Tầm quan trọng của cải cách giáo dục

Cải cách để có một nền giáo dục trung thực

TT - Gần chục năm nay nhiều nhà giáo, nhà khoa học kiên trì đề nghị Đảng và Nhà nước có chủ trương cải cách giáo dục. Sở dĩ như vậy, trước hết vì một lý do dễ thấy là những đổi mới vừa qua chẳng những không khắc phục được các yếu kém, bất cập của nền giáo dục mà còn làm tăng thêm tình trạng lạc hậu...

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục
Cải cách giáo dục đang là đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống. Trong ảnh: các cử nhân khoa báo chí và truyền thông khóa 2005-2009 Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: Thuận Thắng

Đề nghị đó xuất phát từ nhận thức: yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh thế giới hội nhập và phát triển, có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, buộc nền giáo dục quốc dân phải được cải cách để chuyển sang một mô hình mới.

Chưa thể hiện tầm quan trọng của giáo dục

Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, khoa học và công nghệ ngày càng tiến triển mạnh mẽ, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, đều thấy rằng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển thì con người là yếu tố quyết định.

Muốn vậy cần phải có một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đủ sức tạo ra chất lượng và hiệu quả thật sự trong sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng văn hóa và con người VN. Tiếc rằng trong các dự thảo văn kiện, phần viết về giáo dục chưa thể hiện được điều đó.

Hiện tại đã có hàng chục quốc gia, dẫn đầu là các nước phát triển, đang tiến hành cải cách giáo dục đâu có phải vì các nước ấy yếu kém, mà chính là vì họ theo đuổi mục đích không ngừng làm giàu nguồn vốn con người, bằng cách tăng lên gấp bội tiềm năng tri thức và tư duy sáng tạo của mọi công dân trên nền tảng nhân cách lương thiện, nhằm làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, vững bền hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Năm 1992, Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu”.

Kiên trì quan điểm đó, trong suốt bốn nhiệm kỳ vừa qua, BCH trung ương các khóa đã không ngừng bổ sung và làm rõ chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, cho đến nay nền giáo dục nước ta vẫn trong tình trạng yếu kém, lạc hậu.

Dù còn thiếu triệt để, dự thảo báo cáo chính trị cũng đã phản ánh được phần nào thực trạng khi nhận định: “Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người.

Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý nhà nước về giáo dục còn lúng túng. Chưa có biện pháp khắc phục xu hướng thương mại hóa và sa sút về đạo đức trong giáo dục”.

Điều đáng tiếc, có thể vì phải đề cập đến nhiều vấn đề khác, dự thảo văn kiện không nêu rõ vì sao giáo dục lại như vậy. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém, lạc hậu trong lĩnh vực giáo dục, vốn đã được chỉ ra từ Đại hội X, mà nhiệm kỳ vừa qua chưa khắc phục được, đó là do còn thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ dẫn đến cách đổi mới chắp vá (1).

Cũng cần nói thêm, quan điểm đúng đắn về vị trí và vai trò của giáo dục còn ngừng lại ở các văn kiện, chưa được triển khai đầy đủ trên thực tế, nhân dân không khỏi có suy nghĩ: phát triển giáo dục chưa thật sự là mối quan tâm hàng đầu và thường trực của các cấp lãnh đạo.

“Cải cách” hay “đổi mới”?

Cách đây gần bốn năm, trong nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi VN là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Hội nghị BCH trung ương lần 4 (khóa X) đã yêu cầu: “Khẩn trương xây dựng đề án tổng thể cải cách giáo dục và đào tạo”.

Sau đó, Chính phủ đã đưa vấn đề này vào chương trình hành động triển khai nghị quyết của trung ương.

Gần đây, Bộ Chính trị lại tái khẳng định sự cần thiết thực hiện chủ trương cải cách giáo dục khi bàn về phương hướng phát triển giáo dục đến năm 2020 (2).

Nhưng đến nay ở các dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng vừa được công bố, vấn đề cải cách giáo dục không hề được đặt ra, thay vào đó vẫn chỉ tiếp tục đề cập đến “đổi mới - đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ”.

Phải chăng nhận thức và cách đặt vấn đề ở các dự thảo văn kiện không nhất quán với các chủ trương, quan điểm về giáo dục trước đây? Hay là dự thảo văn kiện được xây dựng trên cơ sở quan niệm giữa “đổi mới” và “cải cách” không có gì khác nhau?

Từng có ý kiến cho rằng “đổi mới” hay “cải cách” chỉ là vấn đề từ ngữ, miễn là thống nhất về nội dung.

Thật ra không phải như vậy. Cải cách giáo dục là quá trình tạo ra giai đoạn phát triển mới về chất của một nền giáo dục. Đó là sự thay đổi cơ bản, sâu sắc và toàn diện về mô hình phát triển giáo dục, bao gồm thay đổi về mục tiêu, nguyên lý hoạt động, về cơ cấu hệ thống, về nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, về cách thức đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ giáo viên, về cách thức tổ chức và quản lý nhà trường...

Tất nhiên muốn thế phải có những thay đổi lớn về quan điểm và chính sách. Với cách hiểu như vậy, những chủ trương đổi mới như đã thực hiện do không đồng bộ lại dựa trên cơ sở những quan điểm và chính sách đã bị cuộc sống vượt qua, nên không thể xem là cải cách, cho dù những nhà hoạch định cho rằng chủ trương được vạch ra là “căn bản, toàn diện, mạnh mẽ”.

Xin nêu một ví dụ: trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 có viết: “Tích cực chuẩn bị để từ sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Mong muốn là vậy nhưng nếu không đặt việc đó trong khuôn khổ một cuộc cải cách giáo dục, nghĩa là không xác định lại mục tiêu, nguyên lý giáo dục, không xác định lại cơ cấu của giáo dục phổ thông (mấy lớp, mấy cấp, mấy ban?), không thay đổi gì về đào tạo, sử dụng, đãi ngộ giáo viên, không xác định được mươi, mười lăm năm sau năm 2015 đất nước chờ đợi gì ở các thế hệ học sinh do nhà trường phổ thông đào tạo ra thì làm sao có được bộ chương trình và sách giáo khoa thật sự là mới?

Những khuyết tật và tình trạng quá tải của chương trình và sách giáo khoa hiện hành, sản phẩm của cách đổi mới vừa qua, khiến chúng ta không thể không phân vân, ngần ngại khi đọc những dự kiến đổi mới như thế về giáo dục được nêu ra trong dự thảo chiến lược.

Không thể chậm trễ hơn

Nếu không chuyển từ mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình phát triển mới, năng động hơn, chất lượng và hiệu quả hơn thì làm sao có thể “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” như đã được xác định là một đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020?

Hơn nữa, cải cách giáo dục còn là yêu cầu bức thiết của thời đại để thế hệ mới ứng phó thành công trước những thay đổi nhanh chóng và khó lường của một thế giới bị tác động bởi quá trình toàn cầu hóa, bởi bước chuyển sang kinh tế tri thức, bởi cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông, cùng những bài toán toàn cầu liên quan đến sự phát triển bền vững như dân số, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...

Trước những đề nghị kiên trì của nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa xã hội trong nước và cả ngoài nước, có một số đồng chí lãnh đạo cho rằng cải cách giáo dục trước đây có nhiều khuyết điểm, chẳng hạn như thay đổi chữ viết... nay lại đặt vấn đề cải cách sẽ gây rối rắm, không ổn định.

Nếu đây đúng là lý do được cân nhắc để không đề ra chủ trương tiến hành cuộc cải cách giáo dục mới, thì rõ ràng là không xác đáng.

Mặc dù có những mặt hạn chế, nhưng kết quả của ba cuộc cải cách giáo dục trước đây gắn liền với thành tựu chung của đất nước qua từng giai đoạn phát triển là không thể chối cãi.

Với những lý do trình bày như trên, tôi cùng với nhiều nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết vẫn kiên trì kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư: Phải đề xuất trong các văn kiện trình Đại hội XI có chủ trương tiến hành một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện trong thời gian tới.

Đây là một yêu cầu khách quan, không thể chậm trễ hơn.

Khi đề nghị Đảng có chủ trương về cải cách giáo dục, chúng tôi cũng hiểu rằng cải cách giáo dục là một công việc to lớn, liên quan đến tiền đồ dân tộc, riêng ngành giáo dục không thể lo được mà tất cả các cơ quan của Đảng và Nhà nước đều phải có trách nhiệm và phải có sự tham gia của toàn xã hội.

Do đó để tiến hành cải cách giáo dục, sau khi Đại hội Đảng có nghị quyết, cần lập ra một tổ chức, một hội đồng quốc gia có đủ năng lực, thẩm quyền và điều kiện, nhằm giúp Chính phủ nghiên cứu đề xuất những chủ trương, kế hoạch và lộ trình tiến hành trình Quốc hội theo như luật định để triển khai thực hiện.

NGUYỄN THỊ BÌNH (nguyên phó chủ tịch nước)

------------------------

Cần một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng

TT - Thực trạng giáo dục nước ta đang làm nhiều người tâm huyết phải đau đầu nhưng lại chưa thể tìm ra những biện pháp hợp lý để giải quyết. Bởi cải cách giáo dục là một bài toán khó, thậm chí rất khó.

>> GS Ngô Bảo Châu: Mỗi năm về nước làm việc 3 tháng

Trong gần một tháng qua sự kiện Ngô Bảo Châu đã làm cho tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác cảm thấy rạo rực. Để chia sẻ, tôi tìm đọc, lắng nghe những lời bình luận hoặc những đề xuất khác nhau, nhưng chưa bao giờ tôi có niềm vui lớn như khi nghe những câu của Thủ tướng đã nói về cải cách giáo dục nhân dịp Ngô Bảo Châu tỏa sáng.

Từ sự kiện Ngô Bảo Châu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Đảng và Nhà nước ta xác định nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục - đào tạo là một khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020”. Ở gần cuối bài diễn văn Thủ tướng nhắc lại: “Với lợi thế của một nước đi sau, với sức thúc đẩy của lịch sử cộng với niềm tự hào mà “những Ngô Bảo Châu” mang lại, chúng ta sẽ tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả công cuộc cải cách giáo dục - đào tạo, thực hiện thành công Chiến lược phát triển nguồn nhân lực”.

Tôi đã nghe chăm chú bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi lễ chúc mừng Ngô Bảo Châu và sau đó còn đọc lại rất cẩn thận. Trước sự tỏa sáng của Ngô Bảo Châu, bài diễn văn đã tỏ niềm tin sâu sắc vào trí tuệ VN nhưng không nhầm lẫn cho rằng đó là thành tựu của nền giáo dục VN.

Chính bài diễn văn đã hai lần nhắc lại sự cần thiết phải cải cách giáo dục. Nếu sự kiện Ngô Bảo Châu có tác động nào đó đến quyết định về cải cách giáo dục của Đảng và Chính phủ mà Thủ tướng đã phát biểu thì tôi cho rằng đó là một trong những đóng góp lớn nhất của sự kiện này.

Sự khác nhau giữa hai bài toán khó

Chứng minh bổ đề Langlands là bài toán khó tầm cỡ thế giới đến mức nhiều nhà toán học xuất sắc đã tìm cách chứng minh trong suốt 30 năm qua mà không thành công. Thế mà Ngô Bảo Châu đã làm được điều đó.

Nói đến thành công của Ngô Bảo Châu không thể quên sự giáo dục đặc biệt của cha mẹ anh, sự đóng góp của cộng đồng toán học VN, môi trường tranh luận và tư duy toán học thuận lợi mà các trường ĐH Pháp và Viện Nghiên cứu cao cấp của ĐH Princeton (Mỹ) đã tạo ra.

Nhưng khi chứng minh bổ đề Langlands chắc là anh đã suy nghĩ một mình. Và số người hiểu thấu đáo và kiểm tra được sự đúng đắn chứng minh của Ngô Bảo Châu có lẽ ít hơn một phần triệu trên trái đất này.

Cải cách giáo dục cũng là một bài toán khó. Bởi ai cũng có thể nói về giáo dục nên nhiều người nhầm tưởng rằng làm giáo dục là dễ. Thực tế, bài toán cải cách giáo dục rất khó vì nó có quá nhiều biến số và động chạm đến tất cả mọi tầng lớp, mọi cá nhân trong xã hội.

Đặc biệt, khác với bài toán khó mà Ngô Bảo Châu đã giải, bài toán về cải cách giáo dục VN không ai có thể giải được một mình, dù người đó có trí tuệ lớn và quyền lực cao như thế nào. Mặt khác, cải cách giáo dục của một nước muốn thành công cần tìm được sự đồng thuận của hàng triệu người.

