Phong cách thời đại trong văn học

1. Khái niệm phong cách sáng tác

Phong cách sáng tác (phong cách nghệ thuật) là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc. (Trong nghĩa rộng: Phong cách là nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể có thể cảm nhận được, một giọng điệu và một sắc thái thống nhất). (Từ điển thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, NXB Giáo dục, 2004. Tr. 255, 256).

2. Đặc điểm của phong cách nghệ thuật

Đặc điểm 1: Phong cách chính là con người nhà văn.
Nhà văn Pháp Buy phông nói: “Phong cách ấy là con người”. Nó hình thành từ thế giới quan, nhân sinh quan, chiều sâu và sự phong phú của tâm hồn, của vốn sống, sở thích, cá tính cũng như biệt tài trong sử dụng cách hình thức, phương tiện nghệ thuật của nhà văn.

Ví dụ: Nguyễn Tuân là người nhìn đời bằng nhãn quan của cái tôi kiêu bạc, đầy tự hào, tự tin, tự trọng, cùng với lòng ngưỡng mộ cái Đẹp trong đời. Nguyễn Tuân là người từng trải, đi nhiều, biết rộng, sống phóng khoáng, thích tự do, thích thú với những cảm giác mãnh liệt trong cuộc sống… Những yếu tố ấy trong con người nhà văn bộc lộ ra thành một phong cách nghệ thuật: Độc đáo, tài hoa và uyên bác. Nét phong cách này khá nhất quán trong cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau cách mạng tháng Tám.

Đặc điểm 2 :Phong cách nghệ thuật không đơn thuần chỉ là những nét lặp đi lặp lại thành quen thuộc của nhà văn. Đó phải là sự lặp lại một cách hệ thống, thống nhất cách cảm nhận độc đáo về thế giới và hệ thống bút pháp nghệ thuật phù hợp với cách cảm nhận ấy.

Cho nên, không phải bất kỳ nhà văn nào cũng có phong cách, tạo được phong cách. Phong cách thường được tạo nên bởi một cây bút sâu sắc trên nhiều phương diện: thế giới quan, nhân sinh quan, vốn sống, kinh nghiệm… tài năng về nghệ thuật và có bản lĩnh.

Cái nét riêng (ở cách cảm nhận độc đáo về thế giới và hệ thống bút pháp nghệ thuật phù hợp với cách cảm nhận) ấy thể hiện nổi bật, có giá trị và khá nhất quán trong hầu hết các tác phẩm của họ, lặp đi lặp lại làm cho người đọc nhận ra sự khác biệt với tác phẩm của các nhà văn khác.

Chẳng hạn, giữa Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, Xuân Diệu và Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân và Nguyễn Minh Châu…

Đặc điểm 3 :Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Phong cách là nét riêng không trùng lặp.

Sự thật có thể là một, nhưng cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của nhà văn phải có màu sắc khác nhau và độc đáo. L. Tônxtôi nói: “Khi ta đọc hoặc quan sát một tác phẩm văn học nghệ thuật của một tác giả mới, thì câu hỏi chủ yếu nảy ra trong lòng chúng ta bao giờ cũng là như sau: Nào, anh ta là con người thế nào đây nhỉ? Anh ta có gì khác với tất cả những người mà tôi đã biết, và anh ta có thể nói cho tôi thêm một điều gì mới mẻ về việc vần phải nhìn cuộc sống của chúng ta như thế nào?”
(L. Tônxtôi toàn tập).

Ví dụ:

Cùng thể hiện khả năng trào phúng, hai nhà văn cùng thời Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng vẫn tạo được những phong cách khác nhau:

+ Nguyễn Công Hoan cười nhẹ nhàng, thâm thúy bằng cách dựng lên những tình huống trớ trêu, nghịch lý (kiểu Kép Tư Bền, Người ngựa, ngựa người…);

+ Vũ Trọng Phụng cười chua chát, sâu cay, quyết liệt, như muốn ném thẳng lời nguyền rủa vào mặt người ta (kiểu Số Đỏ).

Đặc điểm 4 :Phong cách nghệ thuật là sự ổn định, nhất quán (đương nhiên không phải tuyệt đối).

