Báo cáo xử lý vi phạm hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:         61 /BC-BTTTT      

Hà Nội, ngày  16  tháng  07 năm 2020

BÁO CÁO

Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

6 tháng đầu năm 2020

Thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 06 tháng đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như sau:

I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1.1. Công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật

Để triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 2294/QĐ-BTTTT ngày 27/12/2019 ban hành Kế hoạch triển khai công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020.

1.2. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

- Ngày 03/6/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ Tờ trình số 33/TTr-BTTTT dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (Nghị định sửa đổi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản).

Ngày 10/6/2020, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến Thành viên Chính phủ biểu quyết đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

1.3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ trong việc triển khai thi hành và áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ TTTT đã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua việc các cuộc họp giao ban hàng tháng của Bộ; đăng các tin, bài viết trên các trang thông tin điện tử của các Cục chuyên ngành và báo chuyên ngành; tại các cuộc họp giao ban hàng tháng của các Cục quản lý chuyên ngành có chức năng thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính đều có nội dung tuyên truyền, phổ biến quy định mới và báo cáo công tác thực thi về thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý tại các Hội nghị sau:

- Hội nghị trực tuyến tuyên truyền phổ biến pháp luật về tần số vô tuyến điện tại tỉnh An Giang, phối hợp Sở TTTT An Giang (tháng 5/2020) với hơn 1000 đại biểu tham dự tại hơn 150 điểm cầu trực tuyến.

- Hội nghị phổ biến các quy định về tần số vô tuyến điện cho cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở tại Hà Tĩnh, phối hợp Sở TTTT Hà Tĩnh (tháng 6/2020) với hơn 80 đại biểu tham dự hội nghị.

- Hội nghị tập huấn pháp luật về lĩnh vực tần số vô tuyến điện tại tỉnh Lâm Đồng (phối hợp Sở TTTT Lâm Đồng, tháng 6/2020) cho Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông của các Huyện, Thành phố; đơn vị sử dụng thiết bị Truyền thanh không dây ở huyện Di Linh, Đạ Hoai, Bảo Lâm và Tp Bảo Lộc và các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện ở Tp Bảo Lộc: 120 đại biểu tham dự.

- Các cuộc họp trao đổi, thảo luận về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

1.4. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Đối với công tác thanh tra: Bộ TTTT ban hành Quyết định số 2092/QĐ-BTTTT ngày 03/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2020, đơn vị chưa tiến hành tổ chức cuộc thanh tra nào trong 06 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và công văn số 907/TTCP-KHTH ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đang rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay của nước ta trong giai đoạn này; Chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo thẩm quyền đối với trường hợp phát hiện được các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

- Đối với việc kiểm tra tình hình xử lý vi phạm hành chính: Bộ TTTT (Vụ Pháp chế được giao chủ trì) đã tiếp nhận và thực hiện kiểm tra sơ bộ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Thanh tra Bộ và các Cục quản lý chuyên ngành gửi đến, đối chiếu với các quy đinh pháp luật có liên quan để phát hiện những bất cập (nếu có) để kịp thời có văn bản nhắc nhở các đơn vị về việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan về xử lý vi phạm hành chính trong quá trình ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

II. TÌNH HÌNH VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

2.1. Tình hình vi phạm hành chính

Nhìn chung, tình hình vi phạm hành chính trong các lĩnh vực về thông tin và truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ báo cáo năm 2019 và đối tượng vi phạm rất đa dạng: các doanh nghiệp sử dụng mạng vô tuyến dùng riêng (doanh nghiệp bảo vệ, khách sạn, nhà hàng); Đài truyền thanh không dây xã phường; các doanh nghiệp viễn thông và các cá nhân (sử dụng thiết bị điện thoại không dây)… với các hành vi vi phạm một số lĩnh vực cụ thể như sau:

Trong lĩnh vực Tần số vô tuyến điện, các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép, sử dụng không đúng tần số ấn định trong giấy phép và sử dụng điện thoại không dây gây can nhiễu mạng 3G.

Trong lĩnh vực viễn thông, các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến giá cước và khuyến mại trong viễn thông, việc nộp phí sử dụng kho số viễn thông, phí thương quyền cung cấp dịch vụ viễn thông, chất lượng sản phẩm dịch vụ viễn thông.

Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: không thực hiện đúng quy định của Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền, vi phạm thiết lập mạng xã hội không có giấy phép; cung cấp trò chơi điện tử G1 không đúng với nội dung kịch bản đã phê duyệt.

Công tác xử lý vi phạm hành chính được triển khai, thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật và đạt hiệu quả; đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm pháp luật; chấn chỉnh kịp thời nhiều sai phạm, rút kinh nghiệm và có những biện pháp khắc phục nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thông tin và truyền thông của các tổ chức, cá nhân.

2.2. Tình hình xử phạt vi phạm hành chính

Tổng số vụ vi phạm phát hiện là 65 vụ và tổng số quyết định xử phạt hành chính đã ban hành là 65 quyết định với tổng giá trị tiền xử phạt là 1.181.568.000 đồng, cụ thể phân loại theo thẩm quyền xử phạt như sau:

(a) Thanh tra Bộ: (Không có)

 (b) Cục Tần số VTĐ: 

- Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành 37 quyết định giảm 54.9% so với cùng kỳ năm trước (82 quyết định).

- Tổng số quyết định bị cưỡng chế thi hành: Không.

- Tổng số tiền phạt 116.000.000 đồng giảm 67.4% so với cùng kỳ năm trước (355.350.000 đồng).

- Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: không

- Số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện: không

 (c) Cục Báo chí:

- Tổng số vụ vi phạm: 06 vụ (tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm trước).

- Tổng số đối tượng bị xử phạt: 06 đối tượng (tăng 01 đối tượng so với cùng kỳ năm trước)

- Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính: 06 quyết định (tăng 01 quyết định so với cùng kỳ năm trước).

- Tổng số tiền phạt thu được 99.700.000 đồng (giảm 169.700.000 đồng so với cùng kỳ năm trước).

- Tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 0 đồng (bằng cùng kỳ năm trước).

 (d) Cục Xuất bản, In và Phát hành:

- Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành 04 Quyết định.

- Tổng số tiền xử phạt: 143.000.000đ.

- Số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu: Không

- Số giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng có thời hạn: Không

- Số vụ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn: Không

- Số lượng quyết định xử phạt chưa được thi hành: Không

- Số quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền: Không

- Số vụ bị cưỡng chế thi hành; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện: Không

 (đ) Cục Viễn thông:

- Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành 11 Quyết định.

- Tổng số quyết định bị cưỡng chế thi hành: Không.

- Tổng số tiền phạt thu được: 541.368.000 đồng;

- Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 0 đ;

- Số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện: 0.

 (e) Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử:

- Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành 07 Quyết định.

- Tổng số tiền phạt thu được: 278.000.000 đồng. So với 06 tháng cuối năm 2019 thì số vụ xử phạt 06 tháng đầu năm 2020 đã giảm 05 vụ với số tiền là 89.500.000 đồng. Có 01 trường hợp không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền, phạt 8.000.000 đồng.

- Tổng số quyết định bị cưỡng chế thi hành: Không.

2.3. Tình hình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, đã ban hành 65 Quyết định XPVPHC (trong đó nhiều nhất là vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện).

- Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành: 65 quyết định;

- Số quyết định đã được thi hành: 64 quyết định

- Tổng số đối tượng là người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế quản lý tại gia đình: Không

- Tổng số quyết định cưỡng chế thi hành: Không;

- Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Không

- Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật… bị tịch thu: Không;

- Số quyết định bị khiếu nại: Không

III. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CHỦ YẾU TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Khó khăn, vướng mắc từ các quy định của Luật

a) Khó khăn, vướng mắc từ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính

- Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định… hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Quy định này dễ dẫn đến hiểu theo 02 cách như sau:

+ Pháp luật quy định áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 30 triệu trở lên (tổ chức) thì tổ chức có quyền giải trình.

+ Người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 30 triệu trở lên (tổ chức) thì tổ chức có quyền giải trình.

- Một số quy định Luật không còn phù hợp với thực tiễn:

+ Khoản 1 Điều 6 của Luật XLVPHC về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng thời hiệu xử phạt lên từ 3 - 5 năm hoặc quy định giao Chính phủ quy định chi tiết tại các nghị định xử phạt trong từng lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù, tính chất và thực tiễn của lĩnh vực đó (trong đó có lĩnh vực xuất bản, in và phát hành).

