So với thời gian năm 1929 thì năm 1931 sản lượng công nghiệp của nhật bản giảm bao nhiêu?

1. Tình hình sản xuất than

Từ năm 1929, thế giới tư bản bước vào một cuộc khủng hoảng mới, toàn diện và trầm trọng nhất từ trước đến lúc đó, làm lung lay tận gốc rễ của chúng. Nước Pháp đế quốc chủ nghĩa cũng lâm vào tình trạng điêu đứng chung của thế giới tư bản, kéo theo luôn cả hệ thống thuộc địa của chúng vào tình trạng suy thoái đầu tiên.

Đối với nước ta, từ lâu Pháp đã biến thành thị trường độc chiếm của chúng, biến thành nơi cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa ế thừa. Vì vậy, khi nền kinh tế của chính quốc bị sụt giảm vì khủng hoảng (cũng như vì chiến tranh) thì xô đẩy luôn nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thảm cảnh ấy. Ngành khai thác than đá của tư bản Pháp ở khu mỏ Quảng Ninh cũng nằm trong hoàn cảnh chung đó.

Như đã nói, mục đích khai thác các loại mỏ ở Việt Nam nói chung, than đá ở khu mỏ Quảng Ninh nói riêng của thực dân Pháp là xuất cảng để vơ vét lợi nhuận. Than đá khai thác hầu như không được chế biến, số lượng dành cho việc tiêu thụ trong nội bộ Đông Dương với một tỷ lệ thấp, còn phần lớn, loại than tốt, được xuất cảng qua Pháp, Nhật; Trung Quốc, Mỹ, Canađa... khi thế giới tư bản lâm vào tổng khủng hoảng, nền công nghiệp bị đình đốn, thì các nước nhập cảng than Quảng Ninh trước đó buộc phải giảm hoặc đình chỉ việc nhập cảng. Chính quốc Pháp cũng không đủ khả năng tiêu thụ than vùng Quảng Ninh như những năm sản xuất bình thường. Như vậy một khối lượng lớn than xuất cảng, đến lúc này bị chặn lại, không có nơi tiêu thụ. Mặt khác, khi chính quốc lâm vào khủng hoảng, thì nền công nghiệp nhỏ bé của Đông Dương cũng không tránh khỏi sa sút, phải giảm mức sản xuất hoặc đình chỉ sản xuất một số ngành, một số xí nghiệp. Than Quảng Ninh dành cho việc tiêu thụ nội bộ Đông Dương vì thế cũng bị giảm xuống đáng kể. Tình hình đó đặt ra cho bọn chủ mỏ thực dân Pháp ở khu mỏ Quảng Ninh là phải gấp rút điều chỉnh kế hoạch sản xuất, giảm bớt mức sản xuất và chi phí sản xuất. Nhìn chung, trong suốt những năm khủng hoảng này, việc sản xuất than của Pháp ở khu mỏ Quảng Ninh ngày càng giảm xuống, mức sản xuất năm 1933 là thấp nhất trong thời gian đó.

Chưa bao giờ tình trạng cạnh tranh giữa các công ty mỏ ở đây lại trở lên gay go, khốc liệt như trong thời kỳ tổng khủng hoảng này. Các công ty độc quyền lớn như công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, công ty than Đông Triều với địa vị ưu thắng của nó về nguồn vốn, về tài nguyên, về sự đỡ đầu của ngân hàng Đông Dương và chính quyền thực dân Đông Dương... đã ra sức củng cố thế lực và tìm cách chiếm đoạt các công ty mỏ khác, yếu hơn, gặp khó khăn nhiều hơn. Trong khi đó, các công ty có quy mô và nguồn vốn nhỏ, lại sa sút nhanh chóng trong cuộc tổng khủng hoảng lần này, cũng đã nhìn thấy tham vọng của các công ty tư bản độc quyền, và tìm cách đối phó lại. Ngay từ đầu cuộc tổng khủng hoảng này, công ty than gầy Bắc Kỳ và công ty than Bế Bào đã thỏa thuận hợp nhất, thành lập ra một công ty mới là công ty mỏ than Đông Dương cùng với mỏ than Nho Quan (Ninh Bình) và công ty Quặng và kim khí Đông Dương nhằm tập trung nguồn vốn và thế lực, để vượt qua cuộc Tổng khủng hoảng trầm trọng. Song biện pháp đó không đạt được kết quả, không thể cứu vớt được hai công ty Kế bào và than gầy Bắc Kỳ khỏi vực thẳm.