Ví dụ: Nguyễn Tuân, trải qua hai thời kỳ sáng tác, có những chuyển biến về tư tưởng sáng tác khá rõ nét, nhưng vẫn giữ một phong cách độc đáo, tài hoa, uyên bác. Có khác:

+ Trước cách mạng, ông ưa viết theo cách ngông, nổi loạn chống lại cái tầm thường, phàm tục ở đời. Cái Đẹp nhiều khi phóng túng.

+ Còn sau cách mạng: ông ưa viết theo cách tự tin, tự hào, tự trọng về tài năng và bản lĩnh của mình. Cái Đẹp vẫn được đặt trong tư thế thử thách gai góc nhưng bình dị, chân thực hơn.

Đặc điểm 5 :Phong cách nghệ thuật biểu hiện rất phong phú, đa dạng. Điều này tùy thuộc vào tài năng, sở trường của mỗi nhà văn.

– Có thể biểu hiện ở việc chọn đề tài
(có nhà văn chỉ thích đề tài nông thôn, có người lại ưa và chỉ chọn đề tài thành thị, có người thích những hiện thực mang tính chất nhẹ nhàng, giản dị, thâm trầm, cũng có người lại thích khai thác những chuyện dữ dội, đau đớn, ám ảnh mãnh liệt đối với con người…).

– Có thể biểu hiện ở việc chọn thể loại
(mỗi nhà văn chỉ viết thành công nhất ở một thể loại, thể loại ấy chính là phong cách của họ).

– Có thể biểu hiện ở sự vận dụng ngôn ngữ(có nhà văn ưa dùng thứ văn nhẹ nhàng, êm đềm, sâu lắng, nhưng có người lại luôn tỉnh táo, sắc lạnh đến tàn nhẫn; có người ưa lối nói dí dỏm mà thâm thúy, người lại thích lối nói sắc sảo, dữ dội, sâu cay…).

– Có thể biểu hiện ở giọng điệu(Có nhà văn thường tạo nên một giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, ân nghĩa; trong khi người khác lại thành công với giọng điệu thấm đẫm chất triết luận…).

– Có thể biểu hiện ở cách xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm(kiểu nhân vật chân dung – Nguyễn Tuân; kiểu nhân vật tâm lý – Nam Cao; kiểu nhân vật cảm giác – Thạch Lam, kiểu nhân vật đấu tranh – Nguyễn Minh Châu (trong sáng tác sau năm 1975), kiểu nhân vật CON – NGƯỜI – Nguyễn Huy Thiệp…).

Đặc điểm 6 : Phong cách nghệ thuật là nét riêng, đậm tính cá thể, nhưng phải có liên hệ mật thiết với hệ thống chung các phong cách của một thời đại văn học.

Ví dụ: Phong cách của các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên… trước cách mạng tháng Tám đều nằm trong phong cách lãng mạn của trào lưu Thơ mới lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945.

Đồng thời, phong cách nghệ thuật chỉ có giá trị khi nó thực sự cống hiến cho sự tồn tại và phát triển phong phú, đa dạng của văn học dân tộc nói chung.

Đặc điểm 7 : Phong cách sáng tác chịu ảnh hưởng của những phương diện tinh thần khác nhau như tâm lý, khí chất, cá tính của người sáng tác. Đồng thời, nó cũng mang dấu ấn của dân tộc và thời đại.

Mỗi một thời đại lịch sử và thời đại văn học tương ứng có thể tạo ra những phong cách sáng tác mang đặc trưng riêng:

+ Chẳng hạn phong cách Hồ Xuân Hương trong thời Trung đại còn nặng nề ý thức hệ phong kiến, văn học chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan điểm phi ngã;

+ Phong cách Nguyễn Tuân trong thời Pháp thuộc, phát triển một khuynh hướng văn học – văn học lãng mạn, bộc lộ đầy đủ, sâu sắc cái tôi nghệ sĩ tài hoa, phóng khoáng.

Nội dung do Lý Trần Quốc Việt sưu tầm.

Xem thêm:

Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học

Đi tìm phong cách chung của văn học

 Trong các vấn đề về phong cách văn học ở ta, cho đến nay, trong các công trình, giáo trình lí luận phần lớn đều nói tới vấn đề phong cách cá nhân của nhà văn. Các khía cạnh khác của phong cách như phong cách thời đại, phong cách trào lưu, phong cách dân tộc tuy cũng có được nhắc tới nhưng hầu như chưa được bàn bạc và vận dụng vào thực tiễn bao lăm. Theo nhịp độ phát triển và giao lưu, hội nhập của cuộc sống hôm nay, vấn đề phong cách chung được nhìn nhận rõ hơn và đã đến lúc cần xem xét cụ thể vấn đề rất phức tạp này.

