Tựa phim là gì

Cách đây không lâu, những người ghiền phim té ngửa khi bộ phim Thương thành của Hong Kong khi đến Việt Nam được đặt tựa là Vô gian đạo 5. Mùa hè năm nay, một loạt phim Hollywood cũng được đặt tên lại cho hợp thị hiếu khán giả nội địa.

Tựa phim là gì
Phóng to
Bộ phim Dạ yến của Phùng Tiểu Cương được Hollywood đặt lại thành The Legend of Black Scorpion (Huyền thoại bò cạp đen), dù trong phim không có huyền thoại bò cạp đen nào!
Cách đây không lâu, những người ghiền phim té ngửa khi bộ phim Thương thành của Hong Kong khi đến Việt Nam được đặt tựa là Vô gian đạo 5. Mùa hè năm nay, một loạt phim Hollywood cũng được đặt tên lại cho hợp thị hiếu khán giả nội địa.

Bên cạnh khá nhiều phim được dịch tựa sát nghĩa như Wanted (Truy sát), The Incredible Hulk (Người khổng lồ xanh siêu phàm), Iron man (Người sắt), hay Dark Knight (Kỵ sĩ bóng tối), phim mùa hè 2008 khi đến Việt Nam được Việt hóa tựa phim khá xa với với tựa gốc: WALL-E thành Robot biết iu, còn Mamma Mia! đơn giản thành Giai điệu hạnh phúc. Nếu Hancock hấp dẫn hơn với tên Siêu nhân cái bang thì Vantage Point (Điểm ưu thế) dễ hiểu hơn với tên Sát thủ.

Không ít khán giả bực bội vì việc dịch tựa phim không sát nghĩa, nhất là khi họ đọc thông tin giới thiệu về bộ phim với tựa gốc tiếng Anh và hoàn toàn không hề biết bộ phim ấy khi về đến Việt Nam sẽ mang tên gì. Ngay cả nhân viên rạp chiếu phim khi được hỏi liệu rạp có đang chiếu bộ phim XYZ bằng tựa gốc, họ cũng chào thua vì không biết bộ phim đã được dịch thành tựa nào.

Trên thực tế, khi một bộ phim được mang sang nước khác, việc đặt lại tựa phim cho thị trường nội địa là rất bình thường. Nếu ở Việt Nam, Get Smart (Bắt lấy Smart) trở thành Điệp viên 86: Nhiệm vụ bất khả thi thì tại Mexico, bộ phim có tựa là Siêu điệp viên 86, tại Pháp là Max mối đe dọa, ở Ý là Điệp viên Smart: Sòng bạc toàn da, ở Trung Quốc là Điệp viên lộn xộn và ở Đài Loan là Chàng điệp viên dễ bắt hay không?

Các tựa phim thường không được dịch sát nghĩa nhằm mục đích dễ tiếp thị và quảng bá. Thường thì các tựa phim được đặt sao cho thuận miệng người nói hoặc gợi ý khán giả về nội dung của bộ phim. Ví dụ như bộ phim The Happening (tạm dịch là Biến cố) khi sang các nước khác đều được đặt lại tên để gợi ý về nội dung chính của phim, thế nên ở Việt Nam nó có tên Thảm họa toàn cầu và ở Mexico có tên là Tận thế.

Cũng có khi các tựa phim được đặt tên giảm nhẹ so với tựa gốc, nhưng cũng không ít phim được giật hơn để lôi kéo sự chú ý người xem. Ở Việt Nam, Sex and the city (Tình dục đô thị) được nói tránh đi với Chuyện ấy là chuyện nhỏ, còn Lakeview Terrace (Mái hiên nhìn ra hồ) giật gân hơn nhờ tên Gã hàng xóm kinh dị. Tương tự, phim Knocked up (Dính bầu) khi sang Peru, nơi dân số chủ yếu theo đạo Cơ đốc, được đặt một tựa ngộ nghĩnh là Hơi hơi có thai. Ở Việt Nam, nó mang tên Tình một đêm, còn tại Trung Quốc lại là Một đêm, bụng bự.

Đôi khi các tựa phim đi rất xa so với tựa gốc. Chẳng hạn, dù là fan của Julia Roberts, có lẽ bạn chưa xem bộ phim Chim sẻ thành nữ hoàng. Kỳ thực, đó chính là tên của bộ phim Pretty Woman (Người đàn bà đẹp) ở Trung Quốc. Ly kỳ hơn, Bệnh nhân người Anh đến Hong Kong được đặt thành Đừng hỏi anh là ai! Phim Pháp Léon sang Mỹ có tựa The Professional (Kẻ chuyên nghiệp), nhưng ở Hong Kong nó là Gã sát thủ này không lạnh lùng như hắn nghĩ!

Hài hước hơn, bộ phim The Full Monty (Những gì cần thiết) ở Trung Quốc có tựa Sáu con heo trần truồng! Ở Việt Nam, chỉ vì bộ phim Thương thành có Lương Triều Vỹ, xoay quanh giới xã hội đen và cảnh sát Hong Kong cùng tấm poster tương tự phim Vô gian đạo mà bộ phim được gọi là Vô gian đạo 5, dù bộ phim này chẳng có dây mơ rễ má gì với bộ phim Vô gian đạo, chưa kể làm gì có Vô gian đạo 4 mà đã sang phần 5! Hãng nhập phim hy vọng rằng khán giả thích xem Vô gian đạo sẽ tò mò đi xem Vô gian đạo 5 - nhưng cách làm đó gây bất bình với những người am hiểu phim ảnh.

Hollywood đang cố gắng can thiệp vào việc kiểm soát dịch tựa phim cho thị trường nước ngoài trong vài năm gần đây - David Weitzner, nguyên Trưởng phòng Phát triển phát hành phim thế giới của 20th Century Fox và Universal cho biết như vậy. Doanh thu của nhiều phim Hollywood trong vài năm trở lại đây chủ yếu thu lợi từ thị trường quốc tế và các hãng phim Hollywood không muốn vì tựa phim dở mà bị mất khách.

Thế nhưng ngay cả Hollywood khi đưa phim nước ngoài sang Mỹ chiếu cũng đặt lại tựa phim và không ít trong số đó khá ngớ ngẩn. Bộ phim Open Your Eyes (Anh hãy mở mắt) của Tây Ban Nha khi được Hollywood làm lại đã được đổi tên thành Vanilla Sky (Bầu trời vani). Bộ phim Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu có tựa tiếng Anh The Curse of the Golden Flower (Lời nguyền hoa vàng),Thập diện mai phục có tựa tiếng Anh là House of Flying Daggers (Phi đao gia) và Vô cực của Trần Khải Ca được đặt tên The Promise (Lời hứa).

Bộ phim Thái Tom Yum Goong sang Mỹ có tựa The Protector (Người bảo vệ). Táo tợn hơn cả là bộ phim Dạ yến của Phùng Tiểu Cương được Hollywood đặt lại thành The Legend of Black Scorpion (Huyền thoại bò cạp đen), dù trong phim không có huyền thoại bò cạp đen nào.

Huyền thoại bò cạp đen cũng chỉ là một trong vô số phim châu Á được các hãng phát hành phim Hollywood gắn vào hai chữ Huyền thoại để dễ bề bán phim hơn, giống như Túy Quyền thành Huyền thoại Túy Quyền, Phương Thế Ngọc 1 và 2 thành Huyền thoại 1 và 2, Tiếu ngạo giang hồ thành Huyền thoại kiếm khách, Hồng Hi Quan chuyển sang Huyền thoại tân Thiếu lâm tự, rồi tiếp tục bị đổi thành Huyền thoại Rồng Đỏ. Trong tiềm thức của các nhà phát hành phim Mỹ, phim cổ trang châu Á cứ phải là huyền thoại mới ăn khách.