Người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập là ai

Người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập là ai

Ông Nguyễn Văn Tập và người vợ tần tảo Nguyễn Thị Tiến. Ảnh: Đức Tùy

Lá thư báo công cho bố

Một ngày tháng 4/2020, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Tập (SN 1951, trú tại thôn Đại Lương, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Trong cái rét nàng Bân, người lính lái chiếc xe tăng 390 ngày nào như được sống lại với ký ức của 45 năm về trước, khi ông cùng các đồng đội húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Ông Tập kể, thực chất ông không thuộc diện đi bộ đội vì trên ông có 2 anh ruột thời điểm đó đang tham gia kháng chiến chống Mỹ (ông là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em). Học hết lớp 7, ông được tuyển vào Trường Cơ khí 2 (Bộ Cộng nghiệp nặng) tại Vĩnh Phúc. Năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, đặc biệt ở chiến trường miền Nam. Ông viết tâm thư gửi lãnh đạo nhà trường với mong muốn được lên đường nhập ngũ và sau 2 lần viết tâm thư, cuối cùng ông được nhà trường đồng ý.

Thời gian mới nhập ngũ, ông được huấn luyện 4 tháng tại Triệu Sơn (Thanh Hóa). Sau đó, ông về Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 203 tăng thiết giáp. Kết thúc thời gian huấn luyện ở đơn vị, ông bắt đầu nhận nhiệm vụ đi chiến đấu vào năm 1971. Ông Tập cho biết: "Về đơn vị, tôi được nhận xe tăng loại mới T54B. Đến cuối năm 1972, do nhiệm vụ nên cấp trên bàn giao chiếc xe này cho đơn vị khác và tôi nhận loại xe tăng T59 (xe 390). Đây là xe tăng của Trung Quốc đã qua sử dụng và nó gắn bó với tôi đến lúc phục viên. Cuối năm 1974, trong lần về phép, tôi kết hôn với bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1957, người cùng thôn-PV)".

Người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập là ai

Người lính lái xe tăng 390 huyền thoại ngày nào giờ đã gần 70 tuổi.

Ông Tập nhớ lại, thời điểm đầu tiên, kíp xe 390 có 4 người, gồm ông (lái xe) và 3 người là: Quảng Đức Đán (ở Vĩnh Phúc) - Chính trị viên Đại đội kiêm chỉ huy xe; Lê Tiến Hùng (ở Phú Thọ) - Pháo thủ số 1; Nguyễn Văn Tráng (ở Thanh Hóa) - Pháo thủ số 2. Năm 1973, do nhiệm vụ công tác nên kíp xe nhiều thay đổi vị trí. Đến ngày 28/4/1975, khi chuẩn bị đánh vào Dinh Độc Lập thì kíp xe tăng 390 gồm các chiến sĩ Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2): Chính trị viên Đại đội kiêm chỉ huy xe Vũ Đăng Toàn, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên, Đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng và ông Nguyễn Văn Tập là lái xe.

Nhớ lại những ngày lịch sử 45 năm về trước, người lính già lái xe tăng 390 kể: "Khoảng 7h sáng 30/4/1975, Đại đội 4 của tôi đã chiếm lĩnh được đầu cầu Sài Gòn. Khi đến gần Dinh Độc Lập, xe chúng tôi phát hiện ra xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận đang tiến về hướng cổng chính Dinh Độc Lập nhưng không hiểu sao sau đó lại rẽ sang cổng phụ bên trái và dừng lại. Thấy vậy tôi quay ra hỏi anh Toàn và anh nói: "Cứ tông thẳng vào". Nghe hiệu lệnh của chỉ huy xe, tôi lập tức lái xe nhấn ga, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập lao vào trong sân".

Sau khi húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, đến 13h30 chiều cùng ngày, các chiến sĩ xe 390 nhận được lệnh rút khỏi Dinh, ra bảo vệ tân cảng Sài Gòn và khoảng 1 tuần sau khi tình hình ổn định, đơn vị ông được lệnh rút về Long Bình (Đồng Nai) đóng quân. Về đến địa điểm mới, ông Tập cùng đơn vị xây dựng lán trại, phân công nhiệm vụ và lúc này, ông mới có thời gian viết thư về cho bố và người thân ở quê nhà.

