Ngành Báo chí Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Cụ thể, theo Đề án tuyển sinh 2017 của ĐH Sư phạm Đà Nẵng công bố từ tháng 3/2017, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Báo chí là 200 sinh viên (SV). Thế nhưng, theo danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 vừa công bố, số thí sinh trúng tuyển ngành học này lên đến hơn 450 SV, tăng hơn 2 lần so với chỉ tiêu công bố trước đó. Điều này khiến nhiều thí sinh thắc mắc.

Ngành Báo chí Đại học Sư phạm Đà Nẵng
Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Báo chí của ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã được điều chỉnh tăng 1,5 lần so với công bố trước đó (ảnh minh họa)

Trả lời PV Dân trí , PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Đà Nẵng - lý giải như sau:

Ở Khối ngành VII, nhà trường có tổng số 9 ngành đào tạo, gồm: Văn học, lịch sử, địa lý, văn hóa học, việt nam học, tâm lý, công tác xã hội, quản lý TN & MT và Báo chí.

Căn cứ vào quy định của Bộ GD-ĐT như số lượng giảng viên cơ hữu quy đổi, quy mô đào tạo hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường (gọi chung là điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục), khối ngành VII nhà trường được tuyển sinh trên 1.000 chỉ tiêu (CT). Tuy nhiên, trường chỉ đăng ký 870 CT cho 9 ngành. Trung bình mỗi ngành chưa tới 100 CT.

Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, Bộ cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển. Ngành Báo chí có tổng số thí sinh (TS) đăng ký là 1.195 TS, trong đó NV1: 303 TS, NV2: 302TS, NV3: 248TS, còn lại các nguyện vọng khác. Ngược lại, số TS đăng ký vào các ngành Văn hóa học, Lịch sử, Văn học, Quản lí Tài nguyên & môi trường thấp. Kết quả đó đã phản ánh nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội đối với các ngành đào tạo.

Ngày 26/7 Bộ GD-ĐT công bố số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường và tiến hành lọc ảo. Bộ cho phép các trường tự điều chỉ tiêu trong khối ngành nhưng không được vượt tổng. Nhà trường đã hội ý Ban Giám hiệu và điều chỉnh chỉ tiêu ngành Báo chí lên 350 chỉ tiêu; đồng thời, giảm chỉ tiêu các ngành còn lại.

Kết quả, xét tuyển ngành Báo chí lấy 18,25 điểm, cũng thuộc “top” ngành có điểm chuẩn cao của nhà trường, số thí sinh trúng tuyển là 459 thí sinh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm, chưa năm nào các ngành cử nhân của trường có số lượng thí sinh nhập học đủ. Do vậy, chủ trương của Đại học Đà Nẵng và nhà trường thống nhất sử dụng trọng số xét tuyển đối với các nguyện vọng, cụ thể như sau: NV1 trọng số 1 (tức là gọi 10 em nhập học cả 10 em); NV2 trọng số 0,7 (tức là gọi 10 em chỉ nhập học có 7 em); tương tự NV3 trọng số 0,5; NV4 trở lên trọng số 0,2. Như vậy với số lượng trúng tuyển là 459 thí sinh trúng tuyển công bố, sau khi nhân hệ số thì số lượng dự kiến nhập học thực tế vẫn là 350 sinh viên vì trong số đó rất nhiều em trúng tuyển NV 3, 4 trở lên.

Với số lượng dự kiến nhập học lần này, nhà trường sẽ mở thêm 1 lớp theo hướng đào tạo tăng cường tiếng Anh (nhưng không tăng học phí). Đồng thời nhà trường sẽ tăng cường các nguồn lực như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy tốt nhất để nâng cao chất lượng đào tạo.

Khánh Hiền

10:15, 21/06/2022 (GMT+7)

Thực tập như một “học kỳ” bản lề cho tương lai của bất kỳ sinh viên nào sau khi ra trường, nghề báo cũng không ngoại lệ. Với những sinh viên chập chững theo con đường báo chí, việc được “cầm tay, chỉ việc”, cọ xát với thực tiễn là trải nghiệm quý giá bên cạnh thời gian trau dồi kiến thức trên ghế nhà trường.