Vì vậy, trong nhiều năm qua, rất nhiều trí thức và nhà giáo dục tâm huyết đã nghiên cứu về thực trạng giáo dục VN, đã đề xuất một số giải pháp đổi mới. Nhưng cuối cùng mọi người hầu như đi đến thống nhất: sự yếu kém trầm trọng của nền giáo dục nước ta không thể xử lý bằng từng giải pháp riêng lẻ chắp vá như mấy năm qua, mà cần một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng và triệt để.

Chưa thấy động tĩnh

Cải cách khác với những động tác được gọi là “đổi mới”, “cải tiến”... đã thực hiện trong những năm qua. Chúng ta có thể tạm thống nhất hiểu cải cách giáo dục như là một sự thay đổi sâu sắc và triệt để từ triết lý đến những quan niệm cơ bản về giáo dục.

Dựa trên những thay đổi đó, toàn bộ hệ thống giáo dục được thiết kế lại một cách công phu, một lộ trình được vạch ra và mọi nguồn lực được chuẩn bị để thực hiện thiết kế đó một cách bài bản. Cải cách giáo dục ở mỗi nước thường gắn với những bước ngoặt lịch sử và kinh tế - xã hội của nước đó.

Theo các văn bản chính thức, trong 34 năm, từ khi thành lập nước VN Dân chủ cộng hòa năm 1945 đến năm 1979, nước ta có ba cuộc cải cách giáo dục tuy chỉ nặng về giáo dục phổ thông.

Từ năm 1979 đến nay là khoảng thời gian mà trong nước và trên thế giới có những biến động vô cùng mạnh mẽ, sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng, trong nước ta chưa hề có một cuộc cải cách giáo dục chính thức nào.

Có lẽ vì vậy mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa X đã đưa ra nghị quyết về việc chuẩn bị cải cách giáo dục và đào tạo nghề.

Vào tháng 4-2009, Bộ Chính trị ra thông báo số 242 “Kết luận về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020” giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện chủ trương về cải cách giáo dục trong các nghị quyết hội nghị Ban chấp hành T.Ư lần 4, 7 và 9 (khóa X), xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn này, trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần 11...

Thế mà cho đến nay, cộng đồng giáo dục nước ta chưa thấy có một hoạt động mạnh mẽ nào được triển khai để thực hiện các văn bản chỉ đạo nêu trên.

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP

_______________________

Tạo sự đồng thuận trong xã hội

Tôi được biết một đề án về cải cách giáo dục của một số trí thức và chuyên gia giáo dục đã đề xuất trước hết cần thành lập một hội đồng cải cách giáo dục có hàm lượng trí tuệ cao, bao gồm các chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế về lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực liên quan, nhằm nghiên cứu và thiết kế đề án cải cách giáo dục. Hội đồng này cần làm việc trong vòng vài năm. Để hội đồng cải cách giáo dục làm việc thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ cần đứng đầu nhằm đảm bảo sự phối hợp tốt của mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước và cần một đội ngũ giúp việc có năng lực, một nguồn lực đủ để triển khai. Khi hình thành đề án cải cách cần tổ chức phổ biến, giải thích rộng rãi để tạo nên một sự đồng thuận trong xã hội. Sau khi đề án được chấp nhận cần đảm bảo việc triển khai đề án bằng một hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ.

TP.HCM: trường đầu tiên khai giảng

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục
Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, tặng quà cho Trường mầm non Hoàng Minh Đạo trong lễ khai giảng - Ảnh: Xuân Huy

Sáng 2-9, Trường mẫu giáo Hoàng Minh Đạo, Củ Chi, TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học mới 2010-2011. Trường được xây dựng trên khu đất mới tại xã Phú Mỹ Hưng với 1 trệt 2 lầu, tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, bà Đào Thị Minh Vân - con gái của liệt sĩ Hoàng Minh Đạo (người đã có thời gian hoạt động cách mạng và hi sinh tại Củ Chi) - đóng góp 5 tỉ đồng, phần còn lại là ngân sách nhà nước. Đây là trường công lập đầu tiên trên địa bàn TP.HCM tổ chức lễ khai giảng, các trường còn lại sẽ khai giảng vào các ngày 3, 4 và 6-9.

* Sáng cùng ngày, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ cũng đã tổ chức lễ khai giảng.

H.HƯƠNG - T.XUÂN

Tin bài liên quan:

Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields | Những điều thú vị về Ngô Bảo Châu
 Xem phỏng vấn Giáo sư G.Laumon - thầy cũ của giáo sư Ngô Bảo Châu | Xem phỏng vấn Giáo sư Martin Groetschel - Tổng thư ký Liên đoàn Toán học thế giới | 3 nhà khoa học cùng đoạt giải Fields 2010 | Không chỉ là giải thưởng riêng cho Ngô Bảo Châu | Xem phỏng vấn độc quyền của Tuổi Trẻ với GS Ngô Bảo Châu | Xem phóng sự đặc biệt của Tuổi Trẻ về cuộc đời khoa học của GS Ngô Bảo Châu | Chân dung Ngô Bảo Châu thời “nhất quỷ nhì ma” | Giáo sư Ngô Bảo Châu: Chúng ta hãy đi cùng một con đường | Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cái ta đang cố gắng luôn có giá trị | GS Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh đất nước | GS Ngô Bảo Châu: Viện nghiên cứu cao cấp góp phần chấn hưng toán học Việt

1. Nên đổi mới cả tư duy lẫn phương pháp giảng dạy

Chúng ta không thể tiếp tục lên bậc đại học mà phương pháp giảng dạy vẫn theo kiểu một chiều. Tôi nghĩ hệ thống đại học phải đảm nhận cả hai nhiệm vụ là giảng dạy và nghiên cứu chứ không thể tiếp tục đơn thuần là đơn vị giảng dạy.

Người gửi: Nguyen Le Thanh,Gửi tới: Ban Xã hội

Tiêu đề: Can thay doi tu duy va phuong phap giao duc

Giáo dục của chúng ta cần thay đổi lại cả về tư duy lẫn phương pháp giảng dạy ở tất cả các cấp. Chúng ta không thể tiếp tục lên bậc đại học mà phương pháp giảng dạy vẫn theo kiểu một chiều và các giảng viên đại học chỉ tập trung vào giáo trình soạn giảng cũ không cập nhật kiến thức và thông tin mới. Giáo viên không gây ảnh hưởng để sinh viên có thể tham gia tạo cho các buổi giảng thành các cuộc thảo luận trao đổi kiến thức. Tôi nghĩ điều quan trọng là hệ thống đại học phải đảm nhận cả hai nhiệm vụ là giảng dạy và nghiên cứu chứ không thể tiếp tục đơn thuần là đơn vị giảng dạy. Có nghiên cứu thì người giảng mới học hỏi thêm được quá trình kiến thức và thông tin mới để áp dụng vào giảng dạy. Điều đó vừa nâng cao và trau dồi kiến thức người dạy và người học mới có điều kiện tiếp thu được kiến thức mới và bổ ích cho thực hành. Các giờ giảng nên rút ngắn và phải đưa thêm các giờ thảo luận nhóm trong sinh viên, như thế sinh viên mới được có cơ hội vừa học và thực hành ngay trên ghế nhà trường.

Còn ở các cấp phổ thông, tôi nghĩ là giáo dục phải giảm bớt áp lực chọn người tài và tập trung vào kiểm tra kiến thức. Chúng ta nên thay vào đó một môi trường giáo dục mang tính để học trò tự kiểm tra, khám phá để có thể xác định đường hướng, sở trường của mình sau này. Như thế các em mới có hứng học và có điều kiện để cho phát triển tài năng và trí tuệ theo hướng mở. Không thể tiếp tục hướng giảng dạy theo áp lực đối với trẻ nhỏ ở tuổi còn nhiều khám phá và thực hiện quyền tuổi thơ của mọi người. Cả gia đình và nhà trường đều phải có trách nhiệm tạo ra môi trường này cho các em nhỏ đặc biệt ở cấp tiểu học và phổ thông cơ sở. Nếu như chúng ta dành thời giờ nói chuyện và lắng nghe ý kiến của học trò ở bậc tiểu học thì sẽ thấy rất nhiều nỗi lo lắng và căng thẳng mà các em mang theo đến trường.

Đã đến lúc chúng ta không thể cứ kêu ca về chất lượng và phương pháp giáo dục mà khoanh tay chấp nhận những vấn đề nổi cộm của hệ thống giáo dục. Không thể tiếp tục học theo kiểu chạy theo thành tích, giáo dục một chiều và tinh thần đạo đức của giáo viên suy kém.

Bạn nghĩ gì về chất lượng giáo dục hiện nay?

**************************************************************************************************

Nền giáo dục quốc dân của chúng ta vẫn đang cần có một cuộc cải cách triệt để mang tính cách mạng. Các phong trào mà Bộ Giáo dục phát động (“Nói không với tiêu cực” từ năm trước, cho đến “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương” và “Ngôi trường thân thiện”.v.v...gần đây) tuy có làm cho bộ mặt của nền giáo dục có vẻ khởi sắc hơn, nhưng đó chỉ là bề nổi. Ở bề sâu, nhìn từ tổng thể, cái bất cập tồn tại hàng chục năm nay vẫn còn nguyên đó:

1. Hệ thống GDQD của chúng ta không đồng bộ, không liên thông, mất cân đối trầm trọng.

2. Nội dung giáo dục (chương trình, sách giáo khoa) của chúng ta bất cập về mặt khoa học, rất nặng nề về thời lượng và nhiều nội dung không thiết thực.

3. Phương pháp dạy và học ở các cấp đều lạc hậu, cơ sở vật chất và kỹ thuật quá thiếu thốn.

4. Công tác quản lý giáo dục yếu kém thể hiện ở ba mặt: Tài chính công được sử dụng kém hiệu quả và không minh bạch; Thiếu vắng hẳn đội ngũ chuyên gia về páht triển chương trình giáo dục; Không coi trọng hệ thống đo lường, trắc nghiệm để đánh giá giáo dục một cách khách quan và thường xuyên.

5. Chưa đủ hệ thống pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý cho các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn chưa có văn bản luật pháp điều chỉnh hoạt động của các trường tư bất vụ lợi, là loại trường tư cần được khuyến khích, trong khi đó đã có quy định cụ thể cho các trường tư (cổ phần) vì lợi nhuận, là loại trường chưa hẳn đã nên được khuyến khích thành lập tràn lan dưới danh nghĩa “xã hội hóa”

Điều lạ lùng là, mặc cho dư luận xã hội có vẻ như ngày càng bức xúc, nhưng mọi việc vẫn đâu ở đấy. Hình như các kiến nghị của nhóm Giáo sư Hoàng Tụy (2004), của nhóm Trí thức Việt kiều (2005 và 2008), của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (2006), của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (2007), của nhóm Bà Nguyễn Thị Bình (2008) đều cứ như là “đấm vào bị bông”.

Những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm không đối thoại, không thanh minh, không bác bỏ... Việc họ, họ cứ làm; tiếp tục phát động các phong trào, triển khai các đề án (kiểu như “2 vạn tiến sỹ”, “4 Đại học Quốc tế”,...) và thực hiện các biện pháp chắp vá (như kiểu sửa sách giáo khoa phổ thông, gộp các kỳ thi.v.v...). Mọi người đâm nản. Nhiều người cho rằng có lẽ phải làm lại từ đầu, từ khâu thay đổi tư duy về giáo dục của toàn xã hội và của những người hoạch định chính sách giáo dục.

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục

Nhưng thay đổi tư duy trên cơ sở triết lý giáo dục nào?

Có lẽ những bất cập mà chúng ta đã liệt kê có cội nguồn sâu sắc từ chỗ bấy lâu nay nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã không được xây dựng và phát triển trên cơ sở một nền tảng lý luận vững chắc, mà trên cơ sở kinh nghiệm chắp vá và duy ý chí. Nền tảng lý luận mà chúng ta cần phải dựa trên một triết lý giáo dục hiện đại phản ánh đầy đủ mục tiêu và các nguyên lý căn bản của giáo dục.

Hành trình nhân loại đi tìm triết lý cho giáo dục

Loài người vẫn đang trên một hành trình bất tận để hiểu được “Ta là ai? Từ đâu tới? Đi về đâu? Và tại sao?”. Trên hành trình gian khổ ấy vấn đề giáo dục nổi lên như một phạm trù cốt lõi của sự tiến bộ xã hội.

Ngay từ thế kỷ 4 trước công nguyên Plato là người đầu tiên chủ tâm giảng giải cho nhân loại biết thế nào giáo dục: Một xã hội ổn định khi mỗi cá nhân làm công việc phù hợp với những năng khiếu tự nhiên theo cách anh ta có ích cho những người khác (hay đóng góp cho cái toàn thể mà anh ta thuộc về); và nhiệm vụ của nền giáo dục là phát triển những năng khiếu tự nhiên này và huấn luyện chúng dần dần cho mục đích xã hội.