"Nếu tính từ 30/4/1975 đến lúc tôi viết thư cho bố là khoảng 10 ngày. Trong thư, ngoài hỏi thăm sức khỏe bố, vợ, người thân, tôi kể nhiều chuyện và báo công: Con đã hoàn thành nhiệm vụ và xe tăng 390 do con lái húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên… Nhận được thư và biết được chiếc xe tăng của tôi húc đổ cổng Dinh Độc Lập, bố tôi cùng người thân vui lắm, đi kể với mọi người trong làng, ngoài xã…", ông Tập chia sẻ.

"Bố là người tìm vợ cho tôi"

Người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập là ai

Niềm vui tuổi già của người lính xe tăng 390 năm xưa.

Bên ấm nước chè của những ngày cuối tháng 4 này, bao kỷ niệm của thời khắc 45 năm trước lại ùa về với người lính già lái xe tăng 390 huyền thoại. Giọng nói của ông Tập đôi lúc nghẹn lại bởi những đồng đội người mất người còn và bây giờ ai cũng có tuổi, sức khỏe yếu. Thậm chí, 4 người trên xe tăng của ông cũng không còn đầy đủ bởi pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng đã qua đời.

Nhắc lại chuyện cưới vợ của mình, ông Tập cười vui vẻ, cho biết cuối năm 1974, ông được đơn vị cho về phép. Khi về quê, bố ông cùng người thân giục lấy vợ để ông yên tâm chiến đấu, trong khi 2 anh lớn đã có gia đình (thời điểm này mẹ ông đã mất). Thấy bố nói như vậy, ông băn khoăn bởi trước khi đi bộ đội, ông chưa có bạn gái. Nhưng rồi bố ông bảo: "Cái đó để bố lo...". Sau đó, bố ông nhờ người trong họ đi dò hỏi tìm vợ cho con.

Ông Tập kể: "Ngày ấy, bố tôi kể tên nhiều cô gái trong làng tuổi đôi mươi chưa xây dựng gia đình. Nói đến cô nào, bố tôi kể vanh vách tính cách cũng như gia cảnh cô gái đó, trong đó có vợ tôi bây giờ. Sau khi "chấm" được vợ tôi bây giờ, bố tôi nhờ người làm mối, đánh tiếng để tôi đến tìm hiểu và khi vợ tôi đồng ý thì gia đình có cơi trầu đến nói chuyện. Sau đó lễ cưới của vợ chồng tôi diễn ra đúng ngày mùng 4 Tết năm 1975. Lễ cưới ngày đó đơn giản lắm nhưng vui. Cỗ bàn có khoảng chục mâm, còn quà tặng chủ yếu là vật phẩm như: Thau, chậu... Nếu tính từ khi tôi về phép, cưới vợ xong và quay trở lại chiến trường là khoảng 1 tháng".

Nhớ lại câu chuyện hôn nhân của mình với người lính lái xe tăng 390, bà Tiến có phần ngượng ngùng. Bà kể, năm bà 16 tuổi thì bố mất trong lần bị bom Mỹ thả ngoài cánh đồng. Lúc đó, cuộc sống khó khăn trăm bề, các em còn nhỏ nên bà chưa nghĩ đến việc lấy chồng. Được mai mối với ông Tập, bà ngại ngùng, đắn đo, suy nghĩ mãi. Nhưng trước sự chất phác, thật thà của người lính ấy, bà đã xiêu lòng và đồng ý. Bà cười bảo, đến giờ bà vẫn không hiểu tại sao lại gật đầu làm vợ ông, có lẽ đó là cái duyên.

Nhắc lại chuyện nên duyên đôi lứa, vợ chồng ông Tập thấy vui lắm. Bởi theo lời ông, chính nhờ bố tìm vợ cho ông nên bây giờ vợ chồng ông mới có nhau. Ông tâm sự: "Thực tế như vậy, nhưng nó là cái duyên của vợ chồng tôi. Bởi, ngày ấy là thời chiến nên khi tìm hiểu mà được đồng ý là cưới luôn chứ không như bây giờ. Cưới nhau xong, vợ chồng tôi xa nhau hơn 1 năm. Đến tháng 7/1976, tôi được về phục viên với quân hàm Thượng sĩ và mang trên người thương tật của chiến tranh, là thương binh hạng 3/4". Hiện tại các con của ông bà đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định; trong đó con trai lớn cũng theo binh nghiệp tăng thiết giáp của ông ngày trước.

