Vải nylon là vải gì

Vải nylon là chất liệu vải tổng hợp được tạo thành nhựa nhiệt dẻo hoặc polyamit aliphatic với nhiều tính chất đặc biệt. Hãy cùng bài viết tìm hiểu chất liệu này là gì? Chúng được sản xuất ra sao và ứng dụng của vải trong thị trường ngày nay nhé.

Khái niệm vải nylon

Vải nylon là gì?

Sợi nhân tạo làm nên vải nylon chủ yếu thuộc nhóm polyme tổng hợp, trong đó gồm các chất nhựa nhiệt dẻo hoặc polyamit aliphatic. Nói cách khác, vải nylon là loại vải tổng hợp được điều chế nên từ các loại hóa chất như dầu mỏ hay than đá.

Vải nylon là vải gì

Nylon có nguồn gốc từ hoá chất khai thác dầu mỏ, than đá

Ban đầu nilon được sản xuất với mục đích thay thế vải lụa, nhưng sau đó chúng lại được xuất hiện với những ứng dụng đơn giản hơn như làm tất, bàn chải đánh răng,... Tính chất đặc biệt của vải nylon sau này phổ biến hơn rất nhiều và là chất liệu được thị trường đánh giá và và ưa chuộng.

Nguồn gốc ra đời vải nylon

Năm 1935, nylon đầu tiên được tạo ra từ một loại hóa chất có nguồn gốc dầu mỏ bởi nhà hóa học Mỹ -  Wallace Hume Carothers khi công đang làm việc tại công ty hóa chất Dupont. Khi đó, sợi tơ nilon dẻo dài, có độ bền chắc và đàn hồi hơn bất cứ sợi vải nào thời điểm đó. Mục đích ban đầu của sợi nylon được sản xuất với mong muốn thay thế cho chất liệu lụa khan hiếm. Dần dần, nylon tạo thành cuộc cách mạng trong ngành thời trang trên toàn thế giới.

Đến tháng 5 năm 1940, những đôi tất đầu tiên dành cho phụ nữ được làm từ vải nylon được sản xuất và giới thiệu đến thị trường. Thời điểm đó, khi máy giặt dần phổ biến, thay thế sức người thì thị trường tìm kiếm những chất liệu vải không nhăn, không cần là ủi mà vẫn giữ được trạng thái như mới. Và những đố tất nylon được quảng cáo đáp ứng những tiêu chí đó khiến hàng triệu phụ nữ đổ xô đến các hội chợ để có thể mua bằng được đôi tất thần thánh này. Kết quả, sau một năm, doanh thu đạt 64 triệu đôi - một con số đáng mơ ước.

Vải nylon là vải gì

Một chiếc chân khổng lồ, cao 35 feet, quảng cáo cho những chiếc tất nylon tại Los Angeles

Năm 1941- 1945, nylon phổ biến hơn với quân đội Mỹ khi chúng được sử dụng để chế tạo vải quân dụng chống nước, chống đạn, lớp lót ô tô, dây thừng,... phục vụ quân đội. Theo ước tính, sản lượng nylon trên toàn thế giới là 25.000 tấn, đến năm 2006, con số đã lên đến 3,9 triệu tấn.

Quy trình sản xuất vải nylon

Là một loại vải tổng hợp, bạn có tò mò quy trình sản xuất vải nylon có gì khác với các loại sợi tự nhiên? Hãy cùng tìm hiểu ngay các công đoạn tạo ra nylon ngay nhé:

  • Bước 1: Chiết xuất các chất từ dầu thô

Nylon là sợi nhân tạo và thành phần chính để chiết xuất nên sợi vải, đó là từ dầu thô. Thành phần này còn được gọi là monome vì được cấu tạo bởi một chuỗi dài các phân tử carbon, được gọi là monome polyamit.

  • Bước 2: Kết hợp

Để tạo ra polyme, các axit diamine bắt buộc phải tham gia phản ứng với axit adipic, tạo thành PA 6,6 (loại polyme đầu tiên được sử dụng để sản xuất cho vải nylon)

  • Bước 3: Đun nóng chảy

Khi PA 6,6 tạo thành, nhà sản xuất sẽ tiến hành đun nóng để tạo thành chất chảy dạng lỏng.

Đun nóng chất PA 6,6 để tạo thành một chất nóng chảy.

  • Bước 4: Tạo sợi nylon

Giống như cách tạo sợi vải thông thường. Các chất nóng chảy này sẽ được cho qua một ống quay có nhiều lỗ nhỏ, các sợi vải sẽ được tạo ra từ đây, sau khi đi qua trục quay.