Triết lý cao sang này, tiếc thay, lại là điều không tưởng vì nó dựa trên giả thiết rằng đã có một tổ chức xã hội công bằng - dân chủ lý tưởng (cái chưa bao giờ tồn tại trong lịch sử loài người). Ở đó chỉ thấy vai trò của các giai tầng xã hội mà không thấy có các cá nhân tự do. Tuy nhiên triết lý của Plato vẫn là ngọn hải đăng giáo dục cho mọi tổ chức xã hội cho đến tận thế kỷ 18 với quan niệm cho rằng: Sứ mạng của giáo dục là chuẩn bị cho người học gia nhập vào một xã hội nhất định nào đó để phục vụ cho xã hội ấy[1].

Đến giữa thế kỷ 18 J.J Rouseau đã đưa ra ý tưởng mới mang tính cách mạng: Con người sinh ra là thiện, mọi xã hội đều có xu hướng làm hỏng cái thiện có sẵn ấy trong con người; và vì vậy sứ mạng chủ yếu của giáo dục là làm cho cái bản tính tốt đẹp tự nhiên của con người được duy trì và phát triển, chứ không phải là đào tạo con người theo lợi ích của xã hội (đã bị chính con người làm cho tha hóa); và rằng con người chỉ có một nghề duy nhất là “Làm người”.

Triết lý “vị cá nhân” mang tính “phòng vệ (negative)” này, tiếc thay cũng gặp phải một trở ngại lớn: “Môi trường tự nhiên” cần thiết cho đứa trẻ đi học có thể phát huy được cái “thiện” của mình chỉ sản phẩm thuần túy tư duy của Rouseau mà thôi[2]

Muộn hơn một chút, vào cuối thế kỷ 18 E.Kant lại có một cách nhìn nhận khác hẳn: Nhân loại bắt đầu lịch sử của mình trong tình trạng bị tự nhiên khống chế - chứ không phải với tư cách con người là một sinh vật có lý trí, trong khi đó tự nhiên chỉ cung cấp bản năng và lòng ham muốn. Vì vậy theo Kant: “Con người là tạo vật duy nhất cần phải được giáo dục” hay “Con người là những gì được giáo dục tạo nên”.

Và như vậy lúc đầu triết lý giáo dục của thế kỷ 18 mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa Rouseau, nhưng sau đó Kant và những người khác (Fiche, Hegel...) đã bổ sung thêm yếu tố “nhân loại” thông qua vai trò điều hành và giám sát của xã hội - nhà nước để dung hòa hai mục tiêu cơ bản của giáo dục: hoàn thiện con người vì bản thân con người và cung cấp kỹ năng để phục vụ xã hội - nhà nước[3].

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục


Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cùng với sự xuất hiện trào lưu thực dụng luận (Pragmatism) trào lưu tân giáo dục đã ra đời ở Mỹ mà người khởi xướng là John Dewey. Theo ông
“Triết lý giáo dục là lý luận giáo dục xét như một thực tiễn được thực hiện một cách có chủ tâm[4]. Bởi vậy triết lý giáo dục nào cũng phải chứa đựng những điều cốt lõi sau đây: mục tiêu tối hậu của giáo dục là gì? Và để đạt mục tiêu ấy cần phải hành động theo phương châm nào? Và bằng phương pháp nào?

Ở thời đại của Dewey, cứu cánh của giáo dục có lẽ không khác mấy so với một thế kỷ trước: Hoàn thiện con người và phục vụ xã hội. Nhưng màu sắc “thực dụng vị kỷ” đã bắt đầu nhuốm vào giáo dục như một xu thế. Đến nỗi Einstein người cùng thời với Dewey đã phải cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng[5].

Các nguyên lý cơ bản về phương châm, phương pháp giáo dục của Dewey thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng mới trong giáo dục.

Tư tưởng “Tân giáo dục” của Dewey phủ nhận hoàn toàn nền giáo dục truyền thống đã từng được áp dụng từ thời Plato cho đến thời điểm đó. Bắt nguồn sâu xa từ các thuyết nhị nguyên (chia cắt các cặp phạm trù tưởng như đối lập như con người - tự nhiên, tư duy - hành động, lý thuyết - thực nghiệm, học - hành.v.v...). nền giáo dục truyền thống đã tách biệt một cách phản dân chủ giữa nhà trường và xã hội, giáo dục và cuộc sống, thày giáo và học trò. Dewey chủ trương: Giáo dục không chỉ như là quá trình truyền đạt mà chính là bản thân cuộc sống; nhà trường không tách rời khỏi xã hội; và học trò là trung tâm của quá trình giáo dục.

Ngày nay những nguyên lý giáo dục này vẫn là ngọn đuốc soi đường cho giáo dục ở các xã hội dân chủ.

Từ cuối thế kỷ 20 đã xuất hiện hai khuynh hướng mới trong giáo dục đáng được quan tâm. Đó là khuynh hướng “Tân tự do” và khuynh hướng “Tân phòng vệ”. Hai khuynh hướng này đối chọi nhau về mặt triết lý.

Khuynh hướng “Tân tự do” coi giáo dục chủ yếu là hàng hóa, đầu tư cho việc học tập là đầu tư cho “vốn con người” cực kỳ vị kỷ vì nó được coi là của cải tư, mang đến lợi tức cho người có cái vốn đó[6].

Khuynh hướng “Tân phòng vệ” coi giáo dục chủ yếu là công ích, nhằm đào tạo những con người của và vì xã hội - nhân loại, trùng hợp với quan điểm của Rouseau về một nền giáo dục “phòng vệ”. Nhưng “Tân phòng vệ” không đặt nhà trường “bên ngoài” xã hội như Rouseau, mà ngay trong xã hội phức hợp, đa dạng và bất định và coi mục đích cuối cùng của giáo dục hiện đại là[7]:

1. Hình thành những khối óc được rèn luyện tốt; đào tạo những con người có đủ năng lực tổ chức và liên kết các trí thức để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình và cho toàn xã hội chứ không phải nhồi nhét kiến thức theo kiểu chất vào kho.

2. Giáo dục về hoàn cảnh con người, làm cho mọi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người. Dạy cho thế hệ trẻ cách sống, chuẩn bị cho họ biết cách đối mặt với những khó khăn và những vấn đề chung của cả loài người.

3. Thực tập tư cách công dân của đất nước và của toàn thế giới; có năng lực đối thoại, khoan dung trong thế giới phức hợp và đa dạng.

Việt Nam: Triết lý giáo dục ngược chiều thế giới?

Thế giới thì như vậy, còn chúng ta thì sao? Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, từ xưa đến nay những vấn đề lý luận nền tảng của giáo dục chưa bao giờ được chúng ta đặt ra và nghiên cứu một cách bài bản và cẩn trọng. Phần nhiều làm theo kinh nghiệm và duy ý chí. Thay vì phải cung cấp các kiến thức cơ bản và phổ quát của triết học, trong các nhà trường của chúng ta chỉ dạy chính trị. Có lẽ cũng vì vậy mà triết lý giáo dục cũng được thay bằng các khẩu hiệu chính trị trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước.

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục


Mặc cho các lời hay ý đẹp về quan điểm (hay triết lý) giáo dục từng được nói lên trong những văn kiện ấy, nhưng
trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không nhằm đào tạo ra những con người được phát triển toàn diện với đầy đủ phẩm giá: có nhân cách, và có khả năng tư duy phê phán độc lập, sáng tạo. Nền giáo dục này đang thực hành kiểu nhồi nhét kiến thức như "chất vào kho"; và khuyến khích sự thụ động, khuôn sáo và tinh thần khoa cử. Điều này trái hẳn với triết lý Giáo dục nhân văn và sáng tạo của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không tạo được niềm hạnh phúc khi tới trường. Ngày nay đi học là một gánh nặng, nhất là ở cấp học phổ thông. Đối với rất nhiều em tới trường là một nỗi nhọc nhằn, khổ sở; tuổi thơ của các em đang bị "đánh cắp" bởi một chương trình giảng dạy nặng nề, nhàm chán và không thiết thực. Điều này trái hẳn với triết lý Hạnh phúc giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không tạo dựng được sự Công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em ở tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Hàng năm nước ta có khoảng 8 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; trong số đó chỉ có khoảng hơn 3 triệu em được đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Ngay cả các em được đến lớp ấy cũng chưa chắc gì được nuôi dạy một cách chu đáo như mới đây chúng ta được chứng kiến hình ảnh một nhà trẻ ở Đồng Nai. Vậy mà lứa tuổi cần được hưởng sự công bằng về cơ hội học tập nhất lại là lứa tuổi từ dưới 1 đến 5. Đặc biệt là khuynh hướng thương mại hoá giáo dục đang là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với xã hội. Điều này trái hẳn với triết lý Công bằng giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta áp dụng một hệ thống quản lý tập trung quá mức, Nhà nước ôm vào mình những chức năng không cần có, làm mất quyền chủ động, linh hoạt của các cấp cơ sở. Quyền tự quản không được thực thi, đặc biệt là ở các trường Đại học. Ngay trong nhà trường sự mất dân chủ giữa người dạy và người học đã trở thành thâm căn cố đế. Điều này trái hẳn với triết lý Dân chủ giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Một cuộc cải cách toàn diện và triệt để hệ thống giáo dục của nước ta là một yêu cầu cấp bách, không thể nấn ná, không thể tiếp tục những Đề án Đổi mới chắp vá và thiếu hiệu quả như hơn 20 năm qua được nữa.

Chấn hưng hay làm lại nền giáo dục Việt?

Một giải pháp tổng thể và đồng bộ nhằm chấn hưng (hay là làm lại?) nền giáo dục nước nhà không thể được đề xuất trong một thời gian ngắn (dưới 6 tháng), và chỉ bởi các chuyên gia trong nội bộ ngành giáo dục hoặc một nhóm chuyên gia độc lập nào. Phải coi đây là một Công trình lớn của quốc gia, phải được chuẩn bị chu đáo một vài năm, với sự tham dự của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau và dưới sự lãnh đạo của một Tổng công trình sư tài giỏi, công tâm và chuyên trách (chứ không kiêm nhiệm, làm "tay trái" như lâu nay vẫn thường xảy ra).

Ý kiến của các nhóm nghiên cứu về cải cách giáo dục của bà Nguyễn Thị Bình và của GS. Hoàng Tuỵ về việc thành lập Uỷ Ban cải cách giáo dục Quốc gia, hoạt động độc lập đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với nhiệm vụ: Trong thời gian từ nay đến năm 2010 soạn thảo Chiến lược cải cách và phát triển giáo dục giai đoạn 2010 đến 2020 với tầm nhìn đến 2030 và xa hơn, đáng được hoan nghênh. Chiến lược này phải lấy việc đổi mới tư duy về triết lý giáo dục là khâu đột phá.

Gợi ý cấp bách

Trong khi chờ đợi, chúng ta nên tiến hành ngay một số biện pháp cấp bách sau đây:

1. Tạm dừng việc soạn thảo "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2008-2020" mà Bộ Giáo dục đang tiến hành. Trước hết phải đặt câu hỏi vì sao lại chọn thời điểm từ 2008 trong khi chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010 đã được Chính phủ phê duyệt đang được thực hiện và chưa đánh giá tổng kết? Hơn nữa, bản thân nội dung bản dự thảo còn rất nhiều bất cập như ý kiến của nhiều người đã được lấy ý kiến tham khảo.

2. Kiên quyết không mở thêm mới các dự án lớn và tạm dừng các dự án đang làm thiếu hiệu quả của ngành giáo dục như Chính phủ đã thực hiện đối với các dự án khác trong Chiến dịch chống lạm phát hiện nay. Đặc biệt nên xem xét lại ngay Dự án Bốn trường Đại học Quốc tế đang được Bộ GD&ĐT triển khai.

3. Tiến hành kiểm tra tài chính công cho Giáo dục (không phải chỉ do Bộ GD&ĐT quản lý) và công khai, minh bạch mọi khoản chi tiêu trong 10,15 năm gần đây. Và sau đó mới xem xét đến chủ trương tăng học phí ở các cấp mà Chính phủ đang trình Bộ Chính trị phê duyệt.

4. Thực hiện ngay một số biện pháp đột phá trong quản lý giáo dục để chuẩn bị tiền đề cho công cuộc cải cách sẽ được thực thi trong vài năm tới. Không có hệ thống quản lý giáo dục (con người, bộ máy và cơ chế) tốt thì không có cuộc cải cách nào có thể thành công.

