Nguyễn sinh là ai

Ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) đối với con trai của mình là Nguyễn Sinh Cung sau này là Chủ Tịch Hồ Chí Minh (1809 - 1969), ngoài tình cha con như ở gia đình khác, giữa hai người còn có quan hệ thầy trò và phần nào còn là quan hệ bè bạn (đến cuối đời mình, ông Nguyễn Sinh Sắc lại đã hoạt động dưới ánh sáng cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hồi nhỏ là Nguyễn Sinh Cung mang lại). Mối quan hệ giữa hai người như vậy là thật phong phú, khám phá tốt về người cha là sẽ có điều kiện tìm hiểu về người con. Đó là một đề tài cần có sự khảo cứu công phu và đầy đủ. Ở báo cáo khoa học này, chủ yếu chỉ tham gia vào việc tìm hiểu về ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (thời gian từ 1890 - 1911).

II. Ảnh hưởng từ quan hệ thầy trò:

Mỗi trẻ em, khi sinh ra và lớn lên đều tiếp tục được giáo dục của gia đình. Đối với những gia đình trí thức, nhất là trong nhà có người dạy học thì trẻ còn học chữ ngày từ lúc còn nhỏ. Cậu Nguyễn Sinh Cung cũng là một trường hợp như vậy.

Ông ngoại của cậu (nhà cùng chung sân, chung vườn), cụ Hoàng Xuân Đường (thi Hương đã vào trường nhì) là một thầy đồ mở lớp dạy học ở trong nhà. Về sau, ông Nguyễn Sinh Sắc vừa tiếp tục công việc đó của nhạc phụ vừa lo học tập, thi cử. Thân mẫu của cậu, bà Hoàng Thị Loan cũng là một phụ nữ có biết chữ Hán và cũng đã góp phần dạy bảo các con. Như vậy là từ thơ bé, cậu Nguyễn Sinh Cung đã nhận được sự giáo dưỡng từ nhiều người, trước hết là ông ngoại, bố mẹ. Đó là hình thức thần giáo. Nhưng lúc 3 tuổi thì ông ngoại mất, 10 tuổi thì mẹ qua đời, bố là người có nhiều ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với cuộc sống và sự nghiệp của cậu.

Cũng là dạy chữ Nho nhưng cách dạy của ông có những nét khác với nhiều người. Ông chú ý đến chính của từ ngữ và vận dụng nó vào trong cuộc sống thường ngày của con người Việt Nam .

Ví như chữ : “Nhị” và chữ “Nhân\" là người hợp lại thành chữ “Nhân” chỉ lòng nhân. Như vậy, chữ “Nhân” trước hết nói đến quan hệ giữa người với người, khuyên chúng ta phải hết ăn ở tốt với những người xung quanh. Ông cũng không quên liên hệ đến câu tục ngữ” “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”

Chữ “ Tín” là do chữ “Nhân” mà chữ “Ngôn” hợp thành, tức lời nói của con người. Có nghĩa rằng, mình nói ra phải được mọi người tin: Một người thu phục được lòng tin của những kẻ khác thì ở người đó lời nói đi đôi với việc làm.

Chữ “Nghĩa” có một phần là chữ “Ngã” (là ta). Vậy, làm việc nghĩa là một hành động trong đó có bản thân mình (1).

Phân tích ra từng bộ của mỗi chữ như vậy để bắt nghĩa cũng không phải là cách dạy từ ngữ thông thường của ông.

Ông thường thông qua các thành ngữ để dạy các nghĩa của từ. Ví như khi dạy về chữ “Trí”, ông bảo phải là “Trí thuỷ nhân sơn” tức là trí khôn phải như nước chảy, phải mềm, phải thấm, phải vừa biết vượt lên, vừa biết phá đường mà đi. Còn lòng “Nhân” thì phải vững như núi, không bị chuyển lay. “Trí” phải đi đôi với “Dũng” Muốn thực hiện cái “Dũng” thì phải có “Mưu”. Những trường hợp phí sức, vô công (còn có hại nữa) là do “Hữu dũng vô mưu”. Cũng ở chữ “Trí”, ông khuyên con phải “Trí viên hành phương” tức là “Trí” phải cho đầy, cho thông và việc làm thì phải cho ngay, cho chính.(2)

Ông thường đi vào những câu sách có nội dung triết lý nhân văn dưới hình thức phương ngôn, tục ngữ như “Gia bần tri hiếu tử” (Nhà nghèo mới biết con có hiếu), “Trường đồ tri mã lực” (Đường dài mới biết sức ngựa)... Để mong con vững gan, bền chí.

