Năm 2004 ngành dịch vụ chiếm bao nhiều phần trăm giá trị GDP của Nhật Bản

Năm 2004 ngành dịch vụ chiếm bao nhiều phần trăm giá trị GDP của Nhật Bản
Phóng to
GDP năm 2004 tăng 7,6%
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, nhờ những nỗ lực trong cải cách, năm 2004, VN đã đạt được những kết quả đáng kể, tăng trưởng kinh tế GDP khá và ổn định, năm sau cao hơn năm trước (năm 2002 tăng 7,1%, năm 2003 tăng 7,3%, ước tính năm 2004 là 7,6%).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã giảm từ 21,8% năm 2003 xuống còn 20,4% năm 2004. Trong khi đó, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt 41,1%, tăng 1,1% so với năm 2003. Đặc biệt tỷ trọng ngành dịch vụ sau 3 năm liên tục giảm thì năm 2004 đã có xu hướng phục hồi, dự kiến đạt 38,5% (năm 2003 là 38,2%).

Giá trị công nghiệp tăng 15,6%, trong đó giá trị tăng thêm đạt 10,6%, cao nhất từ nhiều năm nay đã góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Điểm nổi bật là chất lượng nhiều sản phẩm công nghiệp đã dần được nâng cao. Tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tác vẫn duy trì xu hướng tăng lên, giá trị tăng thêm của ngành từ 61% năm 2003 tăng lên 61,5% năm 2004. Trong khi đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp khai thác giảm từ 27,7% năm 2003 xuống còn 26,5% năm 2004. Điều này chứng tỏ ngành công nghiệp đi vào hoạt động có chất lượng và hiệu quả hơn theo hướng có lợi cho tiến trình phát triển.

Cơ cấu các ngành dịch vụ bắt đầu có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ có chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... ngành du lịch phát triển nhanh với nhiều loại hình du lịch đa dạng. Tỷ trọng của ngành khách sạn, nhà hàng tăng từ 8,2% năm 2003 lên 8,4% năm 2004. Tỷ trọng của ngành thương nghiệp tăng từ 36% lên 36,5% năm 2004.

Các thành phần kinh tế tích cực đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân đã có mức tăng trưởng rất cao. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng GDP tăng từ 36,6% năm 2000 lên khoảng 42% năm 2004.

Trong năm 2004, cả nước đã tạo ra 1,55 triệu chỗ làm việc mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn 5,6%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, tài nguyên môi trường, vấn đề dân số, gia đình trẻ em, an sinh xã hội... có nhiều tiến bộ. Đặc biệt phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã được quan tâm. Chính phủ đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 2.374 xã đặc biệt khó khăn ở 355 huyện thuộc 49 tỉnh; xây dựng hơn 400 trung tâm cụm xã, đào tạo cho hơn 5.000 lượt cán bộ xã, bản, làng.

Hoạt động xóa đói giảm nghèo được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhất là các tỉnh đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ đói nghèo cao, nguy cơ tái nghèo lớn. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm xuống còn 8,3%, mỗi năm bình quân giảm trên 2%. Nhìn chung tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trong cả nước và trên tất cả các vùng địa lý, trong đó các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao có xu hướng giảm nhanh hơn các vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp.

Theo thống kê, trong số 64 tỉnh thành phố, có 36 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%, trong đó có 11 tỉnh, thành phố tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An, An Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh); có 4 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 20% (Bắc Cạn, Điện Biên, Lai Châu, Sóc Trăng).

Năm 2005 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2001-2005, Việt Nam phấn đấu mức tăng trưởng GDP từ 8 đến 8,5% và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%.

