Tại sao nói thể dục thể thao có chức năng xã hội

Văn hoá trong đời sống xã hội và trong đời sống hàng ngày:

Bản thân văn hoá cũng có nhiều nghĩa. Văn hoá trong đời sống xã hội thông thường được chỉ những hoạt động tinh thần của con người và xã hội. Trong đời sống hàng ngày văn hoá dùng để chỉ trình độ học vấn. văn hoá còn dùng để chỉ hành vi, cách ứng sử văn minh…

Trong những tài liệu được tra cứu văn hoá được xác định là hoạt động sáng tạo trong đó người ta sử dụng những di sản văn hoá nhân loại và tạo ra những di sản văn hoá mới. (sự phát huy và nối tiếp – tính kế thừa).

* Theo quan điểm triết học:

Văn hoá là tổng hoà những giá trị vật chất và tinh thần cũng như các phương thức tạo ra chúng. Văn hoá còn là sự truyền thụ lại những di sản văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong triết học người ta chia văn hoá thành hai lĩnh vực cơ bản:

– Văn hoá vật chất là toàn bộ những giá trị sáng tạo của con người được thể hiện trong các của cải vật chất do xã hội tạo ra, kể từ các tư liệu sản xuất đến các tư liệu tiêu dùng của xã hội.

– Văn hoá tinh thần là toàn bộ những giá trị về đời sống tinh thần bao gồm khoa học và mức độ áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất và sinh hoạt, trình độ học vấn, tình trạng giáo dục, y tế nghệ thuật, chuẩn mực đạo đức trong hành vi của các thành viên trong xã hội, trình độ phát triển nhu cầu của con người v.v… Văn hoá tinh thần còn được trầm tích trong hình thức “vật thể” (các tác phẩm nghệ thuật).

Ranh giới giữa văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần chỉ có tính tương đối.

Văn hoá có tính khách quan, hiểu theo nghĩa rộng là tổng hoà những giá trị vật chất và tinh thần của con người, văn hoá là một biểu hiện xã hội không chỉ bao quát quá khứ, hiện tại, mà còn trải rộng trong tương lai. Văn hoá đó là thuộc tính bản chất, tộc loài của con người với chức năng: Nhận thức, định hướng, đáng giá, xác định chuẩn mực của hành vi, điều chỉnh các quan hệ ứng xử giao tiếp. Song cốt lõi là đem lại chủ nghĩa nhân đạo, tinh thần đạo đức.

Chủ nghĩa Mác giải thích: Văn hoá có nguồn gốc từ lao động, hình thức khởi đầu là do lao động, là phương thức lao động, là kết quả của lao động.

Đặc điểm của văn hoá:

– Khi phân tích hiện tượng văn hoá còn nói tới sự phát triển của văn hoá mang tính chất kế thừa, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của văn hoá cũng đều có sự kế thừa văn hoá đã đạt được trong các giai đoạn trước.

Văn hoá còn có tính giai cấp, trong xã hội có giai cấp văn hoá tinh thần mang tính giai cấp, nó phụ thuộc vào lợi ích giai cấp nhất định, tính giai cấp đó biểu hiện ở chỗ văn hoá do ai sáng tạo ra, phản ánh và phục vụ cho lợi ích giai cấp nào: Những cơ sở vật chất do ai làm chủ, tính giai cấp của văn hoá còn thể hiện ở chức năng giáo dục của văn hóa, nó giáo dục, xây dựng con người theo một lý tưởng chính trị xã hội đạo đức, thẩm mỹ của một giai cấp một thời nhất định.

Văn hoá XHCN là văn hoá của giai cấp vô sản và nhân dân lao động có nội dung XHCN, có tính dân tộc – được thể hiện trong lối sống, nếp nghĩ, tập tục, truyền thống và văn hoá nói chung của từng dân tộc (tinh thần thượng võ trong TDTT ở nước ta). Tính dân tộc gắn liền với tính hiện đại, tính Đảng gắn với tính nhân dân sâu sắc. Toàn bộ hoạt động văn hoá lấy việc phục vụ con người làm mục tiêu cao nhất.

