Xử lý tình huống trong công tác luân chuyển cán bộ để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước đạt chuẩn theo yêu cầu chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đổi mới. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập đã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Năng lực, trình độ của đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức và báo cáo viên được nâng lên.

Tuy nhiên, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chậm, có nội dung chưa phù hợp với từng đối tượng và yêu cầu thực tiễn của địa bàn cơ sở; phương pháp giảng dạy vẫn nặng về lý thuyết, chưa phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học; có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm Quy chế đào tạo, bồi dưỡng; công tác quản lý chương trình, đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được thực hiện chặt chẽ; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng chưa vận dụng được kiến thức để nâng cao hiệu quả công tác; công tác tham mưu, phối hợp giữa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với các huyện uỷ, thành uỷ, sở, ban, ngành trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Nguyên nhân của hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, thiếu chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn cho từng chức danh quy hoạch; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn ngại học tập, chưa tập trung nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn; chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng có nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; quy định về tiêu chuẩn, trình độ đối với các chức danh cán bộ có nội dung chưa đồng bộ; một bộ phận giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh chưa thường xuyên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với các khâu của công tác cán bộ; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có đủ phẩm chất và năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng công vụ chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao; đồng thời với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững chắc giữa các thế hệ cán bộ. Thực hiện nghiêm túc Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đúng đối tượng, thiết thực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm chế độ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tối thiểu 01 tuần/năm; bảo đảm đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý trước bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số; cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo. Chú trọng luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, luân chuyển trong nội bộ, luân chuyển ngang, dọc, từ dưới lên, từ trên xuống kết hợp với giao nhiệm vụ để cán bộ được đào tạo, rèn luyện, thử thách trong nhiều môi trường khác nhau và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài về công tác cán bộ của tỉnh, làm cho việc luân chuyển cán bộ dần trở thành việc làm thường xuyên, đi vào nền nếp và có hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tri thức, chuyên môn, kỹ năng mềm, phương pháp công tác với rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thường xuyên, tự giác học tập, nghiên cứu; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tự học tập, chủ động đăng ký tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch, phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh hoặc chương trình ngoài kế hoạch, ngoài giờ hành chính với hình thức xã hội hóa để nâng cao trình độ, năng lực công tác. Gắn kết quả học tập của cán bộ, công chức, viên chức với đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt công tác phân công, phân cấp, phối hợp theo các quy định của Đảng, Nhà nước, Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan chuyên môn đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện nghiêm Quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên rà soát, định hướng, lựa chọn các ngành, lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với điều kiện, nhu cầu sử dụng của từng cấp, ngành và cơ sở; tránh lãng phí nguồn nhân lực, ngân sách nhà nước. Đồng thời, mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc đặt hàng, lựa chọn các học viện, trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín, chất lượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh; từng bước thực hiện giảm chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hệ không tập trung, tăng cường hệ đào tạo tập trung về lý luận chính trị.  Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác nghiên cứu tham mưu, quản lý về đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh.

Ba là, đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng. Thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, gắn lý thuyết với thực tiễn, chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, phương pháp công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tích cực mở rộng, tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài theo đề án, chương trình của Trung ương, của tỉnh. Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, sự tham gia tích cực của người học vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng; giúp người học nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy và khả năng vận dụng giải quyết các tình huống thực tiễn trong quá trình công tác và thực thi công vụ. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức, báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy và học tập cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh và các trung tâm chính trị huyện, thành phố, trong khả năng cân đối từ nguồn ngân sách của tỉnh và từ nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn theo quy định, là cơ sở đầu mối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở cấp tỉnh theo Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

Bốn là, hoàn thiện, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở tiếp tục thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với người dạy và người học, chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách và đối tượng dự nguồn kết nạp đảng; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo danh mục trình độ, chuyên ngành khuyến khích đào tạo và thu hút giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Quan tâm việc phối hợp phát hiện, lựa chọn những học sinh các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh có phẩm chất đạo đức, thành tích học tập, rèn luyện tốt, có tư chất lãnh đạo để theo dõi, giúp đỡ, động viên, bồi dưỡng lý tưởng, giúp các em xây dựng hoài bão, ước mơ, tích cực rèn luyện, phấn đấu trong suốt quá trình học tập để sau này về cống hiến cho tỉnh; đồng thời thực hiện chính sách đối với các đối tượng này theo Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức”.

Năm là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng và việc thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh.

Ban Biên tập