Review ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Những thay đổi về khí hậu và môi trường sống của chúng ta đang diễn ra theo chiều hướng khá nghiêm trọng. Nếu bạn luôn đau đáu câu hỏi “Chúng ta có thể làm gì cho hành tinh này?” thì còn thời điểm nào tốt hơn bây giờ để bắt đầu bảo vệ môi trường và tạo ra sự khác biệt. Theo đuổi quản lý tài nguyên và môi trường là chọn một tương lai xanh hơn cho chính bạn và các thế hệ sau.

Quản lý tài nguyên và môi trường là gì?

Quản lý tài nguyên và môi trường (Environmental Management) tập trung vào việc thúc đẩy nâng cao kiến thức về tầm ảnh hưởng của con người đến trái đất, đồng thời nỗ lực thực thi các quy định bảo vệ môi trường và phát triển các giải pháp cho các cuộc khủng hoảng tài nguyên, ô nhiễm dựa trên quan điểm khoa học.

Ngành quản lý tài nguyên và môi trường cung cấp kiến thức và kỹ năng để thực hiện vai trò hoạch định chính sách và đưa ra các biện pháp tổng hợp thông qua luật pháp, kinh tế, xã hội, kỹ thuật về khai thác, sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên, xử lý chất thải, quy hoạch nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường để hướng đến phát triển bền vững. Các vấn đề như trái đất nóng lên, phá rừng, xói mòn đất, năng lượng sạch hoặc bãi chôn lấp rác là những chủ đề nóng được đào sâu trong ngành học này.

Ngành quản lý tài nguyên và môi trường học gì?

Sinh viên ngành quản lý tài nguyên và môi trường được đào tạo “từ gốc đến ngọn”. Trước hết là hiểu biết về tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, năng lượng, đất, nước, không khí, rừng, đa dạng sinh học, cũng như sự tác động của con người lên môi trường.

Tiếp đến, vì là ngành thiên hướng ‘quản lý’, sinh viên được làm quen với thao tác hệ thống máy tính kết nối với nguồn dữ liệu để luyện tập:

●      Thu thập thông tin

●      Xử lý dữ liệu đánh giá môi trường dựa vào vị trí và thuộc tính

●      Thực hành ứng dụng quản lý dữ liệu

●      Hiển thị dữ liệu thông tin địa lý cần phục vụ cho phân tích quản lý môi trường

Khi đã xác định được tình hình môi trường và tài nguyên thiên nhiên, sinh viên được trang bị kiến thức về:

●      Quản lý ô nhiễm môi trường

●      Quy hoạch môi trường

●      Hoạch định chính sách và luật tài nguyên môi trường’

●      Đánh giá tác động môi trường

●      Công nghệ xử lý chất thải.

Đặc biệt, ngành quản lý tài nguyên và môi trường đề cao phương châm học đi đôi với hành. Các cơ sở đào tạo, trường đại học thường dành trung bình 20-40% chương trình đào tạo cho thực hành cho các môn học, chẳng hạn như:

●      Phân tích vi sinh

●      Mô hình hóa môi trường

●      Xử lý nước - chất rắn

Ngành quản lý tài nguyên và môi trường học ở đâu?

Hiện nay, ngành quản lý tài nguyên và môi trường được đào tạo khá phổ biến ở các trường đại học trải dài cả nước: ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Đại học Thủ Dầu Một, ĐH Nông Lâm TP.HCM - Gia Lai, ĐH Nông Lâm - Thái Nguyên, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Sinh viên thi đại học ngành này thường đăng ký các khối: A00 (Toán - Lý - Hóa), A01(Toán - Lý - Anh), B00(Toán - Hóa - Sinh), D07(Toán - Hóa - Anh).

Nếu bạn muốn khám phá nền giáo dục quản lý tài nguyên và môi trường trên thế giới, Hotcourses Vietnam sẽ gợi ý những điểm đến du học chất lượng sau đây:

●      Các khóa đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ở Mỹ

●      Các khóa đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ở Úc

●      Các khóa đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ở Canada

●      Các khóa đào tạo ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ở Anh

Bạn lưu ý là bấm vào link "Xem [số] khóa học Quản lý tài nguyên và môi trường" để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Tốt nghiệp ngành quản lý tài nguyên và môi trường ra làm gì?

Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, chính quyền địa phương và tổ chức tìm kiếm kiến thức chuyên môn về quản lý tài nguyên và môi trường, sinh tốt nghiệp ngành này đang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức lớn nhất của xã hội.