[1] Jonh Dewey, Dân chủ và giáo dục, NXB Tri thức 2008, trang 114 - 117

[2] J.J. Rouseau, Emile hay là về giáo dục, NXB Tri thức 2008, xem lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn

[3] Jonh Dewey, sđd, trang 118 - 126

[4] Jonh Dewey, sđd, trang 390

[5] A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48

[6] Cao Huy Thuần, Tạp chí thời đại mới số 14, www.tapchithoidaimoi.org

[7] Edgar Morin, Liên kết Tri thúc, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007




2. Cần thay đổi tư duy trong giáo dục đại học

Nhằm tìm ra giải pháp cho việc đổi mới và hội nhập giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam, Hội đồng quốc gia giáo dục đã tổ chức diễn đàn quốc tế "Đổi mới GDĐH và hội nhập quốc tế" trong hai ngày 22 và 23.6 tại Hà Nội.

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý các cơ sở giáo dục, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tại đây, các ý kiến đã cho thấy, GDĐH Việt Nam chậm đổi mới do tồn tại những quan niệm lỗi thời.

Hội nhập: Còn quá nhiều thách thức

PGS-TS Trần Quốc Toản, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia giáo dục cho biết: GDĐH Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục... đặc biệt là việc quản lý GDĐH. Ông nói: "Quản lý giáo dục nói chung (GDĐH nói riêng) đang đứng trước những thách thức lớn, cần phải sớm khắc phục những yếu kém hiện nay như: quản lý nhà nước chậm đổi mới tư duy và phương thức, còn mang nặng tính hành chính; các giải pháp quản lý chất lượng chưa có hiệu quả; những vấn đề về tính kinh tế, tính hiệu quả của giáo dục trong cơ chế thị trường chưa được làm sáng tỏ; phân cấp quản lý chưa hợp lý; vai trò trách nhiệm của cơ sở giáo dục, của đội ngũ giáo viên trong việc đổi mới GDĐH chưa được xác lập là một khâu trọng yếu".

GS-TS KH Bành Tiến Long - Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cũng cho biết: Nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam còn nhiều khó khăn như lúng túng trong cơ chế vận hành và quản trị ĐH; thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp lý đủ mạnh để tạo ra một cơ chế vận hành quản lý GDĐH một

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm - Phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục: GDĐH phải thực sự đổi mới tư duy, có cách nhìn mới về chất lượng, về tổ chức và quản lý, về công nghệ dạy học và quan niệm về đầu tư cho giáo dục.
cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa tăng quy mô và đảm bảo chất lượng; GDĐH chưa hướng đạo, phân luồng cho các bậc học và trình độ đào tạo khác; mô hình và hệ thống GDĐH chưa đạt tiêu chuẩn hội nhập quốc tế; đào tạo đại học đang mâu thuẫn với chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên...

GS Đào Trọng Thi và PGS Ngô Doãn Đãi (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc đầu tư cho giáo dục ở nước ta còn rất thấp, chi phí đào tạo trung bình cho một SV thấp hơn từ 5-100 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới; so với chuẩn mực của các trường đại học trong khu vực và thế giới thì đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường công lập còn khoảng cách khá lớn về số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn. Trong khi đó thì quy mô đào tạo tăng nhanh nên đến năm 2010, mâu thuẫn giữa quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo sẽ còn gay gắt hơn nhiều.

Muốn đổi mới phải thay đổi quan niệm

GS-TS Phạm Phụ (ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều nước trên thế giới có quan niệm: GDĐH là một nền "công nghiệp dịch vụ", là xuất nhập khẩu, là cạnh tranh, là hướng đến khách hàng, là công ty trong trường đại học và trường ĐH trong công ty... Trong khi đó, Việt Nam đang có quan niệm "Chống mọi hành vi thương mại hóa trong giáo dục" theo nghĩa không được xem dịch vụ GDĐH là một hàng hóa để có thể trao đổi mua bán. Vì vậy GDĐH Việt Nam đã có một khoảng cách so với thế giới. GS Phạm Phụ nói: "Việc thay đổi tư duy, triết lý... luôn luôn là một việc rất khó khăn và tốn thời gian. Vì vậy để mở rộng và phát triển tiếp tục GDĐH, cần phải đổi mới cơ bản có tính chất cải cách nền GDĐH và trước hết cần phải có một chương trình hành động thống nhất được soạn thảo một cách thực sự chuyên nghiệp".

TS Tạ Ngọc Châu - nguyên Phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế về kế hoạch giáo dục của UNESCO: Cách tốt nhất để các cơ sở đào tạo ĐH có thể tiếp cận với mạng lưới toàn cầu là thực hiện chính sách một cách có hệ thống trong việc gửi sinh viên tới các trường ĐH danh tiếng để tham dự các khóa đào tạo cao học và tham gia vào các dự án nghiên cứu để đúc rút kinh nghiệm.

TS Molly N.N Lee, chuyên gia chương trình giáo dục UNESCO cũng nhận xét: Trong khi giáo dục đại học tư có truyền thống lâu đời ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Indonesia thì điều này lại có vẻ rất mới mẻ ở Việt Nam. Theo ông, muốn cải cách giáo dục thì phải theo 4 xu thế toàn cầu, đó là đại chúng hóa, thị trường hóa, đa dạng hóa và quốc tế hóa. Ông nhấn mạnh: “Bằng việc cho phép các thành phần tư nhân tham gia vào GDĐH, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam phải đưa ra khung pháp chế và quy định cho phép phát triển công nghệ giáo dục đại học tư nhân. Nhiệm vụ của nhà nước là phê chuẩn quy định và tham vấn việc thành lập các cơ sở đào tạo đại học tư nhân cũng như phê duyệt các chương trình giảng dạy cho các chương trình giảng dạy công và tư”. Ông Lee còn gợi ý: nên có những chính sách thực tiễn từ phía chính phủ liên quan đến việc quản lý các cơ sở GDĐH, tăng cường chức năng nghiên cứu và giảng dạy cho các trường ĐH, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như nguồn vốn và tạo điều kiện phát triển cho đội ngũ giảng viên và nhân viên hành chính để có thể nâng cao chất lượng GDĐH ở Việt Nam.

GS Hoàng Xuân Sính, ĐH dân lập Thăng Long cho rằng các trường ngoài công lập có một vai trò không nhỏ trong việc giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, làm tăng ngân sách cho các trường công, nhất là các trường lớn, để đưa giáo dục Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực. Nhưng nếu như để các trường ngoài công lập phát triển, nếu như Nhà nước không giúp đỡ về tài chính thì phải cho nó một quy chế hợp lý, trong đó các ràng buộc mà Nhà nước ấn định phải tương thích, không mâu thuẫn trong hệ thống...

PGS-TS Mark Mason - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục so sánh, khoa Sư phạm Trường ĐH Hồng Kông - còn lưu ý: “Các cơ quan giáo dục của Chính phủ sẽ lựa chọn và phân các nguồn lực cho một số ít các trường ĐH để phát triển thành các trung tâm nổi trội. Việt Nam có thể chưa có các nguồn lực để tạo và duy trì các trình độ xuất sắc quốc tế tại tất cả các cơ sở GDĐH của mình. Việc dàn trải nguồn lực quá mỏng sẽ làm tiêu tan tác động của bất kỳ sự đổi mới nào và có thể sẽ dẫn đến thất bại ở phần lớn các cuộc cải cách”.

Vũ Thơ

Bế mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã nhấn mạnh hai nội dung mà GD ĐH Việt Nam cần thực hiện là: giải bài toán giữa quy mô và chất lượng, đồng thời cải tiến hệ thống quản lý GDĐH. Bộ trưởng cho biết: sẽ từng bước thực hiện đại chúng hóa GDĐH nhờ các giải pháp như đa dạng hoá trình độ cũng như loại hình, tổ chức đào tạo đi đôi với việc chuẩn hóa chất lượng của từng dạng; tăng cường các hình thức đào tạo không chính quy và các hình thức giáo dục từ xa để tăng nhanh quy mô đào tạo đại học với cơ chế đánh giá chặt chẽ đầu ra của từng môn học. Chú trọng phát triển các loại hình trường CĐ cộng đồng và các cơ sở đào tạo sau trung học (phổ thông) ngắn hạn. Đối với trường ĐH, CĐ dân lập, tư thục cần điều chỉnh quy chế hoạt động một cách hợp lý để khuyến khích việc góp phần tăng quy mô đào tạo.

Về hệ thống quản lý GD ĐH, Bộ trưởng nêu rõ: cần cải tiến trên cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tăng quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm xã hội của trường ĐH. Về phía nhà nước cần nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của các bộ phận có chức năng xây dựng chính sách công về GDĐH. Cần có sự phân cấp mạnh mẽ và rõ ràng hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các trường. Về phía cơ sở, một mặt cần nâng cao trình độ quản lý, khai thác hiệu quả các cơ chế mới nhằm tăng quyền tự chủ của các trường ĐH. Mặt khác cần xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và các hoạt động kiểm định công nhận chất lượng cho các trường ĐH,CĐ để tăng cường trách nhiệm xã hội của các trường .

3. Nghĩ về tư duy giáo dục

1- Vừa rồi có cuộc hội thảo về giáo dục. Rất nhiều vấn đề được đặt ra. Nói về bản chất giáo dục có hai ý kiến đối nhau: giáo dục là một hàng hóa như mọi hàng hóa; ý kiến trái lại bảo là không. Đây không bàn về các ý kiến ấy. Nghĩ phớt qua thì, khi nói giáo dục là hàng hóa, người nói có thể nghĩ tới cái thường nghe lâu nay là “thương mại hóa giáo dục”.

Hiện tượng này chừng như có thật. Mở trường là kinh doanh, nghĩ trước hết, trên hết là món lời, còn dạy dỗ ra sao, bất sá, bởi vốn chẳng biết gì về giáo dục. Ấy mà trường học là có thầy và trò, thầy là người đào tạo còn trò là kết quả đào tạo, là con người. Gọi bất chấp là một sản phẩm như một cái thìa, một ký xi măng thì quá ư là buồn cho con người ?

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục

Giáo viên Trường THCS Hồng Bàng hướng dẫn học sinh thực hành thí nghiệm hóa học. Ảnh: MAI HẢI

2- Dăm bảy năm nay, vui bè vui bạn, tôi nhận một vai làm hiệu trưởng một trường cấp 2 - 3 dân lập. Trường là do anh em giỏi nghề, tốt đức làm, nên có chút tiếng tăm. Tôi nhờ đó cũng nhìn ra một số thực tế có ý nghĩa. Mở trường dân lập, muốn tồn tại phải có học trò. Nhu cầu tiên quyết là đó. Học trò do phụ huynh đưa tới. Tín nhiệm trường, họ đưa tới nhiều, không tín nhiệm họ rút con đi. Trường sống là nhờ phụ huynh học sinh. Vai trò của phụ huynh cực kỳ quan trọng. Không có họ coi như không có trường. Ở một trường dân lập hay tư thục, mối quan hệ cha mẹ học sinh và nhà trường, thầy cô giáo là một mối quan hệ khắng khít, nghiêm trang, chân thành, có cả chút thiêng liêng. Cha mẹ quý đứa con rứt ruột của mình, nhưng vì nó chưa thật ngoan, chưa thật giỏi nên mới đem đến nhờ thầy cô dạy bảo, và sau một thời gian mà học kém thành khá, rồi giỏi, rồi tốt nghiệp lớp 9, tú tài, vào luôn cả đại học, cao đẳng như cha mẹ mong ước. Trong mối quan hệ tốt đẹp như thế, phụ huynh đem con tới trường đâu phải là xin cho con học mà là gửi vào tay thầy cô, là thực hiện một hợp đồng không văn bản thành kính và trang nghiêm: thầy cô chăm lo dạy dỗ cho bé, phụ huynh thì góp thay cho nhà nước một số kinh phí để trường làm nhiệm vụ giáo dục của mình. Hai bên bình đẳng thân tình. Vậy mà trong thực tế hàng ngày, phụ huynh đến trường như đến một chốn cấp trên có quyền, tư thế thông thường là kính trọng đến khúm núm, rụt rè, nhất là khi con em có lỗi, còn thì có việc gì đó như tới thăm con, thì cứ gặp đâu ngồi đó, nhà trường chưa bao giờ nghĩ tới phải có một nơi trang trọng để đón những người đồng hành với mình trong một nhiệm vụ chung. Chưa nói rằng, thầy cô giáo cũng mặc nhiên coi mình là bề trên nên thái độ cũng dễ tự đặt mình ở bậc cao. Đó là tôi nói ở trường tôi, trường dân lập. Nhìn sang trường công, bán công thì tình hình lại nặng nề hơn. Nghĩ sao về thực tế này? Nó có gốc rất sâu. Về phía tốt, nó là một truyền thống quý báu phải giữ. Tôn sư trọng đạo và đạo là đạo làm người. Ở nước ta, đạo ấy không chỉ là đạo Nho mà tham bác thêm Phật và Đạo, rồi do điều kiện lịch sử riêng, lấy tư tưởng Việt Nam làm gốc mà thành đạo lý Việt Nam với cốt lõi là yêu nước và nhân văn, nhân đạo. Ngày nay lại có thêm chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo lý Việt Nam sẽ có thêm phần cao rộng đẹp đẽ. Vị trí và vai trò người thầy, trong những điều kiện mới, lại có ngày 20 tháng 11, nên đang có những biểu hiện cụ thể khác xưa, nhưng ở chiều sâu, bản chất tôn sư trọng đạo vẫn không hề thay đổi. Sự tồn tại và lưu truyền vẫn sáng ngời qua các thời đại. Như hãy còn trước mắt.