Theo TTXVN


Tăng trưởng cao, nhưng chưa vững chắc

Năm 2004, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 361,4 nghìn tỷ đồng (giá 1994), ước tăng 7,6% so với năm 2003 (kế hoạch đề ra tăng từ 7,5% đến 8%), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,3%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%. Xu hướng tăng trưởng khá ổn định: quý sau cao hơn quý trước; quý I tăng 7%; sáu tháng tăng 7%; chín tháng tăng 7,4% và cả năm tăng 7,6%. Đó  là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng bảy năm qua (năm 1998 tăng 5,76%; năm 1999 tăng 4,77%; năm 2000 tăng 6,79%; năm 2001 tăng 6,89%; năm 2002 tăng 7,08% và năm 2003 tăng 7,26%). Trong bối cảnh khó khăn về nhiều mặt, tốc độ tăng trưởng của năm 2004 là thành tựu đáng ghi nhận. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ: Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong  GDP tăng dần, tỷ trọng nông nghiệp giảm dần.

Do kinh tế tăng trưởng khá, cho nên thu ngân sách cả năm vượt dự toán 11,8% và tăng 17% so với năm 2003. Có 33 trong 64 địa phương đạt số thu thuế hơn 500 tỷ đồng. Chi ngân sách vượt dự toán 9,8% và tăng 16,7% so với năm 2003. Bội chi ngân sách bằng 4,9% GDP, thấp hơn mức Quốc hội cho phép.

Vượt qua khó khăn về thiên tai và bệnh cúm gia cầm, nông nghiệp vẫn được mùa, thủy sản tăng trưởng khá. Sản lượng lương thực có hạt đạt 39,1 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay tăng 4,2% so với năm 2003. Sản xuất lúa chuyển mạnh theo hướng: giảm dần diện tích, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo để phù hợp yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu gạo. Tỷ trọng ngô trong cơ cấu sản lượng lương thực đã tăng từ 8,4% năm 2003 lên 8,8% năm 2004. Ngô đã trở thành một mặt hàng nông sản phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi có giá trị, thay thế hàng nhập khẩu và bước đầu xuất khẩu. Năm 2004 so với năm 2003, sản lượng cây công nghiệp, cây ăn quả, rau đậu đều tăng. Chăn nuôi chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa rõ  hơn, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng các đàn gia súc, gia cầm có nhiều thay đổi. Diện tích rừng trồng tập trung đạt 180 nghìn ha, bằng mức năm 2003. Sản lượng thủy sản cả năm đạt 3 triệu 89 nghìn tấn, tăng 8,2% so năm 2003.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004  đạt 354 nghìn tỷ đồng (giá năm 1994), tăng 16% so với  năm 2003, trong đó khu vực Nhà nước  tăng 11,4%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 22,8% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 15,7%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu sản phẩm công nghiệp của thị trường trong nước và xuất khẩu tăng; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp như thủy sản chế biến, sản phẩm gỗ chế biến, dệt may, giày dép,... có nhiều tiến bộ. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng chậm. Tính chung cả năm đã thu hút  hơn 4,1 tỷ USD, trong đó: 2,3 tỷ  USD vốn đăng ký mới và 1,8 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung, đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Các dự án tập trung vào ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 60,5% số vốn đăng ký, các tỉnh, thành phố phía nam chiếm 64,6%, các tỉnh, thành phố phía bắc chiếm 35,4% số vốn đăng ký. Đáng chú ý là, bên cạnh nguồn vốn đầu tư của các dự án mới, năm 2004 còn thu hút thêm vốn đầu tư bổ sung của các dự án cũ, đạt mức cao nhất trong những năm qua. Đó là dấu hiệu tốt lành chứng minh môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và hiệu quả của các dự án đầu tư đang được nâng lên.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tính chung năm 2004  tăng 18,7% so năm 2003.  Về giá hàng hóa và dịch vụ chung cả năm tăng 9,4% so tháng 12-2003. Dù chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng tốc độ tăng giá đã được khống chế dưới hai con số. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 26 tỷ USD, tăng 30% so năm 2003, bình quân một tháng đạt 2,16 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng so với  năm 2003. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD có tốc độ tăng cao trong năm nay là: dầu thô  tăng 53%, hàng dệt may tăng 19,6%, giày dép tăng 17,3%. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tăng khá, trong đó cà-phê tăng 33,4%, cao-su tăng 35%, chè tăng 57%, hạt tiêu tăng 40%, hạt điều tăng 48%, thủy sản tăng 7%. Nguyên nhân xuất khẩu tăng khá là: Về khách quan: giá các mặt hàng dầu thô, gạo, cao-su, hạt điều tăng cao. Về chủ quan: sản xuất trong nước tăng trưởng khá, chất lượng sản phẩm xuất khẩu có tiến bộ, chính sách khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước phát huy tác dụng.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2004 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 23,2% so với  năm 2003. Nhập siêu ước đạt 4,7 tỷ USD, bằng 18,9% kim ngach xuất khẩu.

