Thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là gì

Hai hiện tượng xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền rất phổ biến và phức tạp trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây là hai hiện tượng dễ gây nhầm lẫn vì thế với mong muốn hiểu rõ vấn đề trên, em xin lựa chọn đề tài: “Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế? Cách thức giải quyết hai hiện tượng này trong tư pháp quốc tế có điểm gì chung và khác biệt? Tại sao? Cho ví dụ minh họa.”

Trong quá trình làm bài không tránh khỏi những thiếu sót, mong thầy cô góp ý để bài làm của em hoàn thiện hơn.

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, Tư pháp, Hà Nội, 2017.
  • Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, ĐHQG, Hà Nội, 2013.
  • Bộ luật dân sự 2015
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế

Khái niệm xung đột luật và xung đột thẩm quyền

Xung đột luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài

Xung đột thẩm quyền là hiện tượng hai hay nhiều cơ quan tư pháp của các quốc gia khác nhau cùng có thẩm quyền giải quyết một vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.

Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế

Về bản chất:

Xung đột thẩm quyền là vấn đề chọn các quy phạm xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế các vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể, để làm rõ Tòa án nước nào có thẩm quyền thực tế giải quyết thực chất vụ việc tư pháp quốc tế cụ thể đã phát sinh. Bản chất của hiện tượng xung đột thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế có liên hệ mật thiết với nhóm vấn đề thuộc Tố tụng dân sự quốc tế, trong đó có các vấn đề chính sau đây: xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế đối với các vụ việc tranh chấp thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế; ủy thác tư pháp quốc tế và thực hiện các hành vi tố tụng dân sự quôc tế riêng biệt; công nhận và thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài…

Xung đột luật: Bản chất của xung đột luật là phải tìm ra được hệ thống pháp luật áp dụng cho một quan hệ quốc tế cụ thể phát sinh trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hôn nhân – gia đình, lao động…Nghĩa là phải xác định các quy phạm luật thực chất cụ thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Xung đột luật mang tính khách quan, dù muốn hay không muốn thì xung đột luật vẫn tồn tại

Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế?

Về đặc điểm:

Xung đột thẩm quyền: luôn có sự xuất hiện của ít nhất hai cơ quan tư pháp của hai quốc gia khác nhau và không chắc chắn xác định được thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc duy nhất một cơ quan của quốc gia nào. Các cơ quan tư pháp có quyền xét xử theo thẩm quyền của mình và không loại trừ thẩm quyền xét xử của các cơ quan tư pháp của quốc gia khác.

Xung đột luật: luôn có sự xuất hiện của từ hai hệ thống pháp luật trở lên và sự tham gia của các hệ thống pháp luật chỉ cần dừng ở mức khả năng. Nghĩa là khi xảy ra xung đột luật mà đã giải quyết bằng cách chọn được một hệ thống pháp luật điều chỉnh tình tiết cụ thể thì những hệ thống pháp luật khác không điều chỉnh thêm về tình tiết đó nữa, hay nói cách khác sự điều chỉnh của một hệ thống pháp luật là duy nhất đối với một tình tiết cụ thể.

Về nguyên nhân:

Nguyên nhân của xung đột thẩm quyền: xuất phát từ chủ quyền tài phán của quốc gia. Quốc gia có chủ quyền tỏng việc lập pháp, hành pháp, tư pháp nên việc xác định thẩm quyền tài phán của quốc gia đối với các vụ việc thuộc chủ quyền của quốc gia. Trong khi đó, để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, pháp luật các quốc gia có thể đều quy định thuộc thẩm quyền tài phán của mình

Nguyên nhân xung đột luật do:

  • Pháp luật của các nước là khác nhau, mỗi nước có một hệ thống pháp luật riêng
  • Do có sự hiện diện của các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, hay các quan hệ tư pháp quốc tế. Các quan hệ này không giới hạn trong phạm vi thuần túy Việt nam mà các quan hệ đó liên quan đến nước ngoài, pháp luật nước ngoài
  • sự chấp nhận của nhà nước về việc cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài tỏng những quan hệ dân sự với điều kiện nhất định.

Về phạm vi:

Nếu như xung đột luật phát sinh trong việc giải quyết các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thì xung đột thẩm quyền chỉ phát sinh trong quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án.

