Tại sao nhân viên nhảy việc

Có thể đối với nhiều người, nhảy việc càng nhiều thì càng tốt bởi sẽ được làm việc tại nhiều môi trường khác nhau, tiếp cận được nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, họ không lường trước được những hệ lụy gây ra cho doanh nghiệp và cho chính bản thân họ khi nhảy việc quá nhiều. Câu hỏi đặt ra là thay vì chọn một cuộc sống ổn định, lý do gì khiến người trẻ ngày càng thích nhảy việc?

Lý do 1: Cảm thấy không thể hòa hợp với văn hóa công ty  

Không phù hợp với văn hóa công ty là một trong những lý khiến nhân viên nhảy việc. Thực tế, nhân viên chỉ có thể quyết định mình có phù hợp với văn hóa công ty hay không qua những phút ngắn ngủi phỏng vấn và thời gian tiếp nhận công việc tại phòng nhân sự. Chỉ qua những phút ngắn ngủi nhân viên sẽ không thể đánh giá được công ty như thế nào, sếp như thế nào và đồng nghiệp như thế nào. Những thứ họ nhìn thấy, nghe thấy dường như chỉ dừng lại ở bề nổi, ở góc tốt đẹp của nơi công sở. Khi làm việc tại công ty một thời gian, văn hóa công ty mới được bộc lộ rõ ràng và đó là một “cú sốc” tâm lý đối với nhiều người nếu công ty đã không như bạn nghĩ ban đầu.

Văn hóa công ty được thể hiện qua chế độ đãi ngộ, văn hóa cư xử, văn hóa học tập. Sự chênh lệch quá nhiều từ suy nghĩ tưởng tượng đến thực tế hiện thực chính là rào cản khiến nhân viên có suy nghĩ tìm một công việc mới, thậm chí chưa hết thời gian thử việc họ đã nghỉ.

Lý do 2: Mức lương không phù hợp với năng lực  

Rất ít người có thể dám nói rằng: “Tôi đi làm không vì lương”. Mục đích của việc đi làm là kiếm thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình nên dù họ có nhiệt huyết, đam mê công việc đến đâu thì cái cuối cùng mà họ hướng tới vẫn là “tiền”. Hầu hết các nhân viên đặc biệt là các bạn trẻ có tư tưởng “đứng núi nọ trông núi kia” so sánh mức lương của công ty này với công ty khác. Người trẻ cũng là người sống rất thực tế hay còn có thể dùng từ khác là thực dụng. Họ sẽ không chấp nhận làm ở một nơi mà doanh nghiệp trả lương không xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra làm việc.

Tại sao nhân viên nhảy việc

Điều đó là hợp lý chứ không sai, thực tế rất nhiều công ty đòi hỏi nhân viên rất cao về cả kinh nghiệm và chuyên môn nhưng lại trả cho nhân viên số lương không tương xứng với trình độ của họ nên xảy ra mâu thuẫn giữa công ty và nhân viên. Chính vì vậy, nhân viên quyết định tìm cho mình cơ hội công việc mới với mức lương cao hơn so với mức công ty hiện tại đề xuất.

Lý do 3: Muốn thử thách và trải nghiệm nhiều hơn  

Đây là một trong những lý do được cho là mang tính tích cực nhất của nhân viên nhảy việc. Nhiều nhân viên trẻ không thích gò bó mình trong một môi trường làm việc cố định, họ muốn thử thách bản thân ở nhiều môi trường khác nhau, nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ muốn trải nghiệm để thấy điểm mạnh và điểm yếu  của mình như thế nào. Thêm vào đó, những người trẻ thường ghét những công việc chỉ ngồi yên một chỗ, gò bó không phát triển được nên họ sẽ quyết định nhảy việc để đến một công ty linh hoạt và thoải mái hơn.

