Phạm Tuân lấy đất từ đầu bay lên vũ trụ

Tròn 40 năm sau ngày bay vào vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào, song có lúc ông đã nghĩ "không biết có còn được quay về".

Ngày 23/7/1980, Phạm Tuân được Hội đồng Quốc gia lựa chọn trở thành phi công vũ trụ chính thức trong chuyến bay trên con tàu vũ trụ "Soyuz-37" (Liên hợp-37), là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này bay vào vũ trụ. Chia sẻ với VnExpress ông cho biết, ở tuổi 73, dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng hàng ngày ông vẫn dõi theo những tin tức về chinh phục vũ trụ và cảm xúc chuyến bay ngày nào vẫn vẹn nguyên trong ông.

Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ với VnExpress về chuyến bay 40 năm trước. Ảnh chụp chiều 22/7 tại nhà riêng. Ảnh: Giang Huy.

- Nếu kể về chuyến bay vào vũ trụ 40 năm trước, ông nhớ nhất điều gì?

- Nhiều người đã hỏi tôi câu này, nhưng với người lính, trận đánh nào cũng là trận đáng nhớ, và với phi công vũ trụ mỗi chuyến bay, từng công đoạn, giây phút đều là dấu ấn sâu sắc. Tôi nói như vậy là vì, chỉ sau động tác nhấn nút, một tiếng nổ lớn, con tàu phóng đi và phi công khi đó không còn biết mình đang ở đâu.

Với một chuyến bay vũ trụ nhiều cái đặc biệt, vừa có tính khám phá mạo hiểm nhưng cũng thú vị và cả nguy hiểm rình rập. Bởi ngồi vào con tàu là ngồi trên thùng thuốc nổ rồi, ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.

- Khi biết mình được chọn cho chuyến bay lịch sử, điều ông nghĩ đến đầu tiên là gì?

- Tôi chỉ biết mình là phi công bay chính trước giờ bay ba ngày. Đó là ngày 21/7/1980, Hội đồng Quốc gia công bố quyết định ai sẽ là người bay chính thức. Tên tôi được xướng lên cùng với Gorbatko là nhà du hành vũ trụ của Liên Xô. Sau quyết định đó, hàng loạt công việc phải chuẩn bị, từ việc kiểm tra những công việc cần làm trên vũ trụ, sắp xếp thứ tự các hành động.

Chúng tôi có 2 giờ nghỉ trưa trước khi bay. Đó là khoảng thời gian tĩnh lặng duy nhất và những ý nghĩ vẩn vơ thoáng qua rằng "quả tên lửa sẽ đẩy mình lên thế nào? Liệu mình có còn được quay lại để gặp gỡ gia đình, vợ con, bạn bè hay không...?".

Còn khi vào vị trí xuất phát, từ lúc còn một phút cho đến thời điểm đếm ngược và con tàu lao đi, là lúc nhận lệnh dồn dập và phi công phải trả lời Trung tâm chỉ huy mặt đất, không còn thời gian để nghĩ vẩn vơ. Tiếng nổ động cơ ngày càng lớn dần. Sau khẩu lệnh cuối: Phóng! Một tiếng nổ chát chúa. Con tàu rung lên, rời bệ phóng.

Nhắc tới rủi ro, trước chuyến bay của chúng tôi, đội bay Bungarri - Liên Xô đã xảy ra bất trắc và lắp ghép không thành công. Họ phải quay về hạ cánh. Khi tàu hoạt động trên vũ trụ, chúng tôi cũng gặp trục trặc. Hệ thống động cơ đang hoạt động bình thường thì dừng lại. Con tàu chỉ còn quay theo hướng điều khiển. Tôi hơi lo lắng nhưng Gorbatko nói rằng: "Tắt tất cả các hệ thống, chờ đến phiên liên lạc sẽ báo cáo". Khi đó ý nghĩ bất an ùa về và thầy trò tôi chỉ còn biết nằm chờ, chuẩn bị báo cáo.

Thật may, sau khi được Trung tâm hướng dẫn xử lý, động cơ của con tàu hoạt động trở lại bình thường. Khi đó chúng tôi bay ở quỹ đạo trung gian hơn 300 km.

Đến bây giờ có những lúc tôi vẫn thoáng nghĩ về khi đó "nếu chẳng may"...!.

- Khi con tàu vào quỹ đạo, ông được giao thực hiện khá nhiều thí nghiệm trên vũ trụ. Nhưng vốn ông không phải là nhà khoa học, vậy ông đã thực hiện nó như thế nào?

