Nguyên nhân chủ quan phát sinh chợ tự phát

Chợ tự phát “mọc lên như nấm”

Dọc đường Chu Văn An, Bùi Hữu Nghĩa, Vũ Tùng, Phan Văn Trị... (quận Bình Thạnh), thực phẩm tươi sống, rau củ quả bày bán trước cửa nhà, trên lề đường. Vào giờ cao điểm hàng hóa được bày bán cả dưới lòng đường.

Tại Thủ Đức, chợ tự phát ở các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Làng Tăng Phú, Lã Xuân Oai... “mọc lên như nấm sau mưa”. Gần chợ Long Trường (phường Long Trường), thịt heo, gà, vịt, cá biển, cá nước ngọt, rau củ quả... bày đầy quầy sạp trên đoạn đường hơn 1km.

Vội vàng đậu xe bên lề đường, đứng sát quầy thịt heo, bà Hoàng Thị Nga (ngụ đường Tam Đa, Thủ Đức) nói: “Sáng sớm vội đi chợ mua đồ ăn nên tôi thường mua ở dọc đường cho nhanh. Vào chợ mất công hơn vì phải gửi xe, khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn, giữ khoảng cách... Tạt xuống dọc đường mua ào cái là xong”.

Tương tự, trước cổng chợ Hòa Hưng là đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), bất chấp mật độ xe cộ lưu thông đông đúc và dày đặc, nhiều tiểu thương vẫn tận dụng vỉa hè, hoặc tràn xuống lề đường bày thức ăn tươi sống, các loại trái cây, rau củ. Cách đó khoảng 100m, tại hẻm 430 (Cách mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3), hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi như một ngôi chợ thu nhỏ.

Ông Phạm Tấn Bảo, nhân viên quản lý chợ cho biết, UBND phường đang xây dựng kế hoạch, các tiêu chí, hướng dẫn về phòng, chống dịch để người bán, người mua thực hiện đúng yêu cầu. Còn trước mắt, hoạt động buôn bán diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm của người dân.

Nhanh chóng đưa chợ truyền thống vào hoạt động

Phần lớn chợ tự phát hình thành do tiểu thương thuê mặt bằng trước cửa nhà dân rồi bày bán đủ các loại thực phẩm và cũng không có lực lượng nào đứng ra kiểm soát y tế. Khi được hỏi về phòng dịch, các tiểu thương tại chợ tự phát đều lắc đầu cho qua. “Khách vào mua một chút rồi đi ngay, hơn nữa chẳng ai hỏi thẻ xanh Covid-19 mà mình hỏi thì ai ghé vào mua. Bán nhanh, mua nhanh chắc là không sao” - bà Phạm Thanh Hiên vừa bán rau, vừa đưa mắt canh chừng lực lượng trật tự phường, nói.

Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, người dân không thích mua bán tại các cửa hàng tiện lợi, họ vẫn muốn đi chợ truyền thống hơn. Tuy nhiên, khi chợ truyền thống hoạt động trở lại bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đây chính là nguyên nhân khiến chợ tự phát hoạt động trở lại nhiều hơn. Thời gian tới, huyện Hóc Môn cố gắng vận động người dân vào chợ truyền thống mua sắm hoặc là mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại, thay vì mua tại chợ tự phát.

Liên quan đến chợ tự phát, UBND TP HCM nhắc nhở, các quận, huyện xem xét, đánh giá tình hình phòng, chống dịch, khi an toàn mới mở lại hoạt động các chợ truyền thống. Trong điều kiện chưa mở lại, tuyệt đối không để các chợ, khu vực bán tự phát xung quanh hoạt động, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc này ảnh hưởng đến quy định chống dịch cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý kịp thời.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương, từ nay đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, các quận, huyện sẽ tổ chức thêm nhiều chợ truyền thống hoạt động trở lại. Để đảm bảo an toàn chống dịch cũng như cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn, Sở sẽ tiếp tục làm việc các đơn vị để các chợ còn lại được mở cửa trong thời gian sớm nhất.    

Theo quy định, để được bán hàng tiểu thương phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 trước đó 14 ngày và âm tính với Covid-19. Quá trình mua bán phải thực hiện quy định 5K, tại mỗi sạp phải được che chắn bởi tấm nhựa trong suốt để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Tương tự khách vào chợ phải khai báo y tế, khử khuẩn, đo thân nhiệt, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trước đó 14 ngày.

Theo Sở Công thương, hiện TP HCM đã có 180/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Dự kiến sẽ có thêm 3 chợ được mở trong tuần này.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa phát đi thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc tái lập trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP không có chủ trương “đẩy, đuổi” người bán hàng rong và giao UBND các quận, huyện chấn chỉnh tình trạng “chợ tự phát”, lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng lề đường để tụ tập, buôn bán.

