

Margin trong chứng khoán nghĩa là gì
Đơn vị tính: triệu đồng

Giả sử giá của FPT vẫn là 50.000/ cp

(1) Giá trị tài sản ròng chỉ còn 490 triệu là do vay 300 triệu margin bạn phải trả lãi 10 triệu (Lãi vay càng lớn nếu thời gian vay càng lâu)

(3) Giá trị thị trường chứng khoán= 500 triệu gốc + 300 triệu margin= 800 triệu

(5) Tỷ lệ ký quỹ margin sẽ thay đổi khi giá cổ phiếu thay đổi và càng giảm thì càng rủi ro

Khi giá cổ phiếu FPT giảm 10% hay tăng 10% thì đều có sự thay đổi cả giá trị tài sản ròng và tỷ lệ ký quỹ

Bạn có thể thấy và so sánh:

  • Nếu không dùng margin, khi cổ phiếu giảm 10% thì giá trị tài sản ròng của bạn giảm 10%.
  • Khi bạn dùng margin (vay 300 triệu) và cổ phiếu giảm 10% thì giá trị tài sản ròng của bạn giảm 18% (giảm 10% từ giá trị thị trường chứng khoán 800 triệu và trừ thêm lãi vay 10 triệu).

Cụ thể là:

  • Lỗ từ cổ phiếu: 800 triệu x (-10%):   80 triệu
  • Lãi vay margin phải trả:                    10 triệu
  • Tổng lỗ:                                             90 triệu
  • Giá trị tài sản ròng còn lại:                410 triệu
  • Tương tự khi giá cổ phiếu tăng 10%, bạn sử dụng margin thì tỷ suất sinh lợi cao hơn là 16% (Tức 1- 580/500)

Bạn thấy đấy, việc sử dụng margin đã làm tăng mức lỗ của bạn lên cao hơn khi giá cổ phiếu giảm và tăng mức lời cao hơn so với khi không sử dụng margin.

Đây là điểm rủi ro nhưng cũng là đòn bẩy cho người biết cách sử dụng margin một cách thông minh và hiệu quả!!!

Bạn cần lưu ý rằng…

  • Thứ nhất, giá cổ phiếu luôn biến động mỗi ngày, do đó giá trị tài sản ròng biến động theo (biến số là giá cổ phiếu)
  • Thứ hai, Dư nợ thực tế cũng sẽ biến động theo ngày vì mỗi ngày bạn phải trả lãi vay margin cho CTCK theo từng ngày với lãi suất dao động từ 10%-15%/ năm (tùy CTCK khác nhau và sản phẩm tài chính khác nhau).

Cho nên khi thị trường biến động giảm (ví như những phiên giảm sàn liên tục 2 phiên) nhà đầu tư phải cực kì lưu tâm tỷ lệ ký quỹ margin để ra phương án xử lý nếu không muốn chính tay CTCK force sell.

Margin trong chứng khoán nghĩa là gì
Margin call

#Tỷ lệ ký quỹ duy trì (MARGIN CALL)

Nghe quen chứ các bạn ^^

Ai đã từng mỗi sáng thức dậy lúc 9h vào phiên và nhận thông báo rằng “Quý khách cần bổ sung thêm tiền hoặc bán chứng khoán để trả nợ trước giờ xử lý nợ……”

Đây là thông báo của các CTCK gửi cho những khách hàng đang bị vi phạm tỷ lệ ký quỹ an toàn.

Những email hay SMS như vậy được gọi là “Margin Call”

Vậy Margin call là gì…

Đây là mức tỷ lệ ký quỹ tối thiểu bạn phải bổ sung tiền hoặc bán chứng khoán đủ để duy trì tài khoản trên ngưỡng đấy.

Tùy mỗi CTCK sẽ có công thức tính tỷ lệ ký quỹ duy trì khác nhau, nhưng nhìn chung phần lớn sẽ là ở mức 40%.

Tuy nhiên một điểm lưu ý:

Tỷ lệ ký quỹ duy trì >= Tỷ lệ ký quỹ thực tế>= Tỷ lệ xử lý: Khách hàng có nghĩa vụ bổ sung tiền hoặc tài sản đảm bảo để đưa tỷ lệ ký quỹ thực tế về mức >= tỷ lệ ký quỹ duy trì

Nếu bạn vẫn ở trong khoản đấy thì CTCK vẫn gửi thông báo cho bạn NHƯNG họ sẽ chưa bán cho đến khi bạn chạm mức xử lý gọi là “Tỷ lệ ký quỹ xử lý”.