Cách dạy của ông là dạy lòng nhân ái, đức tín nghĩa và sức trí dũng, lấy bản thân làm chủ, nhân quân làm gốc. Tóm lại, ông chăm lo bồi đắp cho con cái, cho học trò về đạo làm người, lấy cơ sở làm nền tảng luân lý truyền thống Việt Nam làm nền tảng (3). Trong văn chương, ông không thích các loại “Chi diệp chi văn” (Thứ văn chương nói những điều trên cành, dưới lá). Tính thiết thực đúng mức ấy cũng được ông vận dụng sát hợp vào cảnh sống thanh bạch của nhà mình. Một lần ông nói với vợ và các con ở Huế: “Cái ăn chỉ cần thích khẩu và chỗ ở chỉ cần co duỗi đôi chân” (4). Ông không coi nhẹ nhiệm vụ giáo dục trong công tác giáo dưỡng kể cả khi học vấn nhận thức của con trai đã cao lên... Và khi đã vào học ở trường Pháp - Việt rồi vào học Quốc Học (1905- 1909), cậu học sinh tân học Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) vẫn không bỏ phí hoàn cảnh thuận lợi của mình là tranh thủ sự dạy bảo của bố về Hán học.

Phương pháp nhận thức và vận dụng những kiến thức sách vở để truyền thụ cho con của ông Nguyễn Sinh Sắc là như vậy. Chắc chắn, với phương pháp giáo dục đó, phong độ thanh thản, tư tưởng trong sáng của ông đã ảnh hưởng nhiều đến con trai. Sau này, Bác Hồ của chúng ta cũng dùng những khái niệm đạo đức cơ bản của nhân loại, trong đó có phần của đạo Nho. Nhưng cách thể hiện, truyền đạt của Bác, ta thấy cái cốt lõi vẫn là tư tưởng đạo đức truyền thống của dân tộc. Những khái niệm đó qua Bác, đã được Việt hoá, dân tộc hoá một cách nhuần nhuyễn, hợp với tâm thức của đồng bào. Bác có đạo đức, tâm lý cao rộng tầm cỡ một nhà Đông phương học. Các học giả phương tây nhiều lúc vẫn gọi Bác là một sĩ phu (Lettre) nhưng Bác cũng là người Việt Nam nhất, gần gũi với mọi người vì có phong cách quần chúng. Để đạt vinh hiệu do quốc tế phong tặng là một danh nhân văn hoá thế giới, trong suốt cuộc đời phong phú, vĩ đại của mình, Bác đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của cả loài người nhưng phần ảnh hưởng Bác vẫn tiếp từ buổi ban đầu, từ người cha và cũng là người thầy học thân yêu là rất quan trọng.

III. Có một phần là quan hệ bạn hữu:

Ông Nguyễn Sinh Sắc lúc lên ba tuổi thì bố mất và sau đó ba năm thì mẹ cũng qua đời và đến tuổi ba mươi bảy thì vợ tạ thế. Cuộc đời ông chịu nhiều cô đơn. Từ đó sống cảnh gà trống nuôi con, đi đâu ông cũng mang cậu Nguyễn Sinh Cung theo cùng.

