Nguyên nhân lạm phát 2011

KINH TẾ VIỆT NAM 2011: GIỮ LẠM PHÁT Ở MỨC 18%, TĂNG TRƯỞNG GDP 6%

Chính phủ khẳng định chủ trương “ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1” sẽ là mục tiêu nhất quán trong điều hành năm nay cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015. Quan điểm này vừa được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông báo tại phiên họp báo thường kỳ tháng 9/2011.

Các chỉ tiêu kinh tế - những tín hiệu lạc quan

                Theo Văn phòng Chính phủ, trong hai ngày 25-26/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2011. Nội dung quan trọng được các thành viên Chính phủ thảo luận là tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2011. Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong 9 tháng đầu năm nay, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Nhờ thực hiện đồng bộ và kiên quyết các giải pháp kiềm chế lạm phát, CPI tháng 9/2011 chỉ tăng 0,82%, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm, là tháng thứ hai liên tiếp đạt dưới 1% (CPI lần lượt của các tháng từ tháng 1 đến tháng 8 là 1,74%; 2,09%; 2,17%; 3,32%; 2,21%; 1,09%; 1,17% và 0,93%).

                Chính phủ cũng thống nhất đánh giá trong 9 tháng đầu năm 2011 lạm phát đang giảm dần. “Bắt đầu từ tháng 5, CPI đã giảm xuống. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,82% của CPI tháng 9 có xấp xỉ 0,5% là do tăng giá tất cả các mặt hàng phục vụ cho năm học mới. Mỗi năm chúng ta chỉ có một lần khai giảng năm học mới, như vậy trên thực tế CPI tháng 9 thấp hơn nhiều so với con số 0,82%. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta chủ quan trong những tháng còn lại, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

                Về tình hình xuất nhập khẩu, ông Đam cho biết, kim ngạch xuất khẩu lũy kế 9 tháng năm 2011 ước đạt trên 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội thông qua (10%). Cũng theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, năm 2011, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu nhập siêu khoảng 18%, nhưng với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, khả năng nhập siêu sẽ ở mức trên dưới 13%. Trong 9 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ nhập siêu khoảng 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đề ra (không quá 16%).

                 Điểm đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn, tập trung ưu tiên cho ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát mức tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm đều tăng, đạt 5,76% (quý I tăng 5,43%; quý II tăng 5,67%, quý III tăng 6,11%)  Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng nhìn nhận thẳng thắn mọi vấn đề để đánh giá đúng “Chúng ta không quá lạc quan, không tô hồng thành tích nhưng cũng không bôi đen để mà bi quan về tình hình kinh tế”. Nếu quý IV có mức tăng tương tự như tháng 9 thì cả năm có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 %.

                Về đầu tư phát triển, tính đến ngày 15/9, tổng mức chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ước trên 108 nghìn tỷ đồng, bằng 71,2% kế hoạch năm. Giải ngân vốn tín dụng trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước cũng đạt khá, đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, bằng 79,1% kế hoạch và tăng 13,7% so với cùng kỳ.

                Tháng 9 cũng ghi nhận mức tăng trưởng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tuy không cao, với tổng vốn thực hiện chỉ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ, trong đó phần vốn nước ngoài đạt khoảng 6 tỷ USD, tương đương mức cùng kỳ năm trước, nhưng trong điều kiện “dư chấn” của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, thì đây cũng được xem là con số đáng khích lệ. Cũng trong tháng 9/2011, giải ngân vốn ODA ước đạt 2,15 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

                Cùng với những kết quả trên, trong tháng 9/2011, các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, khu vực dịch vụ, như: bán lẻ hàng hoá, du lịch, vận tải, viễn thông đều có mức tăng trưởng khá; các chỉ tiêu về thu ngân sách; thặng dư cán cân thanh toán ngoại tệ; dự trữ ngoại tệ tăng; giảm lãi suất… đã có bước tiến rõ rệt, thông qua các chỉ số đều tăng so với tháng trước đó và cùng kỳ năm trước.

Ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý

                Đây là mục tiêu nhất quán trong điều hành năm nay cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015 của Chính phủ, theo đó sẽ kiên định chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ.

                Mặc dù có những tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ thì tình hình kinh tế thế giới đang đứng trước những khó khăn và thách thức rất lớn, tác động tiêu cực đến nước ta. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát vẫn còn ở mức cao, sản xuất kinh doanh còn không ít ách tắc, hàng tồn kho lớn. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn gây nhiều thiệt hại...Từ cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2011, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tiếp tục nỗ lực hết sức, quyết liệt, kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý. Trong đó, phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 02/NQ-CP và số 11/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu giữ mục tiêu lạm phát ở mức 18%, phấn đấu tăng trưởng GDP 6%.