#Tỷ lệ ký quỹ xử lý (FORCE SELL)

Margin trong chứng khoán nghĩa là gì

Đây là mức cảnh báo cuối cùng và buộc CTCK sẽ thay bạn xử lý mà không cần phải thông báo đến bạn nữa.

Khi tỷ lệ ký quỹ chạm ngưỡng Force Sell vào đúng cái giờ “hành quyết” của CTCK đấy quy định thì CTCK sẽ thực hiện bán giải chấp với giá sàn, không phân biệt cổ phiếu nào nhằm mục đích thu hồi nợ!

Thường nó rơi vào mức: 30%

Ví dụ: 8/4/2020 TLKQ thực tế của bạn là 35% ( vẫn trên TLKQ xử lý nhưng thấp hơn TLKQ duy trì) thì CTCK sẽ gửi mail/ SMS thông báo số tiền cần bổ sung để TLKQ = 40% (TLKQ duy trì) vào chiều cùng ngày.

Và quy định 13h ngày 9/4/2020 nếu TLKQ thực tế của bạn < 30% sẽ bị force sell…

Nếu trước 13h ngày 9/4/2020  TLKQ thực tế của bạn > 30% bạn sẽ không bị force sell

Nếu trước 13h ngày 9/4/2020 TLKQ thực tế của bạn <= 30% thì chiều 13h danh mục bạn sẽ bị bán về TLKQ duy trì là 40%.

(Một số CTCK có quy định thời gian Force Sell là 9 h sáng hay 13h thì bạn phải nắm thật kỹ).

Tốt nhất đừng bao giờ để tài khoản mình phải rơi vào trạng thái bị động như vậy.

Rủi ro cực kì cao nên bạn phải luôn thận trọng mỗi khi sử dụng margin.

3. Khi nào nên dùng margin? Tại sao?

Call margin có lẽ là cụm từ chán ghét nhất với mọi nhà đầu tư tham gia bởi giống như bạn đang ở trong tình trạng “Cấp cứu”

Có lẽ vì thế mà có hẳn một bộ phim “Margin Call” nói về cuộc khủng hoảng tài chính 2008 làm thiêu rụi không biết bao nhiêu tài sản của nhà đầu tư.

Margin trong chứng khoán nghĩa là gì
Phim “Margin Call” tái hiện lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008

Vậy có nên sử dụng margin?

Câu trả lời là tùy vào điều kiện thị trường và số vốn bạn đang dùng để đầu tư.

Bất kì một công cụ nào cũng có 2 mặt của nó, bạn nên nhìn nhận khách quan bởi vì mình là đứa đã từng trải qua hết những gì liên quan đến chữ “margin”

Đỉnh 2018 mình full margin và kết quả là bay hơn 50% tài sản và đau lòng hơn là Force sell ngay đúng đáy cổ phiếu.

Vậy tại sao mình không sợ hãi ngưng dùng margin đi và khuyên cách bạn KHÔNG được dùng margin đi???

Vì margin không sai mà lỗi nằm ở bản thân mình đã không biết cách quản trị vốn và liều lĩnh mà thôi.

#Không nên dùng margin khi

  • Bạn là người mới chưa có nhiều kinh nghiệm trong thị trường: thường những bạn mới tập tành đánh sẽ dùng ít vốn và tự hình thành tư duy 

“Ôi cùng lắm mất số tiền này, không đến nổi phải chết”

Điều này cực kỳ nguy hiểm vì nó đã ăn sâu vào máu các bạn thì 1 triệu hay 1 tỷ cách bạn dùng margin nó cũng sẽ giống nhau và tôi chắc chắn bạn phải trả giá đắt nếu quá tự tin vào điều đó.

  • Tuyệt đối không dùng margin khi thị trường vào giai đoạn giảm giá dài hạn (2018- nay)
  • Vốn vay mượn: margin đã là khoản vay rồi, nhiều bạn còn vay bên ngoài đầu tư chứng khoán và lại  “bẫy trên bẫy”.

Bạn làm bài toán vay này đi, nó kinh khủng lắm và bạn sẽ cực kì bị áp lực khi bị lỗ.