Nhìn vào lịch sử vấn đề, thì từ xa xưa cho đến hiện đại, trên phạm vi toàn thế giới, vấn đề phong cách chung bao giờ cũng được xem xét bên cạnh phong cách cá nhân, thậm chí là mẫu số chung để nhìn nhận ra phong cách cá nhân. Ở thời Hi Lạp cổ, theo Aristote, phát ngôn lí tưởng là kết hợp hài hòa giữa logic và cảm xúc mà dấu hiệu của nó là có kết cấu và có phong cách. Kết cấu đòi hỏi bài văn phải có bố cục gồm nhiều phần liên kết hợp lí, còn phong cách đòi hỏi phải có các phẩm chất chung, cơ bản và các phẩm chất cá nhân. Phong cách được hiểu chủ yếu là phong cách ngôn ngữ, các phương tiện của nó là cách sử dụng đúng đắn các từ đồng nghĩa, đồng âm, các tính ngữ, các ẩn dụ… Aristote viết trong Tu từ học (Rhetorica) như sau: “Phong cách sẽ có được các phẩm chất cần phải có, nếu như nó tràn đầy tình cảm, nếu như nó phản ánh được tính cách và phù hợp với tình hình thực tế của sự vật”. Các phẩm chất cơ bản đó còn thể hiện qua nhịp điệu, bố cục… theo ông, phong cách (ngôn ngữ) phải được trau chuốt và trang nhã. Đó chính là phong cách ngôn ngữ chung của ngôn ngữ văn học. Đardi và Vamana, hai nhà lý luận văn nghệ cổ Ấn Độ trong các công trình của mình (Kaviadarsa vàKavialankarasutra) cũng đã trình bày học thuyết về các phẩm chất của phong cách chung - phong cách hay, bao gồm cả các yếu tố tu sức ngôn từ tiêu biểu cho các tác phẩm, đặc biệt là nguyên tắc dhvani - ám thị, chứ không biểu trực tiếp, làm cho văn bản giàu chất thơ. Các nhà lý luận cổ điển Trung Quốc như Lưu Hiệp, Chung Vinh, Tư Không Đồ cũng nêu ra tư tưởng về chuẩn mực văn chương như, “lục nghĩa” của Lưu Hiệp. Như vậy, phong cách chung như là chuẩn mực của văn chương đã được đề xuất từ sớm.

Khái niệm phong cách cá nhân  thực sự được đề xuất từ thế kỷ XVIII. Với Buffon, phong cách là sự biểu hiện hoàn mỹ vào tác phẩm cái nhân cách, tư tưởng, tình cảm của chủ thể sáng tạo. Xin lưu ý là khái niệm phong cách của Buffon không chỉ áp dụng cho văn học, mà cho mọi sáng tác về tư tưởng như khoa học, triết học, lịch sử. Về sau Marx cũng sử dụng khái niệm phong cách này để đánh giá tác phẩm về kinh tế học của Prudon. Tư tưởng này được Dideraut, Flaubert (Pháp), Rauli (Anh) tán thành.

Với Goethe, phong cách là sự thống nhất chủ quan và khách quan trong sáng tác, khi nhà văn vừa vượt lên trên mọi sự mô phỏng giản đơn đối với tự nhiên, vừa vượt lên trên cái tác phong, kiểu cách chủ quan của nhà văn. Với Hégel, phát triển tư tưởng của Phôn Rumô, phong cách được hiểu là phương thức biểu hiện, quy luật nghệ thuật của một loại hình nghệ thuật nào đó: phong cách thơ, phong cách nhạc kịch.

Như vậy ở thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, khái niệm phong cách không phải chỉ nhấn mạnh vào phong cách cá nhân. Đi vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ phải nhường chỗ cho các phương diện khác như cá tính, quy luật nghệ thuật. Đáng chú ý là chính vào thế kỷ XVIII, khi khái niệm phong cách cá nhân được đề xuất thì tại Đức, nhà mỹ học Winc Kelmann đã đưa ra khái niệm phong cách như một phạm trù của lịch sử nghệ thuật. Ông đã nói đến phong cách thời đại và phong cách cá nhân nghệ sĩ trong các dân tộc; do thời đại đổi thay mà nghệ thuật có những phong cách khác nhau... Ví dụ, ông chia nghệ thuật Hi Lạp cổ làm 4 thời kỳ với 4 phong cách: Phong cách đường nét, Phong cách cao cả, Phong cách đẹp, Phong cách chiết trung.