Sau khi rời quân ngũ, ông Tập quay trở lại Trường Cơ khí 2 với mong muốn được học tiếp. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan khác nhau nên ông không thể tiếp tục. Là người lính từng trải qua trận mạc nên về quê, ông được chính quyền cùng người dân tin tưởng được tham gia vào công việc Hợp tác xã, có thời điểm ông làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã. Tiếp đó, ông làm bưu tá cho UBND xã Hoàng Diệu. Sau khi chương trình “Huyền thoại chiếc xe tăng 390” được phát sóng trên VTV năm 2004, mến mộ những chiến sĩ trên xe tăng 390 huyền thoại, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty sơn Kova nhận ông Vũ Đăng Toàn (xã Yết Kiêu, cùng huyện Gia Lộc) và ông Tập vào làm việc. Đến Tết 2020, ông Tập xin nghỉ sau 16 năm gắn bó với công việc lái xe nâng kiêm thủ kho tại công ty này.

Đức Tùy

Đến tận những ngày tháng 4 năm 2020, có một số người vẫn cho rằng xe 843 tranh công của xe 390, vẫn cho là anh Bùi Quang Thận cướp công đồng đội. Là người trong cuộc, tôi xin một lần nữa nói về chuyện này cho rõ ràng, dứt điểm: xe tăng 390 là xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập, nhưng anh Bui Quang Thận nói riêng và xe 843 nói chung cũng không hề tranh cướp công của ai cả.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh đã huy động 398 xe tăng, thiết giáp (gồm cả vài chục xe chiến lợi phẩm vừa tịch thu được) tiến vào chiến đấu, dẫn đầu đội hình năm cánh quân giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Lữ đoàn 203 do Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài và Chính ủy Bùi Văn Tùng chỉ huy đã được giao nhiệm vụ dẫn đầu mũi tiến công vào nội đô Sài Gòn của cánh quân phía Đông. Trong đội hình tiến công, Đại đội 4 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận là một trong những đơn vị đi đầu. Sáng ngày 30/4/1975, sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, đập tan ổ phục kích ở cầu Thị Nghè, xe tăng 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy vượt lên dẫn đầu. Khi xe lao vào cổng phụ bên trái của Dinh Độc lập thì bị kẹt lại nên đồng chí Bùi Quang Thận rời xe, mang theo lá cờ của xe mình lên nóc Dinh Độc lập thay thế cho lá cờ ba sọc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đúng lúc đó, xe 390 lao thẳng vào cổng chính và húc tung cánh cổng của dinh. Sự kiện đó đã được ghi lại một cách cụ thể trong cuốn “Một số trận chiến đấu của bộ đội Tăng - Thiết giáp - Tập 2” do Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp xuất bản năm 1978, trang 135, nguyên văn như sau: “11.30 ngày 30-4-1975 phân đội đi đầu lữ đoàn 203 tiến đến trước “dinh Độc Lập”, quân địch không còn tinh thần chống cự. Tăng 390 húc đổ cổng sắt, đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông vào dinh nhanh chóng hạ cờ ngụy, treo lá cờ giải phóng lên vị trí cao nhất”- trang 135.