  •   Muốn làm giàu nhanh: Margin là công cụ đòn bẩy nếu sử dụng đúng tài sản của bạn tăng rất nhanh. Hướng ngược lại bạn cũng sẽ mất rất nhiều nên hãy cân nhắc kĩ khi dùng margin.
  • Dùng margin để đầu tư dài hạn

Thử tưởng tượng bạn kỳ vọng một năm đầu tư với suất sinh lợi 30% trong khi lãi vay margin trung bình 12-14% vậy là cuối cùng bạn chỉ còn 15% nếu bạn đầu tư đúng còn nếu sai thì nó tai hại kinh khủng khiếp.

#Và nên dùng margin khi

Điều đầu tiên trước khi bạn quyết định dùng margin là : Học cách quản lý vốn

Bạn phải có một sự tính toán rất kỹ việc sử dụng vốn của bản thân mình khi đầu tư chứng khoán là như thế nào. Nó cực kỳ quan trọng không chỉ trong đầu tư chứng khoán mà còn trong việc bạn quản lý vốn cá nhân của mình trong cuộc sống.

  • Chỉ nên sử dụng khi thị trường vào giai đoạn thị trường có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng với cổ phiếu cơ bản tốt (yêu cầu có sự phân tích kỹ lưỡng) và tỷ lệ vay thấp.
  • Khi trong điều kiện thị trường tăng trưởng bình thường thì xuất hiện một tin tức làm thị trường điều chỉnh mà bạn đánh giá thông tin đấy không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của  DN bạn đang giữ cổ phiếu và cả toàn thị trường trong dài hạn.

Giá cổ phiếu giảm hơn 10% bởi tâm lý đám đông cảm xúc thì lúc này bạn có thể dùng margin để tham gia (Lưu ý phải bạn đánh giá đủ tốt thông tin đấy).

Ví dụ: Thông tin ông XXX là GĐ ngân hàng YYY nào đó bị bắt vì vi phạm gây ra nợ xấu cho ngân hàng cũng có thể làm thị trường biến động giảm.

Đánh giá thì tin tức này nó không gây ảnh hưởng lâu dài và bạn đang nắm giữ cổ phiếu FPT (không liên quan gì đến ngân hàng) nhưng vì thị trường chung giảm, FPT giảm 5%

Lúc này bạn có thể sử dụng margin để mua FPT (tỷ lệ 10-20% theo mình là ổn)

Bạn nên hạn chế dùng margin với trường hợp này vì nó phụ thuộc vào tin đó ảnh hưởng đến thị trường chung ra sao?

Hay bạn sử dụng margin để xử lý vấn đề thanh khoản (Mua trước nạp tiền sau do chuẩn bị tiền chưa kịp…) nhưng phải có sự tính toán kĩ lưỡng về thời gian nộp tiền trả nợ trước để không bị lãi.

Xem thêm: 5 điều người mới cần chuẩn bị nếu muốn đầu tư chứng khoán thành công

4.Kết luận

Margin trong đầu tư là con dao 2 lưỡi.

Sử dụng margin khi thực sự bạn biết cách quản trị rủi ro dòng vốn của mình.

Margin có thể giúp bạn gia tăng tài sản nhanh chóng nhưng cũng là thứ bào mòn tài khoản của bạn nếu dùng không đúng cách.

Cho dù bạn là nhà đầu tư theo trường phái nào thì việc sử dụng margin cũng nên có sự cân nhắc kĩ lưỡng để đảm bảo tài khoản của mình gia tăng một cách an toàn.

Với giai đoạn hiện tại 2020 khi thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới bước vào thời kỳ suy thoái,, bước vào thời kì downtrend thì mình khuyên các bạn không sử dụng margin.

Hãy đầu tư bằng tiền tươi thóc thật của mình, ăn chắc mặc bền thôi các bạn nhé!

Ola, cuối cùng cũng chia sẽ xong khá đầy đủ về margin cho các bạn

Đây là phần mà mỗi lần nhắc đến khá là đau lòng mình hy vọng các bạn đọc và để lại comment bên dưới nếu bạn có câu hỏi hay bạn có thể chia sẽ câu chuyện chiến thắng hay thất bại khi sử dụng margin ở bên dưới nhé!