Ví dụ về đánh giá công nghệ

Đổi mới sáng tạo

Đánh giá năng lực đổi mới công nghệ: Vai trò chủ động của Doanh nghiệp

04/05/2016 14:45 -

Ngày nay ở các nước phát triển, đánh giá công nghệ nói chung và đánh giá năng lực đổi mới công nghệ nói riêng là bước không thể thiếu phục vụ cho phân tích tính hiệu quả trong các quyết sách đổi mới sản phẩm và công nghệ chế tạo ra sản phẩm, trong chính sách kinh doanh, trong lựa chọn địa điểm đầu tư, v.v. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngay từ cấp vi mô là doanh nghiệp thì vấn đề đánh giá năng lực đổi mới công nghệ vẫn tồn tại nhiều câu hỏi và khó khăn chưa được giải quyết thỏa đáng.


Đánh giá vì ai?


Đối với doanh nghiệp trực tiếp sở hữu công nghệ để sản xuất ra sản phẩm và hàng hóa hoặc dịch vụ, việc đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp biết thực trạng, năng lực công nghệ của mình trong tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh cùng loại, từ đó cân nhắc xem đã đến lúc phải đầu tư để đổi mới công nghệ hay chưa. Doanh nghiệp chính là chủ thể có toàn quyền trong việc ra quyết định đổi mới công nghệ của mình.

Đối với các đối tượng khác gọi chung là nhóm thứ hai, bao gồm các bộ, ngành, chính quyền các cấp, các hiệp hội, quỹ đầu tư, cơ quan khoa học và các nhà nghiên cứu, việc đánh giá công nghệ tại các doanh nghiệp là để thu thập các thông tin phục vụ cho chức năng, nhiệm vụ của mình. Ví dụ: các bộ, ngành có thể đánh giá để tính toán đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của một lĩnh vực do bộ, ngành mình phụ trách; UBND tỉnh, thành phố đánh giá để biết mặt bằng công nghệ của địa phương mình, qua đó có các chính sách đầu tư đổi mới hoặc phát triển thích hợp; các nhà khoa học đánh giá để hoàn thiện một vài hệ số ảnh hướng nào đó trong công nghệ. Điểm giống nhau của nhóm này là họ không có khả năng quyết định trực tiếp việc đổi mới công nghệ sau khi đánh giá, mà chỉ có các quyết định có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định đến công nghệ của doanh nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp là chủ thể hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình đánh giá, và họ phải giữ vai trò chủ động trong đánh giá. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp thường không quan tâm đúng mức tới việc đánh giá, mà ngược lại, nhóm thứ hai thường là bên chủ động tổ chức đánh giá. Điều này sẽ dẫn đến một số hạn chế sau:

1/ Doanh nghiệp không nhận thức hết ý nghĩa của việc đánh giá mà coi đó như một loại công việc phát sinh nên không nhiệt tình cộng tác, thậm chí còn lảng tránh và gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp, lấy thông tin và đánh giá.

2/ Một số thông tin phục vụ quá trình đánh giá nằm trong phạm vi bí mật kinh doanh, được pháp luật bảo hộ nên doanh nghiệp không muốn cung cấp cho người ngoài, hoặc là cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến sai lệch kết quả khi tiến hành phân tích, đánh giá.

3/ Doanh nghiệp bị động trong quá trình đánh giá nên thiếu sự thảo luận, phản hồi dẫn đến chậm điều chỉnh và hoàn thiện phương pháp đánh giá.

4/ Kết thúc quá trình đánh giá, nhóm thứ hai không có thẩm quyền quyết định các chính sách của doanh nghiệp nên các kết quả đánh giá sẽ không được sử dụng như mong đợi.

Ai sẽ đánh giá?

Do đánh giá năng lực công nghệ nói chung và đánh giá năng lực đổi mới công nghệ nói riêng là việc phức tạp, có tính chuyên sâu cao nên thường doanh nghiệp không đủ năng lực tự làm và thường phải phó thác cho các bên tư vấn là các trường đại học, các viện nghiên cứu, hoặc các đơn vị sự nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ở Việt Nam, số lượng các đơn vị tư vấn cũng như kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá công nghệ còn rất hạn chế.