                Ngoài ra, cần tiếp tục điều hành chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ, giữ mức dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán không nhất thiết sử dụng hết giới hạn của Nghị quyết số 11/NQ-CP là 20% và 15-16%. Đồng thời, tăng dự trữ ngoại hối; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, nhất là về nợ xấu; kiểm soát cho vay bất động sản, bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

                Về nội dung lạm phát, Chính phủ nhận định rằng, lạm phát ở nước ta thời gian qua so với nhiều nước luôn ở mức cao và kéo dài do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do đầu tư nhiều hơn tiết kiệm dẫn đến tăng trưởng tín dụng cao. Thống kê từ 2001 đến 2010, tăng tín dụng trên 30%, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng cao, trong khi trên thế giới nước cao nhất cũng chỉ hơn 10%. Nhu cầu đầu tư công quá lớn, tiền ít nhưng hiệu quả đầu tư lại không cao, chi nhiều hơn thu dẫn tới bội chi. Thứ hai, lạm phát có nguyên nhân của chi phí đẩy. Nền kinh tế với độ mở lớn, tỷ lệ nhập khẩu có năm bằng 90% GDP, do đầu tư lớn nên phải nhập nhiều nguyên vật liệu, máy móc, khi giá thế giới tăng, đẩy chi phí tăng, tạo ra lạm phát. “Suốt thời gian qua lạm phát dài, đồng tiền VN mất giá. Vì vậy, Chính phủ khẳng định phấn đấu quyết liệt để kiểm soát chỉ số giá năm nay ở mức 18%”, ông Đam nói thêm.

                Để giải quyết cơ bản vấn đề lạm phát trong thời gian tới, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải tiếp tục kết hợp cả những giải pháp mang tính lâu dài và giải pháp trước mắt. Trong nhóm các giải pháp đó, Chính phủ đặc biệt lưu ý nhiệm vụ trước mắt là kiên định chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chặt chẽ; điều phối lượng tiền tín dụng hợp lý trong cả năm, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm bội chi ngân sách; đồng thời, củng cố lòng tin của công chúng vào VND bằng việc minh bạch chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục lộ trình xóa bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa; kiểm soát thị trường giá cả, lựa chọn lộ trình thực hiện giá thị trường... Trong nhóm giải pháp mang tính lâu dài, Chính phủ nhấn mạnh phải kiểm soát tổng cầu và kiểm soát cung ứng tiền cho nền kinh tế; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm tập trung vào 3 khâu là tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả nền kinh tế; tăng cường công tác phân tích, dự báo; thông tin tuyên truyền...

                Về mục tiêu năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 Chính phủ xác định, những năm đầu của kế hoạch 5 năm, tập trung cho nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1.

Công khai toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu

                Về giá xăng dầu, với tư cách là người phát ngôn của Chính phủ ông Đam cho biết, Chính phủ điều hành giá xăng dầu theo chủ trương nhất quán và liên tục từ nhiều năm nay. Từ khi Chính phủ cho xây dựng Nghị định 84/2009/NĐ-CP thì đã tính kỹ và hiện vẫn đang thực hiện theo Nghị định này. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Công Thương thực hiện theo Nghị định 84 và trao quyền cho DN tự quyết định giá. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành công khai giá thành các mặt hàng xăng dầu và điện về chi phí đầu vào, lỗ lãi. “Quan điểm của Chính phủ là công khai minh bạch giá, không chỉ xăng dầu mà cả điện. Nhập vào giá bao nhiêu, chi phí bao nhiêu, lương bổng bao nhiêu đều công khai. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá cũng phải theo đúng quy định và công khai toàn bộ. Việc kinh doanh lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu tới đây cũng phải công khai minh bạch”, ông Đam cho biết.

Nợ quốc gia trong giới hạn an toàn  

                Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp tính đến 31/12/2010 nợ quốc gia bằng 42,2% GDP, trong đó có 62% là nợ nước ngoài của Chính phủ và 38% là nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Trong số 62% nợ nước ngoài của Chính phủ thì 93% là nợ ODA và ưu đãi, chỉ 7% là nợ thương mại. Theo đánh giá của chung chỉ số nợ quốc gia hiện nay đang ở ngưỡng an toàn.Tỷ lệ nợ của Việt Nam đang ở mức tỷ lệ trung bình trong các nước có cùng hệ số tín nhiệm. Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát giới hạn nợ quốc gia theo hướng không quá 50% GDP.