Những tấm gương học tập suốt đời

11:13, 05/12/2014

HGĐT- Ông năm nay đã 71 tuổi, vóc dáng hơi gầy nhưng chắc, tác phong nhanh nhẹn, thái độ luôn cởi mở, trong con người lúc nào cũng như đi tìm công việc nên luôn tạo cho ông một tác phong “thanh niên”. Đặc biệt là tinh thần ham học tập không phải chỉ có từ thời tuổi trẻ mà ngay cả ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” ông vẫn đam mê học những gì còn thiếu, những gì chưa biết, mục đích để làm việc tốt hơn và phục vụ cho cuộc sống đạt hiệu quả. Ông là Nhà giáo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam , tác giả thơ, nhạc... Nguyễn Hữu Ninh, nguyên Phó Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, hiện nay là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang.


Những tấm gương học tập suốt đời
Mới vài tháng tuổi, ông Nguyễn Hữu Ninh theo cha, mẹ đi kháng chiến lên vùng đất xa xôi hẻo lánh rừng thiêng, nước độc, miền cực Bắc Hà Giang. (Sau cách mạng tháng 8 .1945 thành công, cha ông được giao chức vụ Chủ tịch UBHC thị xã Hà Giang đầu tiên). Lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, trí thức, ông chọn nghề thầy giáo – cái nghề ông ấp ủ từ tuổi thơ, bởi nó cho con người ta nhân cách và trí thức. Ông kể: Những năm 1960 Hà Giang vẫn còn heo hút hoang sơ lắm; đường mòn ngựa đi, đèo dốc cheo leo, bản làng thưa thớt dân ở... Là thầy giáo cấp 2 dạy học ở trường TNDT tỉnh, năm học nào ông cũng đi bộ về các bản làng vùng sâu, xa, vùng dân tộc... thuộc các huyện như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ... Bắc Quang (cũ), Xín Mần, Hoàng Su Phì... để vận động tuyên truyền các gia đình đồng bào cho con em đi học, có thời điểm đi gần 1 tháng khi trở về trường chỉ tuyển được dăm em... Cũng từ trong khó khăn gian khổ ấy, với lòng đam mê nghề, muốn cống hiến nhiều cho nghề, ông Nguyễn Hữu Ninh nghĩ phải tự học, học thêm và đã tự tìm thầy, tự mày mò học nhiều thứ để phục vụ cho công tác như: Học tiếng Tày, tiếng Nùng, tiếng Dao, tiếng Mông địa phương và về Hà Nội tìm thầy học cách làm Toán, giải các bài Toán khó, học nhạc để hát, dạy học sinh thêm yêu trường lớp, quê hương; học viết truyện ngắn; học làm thơ, học đánh đàn ghi ta, măng đôlin... Những dịp được cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị, quản lý kinh tế tập trung dài ngày, ông coi là cơ hội tốt để cố gắng học tập và luôn là người xếp vào tốp đứng đầu lớp học. Ông bảo: Chỉ nghĩ mộc mạc là mình muốn làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn...

Nhắc lại những câu chuyện về tự học tập để vươn lên thành giỏi, đến hôm nay nhiều cán bộ và nhân dân những vùng ông đã từng sống, công tác ở Hà Giang, đều nhắc đến với tấm lòng yêu quí, kính trọng, bởi ông luôn giữ chữ Tâm Trí của người thầy giáo. Ông Phạm Đức Vượng, Nhà giáo ưu tú đã về hưu nay là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bắc Quang, qua câu chuyện với chúng tôi, được biết ông Nguyễn Hữu Ninh những năm tháng dạy học, ông thường vào làng bản để vận động con em đi học, nói với đồng bào Tày, Dao, Pà Thẻn...bằng tiếng địa phương rất giỏi, bà con nghe phấn khởi tin tưởng và yêu quý thầy giáo người Kinh, nên cho con em đi học ngày càng nhiều. Ông còn sáng tác các bài hát, làm thơ, dịch các bài thơ, ca dao, tục ngữ... từ tiếng Kinh sang tiếng Tày hoặc từ tiếng Tày sang tiếng Kinh để phục vụ cho giảng giải, dạy cho các em học sinh...