3- Cốt lõi của cái còn lại và lưu truyền không dứt ấy là cái gì ? Tôi nghĩ: Đó là “Tư duy giáo dục Việt Nam” chăng? Không dám và không phải chỗ đi vào phức tạp. Chỉ xin được ở mức thông thường. Tiếng Việt gọi là tư duy, tiếng Hán cũng vậy, tiếng Anh là to think, thinking, tiếng Pháp là penser, pensée, nghĩa đầu tiên đều là suy nghĩ, cao hơn “là nhận thức về bản chất của một đối tượng” theo định nghĩa của Tự điển tiếng Việt. Vậy tư duy giáo dục là suy nghĩ về bản chất, trên bản chất của giáo dục.

Trường học là cơ quan dùng giáo dục dạy con người (lớp trẻ) thành “con người có giáo dục”, và khi có giáo dục thì là “con người có văn hóa” hay nói tắt là “con người văn hóa”. Trong âm hưởng thông thường, “con người có giáo dục” nghe không hay, không đẹp bằng “con người có văn hóa, con người văn hóa” - cố nhiên có tầng bậc. Tư duy như vậy, chúng tôi không gọi mọi nền nếp trật tự, kỷ luật trong trường theo thói quen là “nội quy, kỷ luật” nhà trường mà là “văn hóa trường học”. Trường học là nơi đào tạo con người (chứ không phải cây, con) từng bước thành con người có văn hóa”. Có khen, có phạt nhưng không phải là cơ quan cảnh sát, càng không phải là nhà tù (cố nhiên loại trừ mọi hành vi, quan niệm trái lại: khinh miệt, mắng chửi, đánh đập). Tất nhiên là mọi thành viên trong trường đều phải tự giáo dục mình trở lại để rũ bỏ mọi nhận thức và hành vi sai trái vốn đã thành thói quen đương nhiên, vô thức. Hút xong một túi nước ngọt rồi ném ống hút xuống đất, trước coi như tự nhiên, nay được dạy đó là thiếu văn hóa, và lần sau ném vào sọt rác, là tự thấy mình cao hơn mình. Cứ thế, vào nhà ăn, trước, ăn xong, thức ăn rơi vãi trên bàn, bát đũa bỏ ngổn ngang, đứng dậy đi tự nhiên; nay, dọn dẹp mọi thứ gọn gàng mới đứng lên, hóa ra mình đã là người lịch sự, văn minh, có văn hóa... Tuổi trẻ dễ bén nhanh với cái đẹp, cái tốt. Khối óc, trái tim còn tinh khiết, gió mát, hoa tươi dễ nhập. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghĩ sâu thêm trên bờ cõi giáo dục và đã đi vào trung tâm của việc dạy và học, xác định mọi tiến bộ của mọi thành viên, trước hết là giáo viên và học sinh, và đã hình thành từng bước, một chương trình phấn đấu thực hiện góp phần ở phạm vi bé nhỏ của mình vào việc đổi mới dạy và học, cô đúc lại bước đầu thành một kỷ cương tám chữ: Nói to (ở lớp) - Tự học (ở nhà) - Được nghĩ, được nói (ở lớp). Nêu cho học sinh, nhưng thầy cô đổi mới cách dạy thì học sinh mới thực hiện đổi mới cách học. Cả lớp nói to, cá nhân tự học có hướng dẫn tí ít để dần dần thành thói quen cả đời, cả lớp được suy nghĩ, đa số trong lớp được nói, được hỏi, được làm việc dưới sự điều khiển của giáo viên chứ không chỉ ngồi nghe thụ động.

4- Đi vào ngõ ngách của dạy và học còn bao nhiêu điều phải suy ngẫm trên mảnh đất chung là nhiệm vụ đào tạo con người cho đất nước tiến kịp với thời đại. Trên đây, mới được đôi điều nho nhỏ nhưng thấy đã có ích và đúng hướng của tư duy giáo dục. Mong được nghe lời chỉ bảo.

Giáo sư LÊ TRÍ VIỄ

4. Đổi mới tư duy giáo dục trong cơ chế thị trường
LTS: Được mệnh danh là người "tiếp thị" chất xám Việt Nam, người "chở" chất xám về Việt Nam, người "đi tìm" tiến sĩ cho Việt Nam vì đã và đang thực hiện các chương trình đào tạo thạc sĩ Bỉ - Việt tại các Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chương trình 50 tiến sĩ bằng học bổng quốc gia, là một nhà giáo, nhà khoa học giảng dạy ở những trường ĐH danh tiếng trên thế giới, am hiểu về hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến, nắm bắt tường tận về nền giáo dục – đào tạo của Việt Nam, giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng đã có những đề nghị cụ thể sau đây về những vấn đề rất thời sự hiện nay cho ngành giáo dục nước ta.

Đổi mới tư duy theo tôi trước hết là đoạn tuyệt với lề lối tập trung quan liêu, nói nôm na là thói quen ôm đồm, cái gì cũng muốn nắm, cái gì cũng muốn quản lý mà không có khả năng, tài lực, không có phương pháp, gây trở ngại cho nền giáo dục quốc dân... Lãnh đạo và quản lý tốt phải đồng nghĩa với phục vụ tốt. Phục vụ muốn có  hiệu quả thì phải mở cơ chế cho thật thoáng để tăng cường khả năng phục vụ. Đây là nguyên tắc làm việc của các nước tiên tiến có trình độ phát triển cao. Việc đổi mới thể hiện ở những điểm sau:

Cần nhanh chóng trao quyền tự quản cho các trường đại học

Quyền tự quản này bao gồm quyền tuyển sinh, cấp bằng, quản lý và bổ nhiệm nhân sự, tổ chức và kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ dừng lại ở quản lý khung: ngân sách (phần nhà nước rót về trường, như thế dĩ nhiên gián tiếp chi phối việc bổ nhiệm nhân sự), chương trình học (bất cứ trường nào cũng phải tuân thủ chương trình học do Bộ đề ra), chế độ mức lương tối thiểu, chức danh, học hàm, tài trợ những hướng phát triển trọng điểm, cho học bổng sinh viên nghèo, hỗ trợ sinh viên vùng sâu vùng xa...), thanh tra giám sát, hiệp thương hợp tác quốc tế trên bình diện vĩ mô...

Cần phân luồng, phân tầng trong việc tổ chức giáo dục

Việc này cần bắt đầu từ bậc trung học. Tại Việt Nam còn quá ít các trường cao đẳng (CĐ), trường chuyên nghề, đặc biệt các trường kỹ thuật công nghệ với thời gian đào tạo ngắn hạn. Hiện nay tâm lý phụ huynh là coi thường CĐ. Nhưng tâm lý này sẽ được khắc phục nếu các trường CĐ gắn bó với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, cơ chế liên thông rõ ràng minh bạch, nếu các trường tiếng tăm có quyết tâm tham gia thực hiện cơ chế này. Phụ huynh nào lại chả muốn con mình nhanh chóng có việc làm giúp kinh tế gia đình, nếu con em mình sau vài năm học CĐ, năng khiếu lộ rõ qua kết quả cụ thể, được xét tuyển vào các trường lớn để đi xa hơn.

Nên mềm đầu vào và cứng đầu ra

Các trường ĐH phương Tây không tổ chức đào tạo như cái ống, mà đào tạo theo hình chóp, họ áp dụng nguyên tắc chủ đạo sau đây: "Chỉ cấp bằng cho những người đạt trình độ". Họ quan niệm là cấp bằng cho người không đạt trình độ là chẳng những làm hư hại xã hội mà trước tiên làm hư hại chính người được cấp bằng. Bởi vậy thông thường đầu vào thì đông nhưng đầu ra không nhiều. Học viên hai năm đầu bị đánh rớt rất đông, cấm thi lại quá bốn lần. Như vậy, các em có điều kiện nhanh chóng đổi ngành, chuyển qua CĐ, cho phù hợp với khả năng của mình, không mất thời gian, gây hao tốn cho xã hội và gia đình.

Không cần phải tổ chức thi tuyển ĐH nặng nề như hiện nay tại Việt Nam mà chỉ cần xét tuyển nhẹ nhàng qua quá trình học vấn cấp tú tài. Nếu cần xác định rõ hơn về trình độ thì nên tổ chức phỏng vấn trực tiếp để loại bỏ những học viên có hồ sơ với độ tin cậy thấp.

Hệ luận này kéo theo một hệ luận khác là phải tổ chức lại một cách nghiêm chỉnh hơn các kỳ thi tú tài ở trung học. Thi tú tài là xác định trình độ năng khiếu bậc trung học của học sinh. Việc xác định này cần được tổ chức chu đáo và đồng khắp, trong đó tính khách quan và công bằng phải được đảm bảo... Phải xóa bỏ tận gốc thói quen hay bắt gặp tại Việt Nam: ai cũng tiên tiến. Thói quen này có lẽ xuất phát từ chỗ thiếu tự tin, ngại chịu trách nhiệm, không dám đánh rớt.

Tổ chức giáo dục cần hướng tới tri thức quốc tế

Hướng tới tri thức thế giới trước hết là phải giỏi ngoại ngữ. Một nước trung bình như Việt Nam để nuôi dưỡng hiểu biết ngang tầm thế giới cần phải thông thạo mỗi người hai ngoại ngữ. Tôi muốn nhấn mạnh ở chữ thông thạo chứ hiểu biết sơ sài như trình độ các sinh viên tốt nghiệp ĐH hiện nay tại Việt Nam thì chưa thấm vào đâu. Muốn vậy cần tổ chức dạy ngoại ngữ ngay ở cấp tiểu học. Việc tiếp thu ngoại ngữ ở cấp trung học sẽ chậm hơn, lên đến ĐH thì đã quá muộn.

Hướng tới tri thức thế giới hiện nay ta đã có một phương tiện hữu hiệu vô song: Internet. Việc mở rộng sử dụng Internet, công nghệ thông tin là khâu quyết định cho việc cập nhật tri thức mới mẻ, hiện đại... Vấn đề ở đây là tổ chức việc mở rộng ở tầm mức quốc gia vì điều kiện kinh tế còn giới hạn của ta. Thí dụ các ĐH Việt Nam đang ở trong tình trạng vô cùng thiếu thốn tài liệu, sách, tạp chí khoa học cần thiết cho việc nghiên cứu. Lẽ ra Bộ GD-ĐT nên thương lượng với các nhà xuất bản để sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, thông qua mật khẩu, có thể vào các  trang web của các nhà xuất bản tiếng tăm, tham khảo những tài liệu đã xuất bản như các nước tiên tiến đã làm lâu nay.

Yếu tố quốc tế cần trở thành tiêu chí căn bản trong việc đánh giá chất lượng các trường đại học, giáo sư, nghiên cứu sinh...

Thí dụ các đề mục "có công trình công bố ở tạp chí quốc tế", "có tham dự hội nghị quốc tế", "được mời đi thuyết trình ở các ĐH quốc tế" phải trở thành tiêu chí bắt buộc của việc xác định chất lượng giáo sư, của việc trao tặng chức danh giáo sư. Ở Bỉ, một công trình công bố trong tạp chí quốc tế có ban biên tập quốc tế thẩm định được chấm ba điểm. Một công trình công bố trong tạp chí quốc nội chỉ được một điểm mà thôi. Cũng xin mở ngoặc là chỉ những công trình công bố cách đây không quá 5 năm mới có giá trị! Thử hỏi các giáo trình đang được giảng dạy tại Việt Nam ở các ĐH đã viết ra được bao nhiêu năm rồi?