Đánh giá như thế nào?

Chúng ta có thể áp dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau, ví dụ phương pháp đo lường công nghệ học, hay phương pháp tiếp cận theo đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, các phương pháp này nhìn chung đều khó áp dụng ở các nước đang phát triển.

Ở Việt Nam, chúng ta thường dùng phương pháp Atlas công nghệ, trong đó tập trung vào phân tích đánh giá các chỉ số hàm lượng công nghệ, môi trường công nghệ, trình độ công nghệ, năng lực công nghệ và nhu cầu công nghệ). Phương pháp Atlas có những ưu điểm lớn trong đánh giá, quản lý và hoạch định chiến lược công nghệ, được sử dụng làm cơ sở cho khá nhiều dự án về công nghệ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, điểm hạn chế là phương pháp này khá phức tạp, cần có chuẩn, và cần có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Phương pháp luận Atlas công nghệ được các chuyên gia của Trung tâm chuyển giao công nghệ Châu Á – Thái Bình Dương đề xuất đưa vào Việt Nam từ năm 1998 và đến nay đã được Bộ KH&CN thống nhất áp dụng1. Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai phương pháp này chúng ta cần giải quyết vấn đề nảy sinh là chuẩn so sánh theo ngành. Hiện nay, Thông tư 04/TT-BKHCN mới chỉ đưa ra chuẩn so sánh theo ngành áp dụng trong đánh giá trình độ công nghệ năm 2014-2015. Để có thể kế thừa các chuẩn so sánh trong đánh giá năng lực đổi mới công nghệ các năm tiếp theo cần tiếp tục cập nhật và bổ sung chuẩn so sánh theo ngành thống nhất. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng mỗi địa phương, đơn vị sẽ lại áp dụng, vận dụng một chuẩn so sánh khác nhau trong tính toán. Đồng thời cũng cần xác định chuẩn đánh giá khu vực (hoặc chuẩn thế giới) để có thể so sánh tương quan với Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang thiếu các thông tin và kết quả đánh giá của các nước khi sử dụng phương pháp Atlas công nghệ nên khó xác định đâu là chuẩn của khu vực hay chuẩn quốc tế.

Giải pháp khắc phục khó khăn trong đánh giá năng lực đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp


Trước hết cần quy định rõ yêu cầu, nhiệm vụ và quyền lợi của các chủ thể tham gia đánh giá. Doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức để thấy rằng họ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình đánh giá và cần giữ vai trò chủ động trong hoạt động này. Họ cần phối hợp và cung cấp thông tin đầy đủ hơn để nhóm các cơ quan bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, các cơ quan khoa học... có thể đánh giá một cách chính xác năng lực đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Kết quả đánh giá phải được coi là một nguồn thông tin quan trọng, được sử dụng cho quá trình ra quyết định hoặc hình thành chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp

Đối với các đơn vị tiến hành đánh giá, cần đầu tư đào tạo chuyên sâu để nâng cao năng lực cho các cán bộ, chuyên gia tiến hành đánh giá; bổ sung quy định điều kiện cụ thể đối với các tổ chức làm nhiệm vụ tư vấn, đánh giá đặc biệt là điều kiện về tổ chức, nhân sự và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên gia phục vụ cho công tác đánh giá. Đồng thời cần có quy định việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tiến hành đánh giá và xây dựng hệ thống tri thức chuyên gia phục vụ đánh giá thống nhất trên quy mô cả nước. Bộ KH&CN cần đưa nội dung đánh giá năng lực công nghệ vào hoạt động thường xuyên hằng năm để kết quả đánh giá được liên tục, cập nhật thường xuyên và tạo thành cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn quốc. Cơ chế tài chính cho công tác đánh giá ở các địa phương trong cả nước cần đảm bảo tính thống nhất – hiện nay mỗi địa phương vận dụng theo một quy định khác nhau về tài chính cho công tác đánh giá.

