Chaân lí là gì

Chân lý là gì? Phân tích các tính chất của chân lý? Tiêu chuẩn của chân lý

1. Chân lý là gì?

Chân lý là tri thức phù hợp với khách thể mà nó phản ánh và được thực tiễn kiểm nghiệm.

– Chân lý là sản phẩm của quá trình con người nhận thức thế giới. Vì vậy, chân lý cũng được hình thành và phát triển từng bước phụ thuộc vào các yếu tố:

+ Sự phát triển của sự vật khách quan;

+ Điều kiện lịch sử – cụ thể của nhận thức;

+ Hoạt động thực tiễn, và

+ Hoạt động nhận thức của con người.

– Như thế, do sự biến đổi của nhiều yếu tố, một “thông tin” hôm nay có thể được gọi là chân lý, nhưng thời gian về sau chưa chắc là chân lý.

Ngược lại, một “thông tin” mới phát hiện có thể chưa được công nhận là chân lý, nhưng về sau có thể được gọi là chân lý.

Như Lênin đã nhận xét: Sự phù hợp giữa tư tưởng và khách thể là một quá trình. Tư tưởng (= con người) không nên hình dung chân lý dưới dạng một sự đứng im chết cứng, một bức tranh (hình ảnh) đơn giản, nhợt nhạt (lờ mờ), không khuynh hướng, không vận động

2. Các tính chất của chân lý

Mọi chân lý đều có tính khách quan, tính tương đối, tính tuyệt đối và tính cụ thể.

+ Tính khách quan của chân lý là nói: tính phù hợp nữa tri thức và thực tại khách quan; không phụ thuộc ý chí chủ quan.

Ví dụ, sự phù hợp giữa quan niệm “quả đất có hình cầu chứ không phải hình vuông” là phù hợp với thực tế khách quan; nó không phụ thuộc vào quan niệm truyền thống đã từng có hàng nghìn năm trước thời Phục hưng.

+ Tính cụ thể của chân lý là nói: tính có điều kiện của mỗi tri thức, phản ánh sự vật trong các điều kiện xác định không gian, thời gian, góc độ phản ánh,...).

Chân lý là cụ thể bởi vì đối tượng mà chân lý phản ánh bao giờ cũng tồn tại một cách cụ thể, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể với những quan hệ cụ thể.

Ví dụ, mọi phát biểu định lý trong các khoa học đều kèm theo các điều kiện xác định nhằm đảm bảo tính chính xác của nó: “trong giới hạn của mặt phẳng, tổng các góc trong của một tam giác là 2 vuông; nước sôi ở 100°C với điều kiện nước nguyên chất và áp suất 1 atmotphe,...

+ Tính tương đối và tính tuyệt đối của chân lý là nói: mỗi chân lý chỉ tuyệt đối đúng trong một giới hạn nhất dịnh, còn ngoài giới hạn đó thì nó có thể không đúng; mặt khác, mỗi chân lý, trong điều kiện xác định, nó mới chỉ phản ánh được một phần thực tại khách quan.

Ví dụ, trong giới hạn mặt phẳng (có độ cong bằng 0) thì tổng các góc trong của tam giác tuyệt đối bằng 2 vuông (tính tuyệt đối), nhưng nếu điều kiện đó thay đổi đi (có độ cong khác 0) thì định lý đó không còn đúng nữa (tính tương đối), nó cần phải được bổ sung bằng định lý mới (sự phát triển quá trình nhận thức dần tới chân lý đầy đủ hơn - tức chân lý tuyệt đối).

- Chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối

Chân lý tương đối là tri thức phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan nhưng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, cần phải được bổ sung, điều chỉnh trong quá trình phát triển tiếp theo của nhận thức.

Ở chân lý tương đối, sự phản ánh hiện thực khách quan bị giới hạn ở những mặt, những bộ phận nhất định và bị chế ước bởi điều kiện lịch sử

Ví dụ, hai khẳng định sau đây đều là chân lý, nhưng chỉ là chân lý tương đối: (1) Bản chất của ánh sáng có đặc tính sóng; (2) Bản chất của ánh sáng có đặc tính hạt. Trên cơ sở hai chân lý đó có thể tiến tới một khẳng định đầy đủ hơn: ánh sáng mang bản chất lưỡng tính là sóng và hạt.

Chân lý tuyệt đối là tri thức hoàn toàn đầy đủ, hoàn chỉnh về thế giới khách quan.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì theo bản chất của nó, tư duy con người có thể cung cấp và đang cung cấp cho chúng ta chân lý tuyệt đối mà chân lý này chỉ là tổng số những chân lý tương đối.

Mỗi giai đoạn phát triển của khoa học lại đem thêm những hạt mới vào cái tổng số ấy của chân lý tuyệt đối, nhưng những giới hạn chân lý của mọi định lý khoa học đều là tương đối, khi thì mở rộng ra, khi thì thu hẹp lại, tùy theo sự tăng tiến của tri thức.

Quan hệ biện chứng giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối:

– Chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối đều là chân lý khách quan. Khi thừa nhận chân lý là khách quan, là sự thống nhất giữa hai cấp độ tuyệt đối và tương đối, thì điều đó cũng có nghĩa chân lý là cụ thể.

– Chân lý tương đối bao giờ cũng chứa những yếu tố là chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối được hình thành từ các chân lý tương đối, có sự bổ sung các chân lý tương đối.

– Sự khác biệt giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối không phải ở bản chất mà là ở mức độ phù hợp của chúng với khách thể được phản ánh. Mức độ hay ranh giới giữa chúng bao giờ cũng tồn tại nhưng không ngừng được xóa bỏ và được xác lập.

3. Tiêu chuẩn của chân lý là thực tiễn

– Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý. Chỉ nhờ vào thực tiễn và trên cơ sở thực tiễn ta mới phân biệt được chân lý và sai lầm.

– Thực tiễn có vai trò như vậy vì nó có ưu điểm của “tính phổ biến” và là hiện thực trực tiếp. Nhờ đó, thực tiễn có thể “vật chất hóa” được tri thức, biến tri thức thành những khách thể xác định, cảm tính trong thế giới khách quan.

– Tiêu chuẩn thực tiễn vừa mang tính tuyệt đối vừa mang tính tương đối. Tuyệt đối vì thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất. Tương đối vì thực tiễn luôn luôn biến đổi, phát triển, do đó cần có sự bổ sung, phát triển những tri thức đã có trước đó.

Xem thêm các bài cùng chuyên mục

Xem thêm các chủ đề liên quan

Loạt bài Tài liệu hay nhất