Như vậy xét cho cùng, xưa nay, các đặc điểm của văn hoá như tinh lịch sử, giai cấp (trong xã hội có giai cấp), tính dân tộc… luôn gắn bó với nhau.

* Để làm sáng tỏ khái niệm văn hoá người ta so sánh nó với khái niệm tự nhiên. Tự nhiên là toàn bộ thế giới vật chất tồn tại ngoài ý thức của con người, không phụ thuộc vào con người, không là kết quả hoạt động của con người. Thế giới tự nhiên vân động theo những quy luật tự nhiên của nó.

Văn hoá là phương thức và kết quả của hoạt động cải tạo thế giới tự nhiên và xã hội của con người nghĩa là những hoạt động nhằm cải tạo tự nhiên, bắt tự nhiên thoả mãn nhu cầu của con người. Trong quá trình tác động vào giới tự nhiên con người đã nhận thức được mối quan hệ nhân quả đó là sự chuẩn bị trước cho lao động sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Và con người không chỉ chuẩn bị về các kỹ thuật, thao tác lao động mà còn chuẩn bị về mặt thể chất. Trong quá trình phát triển của xã hội loài người đã nảy sinh một hoạt động đặc biệt nhằm tới hoàn thiện ngay chính bản thân con người và cải tạo ngay phần tự nhiên trong con người. Hoạt động đó được gọi là văn hoá thể chất hay TDTT.

Để hiểu được đặc điểm của VHTC một cách tương đối toàn diện cần phải phân tích nó theo 3 phương diện (xuất phát từ 3 luận điểm):

– VHTC là một hoạt động.

– VHTC là tổng hoà những giá trị vật chất và tinh thần của con người sáng tạo ra để hoạt động.

– VHTC là kết quả của hoạt động.

* VHTC là một hoạt động.

Đối tượng hoạt động của VHTC là phát triển cơ thể con người.

Song VHTC là một hoạt động có cơ sở đặc thù là sự vận động tích cực hợp lý của con người. Nói một cách khác đi văn hoá thể chất là những hình thức vận động hợp lý (hoạt động có dấu hiệu bản chất là những động tác được tổ chức thành hệ thống). VHTC không phải là toàn bộ các hình thức hoạt động, mà chỉ bao gồm các hình thức, về nguyên tắc cho phép hình thành tốt nhất những kỹ năng, kỹ sảo vận động cần thiết cho cuộc sống và sự phát triển các năng lực thể chất quan trọng tối ưu trạng thái sức khoẻ và khả năng làm việc.

Thành phần cơ bản của VHTC khi xem xét như một hoạt động là bài tập thể chất.

– Bài tập thể chất có nguồn gốc từ lao động nó ra đời từ cổ xưa, chúng mang theo đặc điểm của lao động chân tay và mang tính thực dụng trực tiếp trong những ngày đầu. Trong quá trình phát triển tiếp đó. VHTCngày càng có thêm hình thức vận động mới được “thiết kế” để đáp ứng giải quyết các nhiệm vụ văn hoá giáo dục, giáo dưỡng củng cố sức khoẻ và bài tập thể chất dần mất đi tính thực dụng trực tiếp, nhưng không có nghĩa là mối quan hệ VHTC và lao động bị xoá bỏ. Theo quan điểm thực dụng thì VHTC là một hoạt động sẽ tồn tại mãi mãi vì lao động không bao giời mất đi và VHTC mãi vẫn là phương tiện chuẩn bị trước cho thực tiễn lao động. Với quan điểm này thì VHTC là một hoạt động chuẩn bị. Kết quả của hoạt động này là trình độ chuẩn bị thể lực. Nó là cơ sở cho việc tiếp thu có kết quả các thao tác lao động, lao động có năng xuất, hoàn thiện kỹ năng, kỹ sảo vận động, phát triển tố chất thể lực và khả năng làm việc cao. Ngoài lao động bài tập thể chất còn được nẩy sinh và phát triển từ các lễ hội, tôn giáo (dùng những động tác có tính chất tượng trưng để biểu thị tình cảm, nỗi vui buồn, sự sùng bái thần linh) và yếu tố quân sự, các trò vui chơi giải trí và các bài tập rèn luyện thân thể để phòng chữa một số bệnh.