Theo lời giới thiệu cửa Phan Bội Châu, đầu năm 1903, ông lên Võ Liệt (Thanh Chương) dạy học. Tính vốn thích giao du, ít lâu sau, ông ra Diễn Châu, ghé qua nhà ông Võ Khang Tế ở Hậu Luật, là người học rộng đã từng chiến đấu dưới cờ Cần Vương Nguyễn Xuân Ôn (1885- 1890). Rồi ông ra nhà cụ Võ Tất Đắc ở Vạn Phần, một tri huyện cáo quan về làng. Cũng theo cụ Võ Tất Đắc giới thiệu, ông lên làng Du Đồng, Đức Thọ (Hà Tĩnh), ngồi dạy học ở nhà ông Nguyễn Bá Uỷ. Từ đó, ông đến Trung Lễ quê Lê Minh và Đông Thái, quê Phan Đình Phùng cũng là những lãnh tụ Cần Vương nổi tiếng. Ông còn ra Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và nhiều nơi khác. Có tài liệu cho biết ông cũng đã đi ra Kiến Xương (Thái Bình) thăm quê nhà lãnh tụ Cần Vương và cũng là nhà thơ Nguyễn Quang Bích. Năm 1905 ông lại đi Huế lần thứ hai và cùng con trai sống ở đó cho đến 1909 thì ông và Bình Định rồi đi mãi cho đến 1929 thì mất ở Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Như vậy là từ năm 1895 theo bố mẹ vào sống ở Huế cho đến 1909 chia tay bố ở Huế, 14,15 năm trời cậu Nguyễn Sinh Cung được theo bố đi đến rất nhiều nơi và sống trong nhiều hoàn cảnh, qua nhiều thời cuộc khác nhau của đất nước. Ta đã biết, trong lịch sử, hồi trước công nguyên, Tư Mã Thiên (145- 86 TCN) đã được cha là Tư Mã Đàm tạo điều kiện cho đi đến rất nhiều nơi, qua Vân Nam, Tứ Xuyên cho suốt Vạn Lý Trường Thành... Thăm biết bao thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, tiếp xúc với biết bao học giả, chính khách. Nhờ đó mà về sau Tư Mã Thiên trở thành nhà viết sử kiệt xuất của nước Trung Hoa cổ đại. Cùng thời với Nguyễn Tất Thành (tức lúc này đã là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) Gia- Oa- Hác-lan-Nê- Ru (1890- 1966) cũng đã được bố là Mô-Ti-La- Nê- Ru dẫn cho đi đến rất nhiều nơi, nhất là năm 1927, Gia-ca- Hác-Lan đã được theo bố dự lễ kỷ niệm 10 năm cách mạng Tháng Mười ở Mát-xcơ-va. Ông Nguyễn Sinh Sắc và cậu Nguyễn Sinh Cung thì ở trong một hoàn cảnh khác, từ một nhà nho nghèo ở một nước nông nghiệp lạc hậu, là đất thuộc địa của tư bản Pháp. Sự tạo điều kiện của bố đối với con trai là rất hạn hữu. Nhưng nhìn lại hành trình của hai người thì cũng thật là đáng khâm phục. Trên những hành trình đó, giữa những chốn đất khách quê người, tình cha con cũng là tình bạn bè, nhất là đối với Nguyễn Sinh Cung là một thiếu niên sớm hiểu biết, sớm có ý chí đuổi thực dân giải phóng đồng bào.(5)

Kể từ buổi ở làng sen, được bố cho cùng tiếp chuyện với cụ Phan Bội Châu, được nghe Cụ nhắc đến hai câu thơ của Viên Mai với nghĩa: “Khuya sớm phải lo ghi sử sách, còn lập thân bằng văn chương là con đường hèn nhất” cái nội dung tư tưởng ấy theo như cụ Phan, hồi đó cậu Cung cũng đã hiểu được, cho đến khi cậu lựa chọn con đường hoạt động cứu nước sau này, qua sự dìu dắt của thân phụ, cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung đã được tiếp xúc với biết bao thân sĩ, trí thức, chứng kiến biết bao diễn biến, thành bại của các cuộc vận động cứu nước Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Chống Thuế...) . Sau những buổi tiếp xúc, đàm đạo, lúc đêm đến chung một ngọn đèn, cha con lại trao đổi với nhau về nhận thức, ý kiến của mình về những hiện tượng đã diễn ra, có lúc mỗi người đánh giá, nhận xét một khác. Nhưng cũng như hồi còn ở quê nhà đã làm câu đối mừng một người bạn ở Nghi Lộc: “Tích thiện phùng thiện, hữu phúc hữu kháng nhi tôn” (Làm điều lành, có phúc hay không hãy nhìn ở con cháu), ông Sắc rất tin vào lớp trẻ. Ông cũng rất coi trọng ý kiến của con những điều như việc học hành của con, chuyện làm quan của cha, đều được đưa ra bàn bạc, suy ngẫm. Học để làm gì, thân phận của kẻ làm quan ra làm sao? Khi nói chuyện với thanh niên ở quảng trường Di Luân, ông Sắc đã bày tỏ “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Quan trường nô lệ, trong đám người nô lệ thế là càng nô lệ hơn). Câu đó ông Sắc muốn nói với cả con trai. Môi trường để giãi bày tâm sự đó phải trong quan hệ bạn bè. Từ nhận thức của thân phụ, rằng làm quan dưới chế độ thực dân phong kiến là nô lệ, đến khái niệm của Bác sau này: Người cán bộ (trong chế độ dân chủ nhân dân) là người đầy tớ trung thành của nhân dân, là sự tiếp thu có biến đổi theo tinh thần cách mạng. Cùng ăn một mâm, nằm một chiếu hai cha con đã thấu hiểu và san sẻ tâm sự cùng nhau. Tháng 9/1909 ông Sắc tạm biệt con vào Bình Định làm tri huyện rồi con bị đuổi học, cha bị cách quan, việc xảy ra với cả hai người bởi cùng chung lý do và lòng thương dân, yêu nước. Họ đã hành động, xử sự như là những người bạn cùng chiến đấu. Ông Sắc nói giữa Sài Gòn khi anh Thành đến tìm mình: “Nước mất thì đi tìm nước chứ công chi mà phải tìm cha” Năm 1926, ông Sắc lại nhắn con trai qua đồng chí Lê Mạnh Trinh “...Nói với Quốc trung với nước tức là hiếu với cha”. Bản thân người cha khuyên con đừng bận tâm về minh, coi con như như là một người bạn chiến đấu mà mình phải hết lòng giúp đỡ, động viên, ở trong những hoàn cảnh ấy, chỉ những người như ông Nguyễn Sinh Sắc mới có được. “Trung với nước tức là hiếu với cha” phải có cách lý giải đó cũng là quan niệm về trung hiếu của Bác: “Trung với nước, Hiếu với dân”.

