Ảnh hưởng của dịch Covid đến ngành thủy sản

Vượt qua dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản tăng ngoài mong đợi

Tp. Hồ Chí Minh (TTXVN 11/12)

Năm 2021 có nhiều biến động lớn; trong đó có dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu. Chế biến và xuất khẩu thủy sản chịu tác động không nhỏ. 

Tuy nhiên, bằng những nỗ lực để vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và những yếu tố khách quan về giá cước vận chuyển, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến cán đích 8,67 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.

*Chấp nhận "bỏ tôm giữ tép"

Có thể nói, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ thuận lợi, yên ổn trong quý I/2021. Từ quý II/2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã đè nặng lên toàn bộ chuỗi thủy sản cả nước như con tôm, cá tra, cá ngừ và các loại thủy hải sản khác. Có tới 50%  nhà máy chế biến tôm và cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đóng cửa, trong 50% nhà máy còn lại, lực lượng lao động chỉ hoạt động 30% công suất của nhà máy kể từ tháng 7/2021 cho đến tháng 11/2021 bởi dịch bệnh vẫn còn diễn ra gay gắt. Nhiều doanh nghiệp đã phải tăng thêm chi phí để đầu tư trang bị cho lực lượng lao động sản xuất "3 tại chỗ", chi phí kiểm tra dịch bệnh cho người lao động, chi phí kiểm tra sức khỏe đội ngũ vận chuyển khi lưu thông hàng hóa… Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta chia sẻ, dẫu biết rằng cố gắng sản xuất trong thời gian giãn cách không giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, ngược lại còn hao tốn chi phí cho một loạt sản phẩm không tăng giá trị, nhưng đây là cách duy nhất để doanh nghiệp duy trì sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đã ký kết trước đó một cách tạm thời, giữ được thị trường trong giai đoạn khó khăn nhất. Khi giữ được thị trường, việc phục hồi sản xuất chỉ còn là trong sớm muộn. Nếu sau khi phục hồi sản xuất mà không còn thị trường, đây mới là cái mất lớn nhất. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cũng không nằm ngoài vòng xoáy của dịch bệnh COVID-19. Bởi tập quán sản xuất của người nuôi cá tại Đồng bằng sông Cửu Long là ao nuôi không gần nhà. Đội ngũ thu hoạch cá tra có kỹ thuật lại phân tán ở nhiều địa phương khác nhau. Điều này làm cho việc thu hoạch cá tra đúng kích cỡ mà doanh nghiệp thu mua yêu cầu lại trở nên khó khăn, cá tra quá lứa trong ao, giá cả xuống thấp, người nuôi ngần ngại không thả nuôi cho vụ tiếp theo… Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, trong quá trình thực hiện giãn cách, doanh nghiệp chế biến cá tra đã phải nỗ lực xử lý để nguồn nguyên liệu về nhà máy đúng hạn. Có những lúc chậm trễ, nhưng Vĩnh Hoàn không thể để nhà máy không có nguyên liệu. Chi phí phát sinh trong giai đoạn này quá lớn, lại không tăng thêm giá trị cho sản phẩm bán ra, nhưng doanh nghiệp không còn cách nào khác để duy trì sản xuất, giữ vững thị trường. *Nỗ lực mở rộng dư địa Ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản mang về nguồn kim ngạch vượt sự mong đợi trước những khó khăn vừa qua đều là sự nỗ lực của từng phân ngành nhỏ. Trong tất cả những nỗ lực này, con tôm được toàn ngành xem như nước cờ chủ chốt để băng qua đại dịch. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, tổng sản lượng tôm nuôi năm 2021 ước đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020); trong đó, tôm sú đạt 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020. Con cá tra và nhiều mặt hàng chủ lực như cá ngừ, bạch tuộc, mực... cũng đóng góp vào tăng trưởng chung này. Hiện nay, trước mắt dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn ra phức tạp trên cả nước, thêm vào đó là Lệnh 248 và 249 của Tổng cục hải quan Trung Quốc áp lên các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; trong đó các mặt hàng này phải được kiểm duyệt 100% tại cửa khẩu trước khi thông quan gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của Việt Nam, ngoại trừ các doanh nghiệp đã được duyệt danh sách xuất khẩu sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam muốn đưa hàng hóa sang thị trường này một cách thuận lợi cần phải tiến hành thêm nhiều thủ tục khác. Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam xác định vẫn phải hoàn tất thủ tục để tiến vào thị trường Trung Quốc thuận lợi. Mặt khác, ngoài thị trường Trung Quốc, Hiệp hội vẫn còn nhiều dư địa mở rộng thị trường cho mặt hàng thủy sản Việt Nam như Canada, Mexico,… Canada hiện đang thị trường đầy tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam. Theo nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Canada tăng trưởng khoảng 7%/năm. Trong năm 2021, tốc độ nhập khẩu thủy sản của Canada tăng trưởng trở lại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cao hơn 5,5% so với năm 2020. 