Đánh giá chất lượng một luận án tiến sĩ (TS) cũng cần có yếu tố quốc tế. Tại châu Âu, hội đồng giám khảo một luận án TS hợp lệ phải có ít nhất một giáo sư quốc tế (đến từ một nước khác) và một giáo sư quốc nội đến từ một ĐH khác. Nếu là luận án khoa học công nghệ thì bắt buộc phải có đại diện của doanh nghiệp có công nghệ liên đới. Ngoài ra, việc thâu nhận giảng viên mới ở các ĐH cũng phải theo một tiêu chí đảm bảo được tính mới mẻ, tính quốc tế trong khâu nhân sự. Phải hơn 50% là người đã bảo vệ bằng TS từ các ĐH khác với ĐH sở tại.

Chuyên tu và tại chức

Theo tôi, ta nên loại bỏ việc cấp bằng cho các khóa chuyên tu, tại chức. Tôi không bài bác ý kiến phải luôn luôn học tập. Tôi hoan nghênh việc mở những lớp bổ túc, những lớp học cộng đồng để cho mọi công dân, ở bất cứ độ tuổi nào, ngay cả khi đã về hưu, cũng có thể tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức để sống vui và giúp ích cho xã hội. Nhưng không nên cấp bằng tại chức, trên thực tế đã được dùng tương đương như chính quy, tuy giáo trình cũng như thời gian theo học không đủ chuẩn. Chính điều đó đã biến một số quan chức thành người đi mua bằng, biến một số giáo chức vô tình hay hữu ý thành người đi bán bằng. Tệ hại nhất là việc này đã gây hoang mang trong xã hội, nhất là khiến cho con em chúng ta bị tác động theo hướng tiêu cực. Bởi học làm gì khi bỏ công sức phấn đấu dài hạn mà chắc gì có chỗ vươn lên. Các vị có bằng tại chức chiếm chỗ hết rồi! Đó là lời tôi nghe được từ các em sinh viên.

Ta chỉ nên cấp chứng chỉ cho những khóa học tại chức chứ không cấp bằng. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ có một đổi mới trong suy nghĩ chung của nhà giáo và người đi học. Và những người muốn có bằng dởm sẽ phải suy nghĩ lại và không chạy theo bằng cấp nữa. Như vậy ta sẽ có một sự thay đổi đáng kể mà không tốn kém gì cả.

Giáo dục có là hàng hóa?

Việt Nam đang có nhiều tranh cãi về giáo dục và thị trường. Giáo dục phải chăng là hàng hóa?

Tại Mỹ, Canada – các nước có nhiều trường ĐH tư phát triển sớm và có lẽ quy mô nhất thế giới, tuy có đến 50% ĐH tư nhưng chỉ chiếm lĩnh 20% sinh viên toàn nước. Các sinh viên còn lại phải theo học trường công của các bang hay liên bang. Ở nước thị trường là vua như nước Mỹ, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, có các đại gia tài phiệt thống lĩnh toàn cầu, mà dịch vụ này chỉ cung ứng có thế thôi thì hàng hóa này quả là đặc biệt!

Tại những nước có trình độ phát triển cao nhất thế giới, có nền kinh tế thị trường liên tục từ ngày lập nước tới nay, mà GD-ĐT gần như toàn bộ nhà nước phải bao biện ngân sách. Tại sao thế? Tại vì chỉ có nhà nước mới có thẩm quyền, uy tín, tài lực đảm đương tính công bằng dân chủ của quốc sách giáo dục: bình đẳng trong cơ may, ai cũng có thể đi học, đạt trình độ nếu có năng khiếu.

Không có nhà nước, không quyết tâm của toàn dân, thì không thể có nền học vấn có đủ chất lượng để duy trì vị trí hàng đầu của các nước này trên thế giới.

Bởi vậy ta không nên quá lo ngại cho việc có mặt của các trường tư thục ngay cả có yếu tố 100% nước ngoài. Vấn đề đặt ra là phải có luật lệ hẳn hoi, minh bạch để có phương tiện can thiệp kịp thời, tránh những chệnh hướng có thể xảy ra. Theo tôi, việc quan trọng cần tránh nhất chính là đừng để cho giáo dục trở thành hàng hóa thuần túy.

Những tiêu cực hiện hữu đã xảy ra tại các trường dân lập Việt Nam (chất lượng kém, lợi nhuận cao nhưng sử dụng không đúng chỗ, mất đoàn kết vì chia chác...) một phần vì ta không đề phòng trước, kịp thời xây dựng một khung pháp lý cần thiết. Mặt khác vì ta cho phép một cách nhỏ giọt việc ra đời của các trường dân lập, vô tình hay hữu ý, duy trì cơ chế độc quyền, làm mất cân bằng giữa cung và cầu.

Việt Nam nên bổ sung bộ luật doanh nghiệp, cho phép ra đời những tổ chức dân lập, tổ chức xã hội không có mục đích làm tiền. Các hội ái hữu, các hội hữu nghị, hội cựu sinh viên, học sinh các trường, hội khuyến học... là những  tổ chức thuộc loại này. Các ĐH  tư thục sẽ cũng  thuộc loại này. Chú ý là không có mục đích làm tiền không có nghĩa là bất vụ lợi. Các ĐH tư thục có phúc lợi nhưng không được dư tiền, chia lãi. Mỗi năm ngân sách chi thu phải cân bằng. Các doanh nghiệp tham gia GD-ĐT sẽ được miễn thuế, sẽ có mặt trong hội đồng quản trị, sẽ có ảnh hưởng trong việc mở mang ngành nghề, trong nội dung chuyên ngành và ưu tiên có được cộng tác viên mình cần, được đào tạo như mình muốn, hữu hiệu cho việc điều hành và phát triển doanh nghiệp. Phần lãi của trường phải được đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo (tăng lương nhà giáo trong khuôn khổ tối đa cho phép, mua sắm thiết bị, mở mang phòng ốc...), tăng cường quy mô, phát triển ngành nghề...

Bộ GD-ĐT nên hoàn tất luật trường tư theo định hướng trên, nhưng thoáng trong việc quản lý để nhiều ĐH khác sớm ra đời. Yếu tố cạnh tranh tích cực, lành mạnh sẽ sớm có hiệu ứng theo hướng có lợi cho người dân. Các ĐH  tư phải có một lộ trình hẳn hoi là sau một thời gian thỏa đáng (10 năm?) phải trở thành đa ngành, thích ứng với yêu cầu công nghệ hóa, hiện đại hóa, các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ hiện đại... Theo lộ trình này thì những ĐH tư không nghiêm túc sẽ bị thị trường đào thải thôi.

GS.TSKH Nguyễn Đăng HưngĐH Liège, Bỉ - Chủ nhiệm Chương trình Cao học Bỉ -

Việt Nam tại ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 22/09/2008 - 2:41 PM
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

Đề nghị một cuộc cải cách giáo dục triệt để

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục
(Ảnh: Việt Hưng)

(Dân trí) - "Theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam ta bắt buộc phải có một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện" - Đây là kiến nghị của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều nhà giáo dục đầu ngành nước ta.

Khi Tổ quốc bị ngoại xâm chia cắt, bà dốc lòng dốc sức cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Khi giang sơn quy về một mối, bà lại dành hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, khuyến học khuyến tài.

Dù khi làm người đứng đầu ngành giáo dục & đào tạo hay lúc là một trong số những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, bà luôn trăn trở với sự nghiệp trồng người. Giờ đây dù tuổi đã cao, bà vẫn trực tiếp tham gia vào sự nghiệp giáo dục bằng cách đứng đầu đề tài khoa học Đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ. Có thể nói nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là tấm gương nữ trí thức tiêu biểu của thế kỉ XX đầy biến động. 

Chúng ta buộc phải thay đổi

Với tư cách một nhà giáo dục chuyên nghiệp, từ lâu gắn bó mật thiết với nền giáo dục đào tạo nước nhà, bà đánh giá như thế nào về giáo dục Việt Nam hiện nay?

Có thể nói giáo dục là đề tài luôn được quan tâm ở bất cứ thời điểm, giai đoạn nào và chưa lúc nào giáo dục đào tạo lại được nhân dân ta quan tâm nhiều như thời gian gần đây. Đã có rất nhiều ý kiến ở mọi diễn đàn từ các cuộc hội nghị, hội thảo cho đến nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên, không ít ý kiến trong số đó thiếu thực tế, chưa đủ các luận cứ khoa học, mang nhiều cảm tính cá nhân và nhất là chưa đưa ra được những giải pháp khả thi nên chất lượng và tác dụng hạn chế.

Có phải vì lý do đó mà vừa qua, Chính phủ đã giao cho bà thành lập các nhóm độc lập nghiên cứu về giáo dục? 

Nói Chính phủ giao thì to tát quá và cũng không chính xác. Chúng tôi là nhóm nghiên cứu theo đặt hàng của Bộ Khoa học & Công nghệ. Nhóm của tôi gồm 15 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục như Trần Hồng Quân, Nguyễn Thị Tâm Đan, Nguyễn Minh Hiển, Chu Hảo, Đặng Quốc Bảo, Vũ Ngọc Hải, Phạm Phụ và có sự tham gia của nhiều cán bộ giáo dục có kinh nghiệm do tôi làm nhóm trưởng. Hiện nay đề tài đã hoàn thiện và đang chờ báo cáo nghiệm thu.

Tôi chưa bị "đứt tay" có thể vì tôi không tranh giành thành tích của ai và giả sử nếu có bị "đứt tay" tôi cũng không sợ vì tôi không làm điều gì vì lợi ích cho riêng mình.

Sau 2 năm thực hiện đề tài này, bà và các cộng sự đã rút ra những kết luận gì về giáo dục gần đây?

Sau khi nghiên cứu khá đầy đủ và toàn diện quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về giáo dục & đào tạo, thực trạng giáo dục hiện nay và so sánh nước ta với các nước trong khu vực cũng như nền giáo dục các nước tiên tiến trên thế giới, chúng tôi đã đi đến một kiến nghị dứt khoát phải có một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng, cơ bản và toàn diện.

Vì sao lại có một kiến nghị dứt khoát như vậy? Phải chăng nền giáo dục của ta quá bí bách và bê trễ, thưa bà?

Nói về những khuyết điểm, thiếu sót của giáo dục nước ta thì nhiều và cũng đã có quá nhiều người nói rồi. Ở đây, tôi muốn nói rằng không chỉ vì giáo dục của ta có khiếm khuyết cần chấn chỉnh mà cùng với nó là những yêu cầu bức xúc của công cuộc CNH - HĐH buộc chúng ta phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Nói cách khác, chúng ta không chỉ phải sửa chữa những sai lầm, thiếu sót mà phải nâng cao cái đã có, cái đang phù hợp nhưng có xu thế không còn phù hợp ở tương lai và có những cái mới cần phải bổ sung. Nhiệm vụ của giáo dục hiện không còn như trước đây mà nó hướng tới xây dựng và phát triển trong một thế giới liên tục biến đổi với sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt. Vì vậy, theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam ta bắt buộc phải có một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện.

Thành lập UB Cải cách giáo dục quốc gia

Thưa bà, xin cho được nói thật là ý tưởng về một cuộc cải cách giáo dục không phải là mới và nó đã được đề cập đến nhiều lần ở nhiều thời điểm. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này thì hình như các ý kiến vẫn mò mẫm, thiếu một chiến lược lâu dài. Ví dụ nếu cải cách giáo dục thì chúng ta đi theo hướng nào? Phải bắt đầu từ đâu chẳng hạn?

Đúng là có một thực trạng như thế và trong đề án của mình, chúng tôi cũng mới chỉ đặt vấn đề cần phải có một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện, triệt để. Để thực hiện điều này, chúng tôi vạch ra một số hướng cải cách để tham khảo về mục tiêu, cơ cấu hệ thống và một số giải pháp lớn, trong đó đề nghị thành lập một UB Cải cách giáo dục quốc gia. UB này có nhiệm vụ nghiên cứu tương đối toàn diện thực trạng giáo dục Việt Nam, so sánh với giáo dục thế giới, từ đó đặt ra các mục tiêu cũng như phương pháp thực hiện. Trong tình hình bức xúc hiện nay, sau một thời gian không dài lắm, UB đó phải tìm ra được hướng đi cụ thể cho công cuộc cải cách.

Mục tiêu thì như vậy nhưng bà có thấy là thực hiện được không hề dễ...?

Không phải không dễ mà khó, rất khó. Nhưng khó khăn đến mấy cũng phải làm bởi những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống nên chúng ta không còn con đường nào khác là phải có một cuộc cải cách giáo dục & đào tạo thực sự để có những chuyển biến mong muốn.

Khi trả lời chúng tôi, giáo sư Hồ Ngọc Đại và tiến sỹ Chu Hảo đều đánh giá cách làm giáo dục kiểu phong trào "Hai không, Bốn không..." hiện nay đang có xu hướng đi vào thất bại. Là nhà quản lý giáo dục nhiều năm, bằng kinh nghiệm của mình, bà có đồng ý với nhận xét trên?