Người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập là ai

Toàn bộ cán bộ, chiến sỹ Đại đội xe tăng 4 chụp ảnh trước xe tăng 843

Người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập là ai

Trích đoạn trong cuốn “Một số trận chiến đấu của bộ đội Tăng - Thiết giáp - Tập 2” do Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp xuất bản năm 1978, trang 135

Vào thời điểm đó, mọi người chỉ quan tâm đến việc quân đội ta mà đại diện là đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm cờ trên Dinh Độc lập nên cũng không chú ý nhiều đến xe tăng 390. Bên cạnh đó, hồi sau chiến thắng, các chiến sỹ của lữ đoàn 203 ai cũng coi chuyện húc cổng Dinh là một cái gì đó hết sức bình thường. Chính bản thân lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập cũng nói rằng, trong đội hình tiến công có hàng chục chiếc xe, không xe 390 húc thì sẽ có xe khác húc đổ cổng Dinh Độc lập. Ngoài ra, sự tuyên truyền của ta hồi trước mang nặng tính biểu tượng. Vì thế, người ta ngợi ca hành động cắm cờ như một hành động anh hùng, báo hiệu giờ phút chiến thắng của cách mạng và sự cáo chung của chính quyền Sài Gòn. Do vậy, mọi người lại vô tình cho rằng xe 843 của anh Thận húc cổng Dinh vì anh ấy là người cắm cờ. Một số tay thợ vẽ “vườn” của tuyên huấn Binh chủng Tăng Thiết giáp cũng dựa vào tấm ảnh chiếc xe vào sau mang số 846 đang hiên ngang nằm giữa cổng Dinh để vẽ lại, và viết lên đó số hiệu 843. Thấy tranh đẹp, Binh chủng Tăng Thiết giáp đặt làm số lượng lớn bằng sơn mài để làm quà tặng chính thức của binh chủng. Tai hại hơn nữa, các nhà làm sách giáo khoa lại lấy luôn tư liệu tuyên truyền của báo chí, tuyên huấn làm chính sử, rồi đưa vào sách giáo khoa Lịch sử. Chính vì vậy mới dẫn đến chuyện cậu học sinh tiểu học cãi cô giáo là: “xe của bố em mới là xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập”.

Đến tận những ngày tháng 4 năm 2020, có một số người vẫn cho rằng xe 843 tranh công của xe 390, vẫn cho là anh Bùi Quang Thận cướp công đồng đội. Họ có những bình phẩm, nhận xét gây phản cảm trong dư luận, làm giảm tầm vóc chiến công chung vĩ đại của dân tộc. Vì vậy, là người trong cuộc, tôi xin một lần nữa nói về chuyện này cho rõ ràng, dứt điểm để tránh những tranh cãi, hiểu lầm về sau. Theo một số nguồn tin là sau 30 tháng 4 năm 1975, việc nhầm lẫn này là do có một chỉ thị miệng từ “trên xuống” là không tuyên truyền về xe 390 bởi đây là một chiếc T-59 do Trung Quốc chế tạo, mà khi đó, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc lại đang nhanh chóng xấu đi. Vì vậy, tuyên huấn chỉ tập trung đến việc đưa tin ca ngợi hành động cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập của đại đội trưởng Bùi Quang Thận mà không nói nhiều về chiếc xe tăng nào húc đổ cổng Dinh đầu tiên.  Tuy nhiên, việc chiếc xe 390 húc đổ cổng Dinh thì cán bộ chiến sỹ Lữ đoàn 203 thời đó hầu như ai cũng biết. Năm 1978, sách “Một số trận chiến đấu của bộ đội Thiết giáp- Tập 2” do Bộ Tư lệnh Thiết giáp xuất bản cũng đã ghi nhận xe tăng 390 là xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập. Đặc biệt, năm 1995, một tấm ảnh của nữ nhà báo người Pháp có tên Franxoa De Mulde xuất hiện. Trong buổi hội thảo do Binh chủng Tăng Thiết giáp tổ chức, Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng vốn không phải cán bộ cũ của Lữ đoàn 203, lại không được cơ quan giúp việc cung cấp tư liệu lịch sử “Một số trận chiến đấu của bộ đội Thiết giáp” do Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp xuất bản năm 1978, trong đó đã ghi nhận xe 390 là xe húc cổng chính Dinh Độc lập, đã thừa nhận tấm ảnh của nhà báo Pháp là một phát hiện mới.