Từ tháng 10/1930, khi cuộc tổng khủng hoảng đã diễn ra trầm trọng, công ty than gầy Bắc Kỳ buộc phải đình chỉ mọi việc mở mang kiến thiết. Đến năm sau, than của nó sản xuất ra hầu như không tiêu thụ được. Cuối năm này, than của nó ứ đọng trên bến là 80.000 tấn, Năm 1932, bọn chủ công ty này, trong tình trạng sản xuất này càng thua lỗ buộc phải đem tất cả tài sản cố định của nó gán cho ngân hàng Đông Dương dưới danh nghĩa cầm cố để vay vốn sản xuất. Nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ của nó vẫn cứ tiếp tục xuống dốc, không phương cứu chữa, không còn đủ khả năng chuộc lại những tài sản cố định đã cầm cố. Năm 1933, công ty này đã mất vào tay ngân hàng Đông Dương và cũng năm đó ngân hàng Đông Dương đã nhượng lại cho công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ toàn bộ tài sản của công ty than gầy Bắc Kỳ. Số phận của công ty than Kế Bào cũng không thoát khỏi con đường cùng đó, con đường tất nhiên sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh mất còn của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Trải qua cuộc tổng khủng hoảng 1929 - 1933, công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, công ty mỏ độc quyền lớn nhất Đông Dương đã mở rộng hơn thế lực của nó, chiếm đoạt thêm hai khu vực ở mỏ Mạo Khê và Kế Bào của hai công ty than gầy Bắc Kỳ và công ty than Kế Bào. Tuy đứng vững trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này, song công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ không phải là không chịu ảnh hưởng của cuộc tổng khủng hoảng kinh tế đó. Nhìn vào sản lượng than hằng năm giai đoạn 1929 -1933, thì thấy rằng mức sản xuất ngày càng sụt xuống, năm 1933 chỉ bằng 68% mức sản xuất của năm 1929. Như vậy ảnh hưởng của cuộc tổng khủng hoảng kinh tế đối với tình hình sản xuất của công ty  là rất lớn, khá trầm trọng.

Cuộc tổng khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929 - 1933 đã có tác động lớn đến tình hình sản xuất và trật tự khai thác, quản lý khu mỏ Quảng Ninh của Pháp. Có những công ty, những mỏ riêng lẻ bị phá sản trong cuộc khủng hoảng, có những công ty vốn thế lực đã lớn lại càng lớn hẳn lên trong cuộc khủng hoảng này. Điều đó phản ảnh quy luật kinh tế không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản.

2. Tình hình chính trị

Tổng khủng hoảng về kinh tế bao giờ cũng đi đôi với tổng khủng hoảng về chính trị. Chính trị của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung, ở khu mỏ Quảng Ninh nói riêng là ra sức khủng bố, thẳng tay đàn áp mọi hoạt động yêu nước, mọi biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước dưới mọi hình thức, đồng thời tìm cách mua chuộc, dụ dỗ, phỉnh nịnh bọn tay sai và từng lớp trên của xã hội thời ấy để duy trì và củng cố ách thống trị của chúng. Trong những năm kinh tế khủng hoảng, làm ăn thua lỗ, số lợi nhuận thu được hằng năm giảm xuống, bọn chủ mỏ thực dân Pháp càng phơi bày hết tất cả chân tướng của nền chính trị phản động ấy, điên cuồng tấn công vào phong trào công nhân khu mỏ, đẩy xã hội khu mỏ vào một tình trạng căng thẳng chưa từng thấy.

Cũng như tình hình chính trị chung của nước ta từ sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng bị thất bại, bọn thực dân tăng cường khủng bố, đàn áp, ở khu mỏ Quảng Ninh chúng cũng ráo riết tiến hành chiến dịch khám xét, bắt bớ từ cuối năm 1929 trở đi. Mật thám, cảnh sát... bủa dăng khắp các lán trại của công nhân, các đường phố, bến xe, bến tàu, tầng lò... Không có ngày nào, giờ nào là không có người bị bắt, không có nhà bị khám. Nhà tù chật ních những người bị tình nghi. Những cuộc khủng bố, đàn áp diễn ra liên miên như vậy, khiến cho người thợ mỏ thường xuyên sống trong cảnh bị dò xét, bị theo dõi, tạo nên một bầu không khí luôn căng thẳng và nghẹt thở.