Tôi cho rằng các phong trào vừa qua đã phát huy được một số tác dụng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách chữa cấp bách mang tính tức thời nên chỉ có tác dụng nhất định. Muốn chữa trị tận gốc, cần phải có một cuộc cải cách như đã nói ở trên.

Nhiều trí thức luôn giữ được phẩm tiết

Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn cho rằng chúng ta đang "loạn" giáo sư - tiến sĩ, "loạn" trường đại học và cái cần "loạn" là sự nổi dậy của tư duy giáo dục thì lại không có. Bà có đồng ý với ý kiến này?

Tôi đồng ý với quan điểm "cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục" nhưng trong trường hợp này tôi không thích chữ "loạn". Đúng là giáo dục có nhiều cái chưa được nhưng không có nghĩa là nó kém hơn so với các lĩnh vực khác. Nói cách khác, nó có tiêu cực nhưng không có nghĩa là tiêu cực nhất so với các ngành nghề khác. Do đó, chủ trương chống tiêu cực ở một việc nào đó trong riêng ngành giáo dục cũng là thiếu thực tê mà phải nói trách nhiệm của xã hội nữa . Nói tóm lại, tôi không thích chữ "loạn" cũng như không thích nói chữ "hèn" như trong một vài đánh giá về trí thức của ta gần đây.

Nói rằng "hèn" thì có thể hơi quá nhưng xu thời, khiếp nhược, a dua, cơ hội...?

Đúng là không ít trí thức ở thời điểm này, thời điểm khác có các biểu hiện đó nhưng cũng nhiều trí thức luôn giữ được phẩm tiết của mình. Theo tôi, trí thức Việt Nam chưa trở thành một tầng lớp đạt tới độ tinh hoa nhưng không phải không có trình độ, không biết tự trọng. Nguyên nhân bất cập có thể do khâu đào tạo, bồi dưỡng và một nguyên nhân quan trọng nữa là cách nhìn nhận, đánh giá, sử dụng trí thức nhiều nơi, nhiều lúc chưa đúng và chưa đầy đủ.   

Yêu cầu đánh giá đúng và đủ hết sức quan trọng nhưng có ý kiến cho rằng quan niệm trí thức trong Nghị quyết vừa đối tượng là những người có bằng cấp thì chưa "đúng" và "đủ". Bà thấy nhận xét này có thoả đáng?

Theo tôi, bằng cấp chỉ là cơ sở mà chưa nói lên gì nhiều vì trong thực tế, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của ta không có bằng cấp nhưng nhờ tự đọc, tự học mà trở nên uyên bác. Đối với cán bộ ở các bộ máy thì không nhất thiết phải là trí thức nhưng ở những vị trí cán bộ chủ chốt của Đảng dứt khoát phải có trí thức.

Tôi không sợ "đứt tay" khi dùng dao sắc

Muốn có trí thức đích thực thì cần phải biết trọng dụng đích thực. Nhưng về cách dùng người của ta hiện nay, Nhà báo Hữu Thọ có nói rằng "ai cũng muốn dùng dao sắc nhưng đều sợ đứt tay". Là chính khách chuyên nghiệp, bà đã bị "đứt tay" và có sợ điều này?

Tôi chưa bị "đứt tay" vì dao sắc nhưng cũng không sợ đứt tay nếu điều đó xảy ra.

Vì sao vậy, thưa bà?

Tôi chưa bị "đứt tay" có lẽ không phải vì tôi tài giỏi hơn họ mà bởi tôi thực tâm với họ, với công việc, với đất nước. Tôi cũng không nghĩ nhà quản lý cái gì cũng phải giỏi hơn anh em nhưng một nhà quản lý giỏi dứt khoát phải có cái tâm sáng, biết cảm hóa và biết công nhận anh em chứ tuyệt đối không được phủ nhận, tranh công của người khác. Khôn ngoan là biết dùng dao sắc nhưng không để đứt tay. Mà nếu  đã vì dân, vì nước, vì sự nghiệp chung có bị "đứt tay" thì cũng có làm sao.

Xin cám ơn bà! 

Bùi Hoàng Tám

Thứ Hai, 08/09/2008 - 10:35 AM
Giáo sư Hồ Ngọc Đại:

Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

(Dân trí) - Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.
 >>  Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!

Niên học 2007-2008 kết thúc với khá nhiều ấn tượng đáng ghi nhận. Ngành giáo dục, sau nhiều năm bê trễ và luẩn quẩn có vẻ như đã tìm được hơi thở mới. Hàng loạt các phong trào “Hai không”, “Bốn không” đã thu được những thành quả nhất định. Các kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc  hơn, đặc biệt là kỳ thi đại học. Gần đây nhất, việc Bộ GD-ĐT cho in 3 cuốn  đính chính sai sót trong SGK đã thể hiện tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào  sự thật.

Tuy nhiên, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn và xây dựng, không ít nhà chuyên môn cho rằng cách làm giáo dục theo kiểu phong trào nối tiếp phong trào như hiện nay sẽ khó đem lại hiệu quả lâu dài như mong muốn bởi phong trào chỉ mang lại hiệu quả trong những thời điểm nhất định. Hình như giáo dục của ta vẫn đang loay hoay với một tư duy giáo dục quen cam chịu, không dám “nổi loạn”.

Dân trí đã có cuộc trò chuyện với một nhà giáo dục nói dai, nói mãi, nói nhiều nhưng cũng là người nói đúng, nói trúng, nói quyết liệt và thẳng thắn đến mức nhiều khi “nghịch nhĩ” - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại. 

Thiếu lý luận giáo dục

Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, TS Chu Hảo nói đại ý rằng, giáo dục của chúng ta lại đang đi vào bất cập như đã từng bất cập, rằng giáo dục chưa được bắt đúng "bệnh" và những thành công hiện nay là thành công của cách làm phong trào và không bền vững. Ông có đồng ý với nhận xét này?

Tôi xin được thay 2 chữ: Bất cập = Thất bại.

Có lẽ trong văn cảnh này thì bản chất của hai từ trên không khác nhau nhiều lắm. Nó cũng chỉ là cách nói "nhiều" với "không ít" thôi. Tuy nhiên, vì sao các ông lại có nhận xét bi quan thế?

Tôi không bi quan, hiện tại nó đang như thế. Có lẽ câu cần hỏi là vì sao lại vẫn cứ để cho điều đó xảy ra?

Vâng, cứ cho là như thế,  theo ông thì nguyên nhân sâu xa của nó là gì?

Đó là vì chúng ta làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, thậm chí không loại trừ bằng lợi ích của một nhóm người mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục. Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó. Và do đó, không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào.

Trẻ em đang cần một nền giáo dục khác

Trước khi từ giã thế kỉ 20, chúng ta đã cố gắng hoàn thiện một nền tảng lý thuyết về giáo dục cho thế kỉ 21. Thế nhưng đã bước sang thế kỉ mới 8 năm rồi mà ông vẫn nói là vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu?

Khi chuẩn bị việc đó, chúng ta vẫn là con đẻ của thế kỉ 20 đi lo công việc của thế kỉ 21. Đó là một sai lầm. Phải coi thế kỉ 20 ra đi như một kẻ đột tử mà không thể "ăn bám" vào nó thêm nữa. Do đó, thế kỉ 21 phải tự lo liệu thân mình. Đây là hai thế kỉ hoàn toàn khác nhau về bản chất. Những đứa trẻ của thế kỉ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỉ 20.

Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dung intenet siêu tốc và máy vi tính hiện đại. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỉ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị "nhốt" trong cái lồng quá cũ và được "nhồi nhét" kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác.

"Nền giáo dục khác" là nền giáo dục như thế nào?

Một nền giáo dục có lý thuyết, không mò mẫm, không đối phó, không lừa dối, dù lừa dối người khác hay tự lừa dối chính mình. Tiếc thay có nhiều điều tỉnh táo thì lại đang được thực hiện một cách ngông cuồng!

Ngông cuồng. Đó là những điều gì vậy?

Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu.

Bằng đại học “cỏ đồng ta”

Cái mà ông nói là "nổi loạn tư duy" cụ thể ở đây là cái gì vậy?

Là thay đổi cách học và nội dung cần học, đặc biệt là ở tiểu học và đại học.

Tại sao lại đặc biệt ở tiểu học và ở đại học?

Đó là hai bậc học hoàn toàn khác nhau về mục đích. Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi.

Vô trách nhiệm là tội ác

Ông là người cả đời đi dạy tiểu học nên ông đặt vấn đề quá lớn về cấp tiểu học này chăng?

Tôi xin nói lại, không phải cả đời mà tính đến nay, tôi mới có 54 năm làm nghề sư phạm thì 40 năm gắn bó với tiểu học và tôi rất hiểu bậc học này. Đây mới là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất. Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm. Thiếu trách nhiệm, "bôi bẩn" những trang đầu đời của trẻ em là tội ác.

Theo ông, cần phải "bôi" cái gì lên trang giấy ấy? Hay nói cách khác, yêu cầu cụ thể ở từng lớp bậc tiểu học là gì?

Ví dụ lớp một là đọc thông, viết thạo, nắm vững luật chính tả, không thể tái mù. Đối với lớp hai viết thành câu, lớp ba không bao giờ viết sai câu. Thật vô lý khi 5 - 6 tuổi đã nói rất sõi, rất tinh tế, nhưng đến hết đại học vẫn viết sai chính tả. Viết sai tiếng mẹ đẻ là một điều sỉ nhục.

Sẽ sớm có sự thay đổi

Vừa qua trên Diễn đàn Dân trí, rất nhiều giảng viên trẻ rời bỏ giảng đường để đi tìm một môi trường khác mà theo họ, không chỉ là đồng lương. Ông giải thích gì về hiện tượng này?

Tôi có theo dõi diễn đàn này và thấy những người ra đi đều có lý của họ. Tôi trân trọng họ vì họ dám thể hiện quan điểm của mình. Một nền đại học là rao giảng, là bằng cấp, là đối phó… là vì những mục đích cá nhân đương nhiên là một môi trường bê trễ.

Quả là từ nhiều năm nay, nền giáo dục chưa bao giờ làm yên lòng dư luận xã hội, thậm chí chưa bao giờ không được coi là vấn đề bức bách. Theo ông, tình trạng này liệu còn kéo dài?

Không, không thể chịu được nữa rồi. Cuộc sống đã quá bí bách, không thể chịu được với thực trạng giáo dục, nên dứt khoát chỉ vài ba năm tới, sẽ có sự thay đổi lớn. Khi đó, những đòi hỏi chính đáng từ cuộc sống sẽ đủ sức mạnh vượt qua những lợi ích cục bộ, những lợi ích tạm thời của một nhóm người để giáo dục phát triển. 

Nếu vài ba năm tới, giáo dục có một cuộc cách mạng thực sự và đem lại thành công sẽ là điều rất vui nhưng giả sử không có điều đó?

Thì sẽ là bi kịch lớn và giả sử có được thành công thì cũng vẫn là bi kịch, bởi đáng lẽ giáo dục, đào tạo phải lĩnh ấn tiên phong, đi trước, dự đoán trước những đòi hỏi của xã hội mà bây giờ mới làm chạy theo, đuổi theo, lẽo đẽo theo. Nói vậy thôi, muộn còn hơn không.

Tôi chỉ là người cảm nhận được hơi thở thời đại

Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, cách đây tròn 30 năm (1978), khi đó Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục vừa ra đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hỏi ông và khi đó, ông đã nói là sẽ thất bại. Giờ đây, ông lại nói về những bi kịch của giáo dục Việt Nam. Ông là người bi quan hay bởi cái tính thích nói khác người?

Tôi luôn luôn dựa trên những luận cứ khoa học. Tôi không bi quan, không lạc quan mà cũng không bao giờ cho mình được phép nói khác những điều mình thu nhận được. Cũng xin nhắc lại rằng nhận định của tôi 30 năm trước đã hoàn toàn chính xác và trên thực tế, rất tiếc là công cuộc cải cách giáo dục đã thất bại. Còn những gì tôi nói hôm nay là thực tế đang diễn ra ở ngay ngày hôm nay ở mọi lớp học, cấp học, mọi trường, mọi lớp.

Ông là người hay nói những điều "nghịch nhĩ", thậm chí có người còn cho là gàn. Phải chăng vì là con rể của cố Tổng bí thư Lê Duẩn nên ông tự cho mình cái quyền gàn đó?

Ông Lê Duẩn đã mất cách đây 22 năm và 22 năm qua đầy biến động. Tôi là con đẻ của thời đại, cảm nhận được hơi thở của thời đại và cũng dám bỏ qua những lợi ích tầm thường để đi theo tiếng gọi của thời đại. Tiếc nỗi tôi đã 72 tuổi, cái quỹ thời gian không còn nhiều...