Kể từ đó, báo chí lại một phen nổi sóng nhưng là ngợi ca xe 390. Thậm chí họ còn ví von là xe 390 đã húc đổ cánh cổng Dinh như “húc đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân kiểu mới”. Ngay cả VTV3 khi làm chương trình “Người đương thời” cũng xoáy vào ý đó. Họ đến phỏng vấn tôi, tôi trả lời thẳng : “Là người dân đất Việt, nước có giặc thì đi đánh giặc. Hết giặc rồi thì về nhà bới đất lật cỏ làm ăn. Chuyện đó là bình thường. Đối với riêng kíp 390, Nhà nước và quân đội cũng đâu có ruồng rẫy họ. Trừ anh Tập ra quân cuối năm 1976, còn anh Toàn, anh Phượng đều được giữ lại phục vụ quân đội cho đến lúc về hưu. Riêng anh Nguyên, quân đội cho đi đào tạo sĩ quan, nhưng rồi chính anh ấy xin chuyển ngành khi đang là trung úy. Thật sự, đó là lúc chả ai thích ở trong quân đội”. Thậm chí, vì thực tế đấy nên khi dựng phim, nhà báo Tạ Bích Loan bảo tôi : “Anh thông cảm, đoạn phỏng vấn anh, chúng em không phát được. Anh xem trên mạng vậy !”.

Còn đối với những những ý kiến cho rằng anh Bùi Quang Thận cướp công, nói cho công bằng thì anh ấy không cướp công của ai cả. Anh em ở xe 390 thì cũng chỉ có ý kiến về việc anh ấy không nói gì về xe 390 và các xe khác trong đơn vị mà chỉ nói về hành động của mình khi trả lời đài báo. Về chuyện này thì cũng xin mọi người thông cảm. Khi trả lời phỏng vấn, phóng viên họ đưa ra câu hỏi nào thì trả lời câu hỏi đó. Thậm chí còn bị cắt xén, biên tập theo ý định của họ nên nó không thật hoàn chỉnh. Bản thân tôi khi theo dõi các cuộc phỏng vấn thì thấy chủ yếu họ hỏi anh ấy: Xe anh tiến vào Dinh Độc lập thế nào? Anh nghĩ gì khi quyết định nhảy xuống cắm cờ? Quá trình vào Dinh cắm cờ diễn ra như thế nào? v.v.. thì anh ấy không có điều kiện nhắc đến xe khác cũng là chuyện đương nhiên. Bên cạnh đó, xe tăng 843 cũng thực sự đã cán đích đầu tiên. Chiếc xe ấy đã dũng cảm lao vào cổng bất chấp ở trong đó có gì. Thật không may là cổng phụ nó lại hẹp hơn chiều rộng của xe nên xe bị kẹt lại. Tất cả bọn họ đều rất đáng được ca ngợi! Ấy thế mà họ cứ bị mang tiếng oan bởi những người không chịu hiểu rõ sự thật. Nói như vậy bởi có ai là nạn nhân của họ đâu. Là những người cùng đơn vị với các anh khi đánh chiếm Dinh Độc lập, chúng tôi rất đau lòng trước nỗi hàm oan của các anh!

Nói vậy để mọi người hiểu rằng có một thời cách tuyên truyền, cách biên soạn lịch sử theo định hướng như vậy đã dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc và làm “ngộ độc” cả dư luận. Và khi đã bị “ngộ độc” trên diện rộng thì thật sự không hiểu nó sẽ tồn tại dai dẳng đến bao giờ?

Ngõ hầu giải độc phần nào cho những ngộ nhận ấy, trước đây tôi cũng đã đôi lần có ý kiến xung quanh chuyện này. Hôm nay thêm bài này nhưng rất mong nó cũng là lần cuối. Trước khi đăng bài, tôi đã gửi cho anh Vũ Đăng Toàn trưởng xe 390 để xin ý kiến. Anh hoàn toàn nhất trí không tham gia gì. Rất mong các bạn hiểu cho đúng và mở lòng yêu thương tới cả Đại đội 4 của chúng tôi. Đã có nhiều chiến sỹ C4 không còn trên cõi đời, nhưng tất cả những người còn lại, chúng tôi đều đoàn kết và yêu thương quý trọng nhau. Khi hội ngộ, không ai còn giữ tên riêng mà đều gọi nhau bằng biệt danh “Quê”- Niềm tự hào của Lính xe tăng !

Nguyễn Khắc Nguyệt