Những bài học không từ giảng đường

Thực tập ở Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng từ 14-6 đến 25-8-2021, Phạm Thanh Tiền, sinh viên năm cuối khoa Báo chí - Truyền thông của Trường Đại học Khoa học Huế hào hứng chia sẻ những trải nghiệm: “Hồi năm 1 và năm 2, em không có sự tìm hiểu hay cộng tác với một cơ quan báo chí nào mà chỉ có học lý thuyết từ phía nhà trường. Điều này dẫn tới sự bỡ ngỡ sau khi nộp hồ sơ thực tập vì mọi thứ mới mẻ và khác biệt quá”.

Ngành Báo chí Đại học Sư phạm Đà Nẵng
Phóng viên Vĩnh Nhân - Báo Giao thông (bên trái) tác nghiệp tại Ga Đà Nẵng. Ảnh: X.S

Bỡ ngỡ như lời Tiền nói, chính là những kỹ năng thực tế như tìm tòi, xác thực thông tin, cách liên hệ với nhân vật, viết tin sao cho hay… - đây là những điều mà Tiền đã biết từ giảng đường nhưng chưa có dịp thực hành nhiều. Chỉ đến khi nhận được hỗ trợ nhiệt tình từ những phóng viên của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, cơ hội mới mở ra với cô sinh viên Đà Nẵng. “Các anh, chị ở báo nhiệt tình chỉ dẫn cách khai thác đề tài, chỉnh sửa từng câu từng chữ khi viết. Rồi em cũng tự tin hơn và cảm nhận được khó khăn khi tác nghiệp, để hiểu ra mình không chỉ cần chuyên môn mà còn phải có sự học hỏi và phấn đấu không ngừng”, Tiền cho biết.

Giống như Phạm Thanh Tiền, Phan Nguyễn Khánh Nhi, sinh viên năm cuối ngành Cử nhân Báo chí thuộc khoa Ngữ Văn (Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) gặt hái không ít trải nghiệm quý giá sau đợt thực tập 3 tháng ở đài VTV8. Nhi cho biết, bên cạnh kiến thức nền tảng đã học ở trường và sự chủ động, em may mắn được đội ngũ phóng viên, quay phim của VTV8 chỉ dẫn từng chi tiết nhỏ nhất trong quá trình tác nghiệp báo chí. “Các anh, chị chia sẻ với em nhiều chi tiết nhưng quý giá, từ việc đúng giờ giấc khi đi làm; biên tập viên và dẫn chương trình phải mặc trang phục ra sao, trang điểm như thế nào, đứng ở vị trí nào để ánh sáng đẹp nhất khi lên hình…”, Nhi kể lại.

Có thời gian làm cộng tác viên của VTV8 trước khi thực tập, Nhi may mắn được học hỏi các kỹ năng cơ bản của truyền hình từ việc viết tin, lên kịch bản chương trình, dựng phim… Mới đây, cô sinh viên người Quảng Nam được dịp tham gia ekip chương trình “Quyến rũ Việt Nam” đi Quảng Bình, Hội An và Kon Tum trong vai trò dẫn chương trình. “Mục tiêu của em là trở nên đa năng trong nghề từ chính những trải nghiệm hôm nay”, Nhi chia sẻ.

Đang công tác tại Báo Công Thương, Phạm Văn Hạ Vĩ (25 tuổi, tốt nghiệp ngành Cử nhân Báo chí thuộc khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm) thấy bản thân may mắn khi có thời gian làm quen với nghề báo trước khi bắt đầu thời gian thực tập ở Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC - văn phòng tại Đà Nẵng. Hơn 3 tháng thực tập, xa hơn là 2 năm gắn bó với đơn vị này, Vĩ đã học được nhiều kỹ năng để trở thành một phóng viên đa phương tiện. “VTC là nơi nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho mình phát huy thế mạnh và theo đuổi nghề báo tới hôm nay. Mình được các anh, chị ở văn phòng “cầm tay, chỉ việc” rất chi tiết từ cách khai thác đề tài, khai thác thông tin và thể hiện thông tin cho tới việc sử dụng máy quay truyền hình chuyên nghiệp, kỹ năng phỏng vấn và hiện dẫn khi lên sóng”, Vĩ cho biết.

Hạ Vĩ vẫn thường xem lại phóng sự đầu tiên do mình thực hiện được lên sóng trên kênh truyền hình VTC1. Với Vĩ, cảm giác lâng lâng, khó tả của một phóng viên trẻ có sản phẩm trên một kênh truyền hình lớn đã là động lực, thành quả và bài học cho bản thân anh trong nghề báo.