Xã hội ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển xã hội đều đạt và vượt kế hoạch: Đã tạo việc làm mới cho 1,5 triệu lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%; số hộ thiếu lương thực giáp hạt giảm 35% so với năm 2003. Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển và có nhiều khởi sắc. Công tác đào tạo nghề được Nhà nước và các ngành, các cấp quan tâm và đạt kết quả khá. 

Bên cạnh những thành tựu to lớn và cơ bản đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2004 vẫn còn những yếu kém. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung còn ở mức thấp so với kế hoạch. Chất lượng tăng trưởng, tính bền vững và độ đồng đều chưa cao. Điều này được thể hiện trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Trong công nghiệp, giá trị sản xuất tăng 16% nhưng giá trị tăng thêm chỉ tăng 0,7%. Tốc độ tăng trưởng của một số sản phẩm công nghiệp khai thác còn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Giá hàng hóa, dịch vụ trong nước tăng cao.  Mục tiêu giảm tỷ lệ sinh 0,04% không đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ sinh con thứ ba tăng so với các năm trước đang tiềm ẩn khả năng bùng nổ dân số.

Một số giải pháp

 Mục tiêu năm 2005 GDP tăng 8,5%. Nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản có thể đạt mục tiêu đề ra là tăng từ 5,2% đến 5,4% so với năm 2004. Sản lượng lương thực có hạt dự báo đạt hơn 40 triệu tấn. Chăn nuôi sẽ hồi phục và tăng trưởng nhanh sau bệnh cúm gia cầm... Sản xuất công nghiệp tăng từ 16% đến 17%. Các sản phẩm công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu như dệt, may... có khả năng tăng trưởng cao do EU và Canada đã bỏ hạn ngạch nhập khẩu đối với Việt Nam. Công nghiệp dân doanh và công nghiệp FDI có khả năng tăng khá do nguồn vốn đầu tư các năm trước đây đến thời kỳ phát huy tác dụng. Đầu tư nước ngoài và du lịch có triển vọng tăng trưởng cao hơn năm 2004 do tác động của các chính sách và cơ chế mới và tình hình chính trị xã hội ổn định...

Để đạt được mục tiêu nêu trên, năm 2005 cần có các giải pháp tích cực, đồng bộ, với sự chỉ đạo sát sao và tổ chức thực hiện nghiêm túc của các ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước.

Trước hết, tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất công, nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và chống thất thoát trong xây dựng cơ bản. Tạm ngừng các công trình chưa cần thiết. Giảm chi phí trung gian trong các ngành sản xuất, nhất là trong công nghiệp để tăng tỷ trọng giá trị tăng thêm của các ngành này.  Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng, tài chính, viễn thông, du lịch... Giải ngân nguồn vốn của các nhà tài trợ 3,4 tỷ USD để tăng nhanh vốn đầu tư phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Thu hút mạnh các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ để khai thác cao nhất tiềm năng và lợi thế hiện có. Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành tiết kiệm, tạo động lực tinh thần, khơi dậy tiềm năng sức lực và trí tuệ của cả dân tộc nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2005.

TRẦN NGUYỄN