Sang thế kỷ XIX, H. Taine trong Triết học nghệ thuật (1865-1869), quan niệm văn hóa lịch sử về văn học nghệ thuật dựa trên cơ sở mô phỏng đời sống, cũng nói tới phong cách thời đại. Chẳng hạn, phong cách nghệ thuật Hi Lạp cổ, phong cách Cơ đốc giáo, phong cách tao nhã quí tộc cung đình thời Louis XIX có ảnh hưởng tới hầu như toàn châu Âu: Ý, Anh, Nga, Đức, Tây Ban Nha. Khi nào văn học xa rời thực tế thì phong cách suy thoái .

Vào thế kỷ XX Ken Viper trong sách Lịch sử các phong cách của nghệ thuật tạo hình (1910), Henrích Vônfơlin trong công trình Các khái niệm cơ bản của lịch sử nghệ thuật - Vấn đề tiến hoá của phong cách trong nghệ thuật mới (1915), tác giả Mỹ W. Fleming trong sách Nghệ thuật và quan niệm (1947), cũng đều lấy khái niệm phong cách chung, phong cách thời đại, trào lưu để nghiên cứu mô tả quá trình lịch sử của nghệ thuật. Nhà nghiên cứu văn học Nga D.S. Likhachov nhận định “Trong thời đại chúng ta có thể nói về phong cách thời đại, như phong cách barôcô trong chừng mực mà nó thể hiện trong tất cả các loại hình hoạt động nghệ thuật, trong những giới hạn thời gian và giới hạn địa lý”. Phải chăng trong mọi thời đại đều tồn tại cái mà chúng ta có thể gọi là phong cách thời đại . Xem thế đủ thấy trong lịch sử văn học nghệ thuật khái niệm phong cách chung luôn luôn có vai trò của nó, bên cạnh khái niệm phong cách cá nhân. Thậm chí nó còn có cả vai trò trong các thời đại, khi điều kiện để xuất hiện phong cách cá nhân chưa chín muồi.

Các công trình lí luận đầu thế kỷ XX như của V. Girmunski, của E. Utitz đều đặt khái niệm phong cách thời đại vào vị trí quan trọng của lí luận về phong cách.

Thế nhưng về phương diện lí luận, trong giới lí luận các nước xã hội chủ nghĩa  trước đây, đặc biệt từ khi lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời vào những năm 30 của thế kỷ XX, người ta có xu hướng chỉ thừa nhận phong cách cá nhân như là sự thể hiện đa dạng của phương pháp chung, sự thống nhất về phương pháp và sự đa dạng của phong cách cá nhân, và như vậy đã thu hẹp phạm vi biểu hiện của hiện tượng phong cách, xa rời một truyền thống nghiên cứu đã có hàng trăm năm.

Công trình Lí luận phong cách (1968) của  N. Sokolov có thể coi là tác phẩm đầu tiên trong các nước xã hội chủ nghĩa đặt lại vấn đề phong cách. Ông khẳng định phong cách là một hiện tượng nghệ thuật, thể hiện quy luật của nghệ thuật, là phạm trù thẩm mỹ trong tất cả mọi nghệ thuật. Bản chất của nó là sự thống nhất của mọi thành tố nghệ thuật theo những quy luật đặc thù. Đi theo quan điểm của một loạt tác giả như: H. Vônfơlin, V. Handenstein, Phơ rích, K. Viper, chủ yếu chỉ thừa nhận phong cách như một hiện tượng lịch sử, xã hội, thời đại chứ không phải thừa nhận phong cách cá nhân! Ngược lại với quan điểm quen thuộc của Trofimov, Timofiev, Elsbes, M.B. Khravchenko... N. Sokolov cho rằng “Xem phong cách là hiện tượng cá nhân dễ đưa đến sự phủ nhận bản chất xã hội của nó. Không có phong cách cá nhân tách rời xã hội”. Ông không xem cá tính sáng tạo cá nhân (theo cách hiểu của Khravchenko) là nhân tố tạo thành phong cách, bởi vì theo ông, nếu đã xem phong cách là một quy luật của nghệ thuật thì không được xem nó như là biểu hiện của cá tính sáng tạo vốn là một hiện tượng tâm lý, bởi hai phương diện đó nằm ở hai bình diện khác nhau. Xin lưu ý thêm, cũng vào lúc này (1967) G. Antoine  ở Pháp đã nói Saint Beuve không hiểu gì Stendhal bởi vì ông mải đi tìm tiểu sử của ngài Beile! Từ đó ông cho rằng phong cách cá nhân là sự biểu hiện của phong cách chung, tức là phong cách thời đại, phong cách trào lưu. Ông đã lập luận rằng, nếu phương pháp chung có sự thể hiện riêng về mặt cá nhân thì đó sẽ là phương pháp riêng chứ không phải là phong cách riêng. Còn đã nói phong cách cá nhân thì đã là sự thể hiện riêng của phong cách chung phải phục tùng quy luật chung. Như vậy, người ta không thể nghiên cứu phong cách riêng mà không xét đến phong cách chung.