Thời kỳ ông công tác làm chuyên viên HĐND tỉnh rồi lên chức vụ Phó Văn phòng HĐND, UBND tỉnh Hà Giang, theo ông đó là thời kỳ được tiếp cận và học tập phương pháp lãnh đạo, quản lý, tư duy về nhiệm vụ với tầm vĩ mô thật vất vả. Ngoài giờ làm việc, ông đã phải tự học tập nghiên cứu rất nhiều thể loại văn bản quy phạm pháp luật về QLNN, tự học nghiên cứu kiến thức các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... để vận dụng và làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh. Sức ép của công việc đã không cho ông dừng bước trước yêu cầu nhiệm vụ, ông lao vào việc tự học nhiều khi thèm ngủ đến mức ngủ quên trên bàn làm việc; nhiều lúc không chú trọng tới bữa ăn khi vợ con đã xếp mâm bát... Và sự đam mê công việc, tinh thần hiếu học, nhờ kiến thức tự học không ngừng mà trong những năm làm tham mưu ở UBND tỉnh, ông được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá hiệu quả tham mưu rất tốt, góp phần vào sự lãnh đạo của HĐND, UBND tỉnh .

Khi ở cương vị Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, người ta lại thấy một Nguyễn Hữu Ninh chụp ảnh, sáng tác nhạc, làm thơ... năng nổ, với những tác phẩm chất lượng cao. Ông nghĩ: Làm chuyên môn nghiệp vụ phải hiểu biết nghiệp vụ và vươn lên khá giỏi, nhất lại là làm quản lý ngành chuyên môn thì lại càng phải biết hơn để làm tốt chức năng “chuyên gia” tham mưu cho tỉnh. Chính vì vậy mà ông lại lăn lộn khắp các làng bản để chụp ảnh, sáng tác VHNT. 50 tuổi ông đi học chụp ảnh. Và chỉ gần 2 năm sau ông đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam . Có người cảm thấy “bất ngờ”. Nhưng những người biết thì không bất ngờ. Ông Hữu Đại, năm nay hơn 80 tuổi, mà ông Nguyễn Hữu Ninh vẫn gọi là “thầy” bởi ông Đại dạy ông chụp ảnh từ buổi học việc, vẫn thường nói: Tôi dạy ông Ninh chụp ảnh. Ông Ninh đã trở thành Hội viên Hội Nghệ sĩ Nghiếp ảnh quốc gia. Còn tôi vẫn chỉ là tác giả ảnh.

Từ ngày ông về nghỉ hưu 2003 đến nay, với ông Nguyễn Hữu Ninh sự học tập suốt đời là không có tuổi, nó là giá trịcao cả tặng cho mọi con người. Ai biết nâng niu, quý trọng giá trị đó sẽ là người làm chủ. Bởi vậy đến nay ông Nguyễn Hữu Ninh đã sắp "lên chức" cụ vậy mà ông vẫn ham học tập sử dụng thành thạo máy vi tính: Soạn thảo văn bản, nhận, chuyển thư điện tử qua email, sao, lưu, chuyển ảnh trên máy vi tính vv... Mọi cập nhật trao đổi báo cáo thông tin với các ngành tỉnh, huyện, các cơ quan ở Trung ương luôn được kịp thời, làm giảm được thời gian soạn thảo giấy tờ, tiết kiện chi phí cho cơ quan và cá nhân. Ông thường xuyên truy cập tin tức trên mạng điện tử để nắm bắt tình hình thời sự...Với ông không chỉ học cho mình mà còn đem kiến thức ấy hướng dẫn, trau dồi cho mọi người cùng học tập. Nhiều người nay thành đạt cũng có phần công sức của ông. Ông thường với chúng tôi: Bác Hồ không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà Người còn là tấm gương học tập không mệt mỏi, học tập suốt đời để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bác đã dạy chúng ta: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền... Điều đónhư một chân lý của mọi thời đại.


ĐẶNG QUANG VƯỢNG

- Xin bà cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục nhìn từ góc độ học tập suốt đời như thế nào?