Nếu như được yêu cầu góp ý cho giáo dục hiện nay, ông sẽ nói điều gì?

Như anh Chu Hảo nói, không thể cải cách giáo dục bằng phong trào và làm phong trào nhiều như thế là đủ rồi. Nói "không" với cái xấu, cái ác là cần thiết nhưng quan trọng không phải là những cái "không" mà làm ra một cái "có"; trên cơ sở cái "có", hãy tập trung vào xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỉ 21. Đừng chần chừ! Mất thời gian là mất tuyệt đối!

Xin cám ơn giáo sư! 

Bùi Hoàng Tám

Thứ Bẩy, 30/08/2008 - 10:14 AM
Tiến sĩ Chu Hảo:

Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!

Tầm quan trọng của cải cách giáo dục
Tiến sĩ Chu Hảo: "Nhiều trí thức đã không giữ được phẩm hạnh".

(Dân trí) - Nghị quyết TƯ 7 sau một tháng ban hành đang dần đi vào cuộc sống, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Đây được coi là một cơ hội để từ đó, có thể hình thành một tầng lớp trí thức với đầy đủ tính năng, phẩm chất của nó.

Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần rất nhiều mồ hôi, công sức bởi cuộc sống luôn biến động và mọi chủ trương, đường lối phải bám sát những diễn biến của đời sống xã hội.

Làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và sâu rộng, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn TS Chu Hảo, Giám đốc - TBT NXB Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ & Môi trường. 

Cần những phản biện mang tính xây dựng

Được mời tham gia đóng góp về công tác trí thức ngay từ khi Nghị quyết trong giai đoạn soạn thảo, với tư cách một nhà khoa học, ông có đánh giá gì về nội dung Nghị quyết này?

Trước khi Nghị quyết ban hành, Thường trực Ban bí thư có triệu tập một số anh em trí thức thuộc nhiều lĩnh vực đến để tham khảo ý kiến. Tại đây, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện rất cao tinh thần trách nhiệm với đất nước. Đối với cá nhân, tôi cho rằng việc ra đời Nghị quyết này là một bước tiến khá dài trong quan điểm của Đảng về công tác trí thức. Nhất là trong tình hình nóng bỏng của kinh tế như vừa qua, chúng ta vẫn gác lại để tập trung bàn về trí thức chứng tỏ Đảng rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, nó chưa phản ánh được hết những đòi hỏi bức xúc của giới trí thức hiện nay.

Nghị quyết vừa ban hành, là đảng viên, tại sao ông lại có suy nghĩ như thế? Ông có sợ người ta cho là tư tưởng...?

Chính vì là đảng viên và mạo muội tự nhận mình là trí thức nên tôi nghĩ mình càng phải có trách nhiệm nói lên ý nghĩ trung thực của mình và có lẽ Đảng cũng rất cần những ý kiến phản biện trên tinh thần xây dựng.

Vậy theo ông, những đòi hỏi bức xúc đó là gì?

Trước hết, theo tôi khái niệm về trí thức ở đây còn rất chung chung. Điều này khiến người ta hiểu trí thức đơn giản chủ yếu chỉ là người có trình độ học vấn được đo bằng các loại bằng cấp. Thực ra, bằng cấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Cơ chế dân chủ để được độc lập sáng tạo

Những điều kiện nào để được coi là "đủ", thưa ông?

Người được coi (hay tự coi) mình là trí thức, ngoài yêu cầu phải đạt tới một trình độ tri thức nhất định còn phải là người quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội và phải có chính kiến trước các vấn đề đó.

Đặc biệt, trí thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn dư luận. Theo tôi hiểu, quan niệm hiện nay về tầng lớp trí thức chưa phù hợp vì nó bao gồm tất cả những người lao động trí óc ở tất cả mọi lĩnh vực. Điều quan trọng chúng ta cần có một tầng lớp trí thức tinh hoa trong một xã hội dân sự lành mạnh.

Nhưng Nghị quyết nhấn mạnh đến tự do tư tưởng tức là khuyến khích năng lực phản biện...?  

Đúng là Nghị quyết nhấn mạnh đến tự do tư tưởng và độc lập sáng tạo. Nhưng để có độc lập tư duy, tự do sáng tạo và khách quan phê phán thì phải có một cơ chế dân chủ để đảm bảo cho các quyền đó. Tự do là khát vọng bẩm sinh của con người, còn dân chủ thì phải được giáo dục, rèn luyện mới có.

Đúng là để có một đội ngũ trí thức xứng đáng là tầng lớp tinh hoa của xã hội không phải là điều đơn giản. Vậy theo ông, cần làm gì để tạo ra một tầng lớp trí thức đó?

Để có một tầng lớp trí thức với đầy đủ các ý nghĩa cần có hai điều kiện. Thứ nhất là một nền giáo dục quốc dân lành mạnh, tức là phải tạo ra những con người có tư duy phê phán độc lập và có nhân cách văn hóa. Tiếc rằng đây là vấn đề đã tồn tại hàng chục năm qua.

Thứ hai, phải có môi trường tinh thần lành mạnh. Môi trường này chính là cơ chế dân chủ để đảm bảo cho tự do tư tưởng và độc lập sáng tạo khoa học. Trong Nghị quyết, cũng có xu hướng đề cập đến vấn đề này nhưng tôi nghĩ có lẽ chưa được như mong muốn của tầng lớp trí thức nói chung. Vấn đề là tạo điều kiện để tầng lớp trí thức tự hình thành chứ không thể gò ép bằng những mệnh lệnh hành chính khiên cưỡng.

Nhiều người đã không giữ được phẩm hạnh 

Sao lại tự hình thành? Tức là theo ông, đến nay chúng ta vẫn chưa có đội ngũ trí thức?

Những cá nhân thì có nhưng tầng lớp thì chưa. Trong lịch sử, chúng ta đã có một tầng lớp nhà nho nhưng thực chất, họ còn thiếu một yếu tố khá cơ bản để tạo nên một tầng lớp trí thức, đó là tự do trong tư tưởng. Họ hầu hết học với tư tưởng làm quan phục vụ triều đình. Cho đến những năm đầu thế kỉ XX, có xuất hiện một số trí thức với các phong trào Duy tân, Đông kinh nghĩa thục... Đặc biệt là giai đoạn kháng chiến 9 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp bên mình một đội ngũ trí thức tinh hoa và đông đảo. 

Giáo sư Phạm Song khi trao đổi với chúng tôi đã đưa ra nhận xét rằng đã là trí thức thì không được hèn. Không nói lên sự thật, không có khí tiết thì không là trí thức. Anh có đồng ý với nhận định này?

Gần đây, có người nói trí thức của ta tuỳ thời, có người nói cơ hội, có người nhận xét nặng nề hơn là hèn... Theo tôi, ở một mức độ nào đó thì đều có. Đó là hậu quả khá dài của những phương thức sinh hoạt nặng nề nên để bảo trọng, để không bị loại ra khỏi "cuộc chơi", không còn phương tiện sinh sống thì không ít trí thức phải náu mình.

Trong cái không khí dồn nén thì khó có thể có được một tầng lớp trí thức có đủ dũng cảm và nhân cách. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trừ một số ít giữ được phẩm hạnh còn nhiều người tự nhận mình là trí thức, là sĩ phu cũng không đủ dũng cảm để vượt qua những trở ngại tinh thần đó. Do vậy hơn lúc nào hết, đây là thời kỳ cần phải xây dựng một cơ chế dân chủ đảm bảo tự do tư tưởng và độc lập sáng tạo thì mới có thể xây dựng một tầng lớp trí thức đúng nghĩa với vai trò tinh hoa của dân tộc.

Nói lúc về hưu không phải là "hội chứng"

Thưa nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ & Môi trường, ông đã nói rất hay, rất "thoáng" nhưng xin hỏi thành thực, tại sao khi còn quyền lực, ông không thực thi những ý tưởng tốt đẹp này? 

Trước hết, tôi phải nói với bạn rằng chức thứ trưởng không phải là một quyền lực gì ghê gớm, nhất là đối với một lĩnh vực có tính đại sự quốc gia này. Mặt khác khi tham gia quản lý, anh là một công chức và đương nhiên phải tôn trọng những kỉ luật đã được xác lập. Do đó nhiều khi phẩm tính trí thức quản lý không được trọn vẹn như những trí thức không tham gia quản lý.   

Thưa, xin được nói thẳng, hình như đang có một "hội chứng" là khi còn chức, còn quyền thì không làm, không nói nhưng khi về hưu thì lại hay "lớn tiếng"?

Đơn giản là khi còn tham gia quản lý, họ là con người của guồng máy đó nên phải tôn trọng kỉ luật guồng máy, chưa kể người trong cuộc khó có cái nhìn khách quan như người ở ngoài cuộc. Tôi nghĩ không nên câu nệ quá vào chuyện nói lúc nào mà nên xét xem người đó nói có đúng, có trúng không. Không nên coi nói lúc về hưu là... "hội chứng".

Không phải ai cũng đố kị, ghen ghét

Vừa qua, trên Diễn đàn Dân trí đã diễn ra một cuộc trao đổi sôi động và thẳng thắn của một số trí thức trẻ về nguyên nhân họ rời bỏ quê hương, rời bỏ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là nhiều giảng viên đại học trẻ rời bỏ giảng đường để tìm môi trường khác. Là giáo sư nhiều năm trên bục giảng, ông nghĩ về hiện tượng này?

Trước hết, cho tôi được đính chính: đừng gọi tôi là PGS, GS gì nữa vì từ hơn mười năm nay, tôi không còn tham gia giảng dạy sinh viên rồi. Mà theo tôi, đã không giảng dạy thì không nên gọi là giáo sư và cũng không nên nhận mình là giáo sư. Tôi là người không tác thành kiểu "giáo sư cả đời" và "giáo sư cả nước". Giáo sư của trường nào, của bộ môn nào thì nên để bộ môn đó bầu, trường đó phong.

Còn hiện tượng bỏ công sở và giảng đường để tìm môi trường khác theo tôi là một tín hiệu lành mạnh. Những trí thức trẻ đã nhìn thấy ở hệ thống còn nhiều bất cập trong sử dụng, đề bạt... không thỏa mãn chí tiến thủ của họ nên họ ra đi. Hiện tượng này có thể gây mất ổn định về tổ chức nhưng lại có tính cảnh báo rất cao. Các nhà quản lý đương nhiên phải cải thiện tình hình bằng cách đề ra những biện pháp khả thi để giữ những người có năng lực thực sự.  

Trong Diễn đàn của chúng tôi, điều quan ngại nhất mà các giảng viên trẻ nêu ra là thói "già làng - trưởng bản", bệnh "cây đa - cây đề" trong trường đại học. Là người khá am hiểu môi trường này, ông có nhận xét gì? 

Tôi thấy bản thân những người làm khoa học trong các trường đại học không phải ai cũng có tính ghen ghét, đố kị nhưng đôi khi, cái cơ chế về đề bạt, cất nhắc hiện nay đã tạo ra tình trạng "sống lâu lên lão làng". 

Dùng phong trào để "cứu" nền giáo dục là một sai lầm

Dùng phong trào để chấn chỉnh, để cải cách giáo dục là một sai lầm. Chỉ có một chiến lược hợp lý mới mang lại thành công lâu dài

Khi GS Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo, ông có "cảnh báo" rằng nếu sau 100 ngày “ngồi trên ghế nóng”, ông Nhân không tìm ra được "điểm huyệt" thì sẽ thất bại. Sau hai năm với một loạt các đường hướng đổi mới, ông có nghĩ rằng Bộ trưởng Nhân tìm đúng "điểm huyệt"?

Chưa. Xin thưa với các bạn và cả Phó Thủ tướng, Bộ trưởng là giáo dục của chúng ta đang có xu hướng đi vào bất cập như đã từng bất cập.

Nhưng ngành giáo dục đang thành công ở hàng loạt các phong trào...? 

Đó có thể lại chính là nguyên nhân của bất cập. Đã là phong trào thì có lên, có xuống nên các phong trào chỉ thực hiện được những nhiệm vụ cấp bách và giành được thắng lợi trong từng thời điểm. Dùng phong trào để chấn chỉnh, để cải cách giáo dục là một sai lầm. Chỉ có một chiến lược hợp lý mới mang lại thành công lâu dài.

Xin cám ơn ông!

Bùi Hoàng Tám

Đổi mới tư duy: imitduy.doc

Học suốt đời: HCHISUTI.docx

Bàn về đổi mới PP giảng day:

doimoiPP.doc

Xu hướng giáo dục: Xuhuonggiaoduc.doc

Một số trang gia sư: http://www.giasuams.com

http://tve.vn

http://tuvanvala.com

 *************************************************************************************************************

Back to home page