Mặt khác, cần kịp thời bổ sung chuẩn so sánh theo ngành cho các năm tiếp theo; hoặc nên có quy định mở theo hướng so sánh theo chuẩn khu vực hoặc quốc tế để thống nhất áp dụng chuẩn so sánh trong đánh giá năng lực đổi mới công nghệ.

Đối với mỗi nhóm ngành, các tiêu chí cụ thể phản ánh các thành phần công nghệ cũng như mức độ quan trọng của từng thành phần công nghệ T-H-I-O trong cấu thành nên năng lực công nghệ rất khác nhau. Do vậy, để tiến hành quá trình đánh giá phải sử dụng các chuyên gia cho từng nhóm ngành riêng biệt phục vụ cho các công việc như: Xác định hệ thống các tiêu chí cho phép đánh giá, lượng hóa mức độ tinh xảo cũng như mức độ hiện đại của từng thành phần công nghệ cho các nhóm ngành nghiên cứu; mô tả cách đo lường, lượng hóa thông tin đối với từng tiêu chí phục vụ cho việc thiết kế bảng các câu hỏi thu thập thông tin; xây dựng hệ thống thang điểm nhằm lượng hóa đo lường mức độ hiện đại của các tiêu chí phục vụ cho các quá trình tính toán các thành phần công nghệ…
-----------
1 Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN ngày 8/4/2014 của Bộ KH&CN hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất.

Phương pháp Atlas, được khởi xướng từ một dự án công nghệ do Trung tâm chuyển giao công nghệ Châu Á Thái Bình Dương (APCTT), thuộc Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á Thái Bình Dương (UN-ESCAP) nghiên cứu và ban hành bộ tài liệu “Nguyên lý phát triển dựa trên cơ sở công nghệ” dùng để áp dụng cho các quốc gia trong khu vực.v.v từ năm 1986 đến năm 1988, dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản*, trong đó hướng dẫn khá chi tiết các nội dung và phương pháp đánh giá hiện trạng công nghệ của một quốc gia. Phương pháp này tập trung vào khảo sát các chỉ số công nghệ ở ba quy mô:

* Ở cấp doanh nghiệp: xem xét bốn thành phần công nghệ là thành phần kỹ thuật, thành phần thông tin, thành phần con người, thành phần tổ chức. Kết quả đóng góp trực tiếp của bốn thành phần này xác định hàm lượng công nghệ gia tăng, là cơ sở để đánh giá năng lực công nghệ và chiến lược công nghệ.

* Ở cấp độ ngành công nghiệp: xem xét các nguồn lực công nghệ và cơ sở hạ tầng công nghệ.

* Ở quy mô quốc gia: xem xét môi trường công nghệ và nhu cầu công nghệ

Để việc hợp nhất các xem xét công nghệ với quá trình kế hoạch hoá phát triển kinh tế xã hội có ý nghĩa, thì điều kiện cơ bản là các nhà nghiên cứu về kinh tế và công nghệ phải hỗ trợ lẫn nhau khi tiến hành các phân tích. Nếu sử dụng bốn hình thức biểu hiện của công nghệ theo cách phân chia theo phương pháp Atlas (thành phần kỹ thuật - Technoware, thành phần con người - Humanware, thành phần thông tin - Infoware, thành phần tổ chức- Orgaware) làm cơ sở để điều tra thì có thể đạt được sự bổ sung cho nhau giữa kế hoạch hoá kinh tế thông thường và kế hoạch hoá dựa trên công nghệ ở cấp công ty, phân ngành, ngành, tỉnh, quốc gia... tuỳ theo mức độ dự án thực hiện.

*Tham khảo chi tiết: UN-ESCAP (1989): “Technology Atlas Project Tokyo Program On Technology for Development in Asie and Pacific”, Bangalore, India.

Tags: