Tổng cung là gì phần tích các yếu tố tác động đến tổng cung

(Last Updated On: 26/07/2022 by Lytuong.net)

Tổng cung là giá trị tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp trong nền kinh tế sẵn lòng cung ứng tại mỗi mức giá, trong một khoảng thời gian nhất định, với các điều kiện khác không đổi.

Xem thêm: Tổng cầu

2. Các dạng tổng cung

Tổng cung biểu diễn mối quan hệ giữa sản lượng cung ứng về hàng hóa – dịch vụ và mức giá, mà giá cả thì linh hoạt trong dài hạn và cứng nhắc trong ngắn hạn nên mối quan hệ này tùy thuộc vào khoảng thời gian mà chúng ta xem xét. Do đó, tổng cung có hai dạng: tổng cung ngắn hạn và tổng cung dài hạn.

Ngắn hạn là khoảng thời gian mà khi mức giá thay đổi (tăng hoặc giảm), giá của các yếu tố đầu vào vẫn không thay đổi theo với cùng tỷ lệ tương ứng.

Sở dĩ như vậy vì giá của nhiều yếu tố đầu vào bị ràng buộc bởi các hợp đồng đã ký, như hợp đồng lao động, hợp đồng thuê mướn nhà xưởng, máy móc… Ví dụ như khi giá tăng, doanh nghiệp không lập tức tăng lương cho công nhân, hay các chủ đất không thể ngay lập tức tăng tiền thuê mướn mặt bằng, nhà xưởng vì bị ràng buộc bởi các hợp đồng đã ký trước đó.

Dài hạn là khoảng thời gian mà khi mức giá thay đổi (tăng hoặc giảm), giá của các yếu tố đầu vào sẽ thay đổi với cùng tỷ lệ tương ứng. Vì lúc này các hợp đồng kinh tế đã hết hạn nên các bên có thể thực hiện các điều chỉnh tương ứng với sự thay đổi của mức giá.

Như vậy, ngắn hạn hay dài hạn khi xem xét tổng cung không được đánh giá bằng thời gian mà phải bằng sự điều chỉnh kinh tế.

Bây giờ, chúng ta đi xem xét các dạng tổng cung.

a. Tổng cung ngắn hạn (SAS)

Tổng cung ngắn hạn phản ánh mối quan hệ giữa tổng cung và mức giá trong điều kiện giá các yếu tố đầu vào chưa thay đổi.

Đường tổng cung ngắn hạn được Keynes đề xướng và các nhà kinh tế học thuộc trường phái sau Keynes bổ sung với giả thiết giá cả và tiền lương cứng nhắc.

Trên đồ thị, trục tung biểu diễn mức giá, trục hoành biểu diễn tổng sản lượng hàng hóa dịch vụ, đường tổng cung ngắn hạn có dạng dốc lên.

Tổng cung là gì phần tích các yếu tố tác động đến tổng cung
Đồ thị đường tổng cung ngắn hạn

Đường tổng cung dốc lên trong ngắn hạn, nghĩa là khi mức giá chung tăng có xu hướng làm tăng lượng cung hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, và ngược lại.

Nguyên nhân đường tổng cung ngắn hạn dốc lên do:

Hiệu ứng lợi nhuận: Lợi nhuận là động cơ hàng đầu của việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp. Khi giá cả tăng trong khi giá các yếu tố đầu vào chưa thay đổi, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên nên các doanh nghiệp sẽ gia tăng tốc độ sản xuất, gia tăng sản lượng. Giá cả giảm sút sẽ gây ra hiệu ứng ngược lại, doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng sản xuất và bán ra.

Hiệu ứng chi phí: Độ dốc hướng lên còn được lý giải bởi sự gia tăng chi phí. Khi giá tăng, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thuê mướn nhiều lao động hơn. Tuy nhiên, nguồn lực của nền kinh tế là có giới hạn, nên khi sản lượng đạt đến sản lượng tiềm năng, nguồn cung ứng đầu vào trở nên khan hiếm làm tăng chi phí sản xuất nên dù mức giá có tăng thì sản lượng cũng không tăng nhiều như trước được và đến một lúc nào đó, sản lượng không thể tăng thêm, đường tổng cung hầu như thẳng đứng.

Như vậy, đường tổng cung ngắn hạn (SAS) có dạng dốc lên, khi vượt quá sản lượng tiềm năng, độ dốc càng tăng và sau đó thì thẳng đứng.

b. Tổng cung dài hạn (LAS)

Tổng cung dài hạn phản ánh mối quan hệ giữa tổng cung và mức giá trong điều kiện giá các yếu tố đầu vào thay đổi cùng tỷ lệ với mức giá đầu ra của sản phẩm.

Đường tổng cung dài hạn được các nhà kinh tế học cổ điển đề xướng trên cơ sở giá cả và tiền lương linh hoạt cho nên thị trường tự động điều chỉnh để sử dụng hết các yếu tố sản xuất, nền kinh tế cân bằng toàn dụng, tổng cung là cố định. Do đó sản lượng không phụ thuộc vào mức giá mà chỉ phụ thuộc vào nguồn lực của nền kinh tế như: lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật công nghệ và quản trị…hiện có. Đường tổng cung dài hạn là một đường thẳng đứng.

Khi mức giá đầu ra tăng bao nhiêu lần thì giá yếu tố đầu vào cũng tăng bấy nhiêu lần làm lợi nhuận của doanh nghiệp không tăng, doanh nghiệp không còn động cơ mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không có ý định thu hẹp sản xuất vì như vậy chi phí cố định trên một sản phẩm là rất lớn. Do đó, doanh nghiệp sẽ duy trì sản xuất tại mức sản lượng tiềm năng.

Tổng cung là gì phần tích các yếu tố tác động đến tổng cung
Đồ thị đường tổng cung dài hạn

Như vậy, trong dài hạn, khi có sự điều chỉnh cùng tỷ lệ giữa mức giá và giá các yếu tố sản xuất, các doanh nghiệp sẽ duy trì sản lượng ở mức toàn dụng. Nói cách khác, đường tổng cung dài hạn là đường thẳng đứng tại sản lượng tiềm năng.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến tổng cung

Tổng cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có những yếu tố chỉ tác động đến tổng cung trong ngắn hạn nhưng cũng có những yếu tố tác động đồng thời đến tổng cung ngắn hạn và dài hạn.

Những nhân tố chỉ tác động đến tổng cung ngắn hạn bao gồm:

Mức giá chung của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, khi mức giá chung tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất làm tăng sản lượng cung ứng cho nền kinh tế.

Giá của các yếu tố sản xuất như tiền lương, thuế, lãi suất… Khi giá các yếu tố sản xuất, ví dụ như tiền lương tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng cung ứng cho nền kinh tế ở mọi mức giá.

Những yếu tố tác động đồng thời đến tổng cung ngắn hạn và tổng cung dài hạn: Đó là các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ. Những nhân tố này tác động năng lực sản xuất của nền kinh tế do đó ảnh hưởng đến tổng cung cả trong ngắn hạn và dài hạn.

4. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường tổng cung

Đường tổng cung biểu hiện mối quan hệ giữa lượng cung về hàng hóa dịch vụ và mức giá. Do đó, khi mức giá thay đổi sẽ làm lượng cung di chuyển dọc theo đường tổng cung. Ta gọi đó là hiện tượng trượt cung hay sự di chuyển của đường tổng cung.

Nếu những nhân tố khác mức giá tác động sẽ gây ra hiện tượng dịch chuyển đường tổng cung. Trong đó:

Nếu các nhân tố thuộc nguồn lực đề cập ở trên thay đổi sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của cả đường tổng cung ngắn hạn và dài hạn. Khi nguồn lực của quốc gia tăng, ví dụ một phát minh mới làm tăng năng suất lao động, sẽ làm đường tổng cung (ngắn hạn và dài hạn) dịch chuyển sang phải. Ngược lại, khi có sự sụt giảm các nguồn lực, ví dụ thời tiết thay đổi làm mất mùa, sẽ làm đường tổng cung dịch chuyển sang trái.

Tổng cung là gì phần tích các yếu tố tác động đến tổng cung
Sự dịch chuyển của đường cung ngắn hạn và dài hạn.

Nếu các nhân tố như tiền lương hay giá các yếu tố sản xuất khác tăng lên sẽ làm đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang trái và ngược lại, còn đường tổng cung dài hạn thì không đổi vì những nhân tố này không tác động đến tổng cung dài hạn.

