Nguyên nhân dịch đau mắt đỏ

Tìm hiểu chung

Đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt. Đây là một căn bệnh về mắt có khả năng lây nhiễm cao. Nguyên nhân gây ra hiện tượng mắt đỏ rất nhiều, song chủ yếu là do vi khuẩn hay virus. Bệnh thường xuất hiện đột ngột, ai cũng có thể mắc phải và có thể biến thành dịch bệnh bất cứ lúc nào nếu như người bệnh không có ý thức tự bảo vệ đôi mắt của mình và để lây sang người khác.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau mắt đỏ

Bạn có thể dễ dàng nhận biết bệnh đau mắt đỏ theo tên gọi của chúng. Khi bị bệnh, biểu hiện rõ ràng nhất chính là mắt xuất hiện những đường mạch máu bị viêm và có màu đỏ, sau sẽ khiến cả tròng mắt cũng biến thành màu đỏ. Ngoài ra, bệnh đau mắt đỏ còn biểu hiện những dấu hiệu điển hình kèm theo như:

  • Ngứa và xốn mắt;

  • Sưng, gây đau nhức mắt;

  • Chảy nước mắt nhiều;

  • Ghèn nhiều bất thường và có khi dày đặc trên mi mắt;

  • Bệnh có thể diễn ở một hoặc cả hai mắt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bị đau mắt đỏ , người bệnh sẽ cảm thấy rất khó chịu và mất thẩm mĩ nhưng nó không nằm trong nhóm những bệnh gây ảnh hưởng đến thị lực của mắt. Đa số bệnh nhân đau mắt đỏ có thể hết sau 7 - 14 ngày mắc bệnh.

Tuy nhiên, nếu không biết cách tự chăm sóc, đau mắt đỏ có thể dẫn đến biến chứng như loét giác mạc, nhiễm trùng nhãn cầu và ảnh hưởng đến thị lực về sau. Quan trọng hơn, bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn.

Nếu bạn cảm thấy mắt khó chịu và kèm theo những dấu hiệu trên, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc. Điều trị sớm không chỉ giúp ích cho đôi mắt của bạn mà còn bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh bạn. Ngoài ra, bạn còn có thể tầm soát các bệnh về mắt nghiêm trọng có triệu chứng giống như đau mắt đỏ.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ nhưng theo thống kế có khoảng 65 - 90% trường hợp đau mắt đỏ là do virus và vi khuẩn gây nên. Các loại virus, vi khuẩn có thể dẫn đến đau mắt đỏ, bao gồm:

  • Virus Adenovirus gây bệnh là chủ yếu, ngoài ra có virus Enterovirus. các loại virus thường tấn công sau khi cơ thể mắc phải một số bệnh như sốt virus, viêm phổi, sởi, hoặc sau khi bị nhiễm virus Simplex hoặc Herpes Zoster.

  • Do nhiễm khuẩn như tụ cầu khuẩn Staphylococcus, liên cầu khuẩn Streptococcus, phế cầu.

Nếu đau mắt đỏ là do virus gây ra, thì phần lớn trường hợp bị nhiễm virus là thông qua đường hô hấp. Ngoài nguyên nhân chính là vi khuẩn và virus, bệnh còn có thể xuất hiện bởi các nguyên nhân sau:

  • Đau mắt đỏ do bệnh lậu: Tình trạng này thường gặp ở trẻ em khi bệnh lậu từ mẹ truyền sang con và gây hiện tượng đau mắt đỏ.

  • Độ ẩm không khí tăng cao: Chủ yếu do thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa làm tăng độ ẩm không khí; kết hợp với môi trường nhiều ô nhiễm, khói bụi là thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi và lây lan, khiến đau mắt đỏ dễ dàng bùng thành dịch bệnh.

  • Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có thể trạng yếu ớt, hay vừa trải qua các đợt hóa xạ trị.

  • Dị ứng với một số thành phần như phấn hoa, lông thú.

  • Hóa chất bắn vào mắt.

Lưu ý: Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau. Trung gian truyền bệnh đó là nước mắt của người bệnh bị đau mắt đỏ. Do virus và vi khuẩn gây bệnh ẩn náu trong nước mắt hoặc trong đường hô hấp. Khi người bệnh hắt hơi, ho, chảy nước mắt sẽ làm chúng bay vào không khí hoặc bám vào các vật dụng ở gần đó, khi người khỏe mạnh sống chung trong môi trường không khí hoặc sử dụng các đồ vật bị nhiễm virus, vi khuẩn thì sẽ bị lây nhiễm bệnh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị đau mắt đỏ?