Vì vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Canada còn nhiều dư địa, bởi hiện tại, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt khoảng 300 triệu đô la Canada (tương đương khoảng 250 triệu USD). Các mặt hàng của Việt Nam đã khẳng định vị thế tại Canada bao gồm: tôm đông lạnh và tôm chế biến khoảng 3,4 tỷ đô la Canada/năm, chiếm khoảng 30% thị trường Canada, cá basa khoảng 37 triệu đô la Canada/năm và cá ngừ (vây vàng và mắt to) khoảng 6 triệu đô la Canada, chiếm khoảng 80% thị trường Canada. Các sản phẩm tiềm năng phát triển khác như mực, bạch tuộc, thủy sản chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, thị trường Canada có một số đặc điểm thuận lợi như không có hạn ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam mang tính tương hỗ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp, sản phẩm nhập khẩu vào Canada dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ và ngược lại khi thương mại Canada và Mỹ chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada... 

Những ưu điểm của thị trường này sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2022, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết. Với những kế hoạch này, xuất khẩu thủy sản Việt Nam được các doanh nghiệp đề ra mục tiêu sẽ đạt 8,9 tỷ USD trong năm 2022. Hồng Nhung

Những nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu thủy sản do tác động của dịch Covid-19

12/10/2021 - 02:40 PM

Cỡ chữ

Trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước, trong đó tạo ra những nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu thủy sản do tác động của dịch Covid-19.

Việt Nam có 3 sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực là cá tra với sản lượng sản xuất hàng năm trên 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên dưới 1,5 tỷ USD; tôm nước lợ với sản lượng sản xuất hàng năm trên dưới 900 ngàn tấn và kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Khoảng 99% sản lượng cá tra toàn quốc, 93% sản lượng tôm sú toàn quốc, 80% sản lượng tôm thẻ chân trắng trắng toàn quốc được sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quý III năm 2021, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung sản xuất cá tra, tôm nước lợ, các nhà máy chế biến thủy sản và vùng Đông Nam Bộ, nơi có hai cảng lớn để doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hàng ra nước ngoài[1] đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với khoảng thời gian dài. Ví dụ như Đồng Tháp, Bến Tre có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện Chỉ thị 16 trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến ngày 10/9 với thời gian thực hiện giãn cách trong quý trung bình lần lượt là 56 ngày, 41 ngày. Ngoài hai địa phương này, các tỉnh còn lại trong vùng cũng rơi vào tình trạng phải thực hiện giãn cách trên phạm vi toàn tỉnh với thời gian kéo dài.

Hoạt động chế biến thủy sản chịu tác động đáng kể

Thứ nhất, công suất hoạt động của các DN ngành chế biến thủy sản giảm mạnh. Trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu như các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản không có đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, phải dừng hoạt động để đảm bảo yêu cầu phòng dịch hoặc do công nhân chưa được tiêm vắc xin. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35%. Nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 phải dừng hoạt động. Theo kết quả điều tra IIP của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất mặt hàng tôm đông lạnh 6 tháng đầu năm tăng 16% nhưng tháng 7 chỉ đạt 95,7% so với cùng, tháng 8 đạt 78,8% và ước tháng 9 đạt 77,8%; chỉ số sản xuất mặt hàng phi lê đông lạnh 9 tháng đầu năm chỉ đạt 81,8% so với cùng kỳ.