Suy nghĩ sự đa dạng công việc trong ngành quản lý tài nguyên và môi trường ít, từ đó cơ hội xin việc làm khó là quan điểm khá sai lầm. Thực tế, có đến 6 định hướng nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp ngành này, bao gồm:

  • Công nghệ môi trường: Công việc sẽ tập trung vào hướng nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu về chất thải, các quy trình công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, vật lý và thiết bị xử lí chất thải,… Đơn vị công tác sẽ là các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lí môi trường, môi trường đô thị, kỹ thuật hạ tầng, cấp thoát nước, an toàn lao động, các viện nghiên cứu, các trường học có đào tạo lĩnh vực tài nguyên môi trường.
  • Kỹ thuật môi trường: Nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề môi trường như và áp dụng các phát minh mới của Công nghệ sinh học, hóa học, vật lý học vào công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường và tìm kiếm tài nguyên tái tạo phục vụ đời sống. Sinh viên có thể làm việc tại khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở xây dựng, sở thủy sản, ủy ban nhân dân các huyện, thị, các công ty cấp thoát nước, tư vấn môi trường, nuôi trồng thủy sản, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu.
  • Quản lý môi trường: Theo đuổi chính về các hoạt động quản lý môi trường, lập kế hoạch quản lý môi trường, triển khai hoạt động, quản lý chất lượng môi trường, quản lý chất thải, đánh giá tác động môi trường... của cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đang hoạt động và làng nghề…. Với công việc là cán bộ quản lý môi trường, bạn có thể làm việc tại sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở xây dựng, sở công nghiệp, sở thủy sản, ủy ban nhân dân các huyện, thị.
  • Quản lý tài nguyên rừng: Công việc hướng đến sinh thái môi truờng, hệ sinh thái rừng, kỹ thuật và công nghệ trong quản lý, kiểm tra, đánh giá tài nguyên rừng và môi trường,…. Với công việc này bạn có thể làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các cơ sở đào tạo, các cơ quan nghiên cứu và phát triển có liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó bạn có thể làm việc tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,…
  • Quản lý môi trường và du lịch sinh thái: Yêu cầu những kiến thức về sinh học bảo tồn, cảnh quan địa lý du lịch, quản lý cảnh quan địa chất du lịch, thiết kế cảnh quan môi trường du lịch, quy hoạch và phát triển du lịch bền vững. Với chuyên ngành hẹp theo hướng nghiên cứu này, sinh viên có thể làm tại các viện nghiên cứu thuộc bộ ngành trung ương, sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường, sở du lịch, công ty du lịch và du lịch, khu du lịch sinh thái, khu nghĩ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử,…
  • Khoa học môi trường: Sinh viên cần trang bị những kiến thức về kỹ năng đánh giá, phân tích, phát hiện, và dự báo những vấn đề môi trường,… khi lựa chọn phát triển theo hướng khoa học môi trường. Đơn vị công tác là tại các trường đại học, cao đẳng, các bộ, cục, các sở ban ngành địa phương liên quan tới quản lý tài nguyên, quy hoạch môi trường,…

Mức lương ngành Quản lý tài nguyên và môi trường được đánh giá là chưa cao so với các ngành hot trên thị trường nhưng khá ổn định. Trung bình, thu nhập sẽ là từ 7 triệu đồng đối với sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, lời khuyên của Hotcourses Vietnam là bạn hãy mạnh dạn theo đuổi nếu bạn yêu thích tìm hiểu về tài nguyên môi trường. Khi kinh nghiệm và kỹ năng ngày càng nâng cao, bên cạnh việc thu nhập cũng theo đó mà tăng lên, bạn còn thực sự ứng dụng kiến thức và nỗ lực của mình cho một hành tinh xanh – sạch – đẹp hơn.

Muốn biết chương trình học nào phù hợp với bạn nhất?

Sử dụng ngay "Công cụ tìm khóa học" của Hotcourses Vietnam nhé!

BẮT ĐẦU

Để bạn tự tin và có động lực hơn để theo đuổi Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, bài viết này sẽ giải đáp 4 hiểu lầm không đáng có, giúp bạn sẵn sàng theo đuổi đam mê yêu thích làm việc trong lĩnh vực môi trường.

1. Quản lý tài nguyên và môi trường thu nhập thấp, khó xin việc

Thông thường, nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến việc học môi trường chỉ có thể làm ở các cơ quan nhà nước hay phải về quên làm việc với mức lương thấp. Thực tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường có nhiều cơ hội việc làm, ví dụ như cơ quan quản lý môi trường, các công ty trong và ngoài nước về đô thị, xử lí chất thải, và các tổ chức phi chính phủ,..