  • Bước 5: Kéo dài sợi

Sau khi các sợi nylon thô được hình thành, chúng sẽ được cuốn vào một ống chỉ sau đó thực hiện kéo sợi, nhằm làm cho các phân tử polyme được sắp xếp theo một cấu trúc song song.

  • Bước 6: Hoàn thiện

Sợi được kéo xong sẽ được tạo thành những tấm vải. Ở một số trường hợp, nylon được kéo thành các loại vải khác nhờ vào những thành phần bên ngoài.

Đặc tính vải nylon

Với quy trình sản xuất đặc biệt, vải nylon sở hữu những tính năng nổi bật mà chưa loại vải nào có thể “qua mặt". Hãy cùng điểm danh những ưu điểm - nhược điểm của chất liệu này trong bài viết dưới đây nhé.

Ưu điểm

  • Độ bền cao

Thành phần từ nhóm polyme với các loại hoá chất tổng hợp giúp sợi vải nylon chắc chắn, bền bỉ. Với ưu điểm này, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm làm từ nylon. Cấu tạo vải bền chắc nên chúng sở hữu khả năng chống mài mòn tốt, tuổi thọ cao, không nhạy cảm với các chất liệu khác.

  • Trọng lượng siêu nhẹ

Oxford là loại vải được đánh giá có trọng lượng nhẹ, thì nylon chiếm ưu thế về trọng lượng hơn cả vải oxford. Lợi thế này giúp nylon được ứng dụng trong công nghệ sản xuất các vật dụng tiện lợi, ví dụ như áo khoác gió. Ngoài ra, vải nylon siêu nhẹ nên dễ dàng trong việc di chuyển, ngăn gió và hơi ẩm xâm nhập, phù hợp với trang phục vào mùa mưa.

Vải nylon là vải gì

Nylon rất nhẹ nên thường được sử dụng làm áo mưa

  • Không dễ bị nhăn nhàu

Nhắc đến những ưu điểm của chất vải nylon chắc chắn không thể bỏ qua khả năng chống nhăn, chống nhàu vượt trội của chất liệu này. Nhờ khả năng phục hồi nhanh chóng nên sử dụng nylon hoàn toàn không xảy ra tình trạng nhăn, nhàu nên người dùng không mất thời gian là, ủi các sản phẩm từ nylon.

  • Bền màu, khó phai

Nylon thấm màu nhuộm rất tốt, đặc biệt vải có khả năng tiếp nhận cả những loại thuốc nhuộm có tính axit cao. Vì thế bạn có thể thấy các sản phẩm sử dụng chất liệu nylon thường bền màu, khó phai, bên cạnh đó màu sắc đa dạng mang đến lựa chọn phong phú cho người dùng. Xét về ưu điểm này, có thể thấy đây là “Cuộc cách mạng" trong chất liệu vải công nghiệp với độ bền màu và sự đa dạng màu sắc.

Vải nylon là vải gì

Nylon thấm màu nhuộm rất tốt, đặc biệt vải có khả năng tiếp nhận cả những loại thuốc nhuộm có tính axit cao

  • Nhanh khô

Chất liệu nylon thường nhanh khô, tiện lợi, là ưu điểm nổi bật của chất liệu, giúp tiết kiệm thời gian và công sức giặt giũ, phơi khô. Bên cạnh đó, nylon không dễ mài mòn, phân huỷ với nước muối biển nên nylon được cho là chất liệu lý tưởng sản xuất trang phục đồ bơi, đồ đi biển hay các sản phẩm tiếp xúc lâu trong môi trường nước có tính bazo, axit cao.

Vải nylon là vải gì

Vải Nylon có khả năng chống thấm nước tốt

  • Có khả năng chống nắng tốt

Trong khi một số chất liệu vải nhạy cảm khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời thì vải nylon lại khắc phục hoàn toàn nhược điểm này. Mặc dù không có khả năng chịu nhiệt tốt nhưng chúng vẫn có thể chịu được tác động dưới môi trường ngoài trời hay nhiệt độ cao từ mặt trời. Thông thường một số chất liệu tổng hợp thường dễ bị sun khi tiếp xúc nhiệt cao nhưng với nylon, điểm yếu này đã được khắc phục.

  • Có khả năng chống ẩm mốc

Nylon không phải là chất liệu dễ nhiễm ẩm nên nấm mốc không thể phát triển trên chất liệu vải này. 

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội như khả năng hút ẩm, chống nắng, bền màu hay trọng lượng nhẹ thì vải nylon cũng vẫn tồn tại một số nhược điểm như:

  • Kém bền ở nhiệt độ cao

Tuy nylon có thể chịu được tác động nhiệt từ ánh nắng mặt trời nhưng lại kém bền khi ở nhiệt độ cao, đặc biệt trong khoảng từ 100 độ C - 180 độ C. Với khoảng nhiệt độ cao hơn từ 215 độ C - 260 độ C, vải nylon 100% sẽ tan ra như chất liệu polyester.