Tổng cung là gì phần tích các yếu tố tác động đến tổng cung
Sự dịch chuyển của đường tổng cung ngắn hạn

(Nguồn tài liệu: Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Bài giảng kinh tế vĩ mô 2021)

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỔNG CUNG AS

Một đường tổng cung cho sẵn chỉ ra mối quan hệ giữa mức giá và mức sản lượng thực tế, những thứ khác như nhau. Nhưng khi một trong những điều này thay đổi, thì đường tổng cung dịch chuyển.

Ba nhân tố của tổng cung được liệt kê bên dưới:

1/ Giá nguyên liệu đầu vào

Giá đầu vào hoặc nguồn lực – sẽ được phân biệt rõ với giá đầu ra tạo nên mức giá – là một phần chính trong chi phí sản xuất của mỗi sản phẩm, và vì vậy là nhân tố quyết định của tổng cung. Những nguồn lực này có thể ở trong nước hoặc nhập khẩu.

Giá nguồn lực trong nước: Mức lương nhân công chiếm đến 75% chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Nếu những nhân tố khác không đổi, sự cắt giảm trong mức lương giảm chi phí sản xuất của mỗi sản phẩm. Vì vậy đường tổng cung dịch chuyển sang phải. Sự tăng lương dịch đường tổng cung sang trái. Ví dụ: Cung lao động tăng do nhập cảnh tăng. Lương nhân công và chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm giảm, làm đường AS dịch chuyển sang phải. Cung lao động giảm bởi sự gia tăng trong thu nhập trợ cấp, làm cho những công nhân lớn tuổi lựa chọn về hưu sớm. Mức lương và chi phí sản xuất tăng, làm đường AS dịch chuyển sang trái.

Tương tự, đường tổng cung dịch chuyển khi giá đất đai và các nguồn vốn tư bản thay đổi. Ví dụ:

- Giá máy móc và thiết bị giảm do sự giảm giá sắt thép và các thành phần điện tử. Chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm giảm, làm đường AS dịch chuyển sang phải.

- Nguồn cung của các loại nguồn lực được mở rộng thông qua sự phát minh của các khoáng thể mới, sự màu mỡ của đất đai, hoặc cải tiến kỹ thuật có thể chuyển các nguồn lực không thể sử dụng (ví dụ, đất sa mạc) thành những nguồn lực có giá trị (đất sản xuất). Giá của đất đai giảm xuống, chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm giảm, làm đường AS dịch chuyển sang phải.

Giá của nguồn lực nhập khẩu Cũng như nhu cầu của người nước ngoài đối với hàng hóa Mỹ góp phần tạo nên tổng cầu của hàng hóa Mỹ, những nguồn lực nhập khẩu từ nước ngoài (ví dụ như dầu, thiếc, cao su) cũng được thêm vào tổng cung của Mỹ. Những nguồn lực này – dù ở trong nước hay nhập khẩu – thường làm giảm chi phí sản xuất. Sự sút giảm trong giá nguồn lực nhập khẩu vào Mỹ sẽ làm tăng tổng cung ở Mỹ, trong khi sự tăng giá sữ làm giảm tổng cung.

Một ví dụ điển hình về sự ảnh hưởng của thay đổi mức giá nguồn lực nhập khẩu có thể làm thay đổi tổng cung đó là ví dụ về giá dầu những năn 1970. Vào thời điểm đó, một nhóm các quốc gia sản xuất dầu gọi là tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã đồng ý với nhau trong việc cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu. Giá dầu tăng gấp 10 lần mà OPEC đã đạt được trong suốt những nam 1970 đã làm tăng chi phí sản xuất và làm đường tổng cung ở Mỹ dịch sang trái. Ngược lại, sự giảm giá dầu giữa thập niên 80 đã làm đường tổng cung ở Mỹ dịch chuyển sang phải. Vào

năm 1999, OPEC lại tiếp tục điều chỉnh làm tăng giá dầu, và vì vậy chi phí sản xuất cho một số doanh nghiệp ở Mỹ bao gồm các doanh nghiệp hàng không và các công ty vận chuyển như fedex hoặc UPS tăng lên. Những thay đổi gần đây trong việc tăng giá dầu là do tăng trong lượng cầu thay vì tăng trong sản lượng của OPEC. Nhưng cần lưu ý răng, cho dù là lý do như thế nào, sự

gia tăng giá dầu và các nguồn lực khác làm thay đổi phí sản xuất và giảm tổng cung.