Vì rất dễ lây lan nên đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Đặc biệt là vào độ tháng 6 - 7, chậm hơn có thể vào tháng 9; khi thời tiết bắt đầu ẩm ướt, mưa nhiều.

Bạn cần nắm rõ các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh để tự bảo vệ mình hoặc phòng tránh bệnh lây nhiễm cho người khác. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Hít thở chung một bầu không khí với người bị đau mắt đỏ.

  • Tiếp xúc với nước mắt, dịch mũi, nước bọt của người bệnh; lưu ý đến nắm cửa, khăn, chăn gối và những đồ vật bạn sử dụng chung với người bệnh vì vi khuẩn, virus có thể bám vào những thứ đó.

  • Mắt tiếp xúc với chất gây dị ứng.

  • Dùng kính áp tròng thường xuyên trong thời gian dài.

Dù chỉ là tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người bệnh thì nguy cơ mắc bệnh cũng vô cùng cao, vì thế bệnh rất dễ trở thành đại dịch nếu như người bệnh không tự biết cách chăm sóc bản thân và ý thức bảo vệ những người xung quanh.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau mắt đỏ

Thông qua các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ đã có thể kết luận bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, bạn có thể được yêu cầu trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề sinh hoạt.

Phương pháp điều trị đau mắt đỏ hiệu quả

Điều trị sẽ có hiệu quả cao khi bác sĩ tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh. Trong bệnh đau mắt đỏ, điều trị phải vừa tiến hành làm giảm các triệu chứng của bệnh, vừa phải ngăn ngừa để bệnh không lây nhiễm cho người khác. Nếu cần thiết, cả những người thân của bệnh nhân có nguy cơ bị lây nhiễm cao cũng sẽ được điều trị bệnh.

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có những phương pháp khác nhau. Một số giải pháp mà bác sĩ có thể dùng để điều trị đau mắt đỏ cho bạn là:

  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Dùng dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh như tobramycin, ofloxacin. Bệnh thường giảm sau 1 tuần điều trị.

  • Đau mắt đỏ do virus: Trong trường hợp này, thuốc kháng sinh chỉ dùng đề phòng bội nhiễm chứ không thể diệt được virus. Bệnh có thể khỏi sau 1 - 2 tuần điều trị hoặc lâu hơn trong tình trạng nặng.

  • Đau mắt đỏ do dị ứng: Cần tránh tiếp xúc với dị nguyên và sẽ được dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa và các triệu chứng liên quan

Ngoài ra, nếu mắt có hiện tượng sưng và xốn, bạn có thể dùng túi chườm ấm để chườm lên mắt giảm sưng; đồng thời dùng nước muối sinh lý 0.9% để rửa mắt hằng ngày nhằm loại bỏ các vết bẩn bên trong mắt.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau mắt đỏ

Mặc dù đây là căn bệnh mang nhiều biểu hiện khó chịu, dễ lây lan nhưng thường lành tính và hiếm khi để lại di chứng. Phòng bệnh là cách tốt nhất để bạn hạn chế khả năng bị đau mắt đỏ cũng như là kiểm soát sự lây lan của căn bệnh. Một số thói quen sinh hoạt sau đây có thể hỗ trợ bạn phòng bệnh đau mắt đỏ:

  • Tránh tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ.

  • Nếu như buộc phải tiếp xúc, dù là gián tiếp hay trực tiếp, bạn cũng nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ để hạn chế khả năng bị nhiễm virus, vi khuẩn lây bệnh.

  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân, những đồ vật có khả năng lây nhiễm cao với các thành viên khác trong gia đình.

  • Rửa tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn.

  • Thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý.

  • Không dùng mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm mắt quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.

  • Hạn chế đến những nơi đông người khi đến mùa dịch hoặc nơi có chưa nguồn dịch.

  • Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc dùng các bài thuốc dân gian để tự chữa đau mắt đỏ.

  • Nhiều người tự ý mua corticoid để điều trị đau mắt đỏ, nhưng bệnh này chưa nguy hiểm đến mức phải dùng đến chúng. Nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

  • Người bệnh nên vứt khăn giấy đã qua sử dụng vào một túi riêng.

  • Nếu có bất cứ biến chứng nào trong quá trình điều trị, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.