  • Khó phân biệt khi mua

Bề mặt vải nylon bắt sáng và có độ bóng nhất định nên khi mua bạn có thể bị nhầm lẫn chúng với lụa hay satin. Tuy nhiên nếu sờ tay cảm nhận bạn có thể dễ dàng phân biệt chúng qua một số đặc điểm như độ thô ráp của nylon.

  • Không có khả năng tự phân huỷ sinh học

Do chất liệu này có thành phần thuộc nhóm polyme tổng hợp nên chúng không có khả năng phân huỷ sinh học, không thân thiện với môi trường nên khi đốt cháy sẽ cảm thấy mùi nhựa cháy đặc trưng. Bên cạnh đó, khi sản xuất nylon cũng giải phóng ra môi trường xung quanh các oxit nitơ - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính.

Vải nylon là vải gì

Nhược điểm lớn nhất của nylon là không thân thiện với môi trường

  • Độ co giãn không cao

Nylon không được đánh giá cao về khả năng co giãn, khả năng kéo căng mặc dù chúng thường được sử dụng trong các trang phục ngày hè hay trang phục đi biển.

Các loại vải nylon hiện nay

Nylon rất được ưa chuộng trên thị trường ngày nay, đó cũng là lý do vì sao loại vải này bao gồm nhiều chất liệu khác nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau:

  • Nylon 6-6: Đây là loại vải tổng hợp 100% với thành phần chính là hexamethylene diamin, axit dicarboxylic. Chất liệu được ứng dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày với nhiều ngành hàng khác nhau.
  • Nylon 6: Loại polyme này đôi khi được sử dụng để sản xuất nylon, dùng làm túi xách, quần áo nhưng tính phổ biến không cao như nylon 6-6.
  • Nylon 46: Chất liệu này là sản phẩm độc quyền bởi tập đoàn quốc tế DSM, và nó được bán trên thị trường với tên gọi Stanyl. Mặc dù nylon 46 không được sử dụng phổ biến trong các loại vải, nhưng nó được biết đến với khả năng chống chịu với môi trường khắc nghiệt nên thường được dùng làm hộp số, phanh và hệ thống làm mát không khí.
  • Nylon 510: Chất liệu này ban đầu cũng được phát triển bởi DuPont, với mục đích thay thế cho nylon 6,6. Tuy nhiên giá thành cao hơn nên chúng ít được ứng dụng làm vải. Hiện nay nó chủ yếu được sử dụng trong các ứng dụng khoa học và công nghiệp.
  • Nylon 1,6: Chất liệu là sự kết hợp của nhiều chất: adiponitrile, formaldehyde và nước, nhưng nó không được sử dụng phổ biến trong các loại vải.

Ứng dụng của vải nylon

Sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật đã giúp nylon được ứng dụng rộng rãi trên thị trường ngày nay.

Thời trang may mặc

Nylon là chất liệu khá phổ biến được sử dụng trong may mặc, đặc biệt là quần áo thể thao bởi khả năng chống mài mòn cao và độ dẻo dai nhất định. Các thương hiệu thời trang lớn như Adidas, Nike đều sử dụng chất liệu nylon trong thiết kế của mình.

Vải nylon là vải gì

Chất liệu nylon dùng để may quần áo thể thao và những áo khoác chống gió, chống nước

Tại Việt Nam, nylon còn được sử dụng làm áo dài, áo bà ba, “giả" chất liệu lụa để tiết kiệm chi phí thành phẩm nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống trong những trang phục này.

Với đặc tính nổi bật, nylon còn được sử dụng làm lớp ngoài cùng áo khoác gió, quần áo leo núi để cản gió, leo núi, rừng cũng như giữ ấm trong những môi trường thời tiết khắc nghiệt.

Nội thất

Với giá thành phải chăng nên vải nylon được ứng dụng rộng rãi từ những mảnh vải nhỏ đến lớn đều là vật liệu quen thuộc và quan trọng trong đời sống. Sản phẩm nội thất sử dụng nylon xuất hiện hầu hết, len lỏi trong từng ngóc ngách trong ngôi nhà của bạn, mang đến những sản phẩm tiện nghi với chi phí hợp lý. Trong không gian bếp có thể bắt gặp vải nylon được dùng làm găng tay, tạp dề, khăn trải bàn hay những tấm thảm lót đồ ăn… Hay một số nhà sản xuất sử dụng vải nylon để làm rèm cửa, trang trí cho ngôi nhà mới lạ hơn.

