Vụ việc Vedan được giải quyết theo phương thực nào

Sau gần 2 năm dằng dai, vụ việc Vedan đã kết thúc "có hậu" với phần thắng nghiêng về lẽ phải - hàng ngàn hộ nông dân 3 tỉnh bị ảnh hưởng do chất thải Vedan xả ra. Dù đã có nhiều thủ đoạn, dù cò kè bớt một thêm hai với người dân từng đồng, cuối cùng Vedan đã phải chấp nhận đền bù toàn bộ thiệt hại cùng với khắc phục sự cố, đầu tư hệ thống xử lý nước thải hợp chuẩn. Đến được kết quả này là một thành công lớn của chính quyền địa phương và người dân Việt Nam, cho thấy công lý cuối cùng đã được thực thi. Tuy nhiên, vụ việc cũng để lại nhiều bài học.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Cách Tuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết nhận định về những thành công của người nông dân trong việc xử lý vụ Vedan?

Ông Bùi Cách Tuyến: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM, Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM giải quyết vụ việc có lý, có tình.

Qua vụ việc nêu trên, Công ty Vedan đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc khắc phục hậu quả vi phạm như: nộp đủ trên 127 tỷ đồng số tiền truy thu phí nước thải công nghiệp, đầu tư trên 33 triệu USD để xử lý chất thải và bồi thường thiệt hại cho người dân gần 219 tỷ đồng.

Một thành công nữa là vụ việc vi phạm của Công ty Vedan cũng là bài học cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp có hành vi trốn tránh trách nhiệm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; cho những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Và quan trọng hơn, qua đó, một số bất cập trong các quy định của pháp luật đã được nhận rõ và đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

PV: Vậy lộ trình đền bù của Vedan sẽ như thế nào và người dân những vùng bị ảnh hưởng sẽ được nhận những gì?

Ông Bùi Cách Tuyến: Do niên độ tài chính, Công ty Vedan đã đề nghị thanh toán tiền bồi thường làm 2 đợt: Đợt 1 sẽ chuyển 50 % số tiền cho mỗi địa phương trong vòng 7 ngày và đợt 2 sẽ chuyển từ ngày 10 đến 14/1/2011 và được bảo lãnh của ngân hàng theo quy định. Tôi xin khẳng định hoàn toàn không có việc Vedan không bồi thường cho người dân khi hết thời hiệu khởi kiện, vì ngân hàng có quyền phong tỏa tài khoản tiền bảo lãnh của Công ty Vedan cho người dân khi Công ty không thực hiện cam kết. Hiện nay, chính quyền các địa phương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức chi trả số tiền thiệt hại nhanh chóng cho người dân vùng bị ảnh hưởng do ô nhiễm mà Công ty Vedan gây ra.

Vụ việc Vedan được giải quyết theo phương thực nào
Cán bộ chuyên môn Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM lấy mẫu nước sông Thị Vải để phân tích mức độ ô nhiễm.

PV: Thưa ông, Đồng Nai là địa phương đã tiến hành chậm trễ việc giúp người dân xác định thiệt hại và hướng dẫn họ thủ tục khởi kiện. Vậy họ có bị xử lý gì không?

Ông Bùi Cách Tuyến: Việc xác định thiệt hại của người dân là một quá trình khó khăn, phức tạp và cần phải có thời gian để thực hiện. Tỉnh Đồng Nai lại là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất do ô nhiễm mà Công ty Vedan gây ra, do đó có thể việc xác định thiệt hại của người dân có kéo dài. Còn việc xử lý những người liên quan như thế nào thuộc trách nhiệm của địa phương.

PV: Vụ việc Vedan đã để lại cho chúng ta những bài học gì? Theo Tổng cục trưởng, đâu là những điểm chúng ta cần thực sự rút kinh nghiệm?

Ông Bùi Cách Tuyến: Vụ việc vi phạm của Công ty Vedan sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang có ý định gây ô nhiễm môi trường và cố tình vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cũng là bài học về sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng và cơ quan thông tấn báo chí trong quá trình giải quyết vụ việc. Và "chân lý luôn luôn thuộc về lẽ phải". Sự tham gia của toàn hệ thống chính trị - xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước của Trung ương và địa phương, các cơ quan khoa học, cơ quan thông tấn, báo chí đến sự tham gia của cộng đồng dân cư sẽ tạo áp lực to lớn buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường.

PV: Thông qua vụ việc Vedan, chúng ta đang gửi thông điệp gì đến với những doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường?

Ông Bùi Cách Tuyến: Là một quốc gia đang phát triển, chúng ta luôn luôn mong muốn các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và thấm nhuần tư tưởng"phát triển kinh tế luôn luôn đi đôi với bảo vệ môi trường".

PV: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!

Ông Bùi Cách Tuyến: Xin chân thành cảm ơn sự hợp tác của Báo Công an nhân dân trong thời gian vừa qua đối với công tác bảo vệ môi trường của đất nước.

Ngày 16/8, tỉnh Đồng Nai còn phải gỡ rối với Vedan

Nếu như ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ còn mỗi một việc là nhận tiền bồi thường và tiến hành chi trả cho người dân bị thiệt hại theo số tiền đã thống kê, được người dân và các bên chấp thuận, thì ngược lại, tại tỉnh Đồng Nai sau khi Vedan chủ động gửi văn bản đồng ý bồi thường mức gần 120 tỷ đồng theo yêu cầu của tỉnh, đại diện UBND tỉnh này vẫn chưa dám gật đầu đồng ý mà phải khất lại tới ngày 16/8 mới có thể đưa ra được câu trả lời.

Lý do, nhận số tiền này của Vedan cũng đồng nghĩa với việc người dân phải chấm dứt khởi kiện. Bởi trong khi 2 địa phương là TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập hẳn các ban bệ để thống kê, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và vận động người dân chốt lại thiệt hại, Đồng Nai đã làm ngược lại, dù đã nhận được danh sách tới 5.600 hộ dân kê khai thiệt hại với số tiền đòi bồi thường rất lớn trước đó.

Khi còn chưa có được sự cam kết sẽ không khởi kiện của 100% số hộ dân bị thiệt hại và chốt lại được số người yêu cầu bồi thường cũng như tổng số tiền người dân mong muốn được nhận, UBND tỉnh đã làm văn bản đưa ra con số 120 tỷ đồng cái rẹt rồi gửi cho Vedan. Chính cách làm này của UBND tỉnh Đồng Nai đang tự làm khó mình. Bởi nếu đồng ý với mức như vậy trong khi còn nhiều người dân không đồng thuận, tình trạng dân tiếp tục khởi kiện Vedan sẽ chưa thể chấm dứt và khi đó, UBND tỉnh không thể tránh khỏi rắc rối liên quan.

Như vậy kết quả cuối cùng việc Vedan bồi thường cho bà con tỉnh Đồng Nai phải chờ buổi làm việc của UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan trong ngày 16/8 tới đây. Không hiểu với mức bồi thường gần 120 tỷ đồng đã thỏa thuận vừa qua, người dân bị thiệt hại ở Đồng Nai có chấp nhận?                                                                          

Đức Thắng