Sự thay đổi trong tỷ giá cũng là một trong những nhân tố có thể làm thay đổi giá của nguồn lực nhập khẩu. Giả sử đồng đô-la tăng giá, cho phép các doanh nghiệp Mỹ có thể mua nhiều ngoại tệ hơn với mỗi đồng đô-la. Điều này có nghĩa rằng những người sản xuất trong nước sẽ trả ít đồng đô-la hơn để mua những nguồn lực nhập khẩu. Doanh nghiệp Mỹ sẽ phản ứng bằng cách tăng

sản lượng nhập khẩu của những nguồn lực nước ngoài, vì vậy giảm chi phí sản xuất của họ tại mỗi mức sản lượng. Sự cắt giảm chi phí sản xuất sẽ làm đường tổng cung dịch chuyển sang phải.

Sự giảm giá của đồng đô-la sẽ có ảnh hưởng ngược lại, và nó sẽ làm đường tổng cung dịch chuyển sang trái.

2/Năng suất lao động

Nhân tố quan trọng thứ hai trong tổng cung đó là năng suất lao động, là sự đo lường mối quan hệ giữa mức sản lượng thực tế của một quốc gia và lượng nhân lực dùng để sản xuất sản lượng đó. Năng suất là sự đo lường sản lượng thực tế trung bình, hoặc sản lượng thực tế trên mỗi đơn vị

đầu vào: Năng suất = tổng sản lượng đầu ra/ tổng sản lượng đầu vào

 Bằng cách giảm phí sản xuất trên mỗi sản lượng, sự gia tăng năng suất làm đường tổng cung dịch chuyển sang phải. Nhân tố chính trong gia tăng năng suất, đó là tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật, thường là những nhà máy hoặc thiết bị cũ được thay thế bởi những thiết bị mới. Một vài nhân tố khác có thể làm tăng năng suất như nguồn nhân lực được đào tạo và có tay nghề cao, cải thiện loại hình doanh nghiệp,  và sự tái phân bổ nguồn lao động từ năng suất thấp sang năng suất cao.

Ngược lại, sự giảm năng suất lao động làm tăng chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng, và vì vậy làm giảm tổng cung, đường tổng cung dịch sang trái.

3/Môi trường tổ chức pháp luật

- Những thay đổi trong môi trường tổ chức pháp luật trong đó các doanh nghiệp đang hoạt động là nhân tố cuối cùng trong tổng cung. Những thay đổi đó có thể làm thay đổi chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng, và vì vậy làm dịch chuyển đường tổng cung. Hai thay đổi trong loại hình này đó là (1) thay đổi mức thuế và khoảng trợ cấp, và (2) thay đổi trong các quy định pháp luật.

Thuế doanh nghiệp và các khoảng trợ cấp: Mức thuế doanh nghiệp cao, như thuế bán hàng, thuế thu nhập, làm tăng chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng và giảm tổng cung giống như sự tăng mức lương nhân công. Sự gia tăng trong mức thuế phải trả của các doanh nghiệp làm tăng chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng, và làm đường tổng cung dịch sang trái.

Tương tự, các khoản trợ cấp của doanh nghiệp – tiền mặt hoặc cắt giảm thuế - làm giảm chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng và tăng tổng cung. Ví dụ, chính phủ trợ cấp cho những doanh nghiệp sử dụng kết hợp ethnol (chiết suất từ bắp) với xăng dầu để làm tăng cung xăng dầu ở Mỹ. Điều này làm giảm chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng trong sản xuất xăng tổng hợp. Nếu những khoản trợ cấp này được thành công, thì đường tổng cung sẽ dịch sang phải

- Quy định của chính phủ: Thông thường các doanh nghiệp rất tốn kém khi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến quy định của chính phủ. Nhiều quy định sẽ dẫn đến sự gia tăng trong chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng, và làm đường tổng cung dịch sang trái. Những người ủng hộ bãi bỏ các quy định khẳng định rằng, bằng cách tăng tính hiệu quả và giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan đến các quy định, bãi bỏ quy định sẽ làm giảm chi phí sản xuất trên mỗi sản lượng và dịch chuyển đường tổng cung sang phải. Những nhà kinh tế học khác thì chưa khẳng định như vậy. Sự bãi bỏ quy định gây ra các thao túng trong kế toán, độc quyền hóa, và thất bại trong kinh doanh thì thường sẽ làm đường AS dịch chuyển sang trái thay vì sang phải.

Phạm Thị Thùy Miên