Ptsd là viết tắt của từ gì

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (Post traumatic stress disorder)

Giáo sư Joseph A. Camilleri có nhắc nhở trong một buổi nói chuyện tại Family Relationship Centre Community Dinner trong năm 2016 về đề tài “chúng ta đang sống trong một thời đại chấn thương tâm lý.  Chấn thương tâm lý ở quanh ta mà các hình thái bạo hành thường ẩn tàng trong đó”.

Chấn thương tâm lý là một vấn đề chưa được nhắc nhở nhiều trong cộng đồng người Việt ở Úc. Có lẽ đây là một đề tài chẳng mấy hào hứng nhân dịp Xuân về, nhưng dầu sao thì cũng có dịp để gióng lên tiếng nói của người tỵ nạn đặc biệt là các sự kiện gây hỗn loạn tâm lý vẫn còn tiếp tục kéo dài sau khi sự kiện đã kết thúc từ lâu hoặc cũng mới xảy ra do các vấn đề phải đối mặt với cuộc sống ở xứ người.

Ptsd là viết tắt của từ gì

(Nguồn: Internet)

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (Post traumatic stress disorder xin viết tắt PTSD trong suốt bài viết) được nhắc nhở tới trong đầu thập niên 80 của thế kỷ trước đặc biệt là các cựu binh người Mỹ, Úc trong chiến tranh Việt Nam.

Khởi đầu đa số các trường hợp này được ghi nhận ở các binh lính tham gia chiến tranh như cuộc nội chiến Mỹ, thế chiến 1 và 2, tuy nhiên tên gọi PTSD chính thức được ra đời vào năm 1980 sau khi các bác sĩ tâm thần Mỹ nghiên cứu nhiều về một loại rối loạn tâm thần gọi là “Hội chứng sau Việt Nam” xuất hiện trong các cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam.

Ngày nay người ta nhận thấy PTSD không hẳn hoàn toàn chỉ giới hạn trong các cựu chiến binh, tôi, bạn, và cả những người thân, người xung quanh chúng ta đều có thể mắc PTSD sau chấn thương tâm lý khủng khiếp nào đó. Sau này người ta nhận thấy rối loạn này xuất hiện ngày càng nhiều đối với tất cả mọi người sau các biến cố như bị cưỡng hiếp, tai nạn giao thông, lũ lụt, động đất hay khủng bố chẳng hạn như ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York.

Một người tôi biết có người thân nằm gục bất tỉnh trên tay mình tại nhà, cô gọi xe cấp cứu hơi chậm, khi được đưa đến bệnh viện để được mỗ khẩn thì người thân chết, từ đấy cô bị một chấn thương tâm lý khá nặng nề. Cô thường mất ngủ, bị căng thẳng (stress), trầm cảm, đôi khi có ý nghĩ tự tử do tự khiển trách chính mình về việc chậm đưa người anh đi cấp cứu liền ngay. Không may sự trở lại dùng ma tuý của cô có lẽ có nguồn cơn chính là cái PTSD này.

Như vậy có chăng trong cộng đồng người Việt ở Úc với các cựu chiến binh gốc Việt, các nạn nhân của hải tặc, bạo hành trong gia đình v.v. đều có nguy cơ mắc PTSD. Câu hỏi này cũng khó được trả lời một cách chính xác khi thật ra chưa có một nghiên cứu riêng biệt nào cho những người gốc Việt ở Úc. Thứ đến là người Việt chúng ta thường có quan niệm các thứ gì liên quan đến hỗn loạn tâm thần thường được xếp vào bệnh điên loạn, có tính di truyền dòng họ vì vậy thường ngại đề cập đến (Vietnamese Cultural Profile, 2009 – p.22).