3. Đời sống của người thợ mỏ ngày càng thêm khốn đốn

Bình thường, đời sống của người thợ mỏ Quảng Ninh đã cùng cực, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Đến khi kinh tế khủng hoảng, bọn chủ mỏ thực dân lấy cớ sản xuất thua lỗ, than bán không chạy, tấn công mạnh mẽ hơn vào đời sống của người thợ mỏ, đẩy họ vào tình cảnh khốn quẫn hơn trước.

Để đối phó với kinh tế khủng hoảng, biện pháp cổ truyền của bọn chủ tư bản là thui hẹp phạm vi sản xuất, giảm chi phí sản xuất xuống mức tối đa, nghĩa là đuổi thợ và giảm tiền công thợ đồng loạt.

Nếu năm 1929, trước khi bước vào tổng khủng hoảng kinh tế, số thợ mỏ Đông Dương là 53.000 người, thì năm 1930, khi kinh tế tư bản bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, số thợ mỏ Đông Dương đã giảm xuống còn 45.700 người và năm 1932, số thợ mỏ còn có việc làm là 33.500 người. Như vậy, 19.500 thợ mỏ đã bị đuổi việc trong vòng ba năm khủng hoảng kinh tế. Riêng công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT), số lượng công nhân của nó năm 1929 là 23.200 người, đến tháng 3 năm 1931, giảm xuống chỉ còn 15.500 người. Như vậy, 7.700 thợ mỏ của công ty này đã bị đuổi khỏi Sở trong thời gian hơn một năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Trong lúc hàng loạt thợ mỏ bị đuổi mất việc, thì những người còn làm việc bị bọn chủ thúc bách phải làm việc cực nhọc hơn, với cường độ lớn hơn và thời gian làm việc dài hơn trước, song đồng lương của họ thì bị chúng kéo tụt xuống mức thấp nhất. Tiền công của thợ mỏ Hồng Gai từ năm 1930 đến 6 tháng đầu năm 1933, xem bảng dưới đây:

Loại công nhân

1930

1931

1932

6 tháng đầu năm 1933

Cuốc than

Chống lò

Linh tinh

Đun xe

71 xu

66 xu

35 xu

40 xu

59 xu

60 xu

36 xu

45 xu

49 xu

51 xu

32 xu

40 xu

45 xu

45 xu

18 xu

36 xu

Nhìn vào bảng trên đây thì thấy rằng, tiền công của các loại thợ mỏ Hồng Gai, 6 tháng đầu năm 1933 so với năm 1930 đều giảm xuống tới mức đáng lo ngại, từ 35% đối với thợ cuốc than đến 50% đối với thợ khác.

Bình thường, giá cả các tư liệu sinh hoạt của người thợ mỏ đã đắt đỏ hơn bên ngoài từ 10 đến 50%, có nơi còn cao hơn thế. Đến khi kinh tế khủng hoảng, bọn chủ hiệu bán lẻ, chủ hiệu cho vay, chủ nhà cho thuê... lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, càng tăng giá cả các tư liệu sinh hoạt này lên theo ý muốn của chúng. Ví thế, tiền lương danh nghĩa của người thợ mỏ đã giảm sút, tiền lương thực tế của họ lại càng giảm sút nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế so với trước đó.

Những người thợ mỏ mất việc làm, bản thân, cha mẹ, vợ con của họ phải bơ vơ nơi đầu đường, xó chợ, những người thợ còn việc làm, với đồng lương giảm sút đến mức tồi tệ ấy, cũng chỉ sống lay lắt, khốn đốn. Rõ ràng, hậu quả của tổng khủng hoảng kinh tế cuối cùng đã trút lên đầu người thợ, xô đẩy họ vào một tình trạng cùng cực chưa từng thấy.

Tình hình trên khiến cho người thợ mỏ không thể sống như cũ được nữa trong cái trật tự khắc nghiệt ấy, mà phải có một sự thay đổi, một sự vùng lên để giành lấy quyền sống. Chính trong điều kiện xã hội đó các chi bộ cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh đã ra đời./. (còn nữa...)