Nhiều lợi thế cho sinh viên thực tập

Thực tập được xem như học kỳ đặc biệt của những sinh viên báo chí bởi đây là dịp cọ xát với nghề báo một cách trực diện, thực tiễn nhất và bản thân sinh viên có nhiều lợi thế khi bước chân vào một cơ quan báo chí. Theo phóng viên Văn Dinh (Báo Tài nguyên & Môi trường), nhiều sinh viên báo chí tham gia thực tập rất nhanh nhẹn, khả năng độc lập tìm kiếm đề tài và nguồn tin rất tốt, biết cách tạo lập mối quan hệ. Rất nhiều sinh viên thực tập có kiến thức nền tốt, đã biết cách làm báo, học hỏi các anh chị đi trước để lấy kinh nghiệm.

Ngành Báo chí Đại học Sư phạm Đà Nẵng
Phóng viên Hạ Vĩ trong thời gian học việc, thực tập ở Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phóng viên Thanh Tâm (Báo Nhân Dân) cho biết, khi môi trường báo chí sôi động hơn, các loại hình báo chí phát triển mạnh hơn, các phương tiện tác nghiệp ngày một đa dạng thì việc tác nghiệp của sinh viên sẽ thuận lợi hơn. “Các hoạt động, thông tin, sự kiện thường xuyên được cập nhật, chia sẻ trên mạng xã hội và đó là nguồn thông tin, đề tài để sinh viên tiếp cận tác nghiệp”, phóng viên Thanh Tâm chia sẻ. Cùng quan điểm, phóng viên Hoàng Vinh (Báo Giáo dục & Thời đại) chia sẻ: “Sinh viên báo chí hiện nay có ưu thế lớn do đang sống trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, máy móc và trang thiết bị hiện đại. Nền tảng đa phương tiện cho phép các bạn sẵn sàng làm việc được ngay trên điện thoại thông minh. Có thể chụp ảnh, quay phim và chỉnh sửa, gửi tin chỉ bằng một chiếc điện thoại”.

Tại Trường Đại học Sư phạm, những năm qua, sinh viên báo chí được nhà trường sắp xếp thời gian kiến tập vào năm thứ 3 trước khi thực tập ở năm cuối. Do đó có cơ hội biết về môi trường thực tập hơn so với các thế hệ anh chị. Ngoài ra có điều kiện làm quen, nhanh nhạy với máy móc, công nghệ, thiết bị tác nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Theo TS Trần Thị Yến Minh, Giảng viên ngành Cử nhân báo chí thuộc Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, sinh viên báo chí hiện nay có cơ hội thực tập ở khá nhiều đơn vị, không chỉ được tạo điều kiện thực tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương mà còn có cơ hội thực tập ở nhiều công ty truyền thông. “Lợi thế của sinh viên báo chí hiện nay là bắt nhịp nhanh với thực tiễn do được làm quen với máy móc từ ghề nhà trường, tiếp đó là sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị thực tập mà đặc biệt là sự hướng dẫn của cán bộ hướng dẫn, trong đó có nhiều cựu sinh viên. Đồng thời, chương trình đào tạo có sự thay đổi theo hướng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên khoảng cách giữa nhà trường và tòa soạn cũng được kéo gần”, Tiến sĩ Trần Thị Yến Minh cho biết.

Sinh viên cần gì khi thực tập ngành báo chí?

TS Trần Thị Yến Minh nhận xét, tiến độ thực tập ngắn đi trong 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nhiều sinh viên chưa bắt nhịp kịp với thực tập. Bên cạnh đó, hiện tại có nhiều lựa chọn công việc ở cả mảng báo chí và truyền thông nên sinh viên thiếu độ “sâu” và sự kiên định, quyết tâm với nghề. “Sinh viên cần thái độ tích cực, ham học hỏi, không ngại khó, không dấu dốt, hãy lăn xả và tranh thủ mọi cơ họi để trải nghiệm. Hãy coi thực tập như cơ hội học việc hữu ích, bởi sinh viên được hỗ trợ bởi những “người dẫn đường” là người hướng dẫn và giảng viên chứ không phải là một học phần đối phó”, TS Trần Thị Yến Minh lưu ý.

XUÂN SƠN