Đã đến lúc phải đi tìm những biểu hiện và cơ sở lý luận của phong cách chung, bởi vì sự vận động của văn học không thể chỉ là sự tích luỹ không ngừng các phong cách cá nhân mà còn ở chỗ mỗi giai đoạn văn học đều mang lại cho lịch sử một phong cách mới, và không có lý do gì để chỉ nói phong cách cá nhân mà dè dặt, không nói đến phong cách chung. Mặt khác, phong cách cá nhân không thể tự nó hình thành mà không có tác động của một phong cách chung nào đó. Trong truyền thống nghiên cứu văn học Trung Quốc xưa, người ta đã phân biệt được phong cách văn học Hán với phong cách thời Lục Triều, phân biệt được phong cách Đường với phong cách Tống, phân biệt Nguyên, Minh, Thanh. Ở phương Tây, cùng là nghệ thuật thời trung đại, nhưng người ta phân biệt phong cách Bizantin thời kỳ đầu với phong cách La Mã tăng lữ và phong cách La Mã phong kiến; cùng là phong cách Barroco nhưng người ta phân biệt phong cách Barroco Venise, phong cách Barroco thời chống cải cách tôn giáo, phong cách Barroco quý tộc thời Louis XIV, phong cách Barroco hạn chế của thời khôi phục vương triều. Những điều đó đã trở thành thường thức các giáo trình về lịch sử nghệ thuật .

Vậy phong cách chung là gì? Nó có những đặc điểm gì?

Theo D.S. Likhachov, thứ nhất, phong cách chung là phong cách nghệ thuật mà nó vượt lên trên chất liệu cụ thể như ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc, thể loại, cá tính, để có thể có đặc điểm chung, ảnh hưởng tới các loại hình nghệ thuật khác nhau. Chẳng hạn như phong cách Barroco đã nói ở trên, thể hiện trong hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, văn học. Tương tự, phong cách lãng mạn trong văn học 1932-1945 của Việt Nam vừa thể hiện trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, trong thơ mới, trong âm nhạc và trong hội hoạ. Trong văn học, phong cách chung thể hiện ở tất cả mọi thể loại, và đó là một lớp, một phạm trù phong cách bên cạnh các lớp khác như phong cách cá nhân, phong cách dân tộc, phong cách trào lưu…

Thứ hai, phong cách chung, đặc biệt là phong cách thời đại là sự biểu hiện của trình độ kỹ thuật biểu hiện, của trạng thái văn hoá, xã hội, tập quán tâm lý thời đại đã hình thành nên phong cách. Phong cách thể hiện tập trung ở cách thể hiện thế giới và con người, cảm thụ bản thân nghệ thuật. Chẳng hạn nghệ thuật Ai Cập cổ đại có nền tảng là tôn giáo Ai Cập, tôn giáo về cái chết; trái lại, nền tảng của nghệ thuật Hi Lạp cổ đại là thế giới quan yêu đời. Khi nào nội dung và hình thức cuộc sống đổi thay thì nghệ thuật, vốn là biểu hiện của cuộc sống đó cũng thay đổi, và sự đổi thay đó “chính là đổi thay phong cách” (E.Utitz: Phong cách là gì?).

Trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, giới khoa học đã nói đến phong cách cá nhân của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu; cũng đã nói đến phong cách hiện thực, phong cách lãng mạn. Nhưng cũng có thể  nói đến phong cách thời đại thể hiện ở các điểm sau:

+ Một là, quan niệm lí tính đối với cuộc đời, niềm tin vào khoa học, tiến bộ, lẽ công bằng, tư tưởng  bình đẳng, tự do. Khi Thơ mới đòi hỏi thể hiện nhu cầu giải phóng cá tính trong tình cảm cũng là lúc các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đấu tranh cho các quyền con người của cá nhân; và cũng là lúc các tiểu thuyết hiện thực lên án xã hội bất công chà đạp lên số phận con người sau luỹ tre làng. Một số nhà văn Tự lực văn đoàn có phong cách hiện thực chính là do ảnh hưởng của phong cách thời đại trong cảm hứng tố cáo và trữ tình. Văn học Cách mạng xuất hiện trong giai đoạn này cũng mang tính lý tính và tính lý tưởng rất đậm.

+ Hai là, sự hiện đại hoá đồng loạt các thể loại văn học do tiếp thu ảnh hưởng của văn học phương Tây. Thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch nói, du kí, tuỳ bút, phê bình văn học nhất loạt xuất hiện, thay thế hẳn các thể loại truyền thống. Các hình thức truyền thống như thơ bảy chữ, năm chữ, lục bát,… đều được cấu trúc lại.

+ Thứ ba, các nhà văn, nhà thơ dù sáng tác theo thể loại nào đều đã cắt đứt với truyền thống tập cổ mà tự mình cấu tứ, sáng tạo, vai trò chủ thể của tác giả đặt lên hàng đầu. Người ta phân biệt rõ ràng sáng tác và phóng tác, lịch sử và tiểu thuyết lịch sử. Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… cùng một loạt nhà Thơ mới đa dạng về phong cách cá nhân đã tiêu biểu cho ý thức chủ thể nổi bật, như là một đặc trưng của phong cách thời đại.

+ Thứ tư, khác với lối văn truyền thống nặng về vần điệu đăng đối với điệu ngâm nhịp nhàng, lối văn hiện đại chuyển hẳn sang văn xuôi: văn tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự mang hình thức khẩu ngữ, kịch hoá, thân mật, suồng sã trong khoảng cách gần, lời thơ về cơ bản là mang hình thức điệu nói đầy giọng điệu giãi bày, tâm tình.

Một yếu tố quan trọng nữa của phong cách là cách bố cục, kết cấu, tổ chức nội  dung tác phẩm, thể hiện cách cảm thụ của tác giả là người đọc kiểu mới. Điều nổi bật của văn học giai đoạn này là kết cấu mở, mở từ giữa chừng và kết thúc lửng. Văn đã vậy mà thơ cũng vậy.

Những đặc điểm trên đây xác định phong cách thời đại cơ bản trong văn học 1930-1945, cho phép phân biệt nó với văn học giai đoạn trước và sau đó.

Phong cách thời đại có những nét truyền thống nhưng không đồng nhất, nghĩa là bên trong nó vẫn có sự phân hoá theo các yếu tố khác như phương pháp sáng tác, cá tính sáng tạo, khuynh hướng tư tưởng xã hội, thẩm mỹ. Nhưng phong cách thời đại do xây dựng trên nền tảng trạng thái văn hoá xã hội rộng lớn nên có tính thống nhất không thể bác bỏ.

Phong cách văn học dân tộc không giản đơn chỉ là tính độc đáo dân tộc về đề tài, chủ đề, ngôn ngữ, thể loại mà còn là quy luật riêng của sáng tạo nghệ thuật. Phong cách dân tộc qua các thời kỳ đều có sự đổi thay và phát triển, cho nên theo Sokolov, có thể nói đến các phong cách dân tộc.

Cũng vậy, phong cách trào lưu tuy một mặt có phạm vi bao quát nhỏ hơn phong cách thời đại và dân tộc, song xét về mặt khác nó lại rộng hơn, có tầm vóc quốc tế. Phong cách thời đại trong giai đoạn tăng cường giao lưu quốc tế cũng có tầm vóc quốc tế. Trong các tương quan đó, dân tộc là phạm trù cho sự kết tinh phong cách thời đại và trào lưu. Khi xét tới phong cách chung, thiết nghĩ phải tính đến các tương quan ấy với nhau mới làm sáng tỏ một phong cách nào đó.