- Theo tôi, quan điểm của Bác về việc học, hay như cách mà xưa nay ta vẫn gọi là “minh triết Hồ Chí Minh trong giáo dục”, thể hiện ở khía cạnh giản dị nhất chính là thần trí của Bác, mà căn cốt nằm ở tinh thần hiếu học và chủ trương “học không bao giờ ngừng”, “học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Giáo dục trước hết phải gắn với giữ gìn và trao chuyền giá trị của việc học và cách học với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”: Giá trị của việc học và cách học chính là dĩ bất biến, còn học cái gì, ở đâu, lúc nào, với ai… chính là ứng vạn biến.

Những tấm gương học tập suốt đời

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương điển hình của việc tự học và học tập suốt đời

“Nhiệm vụ chính yếu của nền giáo dục là tạo điều kiện và bồi dưỡng phương pháp, phát huy tối đa tinh thần tự học cho người học. Một nền giáo dục thành công chính là ở chỗ phục hưng được tinh thần tự tin thông qua thực hành tự học hiệu quả của mỗi người dân, đưa mỗi cá nhân và cả dân tộc phát triển. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm gương của Người chính là minh chứng sống động cho điều đó”.

PGS. TS. Vũ Thị Tú Anh

Cách học quan trọng nhất mà Bác đã thực hành xuyên suốt cuộc đời chính là tự học, học mọi nơi, mọi lúc và đề cao học tập suốt đời. Vấn đề tự học đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Chỉ những người có khả năng tự học mới có thể trở thành những công dân học tập suốt đời và có khả năng thích ứng cao trong một xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

- Theo bà, minh triết giáo dục của Chủ tịch Hồ Chính Minh có sự giao thoa với thế giới không?

- Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cũng đã nói: “Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”, “để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục”. Trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee nhận định: “Việc phát triển kinh tế và phát triển tinh thần không phải là hai ý niệm riêng biệt mà song hành với nhau. Xây dựng kinh tế không thể thiếu tinh thần và ngược lại... Nhiều dân tộc khác phải mất hàng thế kỷ để tìm ra thần trí của mình. Còn chúng ta đã tìm thấy tinh thần dân tộc Hàn Quốc trong chính thập niên này (1970)”…

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, quan điểm của Bác về vai trò cốt tử của giáo dục, của học tập suốt đời đối với sự hưng vong của Tổ quốc vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế. Đó cũng chính là tinh thần mà UNESCO đã thúc đẩy trong nhiều thập niên qua trên toàn thế giới: Học tập suốt đời vì sự hạnh phúc, thịnh vượng của cá nhân và toàn xã hội.

- Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu với ngành giáo dục, nhất là việc giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời như thế nào?

- Theo lý thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory), Bandura nhấn mạnh tầm quan trọng của quan sát và mô hình hóa các hành vi, thái độ và phản ứng cảm xúc của người khác. Bandura khẳng định, hầu hết hành vi của con người được học từ cách quan sát thông qua mô hình hóa: Từ việc quan sát người khác, mỗi người học hình thành ý tưởng về cách thực hiện hành vi và sau đó thông tin được mã hóa này làm kim chỉ nam cho hành động. Nói như vậy để thấy sự cần thiết của việc mô hình hóa và phổ biến, nhân rộng các tấm gương học tập suốt đời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình tiêu biểu nhất, để thúc đẩy phong trào học tập và tinh thần hiếu học trong toàn dân.

Chúng ta bàn rất nhiều về mục tiêu, nhưng giáo dục khác các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác là trước khi nói về mục tiêu, phải bàn về câu chuyện giá trị. Một trong những trăn trở lớn nhất của những người làm quản lý giáo dục, đặc biệt là giáo dục thường xuyên như chúng tôi, là nâng cao giá trị của việc học. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục chính là làm sao cho mọi người dân phải có được quan niệm đúng về giá trị của việc học và coi học tập suốt đời vừa là một niềm hạnh phúc, vừa là trách nhiệm. Chúng tôi mong muốn và cũng đã phát động phong trào mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương tự học suốt đời để học sinh, phụ huynh noi theo.

- Xin cảm ơn bà!