Tại sao nhân viên nhảy việc

Và khi họ cảm thấy môi trường làm việc hiện tại không thể giúp họ phát triển và học hỏi, họ cũng sẽ quyết định nghỉ việc. Điều đó là hoàn toàn hợp lý và đáng được ủng hộ. Tuy vậy, đừng nhảy việc nhiều quá nó sẽ ảnh hưởng đến cả công ty và đến bản thân bạn. Bởi khi nhìn vào CV xin việc thấy bạn “nhảy việc” quá nhiều không ông sếp nào dám nhận bạn vì không dám chắc bạn sẽ có khả năng gắn bó với công ty trong bao lâu. Muốn ít phải nhảy việc bạn hãy cẩn thận khi quyết định làm việc tại một nơi mới.

Lý do 4: Không có cơ hội để phát triển bản thân  

Lý do nhảy việc này thuộc về người quản lý và lãnh đạo chứ không thuộc về nhân viên. Đối với một nhân tài việc phát triển bản thân và đưa ra cho họ một lộ trình thăng tiến rõ ràng là điều không thể thiếu. Nhân viên giỏi sẽ không chịu “chấp nhận  hiện tại” nếu như những cố gắng phấn đấu của họ không được công nhận. Họ thấy bản thân họ đã cố gắng rất nhiều nhưng nhận lại họ vẫn phải giậm chân tại chỗ không có cơ hội thăng tiến – khi đó họ sẽ quyết định ra đi là điều đương nhiên.

Lý do 5: Nhảy việc đã trở thành một thói quen  

Do nhảy việc quá nhiều lần nên nó trở thành thói quen, sở thích của một số người. Họ cảm thấy rằng họ cảm thấy hăng hái làm việc hơn khi bắt đầu một công việc mới và họ sẽ cảm thấy chán nản nếu phải làm một công việc quá lâu. Thay vì lựa chọn một công việc ổn định, họ sẽ chọn lựa các công việc khác nhau trong một thời gian ngắn. Chính thói quen này đã tạo thành “xu hướng” nhảy việc của rất nhiều bạn trẻ.

Nhảy việc không phải là một việc làm xấu, nếu cảm thấy bản thân không học hỏi, không phát triển được tại môi trường làm việc hiện tại, cảm thấy môi trường đó không phù hợp với mình thì hãy cứ nghỉ việc. Tuy vậy, đừng nhảy việc quá nhiều và đừng vì những cái lợi cá nhân trước mắt mà gây hệ lụy cho doanh nghiệp và cho cả chính bản thân mình.

Về phía công ty để giảm thiểu tối đa tình trạng này hãy có những chính sách “giữ chân” nhân tài hợp lý. Cũng đừng quên đưa ra cho họ một lộ trình thăng tiến rõ ràng, những cơ hội học tập và phát triển bản thân. Hãy “ràng buộc” họ tùy theo chiến lược của doanh nghiệp.

Về phía nhân viên nhảy việc, hãy tự  xác định cho mình một định hướng rõ ràng, một mục tiêu nghề nghiệp mà bạn hướng tới. Đừng để mất thời gian của cả hai bên nếu như bạn chỉ muốn phục vụ lợi ích của bản thân “muốn thử” “muốn trải nghiệm” thì cũng đừng mong công ty sẽ “thật lòng” với bạn.

Chuyện nhân viên nhảy việc đã trở thành “chuyện thường ngày” trong các công ty, doanh nghiệp hiện nay. Nhà tuyển dụng có lý lẽ riêng của họ, nhân viên cũng có lý do riêng của mình. Vậy thì câu chuyện này nên được nhìn nhận như thế nào?

Lý lẽ của nhà tuyển dụng

Nhân sự là một nhân tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của một doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng luôn muốn hướng đến tìm được những ứng viên tốt nhất. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là tình trạng nhân viên nhảy việc khá phổ biến, đặc biệt là ở những ứng viên mới ra trường. Nhiều bạn thường rải hồ sơ khắp nơi, khi được gọi đi làm thì chỉ làm vài ngày rồi nhảy việc sang một công ty khác. Và cứ nhảy việc liên tục như vậy.