+ Chưa có quy định về việc áp dụng xử phạt thay thế trong trường hợp không đủ điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc thi hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không khả thi (ví dụ: tiền trong tài khoản của tổ chức/ cá nhân không đủ nộp phạt hoặc tài sản kê biên để bán đấu giá có giá trị thấp, không đủ để nộp phạt, v.v…)

+ Thống nhất chung tên gọi của các chức danh như Cục trưởng Cục…, Tổng Cục trưởng Tổng Cục… quy định tại khoản 25 Điều 1 Dự thảo (Khoản 4 Điều 46 Luật XLVPHC 2012) thành “Người đứng đầu cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành” cho ngắn gọn và không bị bất cập khi Chính phủ có sự điều chỉnh tên gọi, biến động về mô hình tổ chức của các Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

+ Điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC 2012 (khoản 9 Điều 1 Dự thảo), cụ thể là: bổ sung cụm từ “in;” vào sau cụm từ “xuất bản;” và diễn đạt lại thành “xuất bản; in;” vì hiện tại lĩnh vực hoạt động in chưa được quy định trong Luật XLVPHC.

+ Điểm b khoản 1 Điều 46 Luật XLVPHC 2012: bỏ cụm từ “nhưng không quá 500.000 đồng”.

b) Khó khăn, vướng mắc từ các quy định của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

- Mẫu Biên bản vi phạm hành chính (Mẫu biên bản số 01) ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có nội dung về việc cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền thực hiện quyền giải trình. Việc giải trình này áp dụng với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, tuy nhiên, theo mẫu biên bản, mọi trường hợp lập biên bản đều phải ghi nội dung về việc cá nhân, tổ chức vi phạm có thời gian thực hiện quyền giải trình (mẫu biên bản không ghi là “nếu có”). Dẫn đến các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể hiểu rằng: được thực hiện quyền giải trình trong tất cả các trường hợp; quyết định xử phạt (đối với trường hợp không thuộc khoản 1 Điều 61) được ban hành trước thời hạn giải trình là vi phạm biên bản.

- Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP chưa được ban hành dẫn đến một số hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản chưa được xử lý thích đáng; chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong tình hình mới.

2. Khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện

a) Về các điều kiện bảo đảm thi hành Luật

- Kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật: Kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn công tác, nhất là kinh phí hoạt động còn eo hẹp, gây khó khăn trong công tác tổ chức các đoàn thanh tra.

- Tổ chức bộ máy, nhân sự: Tổ chức bộ máy tại các Cục có chức năng thanh tra chuyên ngành còn ít và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, nên rất khó khăn trong việc thực hiện đúng, đủ và có hiệu quả công tác này nhất là đối với các hành vi phức tạp, đòi hỏi có chuyên môn, kinh nghiệm.

Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, hồ sơ có nhiều vấn đề chuyên sâu, chuyên ngành cần thời gian thẩm định, đánh giá; quá trình xử lý trải qua nhiều buổi làm việc với các cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương mới có thể kết luận về vi phạm; các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều lập biên bản. Việc tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn trong điều kiện nhân sự ít (một buổi làm việc cần ít nhất 02 công chức), chỉ có 01 phòng họp để xử lý vi phạm, đồng thời sử dụng vào các hoạt động chung của Cục. Các công chức thanh tra chuyên ngành của Cục phải xử lý thêm nhiều hoạt động chuyên môn thường xuyên và đột xuất khác. Dẫn đến, một số thời điểm bộ máy, nhân sự thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính của Cục bị quá tải, chưa bảo đảm hiệu quả cao nhất.

- Chưa bố trí kho bảo quản tang vật vi phạm hành chính.

b) Về công tác kiểm tra, thanh tra

Trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm hành chính một số cá nhân, tổ chức mặc dù ký biên bản vi phạm hành chính, công nhận sai phạm của cá nhân, tổ chức mình nhưng lại chây ỳ không chịu nộp phạt. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định việc cưỡng chế khi cá nhân, tổ chức bị phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định thì có thể khấu trừ tiền phạt từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm nhưng hiện nay các tổ chức ngân hàng chưa phối hợp với các cơ quan thanh tra để thực hiện nhiệm vụ này. Chính vì vậy, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thực hiện.

c) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ

- Không có kinh phí riêng về công tác này (được phân bổ chung trong kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ của Bộ và một số hoạt động khác nên khá hạn chế), do đó việc triển khai thường mang tính kết hợp cùng với các hoạt động phổ biến pháp luật khác, tính chủ động chưa cao, tuy nhiên công tác này vẫn đạt hiệu quả tương đối tốt;

- Các hoạt động đi kèm như xây dựng kinh phí, thanh quyết toán kinh phí: do không có kinh phí phân bổ riêng cho hoạt động này nên không thực hiện.

d) Về việc báo cáo, thống kê

Việc thực hiện công tác báo cáo, thống kê của Bộ TTTT còn gặp một số khó khăn, do các cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành công tác chuyên môn khá nhiều và nhân sự hạn chế nên việc tổng hợp báo cáo còn tốn nhiều thời gian.

đ) Việc áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý:Chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc.

e) Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:Chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc.

g) Việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ và các Sở TTTT còn nhiều bất cập, nhất là công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa thống nhất, khó khăn cho công tác, tổng hợp báo cáo phục vụ các cấp.

f) Những khó khăn, vướng mắc khác

Hiện nay, gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành do: đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên còn chậm trong việc thực hiện quyết định; đối tượng không tự giác chấp hành quyết định xử phạt, không có việc làm ổn định, bỏ địa phương đi làm ăn xa, không có tài sản để thực hiện cưỡng chế. Công tác cưỡng chế tài sản còn phức tạp, khó thực hiện trong khi số tiền cưỡng chế không lớn nên một số trường hợp đã hết thời hạn chấp hành quyết định. Một số trường hợp vi phạm không bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ… nên không ít các đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt.

Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ là đội ngũ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều; đồng thời nhiều công chức kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính chuyên ngành, nên việc triển khai thực hiện thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chuyên ngành còn gặp khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó việc phân bổ kinh phí hạn chế cũng gây ảnh hưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

2. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

a) Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức về việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chưa thật sự toàn diện, khi triển khai thực hiện đôi khi còn lúng túng phải trao đổi với các cơ quan, đơn vị có liên quan nên mất nhiều thời gian.

- Các công chức được giao thực hiện các nhiệm vụ về báo cáo thống kê đa số kiêm nhiều nhiệm vụ công tác khác nên cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành đúng, đủ, chính xác, kịp thời.

b) Nguyên nhân khách quan

- Đội ngũ công chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý vi phạm hành chính còn ít về số lượng so với yêu cầu đặt ra và kiêm nhiệm nhiều công việc;

- Kinh phí chi cho các hoạt động chuyên môn quá ít, hoặc do hạn chế kinh phí hoạt động chung nên không được phân bổ.

- Việc tính toán số lợi bất hợp pháp để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả rất phức tạp do vi phạm diễn ra trong thời gian dài nằm giữa các kỳ kế toán khác nhau (ví dụ trong lĩnh vực viễn thông các dịch vụ không được hạch toán riêng để tách số lợi của từng dịch vụ rất khó khăn).

- Mức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị vô tuyến điện công suất thấp còn ở mức cao, chưa phù hợp với thực tiễn.

- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của lực lượng công chức thanh tra chuyên ngành còn ở mức thấp, dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

 3. Đề xuất, kiến nghị

- Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng Kế hoạch tổng rà soát toàn diện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở tổng kết các khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, hoàn thiện của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP (hiện tại Văn phòng Chính phủ đang thực hiện thủ tục lấy ý kiến Thành viên Chính phủ) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

- Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay gặp khó khăn, vướng mắc chủ yếu về nhân sự, nguồn lực tài chính, do nhân sự thường là kiêm nhiệm và không có phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ này. Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn về công tác này, nhằm hỗ trợ các công chức, viên chức kiêm nhiệm tổ chức triển khai nhiệm vụ này khoa học và tiết kiệm thời gian.

Trên đây là báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ TTTT, kính gửi Quý Bộ để tổng hợp.

Trân trọng./.

Nơi nhận:

- Bộ Tư pháp;

- Bộ trưởng (để b/c);

- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;

- Thanh tra Bộ (để biết);

- Các Cục: Báo chí; Xuất bản, In và

Phát hành; PTTH&TTĐT; Viễn thông; Tần số VTĐ (để biết);

- Lưu: VT, PC, PTTH (13).

                         KT. BỘ TRƯỞNG

                           THỨ TRƯỞNG

Phạm Anh Tuấn