Vải nylon là vải gì

Rèm từ vải nylon thường được sử dụng trong nhà tắm

Một số ứng dụng khác

Vải nylon còn được sử dụng trong một số sản phẩm khác như lều, tấm dù, túi đựng thức ăn, áo mưa

Người ta còn sử dụng nilon để tạo ra lều, tấm dù… Tại Việt Nam, một số đồ dùng như túi đựng thức ăn ngoài chợ, áo mưa, dây đàn ghita… đều được làm từ loại vải này. Bên cạnh đó, nylon còn được sử dụng vào trong môn thể thao như sợi vợt cầu lông hay làm lưới đánh cá trong nông nghiệp…

Tác động của nilon với môi trường

Việc sản xuất vải nylon thường có tác động tiêu cực đến môi trường. Một trong những nguyên nhân chính là từ công đoạn sản xuất của chất liệu này. Hầu hết các nhà sản xuất sử dụng dầu thô làm nguồn hexamethylenediamine, là thành phần chính của hầu hết các loại vải nylon.

Vải nylon là vải gì

Sản xuất nylon thải ra chất ô nhiễm và thủy quyển xung quanh khu vực sản xuất

Việc thu mua và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đều có hại cho môi trường. Cụ thể, khai thác mỏ và các phương pháp khai thác dầu mỏ đều tác động xấu đến hệ sinh thái trên toàn thế giới. Và dầu mỏ không phải là một nguồn tài nguyên bền vững, nên cần việc khai thác cần hạn chế.

Trong quá trình sản xuất vải nylon tạo ra một số vật liệu phế thải. Ví dụ, nước thải trong quy trình này thường mang các chất ô nhiễm vào thủy quyển xung quanh khu vực sản xuất. Trong quá trình sản xuất axit adipic, thành phần thứ cấp của các loại vải nylon, oxit nitơ được thải vào khí quyển, nguy hại môi trường gấp 300 lần so với CO2.

Bên cạnh đó, vải nylon là chất liệu tổng hợp hoàn toàn nên không thể phân hủy sinh học; trong khi các loại vải khác, như cotton hay linen, có thể phân hủy sinh học trong vài thập kỷ thì các loại vải polyme sẽ tồn tại trong môi trường hàng trăm năm.

Hiện nay, không có cách nào để giảm thiểu tác động xấu do vải polyme gây ra trong quá trình sản xuất. Cách duy nhất là xử lý chất thải đúng cách. 

Cách sử dụng và bảo quản vải nylon

Vải nylon có độ bền cao, nhưng bạn có thể giữ độ bền đẹp của chất liệu nếu biết cách sử dụng và bảo quản dưới đây:

  • Hạn chế phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời quá lâu
  • Không sử dụng bàn ủi ở nhiệt độ cao vì có thể làm cháy vải
  • Không sử dụng thuốc tẩy vì có thể làm phai màu, giảm tuổi thọ của vải
  • Không giặt vải với nước nóng để tránh vải bị co, sun.

Phân biệt vải nylon và vải polyester

Cùng là hai loại vải tổng hợp nên hai chất liệu này thường bị nhầm lẫn với nhau. Một số cách phân biệt dưới đây có thể giúp bạn:

  • Vải polyester được kéo sợi từ hạt nhựa và nguyên liệu hoá học còn vải nylon tạo ra từ chất lỏng hoá học nên khả năng co giãn nylon gấp đôi polyester.
  • Tuy nylon chống nước nhưng không hoàn toàn nên một lượng nước vẫn bị tích tụ lại trên mặt vải. Vì thể chất liệu không giữ được chất nhuộm lâu, để dưới ánh nắng lâu dễ bị bạc màu. Trong khi đó polyester chống nước hoàn toàn nên chất lượng không bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với ánh nắng.

Vải nylon là vải gì

Polyester bền màu hơn dưới nhiệt độ cao

  • Vải nylon mềm mượt hơn so với polyester, nhưng với công nghệ sản xuất hiện đại, độ thô ráp của polyester cũng được cải thiện ít nhiều.
  • Vải polyester có khả năng dễ bám bụi hơn.
  • Nylon là chất vải bóng, khả năng bắt sáng tốt hơn polyester.
  • Khi đốt, bạn sẽ thấy hai chất liệu đều có mùi nhựa cháy nhưng nylon toả ra khói trắng còn polyester toả khói đen.

Trên đây là những thông tin về chất liệu vải nylon, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về chất liệu này. Với đặc tính nổi bật cũng như ứng dụng rộng rãi, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm vải nylon ở bất cứ đâu.