Thời gian 1926- 1929, tại Cao Lãnh,ông Nguyễn Sinh Sắc tham gia hoạt động, gây dựng tổ chức Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội, một tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu. Năm 1943, đồng chí Hồ Chí Minh viết “Ngục Trung Nhật Ký” tại nhà lao Tĩnh Tây (Trung Quốc). Tác phẩm viết bằng chữ Hán, thứ ngôn ngữ do bố dạy từ hồi còn nhỏ này là tác phẩm văn học nổi tiếng trong kho tàng văn thơ cách mạng Việt Nam. Đó là những mối quan hệ lại tuyệt đẹp mang tính thừa kế giàu sức chiến đấu, là phát huy sáng tạo vốn văn hoá nghệ thuật mà chỉ giữa ông Nguyễn Sinh Sắc và lãnh tụ Hồ Chí Minh mới có được.

Tình cha con cũng là tình bè bạn, “Con hơn cha là nhà có phúc’, đó là điều may mắn của đất nước, của dân tộc và cũng là niềm vinh hạnh của người cha, của gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc ở Làng sen.

Vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh là người của dân tộc, của nhân gian và của thời đại. Người tiếp thu truyền thống của nhân loại về đấu tranh nhằm giải phóng và vì hạnh phúc con người. Người đã tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hoá, trước hết là truyền thống đấu tranh cách mạng và nền văn hoá của dân tộc Việt Nam vốn được chung đúc bởi những gia đình, những con người cụ thể. Điều may mắn đối với Người là ngay từ bé, Người đã được sống trong một gia đình mà mỗi con người có nét đẹp riêng. Trong đó Người cha, ông Nguyễn Sinh Sắc là người có học thức cao, có phong độ quảng bá và có tư tưởng trong sáng. Chắc chắn, ông là Người đã ảnh hưởng rõ nét đối với vị anh hùng giải phóng dân tộc, bậc danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh.

Chu Trọng Huyến

Chú thích:

(1), (2) Tư liệu do cụ Hà Toán (1876- 1970), Người làng Sài (Mậu Tài) Kim Liên cung cấp.

(3) Ý Kiến do Nguyễn Hữu Tường (1886- 1972), Người gọi Vương Thúc Quý là chú( Cử nhân Vương Thúc Quý lấy Nguyễn Thị Diệu cô ruột Nguyễn Hữu Tường) cung cấp năm 1970.

(4) Rút từ câu sách “Sinh đài các ư trung, sở ư bất dung tất yến phương trưởng ư tiền, sở thực bất quá thích” đó cũng là phong cách sống trong suốt cuộc đời của ông Sắc và đã ảnh hưởng nhiều đến Bác Hồ .

(5) Theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên.

Nguồn: Hội thảo khoa học Cụ Nguyễn Sinh Sắc, diễn ra ngày 11,12/1/1990 tại Đồng Tháp.