* Văn hoá thể chất là tổng hoà những giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo ra trong xã hội để đảm bảo hiệu quả cần thiết của hoạt động này.

Trong mỗi thời kỳ phát triển của VHTC, những giá trị này (VC &TT) lại trở thành đối tượng hoạt động, tiếp thu, sử dụng của những người tham gia hoạt động VHTC. (Ở đây muốn đề cập đến những phương tiện, PP tập luyện được sử dụng rộng rãi như thể dục, thể thao, trò chơi vận động và rất nhiều BTTC khác).

Trên con đường phát triển lâu dài của mình nội dung và hình thức của VHTC dần dần được phân hoá đối với các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội và hoạt động (giáo dưỡng, sản xuất, nghỉ ngơi giải trí, y học…). Do vậy đã hình thành lên những bộ phận VHTC có ý nghĩa xã hội (VHTC trường học, VHTC sản xuất…). Hiệu lực của những bộ phận VHTC này như tổng hợp những phương pháp, phương tiện giải quyết các nhiệm vụ giáo dục, giáo dưỡng tăng cường sức khoẻ ngày càng tăng. Đồng thời ý nghĩa của từng bộ phận VHTC cũng tăng lên tương ứng.

Ngoài những giá trị kể trên còn có những giá trị quan trọng khác nhau như kiến thức khoa học, thực dụng chuyên môn, những nguyên tắc, quy tắc, và phương pháp sử dụng, bài tập thể chất, những tiêu chuẩn đạo đức, những thành tích thể thao.

Về các giá trị vật chất đó là các điều kiện được tạo ra phục vụ cho hoạt động VHTC trong xã hội như: Các tác phẩm nghệ thuật về TDTT, các công trình thể thao, trang thiết bị tập luyện v.v…

* Văn hoá thể chất là kết quả của hoạt động.

Đó chính là kết quả sử dụng những giá trị vật chất và tinh thần kể trên trong xã hội. Trong số những kết quả này phải kể đến trước tiên đó là trình độ chuẩn bị thể lực, mức độ hoàn thiện kỹ năng, kỹ sảo vận động, mức độ phát triển khả năng vận động, thành tích thể thao và những kết quả hữu ích khác đối với cá nhân và xã hội.

Kết quả thực hiện bản chất nhất của việc sử dụng các giá trị văn hoá thể chất trong đời sống xã hội là số người đạt được chỉ tiêu hoàn thiện thể chất.

Hoàn thiện thể chất là mức độ hợp lý của trình độ chuẩn bị thể lực chung và phát triển thể chất cân đối. Mức độ hợp lý này phù hợp với yêu cầu của lao động và những hoạt động sống khác, phản ánh mức độ phát triển tương đối cao năng khiếu thể chất cá nhân, phù hợp với quy luật phát triển toàn diện nhân cách và bảo vệ sức khoẻ lâu dài.

Ngoài ra để đánh giá và khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động thông qua các chỉ tiêu trên con người đã tiến hành tổ chức hoạt động thi đấu để đánh giá trình độ, uy tín của con người lúc bấy giờ. Mầm mống của thể thao đã được nẩy sinh từ thực tế đó và được kết hợp ngay trong quá trình lao động. Ban đầu còn rất đơn giản và cho đến ngày nay nó đã trở thành một lĩnh vực không thể thiếu được trong đời sống của con người đó là thể thao.

Vai trò và giá trị thực tế của VHTC trong xã hội phụ thuộc vào những điều kiện sống cơ bản của nó. Điều kiện sống xã hội quy định đặc điểm sử dụng hoạt động và phát triển VHTC. Tuỳ thuộc vào những điều kiện ấy mà kết quả thực tế tác động của VHTC tới con người có sự khác nhau mang tính chất nguyên tắc.

Từ những phân tích trên, có thể xác định khái niệm TDTT (VHTC) như sau: TDTT (VHTC) là một bộ phận của nền văn hóa xã hội, một loại hình hoạt động mà phương tiện cơ bản là các bài tập thể lực nhằm tăng cường thể chất cho con người, nâng cao thành tích thể thao, góp phần làm phong phú sinh hoạt văn hóa và giáo dục con người phát triển cân đối hợp lý.