Review ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Thông báo tuyển dụng của một công ty trong nước tháng 8/2021. Nhân viên vận hành yêu cầu tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp

Mức lương tùy thuộc vào vị trí và năng lực của mỗi người. Đối với công ty trong nước dao động từ 10 đến 30 triệu/tháng. Đối với những bạn có kỹ năng Tiếng Anh tốt, mức lương phổ biến là gần 40 triệu/tháng. Ngoài ra, theo dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo phân theo 08 nhóm ngành tại TP.HCM giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025, nhóm ngành Xây dựng – Kiến Trúc – Môi trường là một trong những nhóm ngành thu hút nhiều lao động trong đó nhu cầu nhân lực 1 năm khoảng 10.800 chỗ việc làm trống.

2. Học quản lý tài nguyên và môi trường là làm việc với rác

Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường là ngành học cung cấp những kiến thức cơ bản để quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, rừng, khoáng sản, khí hậu và môi trường.

Review ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Buổi workshop chuyên ngành dành cho sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ĐH Hoa Sen

Sinh viên theo học ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường được trang bị kiến thức nền tảng, áp dụng tri thức toán, khoa học tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; phân tích ảnh hưởng của chính sách, pháp luật trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; đánh giá công tác quản lý tài nguyên, môi trường để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; lập kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên và môi trường đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu.

Trong chương trình học sinh viên có quan sát và thực hành để hiểu bản chất của chất ô nhiễm. Tuy nhiên, sinh viên sau khi tốt nghiệp rất ít tiếp xúc với nước thải hay chất thải mà công việc chủ yếu là ở văn phòng.

3. Quản lý tài nguyên và môi trường học dễ nhàm chán

Sinh viên học ngành môi trường không hề nhàm chán như bạn tưởng mà luôn được đổi mới tư duy, sáng tạo các giải pháp, thiết kế để bảo vệ môi trường để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh kỹ năng mềm (kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…), sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin phục vụ việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; thực hiện thành thạo các nghiệp vụ hành chính, pháp lý liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

Review ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường trường Đại học Hoa Sen luôn được trải nghiệm thực tế trong quá trình học

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc chương trình Quản lý Tài Nguyên và môi trường, HSU chia sẻ, ngành môi trường sáng tạo nhưng phải thực tế. Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tại HSU luôn được tiếp cận với môi trường thực tiễn thông qua những dự án phục vụ cộng đồng. Các bạn sẽ có cơ hội sinh sống cùng người dân ở những nơi đang gặp những vấn đề môi trường và tìm ra giải pháp khắc phục. Các bạn được xuống Bến Tre hướng dẫn nông dân tái sử dụng phân heo, hay thiết kế hệ thống lọc nước cho các làng chưa có nước sạch ở Vĩnh Long. Cách học này để lại ấn tượng với sinh viên, cho thấy ý nghĩa ngành học của các bạn với cộng đồng.

4. Quản lý tài nguyên và môi trường ít có cơ hội thăng tiến

Thông tin này hoàn toàn không chính xác, vì bất kể bạn học ngành nào cũng có lộ trình thăng tiến trong nghề nghiệp, không chỉ riêng ngành Môi trường. Sự cố gắng, nỗ lực và không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn trong suốt quá trình làm việc và kế hoạch hành động rõ ràng sẽ giúp bạn sớm đạt được nấc thang thành công trong nghề nghiệp. Lộ trình thăng tiến trong ngành Môi trường ở các công ty nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ rất rõ ràng với các chức danh như junior, mid-senior, senior và giám đốc.

Review ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Sinh viên Hoa Sen và dự án cộng đồng tại tỉnh Bến Tre

Bạn cũng có thể bắt đầu khởi nghiệp với những dự án môi trường. Một số dự án khởi nghiệp từ môi trường nổi tiếng hiện nay như kinh doanh ống hút làm bằng vật liệu hữu cơ; thu mua ve chai qua ứng dụng trên thiết bị di động có tên “App Ve chai”, thiết kế thiết bị làm khô nông sản bằng năng lượng mặt trời, dự án tủ sách làm bằng vật liệu bả cafe, dự án làm thiết bị sạc điện thoại bằng năng lượng mặt trời…

Hơn thế nữa, ngành Môi trường rất được quan tâm ở các nước trên thế giới, nhiều trường đại học và chính phủ ở các nước phát triển cấp học bổng toàn phần cho sinh viên học tiếp chương trình cao học và nghiên cứu sinh. Do đó, sau khi hoàn tất chương trình đại học, cánh cửa du học của bạn cũng rộng mở hơn. Thế nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm để theo đuổi ngành học này, đừng vì những hiểu lầm, băn khoăn mà bỏ qua cơ hội tốt cho tương lai nhé!

Review ngành Quản lý tài nguyên và môi trường

Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường sẽ được trau dồi nhiều kỹ năng khác nhau