Thứ hai, doanh nghiệp, thương lái khó khăn trong thu mua nguyên liệu. Việc kiểm soát chặt chẽ, cứng nhắc đối với người và phương tiện vận tải khiến DN khó tiếp cận với nguồn nguyên liệu; quy trình, thủ tục kiểm soát phức tạp khiến cho việc thu mua bị chậm tiến độ; người lao động ở các khâu thu mua, thu hoạch, vận chuyển không muốn tham gia lao động do sợ nhiệm bệnh hoặc do chưa được tiêm vắc xin.

Thứ ba, tiêu thụ của các doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm mạnh. Theo kết quả điều tra IIP của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ mặt hàng “Tôm đông lạnh” so với cùng kỳ: 6 tháng đầu năm tăng 17,7% nhưng tháng 7 giảm 10%, tháng 8 giảm 34% và ước tháng 9 giảm 35%. Tiêu thụ giảm mạnh do các nhà máy ngưng hoặc giảm công suất hoạt động, hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch.

Thứ tư, áp lực trong việc đảm bảo tiền lương cho người lao động để giữ chân lao động. Lao động nghành chế biến thủy sản thường phải qua đào tạo. Ngành chế biến thủy sản vốn dĩ đã khó khăn trong việc thu hút lao động do đặc thù nghề thì nay lại càng khó khăn hơn trong việc duy trì lao động và đảm bảo tiền lương cho người lao động để giữ chân lao động khi mà doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc giảm công suất hoặc động hoặc giảm lợi nhuận cho phát sinh thêm nhiều khoản chi phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch, logistic, …

Ảnh hưởng của dịch Covid đến ngành thủy sản

Ảnh minh họa, nguồn Internet


Thứ năm, áp lực về gia tăng chi phí và hàng tồn kho. Đặc thù ngành chế biến thủy sản là thành phẩm phải bảo quản trong kho đông lạnh, tỷ lệ tồn kho lại cao (theo kết quả điều tra IIP lượng tồn kho cuối tháng của các doanh nghiệp chế biến cá tra hay tôm thường gấp 1,5-1,8 lần lượng sản xuất trong tháng trong điều kiện bình thường và bằng khoảng 8%-10% tổng sản lượng chế biến trong năm). Doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc bị giảm tiêu thụ sẽ gây ra áp lực rất lớn về chi phí điện, chi phí lưu kho khác và ứ đọng vốn. Tình trạng thiếu container đông lạnh rỗng, khó khăn trong vận chuyển hàng đến cảng biển, các đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hủy, trì trệ, bị trả về do tác động dịch khiến cho chi phí logistic bị đội lên trong khi chi phí này chiếm khoảng 20%, khiến cho một số doanh nghiệp chế biến rơi vào thì trạng doanh thu tăng mà lợi nhuận giảm.

Hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành chế biến thủy sản rơi vào tình trạng sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chế biến ngưng, giảm hoạt động đồng nghĩa với giảm thu mua cùng với những khó khăn trong khâu thu mua, thu hoạch, vận chuyển, chưa kể khó khăn trong mua và vận chuyển thức ăn chăn nuôi, sức tải môi trường ao nuôi cũng đến ngưỡng khi sản phẩm đạt kích cỡ thu hoạch, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng.

Trong tháng 9, ước tính sản lượng cá tra thu hoạch giảm 27,3%, sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch giảm 8,4%. Trong quý III, sản lượng cá tra ước giảm 19,8%, sản lượng tôm thẻ chân trắng ước giảm 6,3%.

Trong thời gian qua, người nuôi gần như không còn lợi nhuận do chi phí thức ăn cao, thời gian nuôi phải kéo dài nên chi phí thức ăn trong nuôi tăng trong khi chi phí thức ăn trong nuôi cá tra chiếm tới khoảng 77%, trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh chiếm khoảng trên 50%. Chi phí gia tăng nhưng giá lại ở mức thấp hoặc có xu hướng giảm. Giá cá tra dao động từ 21-22 nghìn đồng, 44% hộ nuôi cá tra đánh giá giá cá tra thấp hơn giá thành sãn xuất. Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg chỉ còn khoảng 77 nghìn đồng, giảm 30 nghìn đồng so với trước khi bùng dịch.