Về trình tự giải quyết

Trong quá trình giải quyết xung đột luật và xung đột thẩm quyền là việc giải quyết xung đột thẩm quyền phải được diễn ra trước. Nghĩa là phải trả lời được câu hỏi về thẩm quyền, xác định được chủ thể có quyền giải quyết vụ việc thì mới có thể giải quyết được câu hỏi thứ hai – giải quyết xung đột pháp luật.

Về phương pháp

Phương pháp giải quyết xung đột luật bao gồm: phương pháp xung đột và phương pháp thực chất. Hai phương pháp này có sự kết hợp hài hòa cũng như tác động tương hỗ lẫn nhau để thiết lập một cơ chế điều chỉnh nhằm giải quyết một cách có hiệu quả xung đột pháp luật. Qua đó thiết lập một cơ chế điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế và bảo đảm trật tự dân sự quốc tế.

Phương pháp giải quyết xung đột thẩm quyền, đó là xây dựng các quy phạm thực chất, xác định cụ thể thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế hoặc bằng cách vận dụng các quy phạm xung đột về thẩm quyền được ghi nhận trong văn bản pháp luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế.

Thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là gì
Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế

Cách thức giải quyết hai hiện tượng này trong tư pháp quốc tế có điểm gì chung và khác biệt? Tại sao

Giải quyết xung đột thẩm quyền xét xử là việc xác định một Tòa án của một quốc gia cụ thể có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong số hai hay nhiều Tòa án của nhiều quốc gia khác có liên quan.

Phương pháp giải quyết xung đột pháp luật là cách thức giải quyết vấn đề khi có tình huống hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế

Giống nhau

Việc giải quyết xung đột luật hay xung đột thẩm quyền đều phải dựa trên những nguyên tắc nhất định chứ không thể tự do, tùy tiện. Nghĩa là dù cho việc lựa chọn đó là lựa chọn cơ quan có thẩm quyền xét xử hay hệ thống pháp luật được áp dụng thì đều không dựa vào ý chí chủ quan của bất kỳ chủ thể nào, dù đó là các bên trong quan hệ hay cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Điểm thứ hai là trong quá trình giải quyết xung đột thẩm quyền cũng như xung đột luật đều sử dụng các quy phạm xung đột và các quy phạm thực chất tuy cách sử dụng hai loại quy phạm này đối với mỗi trường hợp giải quyết xung đột là khác nhau

Khác nhau

Thứ nhất, Về trình tự giải quyết xung đột:

Trước hết phải phải giải quyết xung đột thẩm quyền, sau đó mới giải quyết xung đột pháp luật. Chỉ khi xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc thì mới xét đến việc giải quyết vụ việc đó như thế nào. Việc xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là hành vi tố tụng được thực hiện trước khi giải quyết vấn đề xung đột pháp luật. Việc giải quyết xung đột luật là bước thứ hai trong mối liên hệ giữa giải quyết xung đột luật và xung đột thẩm quyền.

Xung đột luật và xung đột thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế ở một số nước theo hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở nguyên tắc lãnh thổ trong áp dụng pháp luật, vấn đề xác định hệ thống pháp luật và thẩm quyền xét xử của Tòa án thường trùng hợp một cách ngẫu nhiên. Nghĩa là Tòa án có thẩm quyền giải quyết chỉ áp dụng pháp luật nước mình (theo nguyên tắc Luật Tòa án – Lex fori). Song do mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nguyên tắc lãnh thổ trong áp dụng luật bị hạn chế phạm vi hiệu lực. Thế nên các trường hợp phát sinh đồng thời cả việc giải quyết xung đột thẩm quyền và giải quyết xung đột luật hiếm gặp hơn.

Thứ hai, về chủ thể có quyền giải quyết xung đột

Chủ thể có thẩm quyền giải quyết xung đột thẩm quyền là Tòa án nơi có đơn kiện của một trong hai bên chủ thể của tranh chấp. Chủ thể có thẩm quyền giải quyết xung đột luật là Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, về phương pháp giải quyết xung đột:

Đối với xung đột thẩm quyền:

Trong tố tụng dân sự quốc tế, đương sự sẽ quyết định việc lựa chọn cơ quan tài phán thông qua việc nộp đơn khởi kiện ra cơ quan tài phán có khả năng bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ. tòa án thụ lý đơn khởi kiện sẽ căn cứ vào các dấu hiệu xác định thẩm quyền xét xử quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế ( nếu có) hoặc trong văn bản pháp luật về tố tụng của nước mình để xác định thẩm quyền.