Xét về bản chất của phong cách, cho đến nay có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên có thể nhìn phong cách theo bốn phương diện liên quan chặt chẽ với nhau như sau.

1. Phong cách là dấu hiệu độc đáo, không lặp lại, đánh dấu phẩm chất thẩm mỹ riêng biệt của một hiện tượng văn học nào đó. Phong cách hoặc là “con người”, là sự sáng tạo, sự mới mẻ làm nên vẻ riêng biệt ít thấy ở hiện tượng văn học khác nhưng lại nhất quán, xuất hiện thường xuyên ở hiện tượng văn học cụ thể. Cần hiểu rằng sự bền vững, nhất quán nói ở đây là nói từ cái cốt lõi, cái trong bản chất, còn trong quá trình triển khai thì phong cách lại đòi hỏi sự đa dạng và đổi mới. Muốn đạt được yêu cầu ấy, phong cách cần phải có phẩm chất thẩm mỹ, nghĩa là khi nói tới một hiện tượng văn học nào đó có phong cách thì hiện tượng văn học ấy phải mang lại cho người đọc, người xem, người nghe một sự hưởng thụ thẩm mỹ dồi dào. Ở đây cũng cần lưu ý thêm một điểm: phong cách phải có phẩm chất thẩm mỹ nhưng phẩm chất này không chỉ thuần túy về mặt hình thức, kỹ thuật mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nó sẽ được biểu hiện chủ yếu ở phạm vi nội dung hay phạm vi hình thức.

2. Phong cách là phẩm chất của chỉnh thể. Khi định nghĩa về phong cách, dù có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng các định nghĩa đó đều đề cập đến “tính hệ thống”, “tính thống nhất”, “tính tổng hòa”... Điều này chứng tỏ, phong cách là phẩm chất của hệ thống thể hiện qua các yếu tố chứ không phải là phẩm chất do tổng cộng các thuộc tính của các bộ phận của tác phẩm. Phong cách là phẩm chất xuyên suốt qua các yếu tố tác phẩm, qua các tác phẩm của một tác giả hoặc các tác giả của một trào lưu nghệ thuật. Ngay cả khi nói phong cách nghệ thuật là tính độc đáo của hình thức nghệ thuật thì cũng phải thấy rằng đó không phải là hình thức cụ thể của một tác phẩm cụ thể, cá biệt là cái hình thức được lặp đi lặp lại, vừa thống nhất vừa đa dạng trong nhiều tác phẩm khác nhau của một nhà văn, một trường phái hay một thời đại văn học, nghệ thuật (khi chúng ta nói về phong cách Nguyễn Tuân, phong cách Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932-1945, v.v... là đứng trên quan niệm này). Vì thế, có thể nói phong cách nghệ thuật là hình thức siêu hình thức cụ thể của sáng tác nghệ thuật.

3. Phong cách là phẩm chất tương đối ổn định của sáng tác. Các đặc điểm của nó được lặp đi lặp lại tương đối thường xuyên, ít thay đổi. Nhưng đây là ổn định trong sự phong phú đa dạng, có biến đổi chứ không phải là sự lặp lại giản đơn, nghèo nàn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng sự ổn định là cơ bản, nhờ thế nó mới trở thành phong cách để phân biệt với các phong cách khác. Chẳng hạn, có thể nói tới phong cách trữ tình của Tố Hữu bởi nét trữ tình này về cơ bản là ổn định, được lặp đi lặp lại tương đối thường xuyên trong các sáng tác của ông. Nhưng trữ tình trong Từ ấykhông hoàn toàn giống trữ tình trong Việt Bắc, nó cũng khác với trong Gió lộng, Ra trận, và đặc biệt là khác với trữ tình trong Một tiếng đờn.

4. Phong cách là hình thức của chủ thể. Phong cách là gương mặt tinh thần, Buffon đã từng khẳng định: phong cách là bản thân con người. Dĩ nhiên, người ở đây không phải là con người trừu tượng, chung chung mà là người với những phẩm chất trí tuệ, tình cảm, cá tính cụ thể. Nhưng cũng không thể giản đơn coi văn như con người mà đó là tài năng tư duy, tổ chức của con người. M. Bakhtin khẳng định tính tích cực của chủ thể trong sáng tạo hình thức, khẳng định cái nhìn mới là yếu tố căn bản của phong cách nghệ thuật. M. Prust, D.S. Likhachov cũng đồng tình với quan niệm này. Tư duy, hệ hình tư duy, thái độ cảm xúc, quan niệm giá trị tạo thành hình thức cảm nhận của chủ thể. Hình thức cảm nhận của chủ thể dẫn đến những phát hiện mới về hình thức, bút pháp, kỹ thuật, tạo thành nền tảng của phong cách. Nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Lý Trạch Hậu cho rằng lịch sử của phong cách là lịch sử tâm lý cảm nhận của nhân loại hay dân tộc. Đó là hình thức của chủ thể, cho nên phong cách có quan hệ mật thiết với phương pháp nghệ thuật.

Như vậy có thể hiểu, bản chất nghệ thuật, thẩm mỹ của phong cách là: không phải mọi hình thức chủ thể có thể tạo thành phong cách mà là các hình thức chủ thể tạo thành giá trị nghệ thuật. Vì thế, Viper, Sokolov đều cho rằng có những tác phẩm không có phong cách, có những giai đoạn giao thời không có phong cách.

                                                *

Từ những phân tích trên đây có thể thấy, khi đề cập đến vấn đề phong cách thì không chỉ nói đến một cấp độ phong cách nhà văn hay phong cách tác phẩm mà còn phải nghiên cứu kỹ càng các cấp độ khác như phong cách thời đại, phong cách trào lưu, trường phái... Từ phong cách cá nhân nhà văn đến phong cách thời đại, trào lưu đều được soi rọi dưới ánh sáng của phong cách chung. Ví dụ, khi chúng ta nói đến phong cách hiện thực chẳng hạn. Chủ nghĩa hiện thực với tư cách là một trào lưu văn học, ngoài sự thống nhất về phương pháp sáng tác còn có sự thống nhất về phong cách. Trước hết là chi tiết chân thực của đời sống hàng ngày dùng để dệt nên bức tranh đời sống như nó vốn có - đây là nguyên tắc mô tả nên nó thuộc phạm trù phong cách. Đặc điểm thứ hai, như Engels nói, chủ nghĩa hiện thực không muốn bộc lộ khuynh hướng một cách lộ liễu mà muốn nó được toát ra từ tình huống - đây lại thuộc phương thức thuyết phục người đọc và phương thức biểu hiện cách chiếm lĩnh đời sống như M.B. Khravchenko từng nói. Một đặc điểm nữa của phong cách hiện thực, theo D.S. Likhachov diễn đạt, là khoảng cách gần gũi của người kể chuyện đối với nhân vật, thâm nhập vào nội tâm, kể từ bên trong. Đặc điểm cuối cùng là sự bộc lộ yếu tố cá nhân và phong cách cá nhân nhà văn.

Đặc điểm phong cách chung này làm cho hiện tượng phong cách cá nhân của trào lưu hiện thực phong phú và đa dạng chưa từng có. Hay khi chúng ta nói phong cách thời đại cũng vậy. Khái niệm phong cách thời đại dùng để chỉ một phong cách chung, phong cách lớn bao trùm mọi thể loại trong một loại hình, mọi loại hình trong thời đại ấy. Sự bao trùm này không chỉ ở một quốc gia, dân tộc mà nó chứa đựng tính chất xuyên dân tộc, xuyên quốc gia cùng chịu sự chi phối chung của một ý thức hệ nhất định, ví dụ như ý thức hệ tôn giáo trong phong cách Gotic bao trùm hầu hết các dân tộc từ phương Tây đến phương Đông, hay ý thức hệ vô sản trong phong cách thời đại của các nền văn học nghệ thuật từ thập niên 20 đến thập niên 90 của thế kỷ XX ở các nước Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, v.v....

Thực tế này khiến chúng ta nghĩ rằng, không thể không nghiên cứu kỹ càng vấn đề phong cách chung của văn học. Ngược lại, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện hành trình “đi tìm” nó một cách cẩn trọng để cho thấy, sáng tác văn học trong một thời đại nào đó, một dân tộc nào đó không phải là tổng cộng giản đơn các phong cách cá nhân đa dạng mà giữa chúng có mối liên hệ nội tại tạo thành một phong cách bao trùm lên các phong cách cá nhân mà ta có thể gọi là phong cách chung của văn học.


Page 2