Một số dấu hiệu để được xem là có PTSD

Theo DSM-IV (P. 424-429 –American Psychiatric Association, 2005), tiêu chuẩn chẩn đoán PTSD là:

  1. A. Từng bị ảnh hưởng bởi một sự kiện chấn thương tâm lý như đã có nói ở trên (có thể trực tiếp là nạn nhân hoặc chỉ chứng kiến)
  2. B. Sự kiện gây chấn thương tâm lý tái diễn dai dẳng theo một hay nhiều cách (ví dụ như những cơn ác mộng, những ấn tượng thị giác, ý nghĩ ám ảnh, cảm nhận, ảo giác và các phản ứng tâm sinh lý khi phải tiếp cận các yếu tố từ nội tại đến ngoại lai với biểu tượng hay sống lại những trải nghiệm về chấn thương tấm lý)
  3. C. Né tránh trước các kích thích gợi lại chấn thương tâm lý và sự tê liệt đáp ứng tổng quát (không có trước khi bị chấn thương tâm lý) chẳng hạn như cố gắng tránh suy nghĩ, cảm nhận hay nói đến các vấn đề liên quan đến chấn thương tâm lý. Hay cố tránh các hoạt động, nơi chốn có thể gợi lại gây thương chấn tâm lý trước đó.
  4. D. Các triệu chứng dai dẳng có tính chất khơi động (không xảy ra trước sang chấn) như khó đi vào giấc ngủ, dễ giận dữ, khó tập trung, dễ có phản ứng hoảng hốt, quá cơ cảnh.
  5. E. Thời gian kéo dài của rối loạn này (các triệu chứng ở tiêu chuẩn B, C và D) trên 1 tháng
  6. F. Các rối loạn này gây suy giảm chức năng xã hội, làm ảnh hưởng công việc và các chức năng quan trọng khác.

Các mất mát

Thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội của các cá nhân với PTSD làm mất đi khả năng phát triển đến nơi đến chốn cái họ có thể đạt được. Khi một người mang chứng PTSD khó có thể hoàn tất các nhiệm vụ của họ một cách an toàn và hiệu quả, vì vậy đã trở thành một hiểm hoạ cho chính họ và ngay cả cho những người khác.

Các căng thẳng có liên quan đến chấn thương tâm lý thường làm nảy sinh các ảnh hưởng tồi tệ sức khoẻ tâm thần, tội phạm, lạm dụng rượu và ma tuý, gia đình xào xáo và mất khả năng làm việc.

Cái giá phải trả cho kỹ nghệ và cộng đồng có thể ước tính lên đến hàng tỉ đô la. Vì vậy sự cần thiết để được chữa trị sớm, chữa trị có hiệu quả và phục hồi chức năng, và tốt nhất là phòng ngừa cần được đặt ra.     

Ai bị?

Chấn thương tâm lý ảnh hưởng đến nhiều triệu người Úc. Số người Úc sống với PTSD ước lượng lên đến 3-4 triệu người.

Một số nghề nghiệp dễ gây PTSD như cảnh sát, nhân viên chữa lửa, nhân viên cấp cứu, bác sĩ giải phẩu chữa các chấn thương và y tá. Với nhiều người khác, thường là hệ quả của tấn công tình dục, bao gồm cả trẻ em bị lạm dụng tình dục; hay các hình thái khác như bạo hành trong gia đình, bạo hành do dùng rượu và ma tuý. Nó cũng thường xảy ra với một số hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi để xin tỵ nạn ở một nước khác chẳng hạn như cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Úc. 

Chấn thương tâm lý có thể chuyển từ thế hệ thứ nhất của những người trục tiếp hay chứng kiến các biến cố của chấn thương tâm lý qua các thế hệ sau.

Chúng ta có thể vì vậy khi nói đến từ “chấn thương tâm lý qua chuyển giao thế hệ” là do sự thông qua ký ức và quan sát, cách thực hành của phụ huynh, tiếp tục tiếp cận với các hình thái bạo hành, sử dụng ma tuý gây tổn hại và các hỗn loạn tâm thần.

Các nơi khu trú chính yếu của người Úc có tỉ lệ PTSD cao

Giáo sư Joseph A. Camilleri tóm gọn 4 nơi khu trú chính gồm có Thổ dân, bạo hành gia đình, cựu chiến binh và dân tỵ nạn.