Thứ nhất: Tòa án có thể căn cứ vào các quy định trong điều ước quốc tế như các HĐTTTP về các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình giữa Việt Nam và các nước; hiệp định thương mại, hiệp định thương mại, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư,…để xác định thẩm quyền

Thứ hai: trong trường hợp không có điều ước quốc tế về xác định thẩm quyền hoặc có điều ước quốc tế mà không có quy định về thẩm quyền thì sẽ vận dụng các quy phạm xung đột về thẩm quyền được ghi nhận trong văn bản pháp luật quốc gia hoặc các điều ước quốc tế có liên quan quy định để xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế. Có rất nhiều quy tắc, dấu hiệu làm cơ sở để xác định thẩm quyền, có thể nêu một số dấu hiệu phổ biến áp dụng trong thực tiễn, đó là:

  • Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu quốc tịch của một bên hoặc các bên đương sự trong vụ án dân sự quốc tế.
  • Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu nơi thường trú của bị đơn dân sự.
  • Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu sự hiện diện của bị đơn hoặc tài sản của bị đơn dân sự tại lãnh thổ của nước nơi có Tòa án giải quyết tranh chấp
  • Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu nơi có vật đang tranh chấp.
  • Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu mối quan hệ giữa vụ tranh chấp với lãnh thổ của nước có Tòa án thụ lý đơn kiện.

Đối với xung đột luật:

Trong Tư pháp quốc tế có những cách thức rất riêng và đặc thù để giải quyết xung đột luật, cụ thể:

  • Áp dụng các quy phạm pháp luật thực chất

Phương pháp thực chất là phương pháp dùng quy phạm pháp thực chất, trực tiếp điều chỉnh quan hệ mà không cần qua bất kỳ một khâu trung gian nào. Là phương pháp đơn giản nhất, nhanh chóng nhất trong việc giải quyết xung đột pháp luật.

Quy phạm thực chất là loại quy phạm phá luật quy định cụ thể cách thức ứng xử của các chủ thể tham gia quan hệ, là các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, trự tiếp điều chỉnh quan hê, trực tiếp tác động tới quan hệ. Bao gồm: quy phạm thực chất thống nhất là loại quy phạm thực chất nằm trong các điều ước quốc tế và quy phạm thực chất thông thường là loại quy phạm thực chất nằm trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Phương pháp thực chất được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết xung đột pháp luật, nhưng không phải là phương pháp duy nhất. Do phương pháp này sử dụng các quy phạm thực chất mà phần lớn là các quy phạm thực chất thống nhất tồn tại trong các điều ước quốc tế, mà không phải lĩnh vực nào cũng có điều ước quốc tế, và trong quá tình đàm phán thương lượng để xây dựng điều ước quốc tế thì để thống nhất được các quy phạm thực chất cũng rất khó khăn.

  • Áp dụng quy phạm xung đột để giải quyết

Phương pháp xung đột là phương pháp sử dụng các quy phạm xung đột để giải quyết xung đột pháp luật.

Đây là các quy phạm pháp luật đặc biệt vì nó không quy định các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, không quy định các hình thức và biện pháp chế tài có thể áp dụng đối với bên vi phạm. Quy phạm xung đột chỉ xác định hệ thống pháp luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ, còn bản thân quan hệ lại chưa giải quyết, muốn giải quyết vấn đề thì cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào quy phạm xung đột, áp dụng hệ thống pháp luật mà quy phạm xung đột đã dẫn chiếu tới

Phương pháp xung đột là phương pháp điều chỉnh gián tiếp bởi phương pháp này chỉ lựa chọn hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng chứ không có giải pháp nội dung cụ thể để giải quyết trọn vẹn vấn đề. Vấn đề chỉ thực sự giải quyết triệt để khi cơ quan có thẩm quyền theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột, tìm ra được các quy định thực định của pháp luật được dẫn chiếu đến, và dùng các quy định đó để điều chỉnh quan hệ. Phương pháp xung đột là phương pháp phổ biến và đặc thù của tư pháp quốc tế được hầu hết các quốc gia áp dụng