- Tôi chỉ là phi công vũ trụ và các thí nghiệm cần thực hiện tôi được hướng dẫn từ mặt đất và đã được chuẩn bị chi tiết. Tôi được hướng dẫn cơ bản. Nhiệm vụ của tôi là thực hiện các thao tác đúng như những gì đã học và ghi lại diễn biến của thí nghiệm đó.

Phạm Tuân lấy đất từ đầu bay lên vũ trụ

Theo ông Phạm Tuân ở môi trường không trọng lượng, tiềm năng cho nghiên cứu còn rất nhiều. Ảnh: Giang Huy.

- Chinh phục vũ trụ là "cuộc chơi" đầy tốn kém và rủi ro. Theo ông vì sao nó vẫn có "sức hút" bởi những năm gần đây không ít "ông lớn" chấp nhận bỏ tiền đầu tư vào cuộc đua này?

- Từ cuối những năm 50 khi đó hai phe, đứng đầu là hai nước Liên Xô và Mỹ đều cạnh tranh các mặt từ kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật. Cuộc đua vào vũ trụ thể hiện trình độ công nghệ của một quốc gia. Để bay vào vũ trụ là tập hợp tất cả công nghệ cao của các ngành, từ tên lửa, điều khiển, độ bền vật liệu... Quốc gia nào hùng mạnh, hội tụ đủ yếu tố khoa học công nghệ và tiềm lực kinh tế thì chiếm lĩnh.

Với Việt Nam, tôi thấy mình may mắn vì được bay vào vũ trụ ngày đó nhờ hợp tác với Liên Xô. Nếu để Việt Nam chủ động mọi việc từ công nghệ, kinh tế, kỹ thuật thì có lẽ còn rất lâu chúng ta mới bay vào vũ trụ.

Nhiều năm theo dõi các thông tin mới thấy, các nước tiến xa và rất nhanh về mặt công nghệ chinh phục vũ trụ. Cũng là bởi nghiên cứu vũ trụ tiềm năng rất lớn.

Ở điều kiện không trọng lượng, dưới Trái Đất không làm được. Điều kiện này khiến tất cả các vật chất đều bay lơ lửng như nhau, không kể khối lượng riêng lớn hay nhỏ. Hiểu đơn giản như nấu một nồi chứa nhiều chất, khi để lại phân tử nặng có thể chìm lắng xuống, phân tử nhẹ sẽ ở phía trên nhưng ở trong môi trường không trọng lượng, nó bay như nhau. Vậy nên, nếu luyện kim trong môi trường này, các phân tử sẽ được phân phối rất đều.

Nếu muốn sản xuất vi mạch, đường dẫn tinh khiết cho các loại máy tính tốc độ cao, nếu sản xuất ở dưới mặt đất có thể rất khó nhưng trên vũ trụ thì đơn giản. Hay như sản xuất thuốc, việc xảy ra các phản ứng phụ là do có tạp chất nhưng ở môi trường vũ trụ có thể khắc phục được những hạn chế này...

Khi ta nghiên cứu, hiểu rõ về thiên nhiên, hướng đến nắm bắt và ứng dụng vào cuộc sống là lý do các nước không tiếc tiền đầu tư cho nghiên cứu vũ trụ.

Vì vậy trong suy nghĩ của tôi, ước mong chúng ta có nhiều nghiên cứu ứng dụng, tận dụng được thành tựu của các nước có nền khoa học tiên tiến chứ không phải ta chạy theo "cuộc đua" bởi nhìn vào tiềm lực cần "biết người, biết ta".

Anh hùng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô.

Đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.

Năm 1973, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23/7/1980, và trở về trái đất ngày 31/7/1980. Ông được phong Anh hùng Lao động Việt Nam năm 1980. Cùng năm đó, ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin.

Năm 1989 là Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân. Từ 1999, được phong hàm Trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng (từ 2000). Ông nghỉ hưu từ cuối năm 2007.

Bích Ngọc

CNQP&KT - 21 giờ 33 phút (giờ Moskava) ngày 23/7/1980, từ sân bay vũ trụ Baiconua (Liên Xô), tàu “Liên hợp 37” được phóng lên vũ trụ với đội bay quốc tế gồm nhà du hành vũ trụ hai lần Anh hùng Liên Xô Vichtor Gorbatcô và Anh hùng phi công Phạm Tuân (Việt Nam). Đặc biệt, Anh hùng Phạm Tuân là phi công đầu tiên của châu Á bay vào vũ trụ.

Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế đã đến thăm tư gia Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và được ông trực tiếp kể chuyện bay vào vũ trụ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Anh hùng Gorbatcô và Anh hùng Phạm Tuân trả lời phỏng vấn báo chí sau khi trở về Trái đất.

Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng Phạm Tuân, vừa bước vào cổng nhà ông, tôi đã có cảm giác thư thái vì thấy hoa lan khoe sắc và chim hót rộn ràng (cười).

Trung tướng Phạm Tuân: Thế nên tôi có ở nhà “quanh năm suốt tháng” cũng không thấy chán, nhà báo ạ (cười). Và đây cũng là thú vui tuổi già của tôi đấy!

PV: Thú thật, ngay lúc này đây, tôi vẫn không thể tin rằng, ông đã ở tuổi “thất thập”. Nhưng cũng dễ lý giải vì phi công vốn có thể lực tốt hơn… người bình thường, đặc biệt là phi công vũ trụ như ông?

Trung tướng Phạm Tuân: Suốt đời quân ngũ, nhất là trong khoảng thời gian huấn luyện ở Trung tâm Vũ trụ (Liên Xô), sức khỏe của tôi rất ổn định. Thông thường, thời gian đào tạo, huấn luyện phi công vũ trụ sẽ mất khoảng 3 nămnhưng đối với phi công Việt Nam, thời gian này rút ngắn xuống còn 1,5 năm. Nói thế để thấy cường độ rèn luyện cao như thế nào.

PV: Vì sao lại phải “ép thời gian” như thế, thưa Trung tướng?

Trung tướng Phạm Tuân: Để đào tạo phi công vũ trụ, Việt Nam tuyển chọn 4 phi công và sau các vòng phân loại thì tôi và anh Bùi Thanh Liêm được vào “chung kết”. Chúng tôi là phi công chiến đấu, từng bay trên loại máy bay MIG-21, từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá miền Bắc và đều đã lập chiến công trong chiến đấu. Phía Liên Xô xét thấy chúng tôi đều đã có kinh nghiệm bay chiến đấu nên thời gian huấn luyện được rút ngắn. Trong quá trình học tập, chúng tôi đều trải qua chương trình học và luyện tập như nhau, gồm: phần lý thuyết; phần tập trên các buồng tập và rèn luyện thể lực, tâm lý và cấp cứu phi công. Bùi Thanh Liêm được ghép cặp cùng Bưcôpxki còn tôi thì ghép cặp cùng Gorbatcô để luyện tập và Hội đồng Quốc gia sẽ chọn cặp bay chính thức. Chỉ đến ngày cuối trước khi bay, chúng tôi mới nhận được thông báo Gorbatcô và tôi là đội bay chính thức, Bưcôpxki và Bùi Thanh Liêm là đội bay dự bị.

PV: Chắc hẳn, việc ghép cặp cũng không phải ngẫu nhiên, thưa ông?

Trung tướng Phạm Tuân: Đương nhiên rồi!Việc chọn đôi bay trong vũ trụ rất phức tạp và công phu. Gorbatcô đã là cựu phi công vũ trụ còn tôi là tân binh bay chuyến đầu tiên. Gorbatcô hơn tôi 13 tuổi nhưng chúng tôi rất “tâm đầu ý hợp” (cười). Để kiểm tra xem chúng tôi có hợp nhau hay không, người ta đưa ra rất nhiều cách để tìm điểm trùng hợp và nét tương đồng.

PV: Trong hành trìnhgần 8 ngày “lưu trú” trên tàu vũ trụ, dòng chảy thời gian có gì khác biệt, thưa Trung tướng?

Trung tướng Phạm Tuân: Chỉ mất 1 tiếng 30 phút để bay một vòng quanh Trái đất nên kế hoạch làm việc của chúng tôi phải chi tiết đến từng giây. Chúng tôi đã thực hiện 24 thí nghiệm vật lý và công nghệ vũ trụ; quan sát đánh dấu các hành tinh, các vì sao, chụp ảnh Trái đất… Có thể khẳng định, các chuyến bay vũ trụ đã làm thay đổi tận gốc những khái niệm của chúng ta về các hành tinh khác như sao Kim, sao Hỏa… Mỗi chuyến bay người ta đều thử nghiệm xem sức chịu đựng, sự làm quen với vũ trụ thế nào, thay đổi của môi trường không trọng lượng tác động lên các cơ quan ra sao?...

