Tổng số máy bay mỹ bị rơi tại việt nam

Trắc nghiệm: Tổng số máy bay của đế quốc Mĩ do lực lượng phòng không Dân quân tự vệ bắn rơi ở Miền Bắc từ năm 1964-1972 là bao nhiêu?

A. 424 chiếc

B. 425 chiếc

C. 426 chiếc

D. 427 chiếc

Lời giải:

Đáp án: A. 424 chiếc

Tìm hiểu thêm về trận chiến năm 1964 – 1972 qua bài viết dưới đây cùng Top Tài Liệu nhé.

Tổng số máy bay mỹ bị rơi tại việt nam

1. 17,6%- tổn thất không tưởng của không quân Mỹ

Do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, đến ngày 29-12, máy bay B-52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài, không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa Hà Nội. Về phía ta, Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285), 78 và 79 (Trung đoàn 257), bố trí ở vòng ngoài tham gia đánh B-52, đã bắn rơi 2 máy bay (1 chiếc B-52, 1 chiếc F-4). Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12-1972.

Tổng số máy bay mỹ bị rơi tại việt nam

Tên lửa phòng không (màu xanh rêu) từng được sử dụng đánh B-52 và đống xác máy bay (trong đó có xác B-52) đang được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ. Ảnh: Hoàng Hà

Chỉ trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử sụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc nước ta với hơn 100 ngàn tấn bom (riêng tại Hà Nội, 444 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật đã ném xuống hơn 10 ngàn tấn bom). Không quân Mỹ đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Vượt lên đau thương, mất mát, với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta, mà nòng cốt là Bộ đội PK-KQ đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Cụ thể, có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52. Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu tổn thất không bù đắp được là mất rất nhiều phi công. Chỉ hơn 10 ngày, không quân Hoa Kỳ đã mất hàng trăm phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã bay hàng ngàn giờ. Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không quy mô lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công tối đa khoảng 1-2%, nhưng trong chiến dịch này, tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ chỉ tính riêng B-52 đã lên tới 17,6% (34/193 chiếc); cùng với 43 giặc lái (trong đó có 33 phi công lái máy bay chiến lược B-52), chưa kể số máy bay bị thương, mất tích và số phi công chết theo máy bay.

Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, 07 giờ 00 sáng 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27-01-1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.

2. Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972 – nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không Việt Nam độc đáo, sáng tạo

Nắm chắc tình hình chiến trường và diễn biến đàm phán giữa ta với Mỹ,  Đảng ta nhận định: Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, quy mô lớn hơn, nhiều khả năng chúng sẽ sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và một số thành phố lớn. Vì thế, ngay từ tháng 7/1972, Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không – Không quân gấp rút nghiên cứu xây dựng phương án tác chiến, biên soạn tài liệu cách đánh B-52, làm cơ sở để huấn luyện bộ đội. Chỉ đạo quân và dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kiện toàn các đơn vị dân quân, tự vệ, hình thành các tổ, đội bắn máy bay bay thấp rộng khắp và hiểm hóc. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp làm việc với Quân chủng Phòng không – Không quân, tư lệnh các binh chủng ra đa, tên lửa, không quân và Sư đoàn Phòng không Hà Nội để xác định phương án bảo vệ Thủ đô. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo toàn quân nghiên cứu thật kỹ, nắm chắc quy luật hoạt động của không quân địch, nhất là tính năng kỹ thuật, chiến thuật của máy bay B-52. Cục Tình báo, Viện Kỹ thuật Quân sự, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc phối hợp với chuyên gia Liên Xô khai thác, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến máy bay B-52, giải quyết các vấn đề trinh sát kỹ thuật vô tuyến, thông tin liên lạc,… phục vụ chiến đấu.

Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Phòng không – Không quân sớm hoàn thành Bản kế hoạch đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Công tác chuẩn bị tác chiến được Quân chủng triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Việc tổ chức hội nghị bàn cách đánh máy bay B-52, điều chỉnh lực lượng, triển khai sở chỉ huy các cấp, biên soạn tài liệu, nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị, khí tài thế hệ cũ,… được tiến hành theo đúng kế hoạch. Khi phương án tác chiến và tài liệu “Cách đánh B-52” được hoàn chỉnh, các đơn vị tên lửa, ra đa, pháo phòng không 100 mm gấp rút mở đợt huấn luyện đột kích với nội dung chủ yếu là đánh máy bay B-52. Cùng với đó, bộ đội Không quân cũng tích cực luyện tập phương án đánh máy bay B-52 trên năm hướng vào Hà Nội – “Phương án năm cánh sao”, với quyết tâm đánh bại các đợt tiến công bằng đường không của địch. Ngoài ra, các phương án, tài liệu đánh máy bay B-52 còn được phổ biến rộng rãi đến các đơn vị phòng không của Hà Nội, Hải Phòng và các các địa phương; đặc biệt, tài liệu “Cách đánh B-52” được ví như cuốn “cẩm nang đỏ” của lực lượng phòng không, không quân. Bởi nó được đúc kết từ thực tiễn chiến đấu của các trung đoàn tên lửa ở chiến trường miền Trung, Nam Lào, Bình Trị Thiên, v.v. Cách đánh đó, không chỉ vạch ra các phương án chống nhiễu, hướng dẫn cách phát hiện mục tiêu trên nền nhiễu, mà còn phổ biến cách phòng tránh tên lửa không đối đất – Sơ rai của địch, v.v. Đây là vấn đề quan trọng, cốt yếu để bộ đội phòng không, không quân bắn rơi “pháo đài bay B-52” bằng tên lửa thông thường dựa trên nền chiến tranh nhân dân, khiến kẻ địch bàng hoàng, khiếp sợ. Nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không của Đảng còn được thể hiện khi ta chủ động triển khai xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc, liên hoàn, linh hoạt, rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với vũ khí trang bị hiện có, đảm bảo đánh địch từ nhiều tầng, nhiều hướng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại do bom đạn của không quân Mỹ gây ra.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, quân, dân miền Bắc, đặc biệt là lực lượng phòng không, không quân đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của địch, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đó, càng khẳng định, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không Việt Nam tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Không quân nhân dân Việt Nam đã bắn rơi 320 máy bay (trong đó có 2 máy bay B-52) trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng PK-KQ và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ. Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, Quân chủng Không quân (trước đây) và hàng chục đơn vị và cán bộ, chiến sĩ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Thời gian sẽ trôi đi, song những chiến công hiển hách của Không quân nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” giặc Mỹ xâm lược; là thắng lợi của ý chí, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày nay, mặc dù tác chiến đường không đã có sự thay đổi căn bản và đặt ra yêu cầu rất cao, song với sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, vai trò của Không quân hết sức quan trọng. Không quân là một trong các lực lượng chủ yếu tiêu diệt các phương tiện đột nhập, tiến công đường không, bảo vệ các mục tiêu yếu địa của Tổ quốc và tham gia bảo vệ các lực lượng trong từng khu vực phòng thủ của đất nước. Không quân cùng với các lực lượng Tên lửa và các loại hỏa lực phòng không khác tạo nên một hệ thống hỏa lực liên hoàn, rộng khắp nhiều tầng, nhiều lớp, có hiệu quả.

Vinh dự là một trong các lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân đội xác định tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng PK-KQ nói chung, Bộ đội Không quân nói riêng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự chăm lo, tin tưởng của nhân dân. Bộ đội Không quân cùng cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng PK-KQ sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 mà Thường vụ Quân ủy Trung ương đã đề ra năm 2019; xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 (Khóa XII), gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng trong các cơ quan, đơn vị, thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia, các cuộc vận động lớn trong Quân đội. Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.