Không chỉ là sinh viên mới ra trường, những nhân viên có kinh nghiệm cũng thích nhảy việc. Khi doanh nghiệp đã bỏ thời gian, công sức để tuyển dụng, đào tạo; sau một thời gian nhân viên lại “dứt áo ra đi” vì tiếng gọi thăng chức, tăng lương. Trước thực trạng này, nhà tuyển dụng cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Bởi doanh nghiệp đâu thể nào cứ tăng lương mãi hay liên tục thăng thức cho nhân viên.

Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ biến động nhân sự hàng năm lên đến 30%. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Vẫn biết nếu được ký hợp đồng lao động thì nhân viên muốn nghỉ việc phải báo 30 – 45 ngày nhưng làm sao doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm được người thay thế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc. Mỗi một nhân viên trong doanh nghiệp là một mắc xích quan trọng để “bộ máy” doanh nghiệp vận hành hiệu quả, nếu thiếu đi một nhân viên, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của cả doanh nghiệp.

Chuyện nhân viên đi làm vài ngày, vài tuần, vài tháng rồi nhảy việc đã không còn là một chuyện hiếm gặp và chính điều này lại khiến nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi về tính chuyên nghiệp của ứng viên hiện nay. Nhiều nhà tuyển dụng đã trở nên thận trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân viên. “Bạn đã rải hồ sơ bao nhiêu công ty? Những công ty nào đã mời phỏng vấn? Bạn có hài lòng với mức lương khởi điểm mà công ty chúng tôi trả cho bạn?...” – đó là những câu hỏi được nhiều nhà tuyển dụng dùng để thăm dò ứng viên có phải là một người thích nhảy việc.

Nhà tuyển dụng sẵn sàng chọn một ứng viên bình thường hơn là một ứng viên có năng lực nhưng lại thích nhảy việc. Bởi họ quan niệm những nhân viên nhảy việc liên tục là người có tư tưởng không ổn định, kiến thức chắp vá, kinh nghiệm tích lũy không hoàn chỉnh. Vì thế mà đôi khi chuyện nhảy việc lại là một “con dao hai lưỡi” đối với ứng viên. Có thể vì nhảy việc nhiều quá, ứng viên lại bị thất nghiệp.

Lý do của nhân viên

Đứng ở góc độ nhân viên là một người đi bán thời gian và sức lao động cho doanh nghiệp, họ sẽ chọn những doanh nghiệp trả giá cao hơn cùng những điều khoản có lợi cho họ. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng là một yếu tố khiến nhân viên quyết định rời đi hay ở lại. Nhiều nhân viên sẽ chấp nhận từ bỏ một công việc với mức lương 15 triệu đồng/ tháng vì làm việc trong một môi trường đầy nghi kỵ, áp lực để chọn một môi trường làm việc tốt hơn dù lương mỗi tháng chỉ còn 10 triệu đồng.

Với những sinh viên mới ra trường, chẳng có điều gì đảm bảo là họ sẽ được doanh nghiệp này chọn nên họ phải rải hồ sơ ở nhiều nơi để tự tạo cho mình nhiều cơ hội hơn. Nếu cảm thấy môi trường làm việc của công ty này không phù hợp, họ sẵn sàng “thử vận may” ở một công ty khác.

Nhân viên luôn mong muốn tìm được một môi trường làm việc tuyệt vời nhất với sếp tâm lý, chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện. Nếu như thấy lương thưởng thiếu công bằng, người làm ít hưởng nhiều, trong khi người làm nhiều hưởng ít; không có cơ hội thăng tiến; sếp bảo thủ, không tôn trọng nhân viên… thì nhân viên có quyền tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn.

Câu chuyện nguyên nhân nhân viên “nhảy việc” không đơn thuần xuất phát từ phía nhân viên hay nhà tuyển dụng mà đến từ cả hai. Khi được làm việc trong một “ngôi nhà công việc” với chế độ đãi ngộ hấp dẫn (tất nhiên phải tương xứng với năng lực), văn hóa doanh nghiệp tốt thì nhân viên lấy cớ gì từ bỏ một công việc như vậy để thử vận may ở một môi trường khác? 

Nguồn: hoteljob.vn

Sưu tầm: Ngọc Ánh – P.HCTC