  • Áp dụng tập quán quốc tế hoặc pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội tương tự

Trong một số trường hợp không có cả quy phạm thực chất lẫn quy phạm xung đột để điều chỉnh quan hệ. Trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của đương sự, thì cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cần tìm một giải pháp khác để giải quyết vấn đề. Cách thức thường được áp dụng là sử dụng tập quán quốc tế hoặc “pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội tương tự” trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia mình cũng như đường lối, chính sách đối ngoại của nhà nước.

Thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là gì
Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế

Ví dụ thực tế

Năm 2015, Anh A mang quốc tịch Đức nhờ chị B quốc tịch Việt nam mua hộ mình một căn nhà tại khu chung cư M5 Ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh với giá 10 tỷ

Cuối năm 2015 , A về Việt Nam và phát hiện căn nhà mà A nhờ B mua lại đứng tên chị B. Đến tháng 4/ 2016, A khởi kiện đòi B trả lại căn nhà

Lúc này, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án nước nào và sẽ áp dụng pháp luật nước nào ?

  • Đầu tiên giải quyết xung đột thẩm quyền:

Trong tình huống trên, Việt nam và Đức chưa hình thành điều ước quốc tế mới về tương trợ tư pháp, vì thế không thể áp dụng phương pháp sử dụng điều ước quốc tể để xác định thẩm quyền trong tình huống này. Lúc này sẽ vận dụng các quy phạm xung đột về thẩm quyền được ghi nhận trong văn bản pháp luật quốc gia hoặc các điều ước quốc tế có liên quan quy định để xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế.

Khi thụ lí một vụ việc cụ thể, nếu không có điều ước quốc tế về xác định thẩm quyền xét xử, thì Tòa án Việt Nam sẽ căn cứ vào các dấu hiệu xác định thẩm quyền trong pháp luật tố tụng Việt Nam để xác định thẩm quyền của mình.

Theo điểm a khoản 1 Điều 470 BLTTDS 2015 quy định Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:“ a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;”

Trong ví dụ trên, tài sản tranh chấp giữa anh A và chị B là căn nhà tại khu chung cư M5 Ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh với giá 10 tỷ là loại tài sản bất động sản đang nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Vì thế lúc này, tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt xử lý vụ án này.

Cơ quan tài phán của Đức không có thẩm quyền giải quyết, và nếu giả sử đơn khởi kiện được tòa án Đức thụ lý và giải quyết thì bản án, quyết định đó sẽ không được công nhận tại Việt Nam khi mà vụ việc này thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam (theo ĐIều 439 và Điều 440 BLTTDS)

  • Giải quyết xung đột pháp luật

Để giải quyết xung đột pháp luật, thông thường các quốc gia tham gia vào các điều ước song phương hoặc đa phương. Nếu các quốc gia có xung đột pháp luật đều tham gia vào các điều ước này thì sẽ giải quyết theo quy định của điều ước.

Trường hợp này, Việt Nam và Đức chưa tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này nên sẽ ưu tiên sử dụng pháp luật của Việt nam nơi tồn tại căn nhà đang là đối tượng tranh chấp. Mặt khác, chúng ta đã xác định được thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án Việt nam vì thế sẽ áp dụng pháp luật Việt nam theo nguyên tắc Luật Tòa án – Lex fori

Điều 678. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản

“1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2.Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Trong tình huống trên, căn nhà mà anh A nhờ chị B mua đang ở Việt nam – là nước đang có tài sản là bất động sản, vì thể sẽ áp dụng pháp luật Việt nam

Trên đây là những phân tích về đặc điểm của xung đột thẩm quyền và xung dột pháp luật. Đây là hai phạm trù phức tạp của tư pháp quốc tế. Cần phân biệt rõ ràng hai phạm trù này đồng thời tìm ra các phương thức giải quyết xung đột để khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trên thực tế một cách dễ dàng và thuận lợi nhất.

Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề:Phân biệt xung đột luật và xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế? Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.