  • Chấn thương tâm lý của dân bản thổ Úc:

Do hệ quả của các cuộc chiến giữa người dân bản địa và người da trắng từ những năm 1788 cho đến những năm của 1930 với ước lượng 20,000 bị giết chết - có thể lên đến 60,000 (The Trauma of Violence and its Prevention Keynote Address - Professor Joseph A. Camilleri, 2016). Quá khứ của thuộc địa hoá như mất đất và văn hoá, mất con v.v.

Thổ dân chiếm một tỉ lệ khá cao về tật bệnh và bệnh tâm thần. Và tỉ lệ này cũng rất cao với tù đày (gấp 13 lần hơn so với người Úc), nghiện ngập, bạo hành gia đình v.v.

  • Bạo hành gia đình:

2011: cảnh sát tường trình có 29,684 trường hợp gia đình bạo hành có liên quan đến uống rượu ở Victoria, NSW, WA và Bắc Úc.

Con trẻ bị chưởi rủa, bỏ ở nhà không có người hướng dẫn hay ở những nơi không thích hợp, hay bị tiếp cận với bạo hành gia đình hoặc các ứng xử không thích hợp khác.

Trên một triệu con cái Úc (chiếm 22% số lượng con cái của toàn Úc) bị ảnh hưởng theo một số cách nào đó do việc uống rượu từ những người khác (2008)

  • Cựu chiến binh:

Ảnh hưởng do các hệ quả từ cuộc chiến đối với những ai từng trải qua các điều kinh hoàng không thể tưởng tượng được, cho tất cả những người bị giết chết, bị thương tích và cho những ai nhìn thấy, tiếp cận nó, và quan trọng không kém là thân nhân cùng bạn bè của họ.

Xin được kể vắn tắt một câu chuyện kể về một cựu chiến binh Úc tham gia cuộc chiến ở Việt Nam do người anh của người này kể lại. Người anh của tôi là một quân nhân trong liên đoàn SAS số 1 tại Việt Nam. Anh từng trãi qua các kinh nghiệm chiến đấu, có khi được cứu nhiều lần bằng trực thăng kéo lên dưới làn đạn quân thù. Sau khi giải ngủ anh có bị suy nhược về thể xác, tinh thần từ PTSD. Anh chết vào tháng Tư năm 2004. Anh kể trong suốt 20 năm anh sống như trong địa ngục – câu nói của anh – nhưng không chỉ cho anh mà còn cho cả những người thân trong gia đình. Anh có viết một đoạn thơ xin được dịch như sau:

“Rừng bình yên bổng đột ngột vỡ tan.

Năm ‘xác thù’ nằm chết trên sông – sông của họ - với mùi thuốc súng lơ lững từng không.

Con cháu Tề Thiên đà hô biến chẳng thấy chú nào. Còn đàn ve thì im tiếng.

Khi việc kiếm xác đã xong, những bước chân lại lặng lẽ rời đi như đã đến……

Vào lúc ấy đang là đầu xanh tuổi trẻ, nhưng giờ đây đã là mùa thu của cuộc đời, ta đã ngẫm ra và suy tưởng được gì.

Thật ra chỉ là chuyện chẳng quan trọng tí ti nào của một gia đình,

Nhưng PTSD tiếp tục âm hưởng qua nhiều thế hệ trong các gia đình của hàng trăm ngàn người đã chết trong cuộc chiến của thế kỷ 20 và cũng hàng nữa triệu người thương tật.”

(The peace of the jungle is suddenly shattered. Five ‘enemy’ lie dead in the river — their river — and the smell of gunfire hangs in the air. The monkeys are gone. The cicadas are silent. Body search completed, we leave as silently as we came. A water resupply was no longer a problem. The jungle is different now. Five soldiers fighting for their cause in their country are dead. I know not where they lie, nor if their loved ones know what happened. We were young then, but now in the autumn of my life, I contemplate and reflect. This is a story about just one family, and as such not important, but PTSD continues to reverberate across generations for the families of the hundred thousand who died in the wars of the 20th century and the almost half million who were injured.)