Nguyên nhân chủ quan phát sinh chợ tự phát
Chợ tự phát tồn tại hơn 10 năm không dẹp được ở TP.HCM (Ảnh minhhoaj, theo Báo Công an)

Có thể nói, bất cứ quận, huyện nào ở TPHCM cũng có chợ tự phát. Làm thế nào để không còn chợ tự phát sẽ là vấn đề hầu như chưa có giải pháp “tối ưu” khi cơ quan chức năng phải hài hòa giữa đời sống dân sinh và tái lập trật tự vỉa hè, tạo nét mỹ quan, an toàn giao thông. Theo đó, phải dẹp chợ tự phát, vì mục tiêu thành phố sạch đẹp, văn minh, tiến bộ và vì sự an toàn, hạnh phúc của mọi người.

Bàn về cách dẹp chợ tự phát trước đây, tâm lý chung của người dân là cách xử lý của chính quyền địa phương vẫn còn “nương tay”, giải quyết vấn đề chiếu lệ, chưa rốt ráo, chưa tới nơi tới chốn vì nhiều lý do.

Về mặt chính quyền thì dù biết chợ tự phát là có những điều vi phạm luật pháp, làm mất vẽ mỹ quan khu phố, đường phố và nhiều hệ lụy không mong muốn khác... nhưng chính quyền địa phương chưa mạnh tay vì đời sống dân sinh của một bộ phận người nghèo trong xã hội.

Việc dẹp chợ tự phát cũng đã có nơi, chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện, nhưng rồi cứ như việc “bắt cóc bỏ dĩa”, dẹp chỗ này mọc lên chỗ khác, dẹp chưa xong chợ này đã mọc thêm nhiều chợ khác, hoặc dẹp xong thì ít lâu sau tiếp tục mọc lại…..

Thành phố Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị 26/2014CT-UBND, chỉ đạo các quận - huyện đến cuối năm 2015 phải giải tỏa xong các chợ tự phát trên địa bàn, đồng thời giải tán ngay các điểm họp chợ lấn chiếm lòng lề đường mới phát sinh. Nhưng thực tế cho đến nay, theo thống kê chưa chính thức, đang có đến hàng trăm chợ tự phát qui mô lớn nhỏ rải rác khắp các quận, huyện vẫn tồn tại.

Thiết nghĩ, việc dẹp chợ tự phát tuy khó, nhưng không phải không có giải pháp. Vấn đề là phải làm thế nào cho đúng với luật pháp và hợp với lòng dân.  

Trước hết, chợ tự phát trước khi hình thành nó chỉ là một vài quầy nho nhỏ rau củ quả, thịt cá, áo quần, vật dụng sinh hoạt gia đình…. rồi phát triển dần. Chính quyền cơ sở quản lý địa bàn sẽ nhận ra ngay sự xuất hiện của chợ tự phát, nếu cán bộ quản lý địa bàn kịp thời vận động một vài cá nhân lấn chiếm, trả lại sự thông thoáng hành lang, đường phố thì mọi việc diễn ra không phải là khó. Còn nếu để chợ tự phát đã hình thành rồi thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp. Việc xử lý lúc này phải có những giải pháp phù hợp.

Nếu là cư dân nghèo tại địa phương có trái xoài, trái ổi vườn nhà hay con tôm, con cá họ đánh bắt được thì vận động họ vào chợ chính quy, có chỗ buôn bán chính thức. Tất nhiên, những đối tượng này không thể có đủ tiền thuê sạp, tiền thuế và các loại chi phí khác khi vào chợ… Khó khăn này chính quyền cơ sở không thể nói là không có biện pháp khi chưa vận động sự hỗ trợ tài chính từ cá nhân, tổ chức, nhất là các đoàn thể trực thuộc chính quyền như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ…..

Cũng có những trường hợp chính người có nhà tại chợ tự phát cho thuê mặt bằng hoặc khi thấy người khác ăn nên làm ra nên mở quầy ăn theo. Đối tượng này thì chính quyền cơ sở rất dễ xử lý, nếu họ có nguyện vọng buôn bán thì giúp đỡ mọi thủ tục cần thiết để họ có nơi có chỗ ở chợ chính quy. Khi đã giải quyết được hai đối tượng trên thì việc vận động đối tượng “chạy chợ” từ nơi khác tới để buôn bán ở chợ tự phát sẽ không còn khó khăn nữa.

Riêng đối với những tuyến đường, khu vực hoặc những dãy phố sầm uất có lịch sử hình thành chợ tự phát lâu đời cũng nên xem xét cặn kẽ nhiều mặt: Kinh tế, an toàn giao thông, quốc phòng an ninh, văn hoá, truyền thống…. mà chính quyền cơ sở mạnh dạn có kế hoạch xây hẳn một ngôi chợ chính quy.

Không cần phải phải viện dẫn thật nhiều lý do không cần thiết ở đằng sau sự hình thành và tồn tại chợ tự phát để làm rối các giải pháp, biện pháp dẹp chợ tự phát. Vấn đề cốt lõi trong việc dẹp chợ tự phát được hay không phần lớn là ở chính quyền cơ sở có xem đây là một công tác thường xuyên, có quyết tâm hay không.

Dẹp chợ tự phát, trả lại vỉa hè cho người đi bộ không phải là không thể!