Với tâm lý e ngại dịch, người nuôi không tiếp tục thả nuôi, dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến trong cuối năm hoặc đầu năm sau. Trên thực tế, vốn đầu tư bình quân 1 hộ nuôi cá tra hay tôm công nghiệp rất lớn, khoảng 1 tỷ đồng, nên việc lỗ ở vụ nuôi vừa qua khiến nhiều hộ có thể không đủ khả năng duy trì sản xuất hoặc gặp áp lực về nợ ngân hàng, lãi vay. Vấn đề này cùng rủi ro về giá và dịch bệnh khiến người nuôi dè chừng trong việc thả nuôi. Theo kết quả điều tra thủy sản của Tổng cục Thống kê trong tháng 6 năm 2020, trong tổng 161 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh được phỏng vấn có 19,3% sẽ không nuôi trong quý III và 19,5% hộ sẽ thu hẹp quy mô sản xuất; 5% trong tổng 262 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và 5,6% trong tổng số hộ nuôi bán thâm canh được phỏng vấn sẽ không nuôi tôm thẻ chân trắng trong quý III. Kết quả này được phỏng vấn trước khi dịch bùng phát. Khi dịch bùng phát thì tỷ lệ hộ ngưng hoặc giảm diện tích nuôi sẽ gia tăng.

Những trở ngại trong xuất khẩu

Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất và chế biến trong thời gian qua, nếu sản xuất không sớm được phục hồi thì hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường hoặc giảm thị phần, kể cả các thị trường truyền thống. Cùng với đó, các quốc gia là đối tác sẽ có tâm lý e ngại nhập khẩu từ các nước bùng dịch do lo ngại việc kiểm soát dịch ở các nhà máy chế biến và trên thực phẩm.

Nhìn vào thực tế cho thấy, sản xuất - chế biến - xuất khẩu là một chuỗi với hoạt động chế biến của các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản đóng vai trò trọng tâm, chế biến thủy sản đứt gãy sẽ làm đứt gãy cả chuỗi. Nếu các DN chế biến không sớm trở lại hoạt động bình thường thì mục tiêu xuất khẩu thủy sản đề ra khó có thể đạt được, đối mặt với nguy cơ mất thị trường và giảm thị phần trong cả ngắn hạn và dài hạn, nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Không chỉ vậy, sản xuất giống hay chế biến thức ăn chăn nuôi cũng sẽ bị tác động. Nguy cơ đứt gãy đã rất rõ ràng trong quý III, nếu tình trạng này kéo dài sang quý IV thì sẽ thực sự đứt gãy và phải mất 6-9 tháng để khôi phục.

Một số giải pháp chủ yếu để duy trì chuỗi sản xuất - chế biến xuất khẩu thủy sản trước tác động của dịch

Một là, đẩy mạnh tiêm phòng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng trọng điểm về sản xuất, chế biến. Các công nhân trong các nhà máy chế biển, người dân ở vùng nuôi tôm, cá tra nguyên liệu cần được ưu tiên tiêm phòng;

Hai là, đảm bảo thông suốt trong thu hoạch, lưu thông, vận tải, xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa, bao gồm cả các sản phẩm sản xuất, chế biến, sản phẩm là nguyên nhiên vật liệu của sản xuất và chế biến trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 15, 16;

Ba là, giảm hoặc giãn thời gian thanh toán tiền điện, lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp, giảm hoặc giãn thời gian trả lãi, giãn thời gian trả gốc tiền vay ngân hàng của các hộ sản xuất thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

Bốn là, kiểm soát giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản;

Năm là, giảm thuế suất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đối với nguyên, vật liệu chế biến thức ăn chăn nuôi;

Sáu là, giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu thông qua việc sử dụng chính phế phẩm của ngành chế biến. Hiện phụ phẩm của ngành chế biến cá tra, tôm là khoảng 40-50% nguyên liệu đầu vào, khoảng trên 1 triệu tấn phụ phẩm./.

Dương Mạnh Hùng
Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản




[1] Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải và Cảng Cát Lái


Về trang trước Gửi email In trang