Những cựu chiến binh Úc ở Afghanistan và Trung Đông cũng có tỉ lệ hỗn loạn tâm thần khá cao. Hơn 45 ngàn lính Úc tham chiến ở các xứ trên kể từ năm 1999 được DOD ước lượng khoảng một phần năm (1/5) có hỗn loạn tâm thần. Tuy nhiên chứng cớ từ Nghị viện Úc cho thấy con số có thể xấp xỉ 25-30 phần trăm, tỉ lệ này tương đương lính Mỹ phục vụ ở các xứ đó. Kể từ năm 2000, đã có 96 lính Úc (đang phục vụ) và 13 cựu binh đã tự tử. Nhưng thật ra con số này có thể lớn hơn do không khai báo.

  • Chấn thương tâm lý từ sự đào thoát

Nhiếu tỵ dân ở Úc cũng đã có kinh nghiệm về vấn đề này nhất là trong những năm đầu định cư ở Úc. Cùng với không chắc chắn về tương lai, bị thúc đẩy thêm bởi các chấn thương tâm lý trong quá khứ, thể chất kém sút, tách biệt gia đình và mất bạn bè (kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ Việt vượt biên một mình không có gia đình kèm theo). Hệ quả là bị trầm cảm nặng, tự tử, tự gây tổn thương, bạo hành nảy sinh từ thất vọng và sử dụng ma tuý gây tổn hại.

Chúng ta cần phải làm gì?

  • Kiểm soát các bất trắc dính líu với một số nghề nghiệp nhất định
  • Xác định các vấn đề nỗi cộm lên của cá nhân cần có đủ thời gian để cho phép phục hồi toàn diện
  • Lượng giá các vấn đề văn hoá trong các cơ sở nào đó khiến người ta ngần ngại để được nhận biết họ đang bị PTSD
  • Thừa nhận bạo hành là hệ quả của chấn thương tâm lý và hầu hết sự bạo hành này đều có thể phòng ngừa được.

Nói một cách thật đơn giản, chúng ta cần nhớ là bạo hành thường xuyên hiện diện quanh ta.

  • Cũng có thể chữa trị bằng thuốc kết hợp với tâm lý liệu pháp (pyschological therapy).
  • Thuốc:Có ích trong một số bệnh nhân.

          2 -   Chữa trị tâm lý: 

Dành cho cá nhân, tư vấn gia đình (giúp những thành viên trong gia đình hiểu rõ bệnh nhân hơn, từ đó chủ động cùng bác sĩ/tâm lý gia/chuyên viên tham gia vào quá trình điều trị bệnh nhân) và điều trị nhóm (để chia xẻ tình cảm và kinh nghiệm, từ đó họ cảm thấy không còn cô độc và giao tiếp với xã hội tốt hơn). Sự phòng ngừa PTSD cũng rất tốt khi người Việt ở Melbourne tham gia rất nhiều các hội đoàn, các nhóm xã hội như nhiều nhóm cựu quân nhân VNCH, cao niên, phụ nữ, cựu học sinh – sinh viên và rất nhiều nhóm không tên khác. Các tham dự viên/hội viên tìm thấy nguồn vui từ gặp gỡ, các cuộc đi chơi chung làm bớt cô đơn và tìm thấy sự cảm thông trong cuộc sống.

Được chữa trị và hỗ trợ thích hợp người bị PTSD có thể hồi phục và tiếp tục cuộc sống đời thường như các người khác.

Nguyễn Tường

AVWA’s AOD Clinician

Sources:

  1. The Trauma of Violence and its Prevention

Keynote Address - Delivered by Emeritus Professor Joseph A. Camilleri

to Family Relationship Centre Community Dinner - 15 December 2016

  1. DSM – IV Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders

American Pyschiatric Association 2005

  1. Post-Traumatic Stress Disorder (PTSD)

Maureen Donohue
Medically Reviewed by Tim Legg PhD, PMHNP-BC, GNP-BC, CARN-AP, MCHES on 23/3/2016

  1. PTSD – Fact sheet - Last updated: 6 October, 2016 Sane Australia
  2. Vietnamese Cultural Profile, 2009 – p.22