PV: Vậy trong chuyến bay có ý nghĩa lịch sử này, Trung tướng đã mang theo những kỷ vật gì?

Trung tướng Phạm Tuân: Tôi có mang theo cờ Tổ quốc, Quốc huy, nắm đất Ba Đình, Huy hiệu Bác Hồ, ảnh Bác Hồ, ảnh đồng chí Lê Duẩn và ảnh gia đình, tem thư… Đặc biệt, những kỷ vật này đều được đóng dấu và làm các “thủ tục” chứng nhận chúng đã ở trong vũ trụ.

Trung tướng Phạm Tuân, phi công vũ trụ, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, người Việt Nam duy nhất được nhận danh hiệu Anh hùng 3 lần: hai lần của Việt Nam (Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) và Anh hùng Liên Xô.

PV: ThưaTrung tướng, đối với Việt Nam, ý nghĩa của chuyến bay được thể hiện như thế nào?

Trung tướng Phạm Tuân: Để tôi kể cho nhà báo nghe một chuyện, đó là vào ngày 22/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đó Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô Ghecman Titov và bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô. Người cũng tin tưởng trong tương lai sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ. Tôi rất vinh dự được đại diện cho thanh niên Việt Nam thực hiện điều mong muốn của Bác vào 18 năm sau.

Chuyến bay vào vũ trụ là một sự kiện mới đối với đất nước ta và mang nhiều ý nghĩa. Nó chứng minh rằng, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng với sự hợp tác quốc tế, chúng ta có thể tiến xa, tiến vững chắc trên con đường chinh phục khoa học kỹ thuật. Còn với Liên Xô thì tình đoàn kết hữu nghị đã có từ trên mặt đất, trên biển và trên bầu trời, bây giờ được thể hiện ngay cả trong vũ trụ. Chuyến bay vũ trụ được hoàn thành thắng lợi chứng minh sự hợp tác hiệu quả giữa các nhà khoa học các nước xã hội chủ nghĩa trong việc chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình.

PV: Phần lớn quãng đời binh nghiệp của Trung tướng là gắn với Quân chủng Phòng không - Không quân, nhưng “bến đỗ cuối cùng” là ở Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP). Đây cũng là chặng đường nhiều dấu ấn, thưa Trung tướng?

Trung tướng Phạm Tuân: Tính ra, tôi gắn bó với Tổng cục CNQP gần 11 năm, trong đó có 7 năm làm Chủ nhiệm Tổng cục. Thành thật mà nói, lúc đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng được đồng chí đồng đội giúp đỡ nên tôi cũng nhanh chóng tiếp cận công việc. Điều quan trọng là, những loại vũ khí, trang bị do CNQP sản xuất, sửa chữa hầu hết đều được trang bị trên máy bay nên tôi đã nắm rõ nguyên lý hoạt động.

Một thập niên ở ngành CNQP, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi đã góp sức để tổ chức lại CNQP với việc đưa các nhà máy đóng tàu và các viện nghiên cứu về trực thuộc Tổng cục; tham mưu xây dựng và ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP; Chương trình phát triển CNQP; sản xuất các loại vũ khí bộ binh hiện đại; các mác thuốc phóng, thuốc nổ…

Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân hiện nay.

PV: Năm 2020 là mốc thời gian đánh dấu 75 năm xây dựng và phát triển ngành Quân giới - CNQP. Với cương vị là người đã từng giữ cương vị cán bộ chủ chốt của Tổng cục CNQP, Trung tướng có nhắn nhủ gì với đội ngũ cán bộ trẻ hiện đang công tác trong ngành CNQP?

Trung tướng Phạm Tuân: Tuy thời gian nghỉ hưu của tôi đã bằng với thời gian công tác trong ngành CNQP, nhưng tôi vẫn luôn dõi theo bước phát triển của ngành. Tôi rất vui mừng vì những năm qua, ngành CNQP đã có bước phát triển vượt bậc, với nhiều thành tựu đáng tự hào, nổi bật là nghiên cứu thiết kế, chế tạo và làm chủ công nghệ sản xuất nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, kể cả vũ khí công nghệ cao; góp phần khẳng định năng lực và khả năng tự lực, tự cường của CNQP Việt Nam. Tôi tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể để tiếp tục cống hiến, xây dựng ngành CNQP Việt Nam tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân.

ANH ANH (thực hiện)