Chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo

Lo bán gạo hỗ trợ!

Năm học 2018-2019 đã bắt đầu; như mọi năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước lại tất bật triển khai các công việc để đưa gạo dự trữ quốc gia đến với học sinh vùng khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Dự kiến đầu năm học này, cả nước có khoảng nửa triệu học sinh sẽ được nhận gạo hỗ trợ, với định mức 15kg/học sinh/tháng.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Thời, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho học sinh các địa phương vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK không chỉ giúp các em học sinh không bị “đứt bữa” mà còn là điểm tựa giúp các em tiếp tục hành trình đi tìm con chữ.

Chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh DTTS đang bộc lộ nhiều bất cập. (Ảnh minh họa)

Điều này là hoàn toàn đúng. Chính sách hỗ trợ gạo trực tiếp đã khuyến khích động viên các em học sinh đến trường, tỷ lệ học sinh đến trường và số lượng học sinh chuyên cần tại các trường ngày càng tăng cao. Đồng thời cũng đã góp phần giảm áp lực đáng kể cho nhà trường và các thầy cô giáo trong việc huy động học sinh đến trường và an tâm giảng dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh; giảm bớt khó khăn cho gia đình và các cấp chính quyền địa phương trong công tác ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách hỗ trợ trực tiếp đã bộc lộ không ít “lỗ hổng”. Đầu tiên là ở thời gian cấp phát gạo hỗ trợ; với quy định việc cấp phát gạo 2 lần/năm học đã khiến cho số lượng gạo học sinh nhận trong một lần cấp phát quá nhiều.

Việc được nhận quá nhiều gạo trong một lần cấp sẽ không phải là vấn đề lớn nếu như học sinh nhà gần trường hoặc có chế độ nội trú. Nhưng với những học sinh phải ở trọ nhà dân thì việc bảo quản số lượng hàng chục kg gạo là không hề dễ dàng. Bên cạnh việc lương thực bị ẩm mốc không thể sử dụng được thì tình trạng sau khi nhận gạo hỗ trợ xong, học sinh đem bán cũng đã xảy ra.

Cuối tháng 12/2017, huyện Tương Dương (Nghệ An) gây chú ý của dư luận khi hàng trăm em học sinh DTTS sau khi nhận gạo hỗ trợ đã đem bán. Theo lý giải của đại diện ngành Giáo dục huyện Tương Dương, từ năm 2013, Nghệ An đã thực hiện bỏ loại hình trường Dân tộc nội trú-Trung học phổ thông (DTNT-THPT) ở các huyện miền núi. Trước đây, khi đang còn loại hình trường DTNT-THPT, các chế độ hỗ trợ học tập như gạo, tiền... được nhà trường quản lý chặt chẽ; nhưng nay theo quy định của Nghị định 116/2016/NĐ-CP, cấp phát trực tiếp cho học sinh. Nhưng do một năm cấp 2 kỳ, mỗi kỳ cấp 50kg gạo nên các em gặp khó trong việc bảo quản; nhiều em đã buộc phải đem bán để lấy tiền sử dụng vào mục đích khác.

Nhiều bất cập

Không chỉ việc hỗ trợ gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP có điểm bất cập mà ở nhiều chính sách khác hỗ trợ trực tiếp cho học sinh cũng tồn tại những “lỗ hổng”. Kết quả khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2010-2017 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tại một số địa phương vừa qua đã cho thấy rõ điều đó.

Đầu tiên là phải kể đến chính sách hỗ trợ trang cấp hiện vật (đồ dùng cá nhân) theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009 của Bộ Tài Chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau gần 10 năm thực hiện, những định mức quy định tại Thông tư này không còn phù hợp với điều kiện thực tế, Cụ thể: học sinh các trường phổ thông DTNT được trang bị 1 bộ/học sinh/4 năm và hằng năm không được mua bổ sung nên đa số học sinh đều không đủ dùng; mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể 50.000 đồng/học sinh/năm không đủ để nhà trường xoay xở để sửa chữa, dù chỉ là sửa chữa nhỏ,…

Không những vậy, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh còn triệt tiêu động lực thoát nghèo của hộ nghèo. Có thể kể đến chính sách thu, quản lý học phí, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015), mặc dù mức thu học phí đối với trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK hiện nay rất thấp (khoảng 2.400 học sinh/tháng), nhưng một số địa phương vẫn không thu được. Một phần do đời sống người dân còn khó khăn, một phần là do nhiều người vẫn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh, chỉ chênh lệch vài chục nghìn đồng là 1 hộ nghèo có thể trở thành cận nghèo. Trong khi đó, đối tượng trẻ mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người DTTS là hộ cận nghèo lại không thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập. Chính vì vậy, “thoát nghèo” lại trở thành nỗi lo với nhiều hộ gia đình vì từ đây, con cái họ sẽ không được hỗ trợ chi phí học tập.

Mới đây nhất là Nghị định 06/2018/NĐ-CP, ngày 05/1/2018 về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo. Theo quy định, kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ được thực hiện 2 lần trong năm: Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10, 11; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 2 hoặc 3. Nhưng trên thực tế, rất ít nơi thực hiện kịp thời ngay từ đầu năm học, dẫn đến khó khăn cho các trường trong việc tổ chức ăn trưa cho trẻ.

Mặt khác, quy định để xét duyệt đối tượng được hỗ trợ là phải có sổ hộ khẩu, nhưng thực tế tại khu vực Tây Nguyên, nhiều gia đình DTTS di dân tự do chưa có hộ khẩu, dẫn đến việc con em họ không được thụ hưởng những chính sách này.

Theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc, từ năm 2010-2017, Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 45.676 tỷ đồng dành cho việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, học sinh vùng DTTS và miền núi đã có điều kiện học tập tốt hơn. Để chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả hơn nữa thì những bất cập nêu trên cần thiết phải được điều chỉnh, bổ sung, qua đó thúc đẩy phát triển giáo dục ở vùng DTTS và miền núi.

SỸ HÀO

Học sinh khuyết tật là nhóm đối tượng được quan tâm đặc biệt trong ngành giáo dục với những chế độ đặc biệt riêng.

Chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo

Học sinh khuyết tật là đối tượng được quan tâm đặc biệt trong ngành giáo dục.

Quy định về chế độ ưu tiên nhập học và tuyển sinh nêu rõ, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.

Do đó, học sinh khuyết tật có thể vào học tiểu học khi 9 tuổi, học cấp 2 khi 14 tuổi và học cấp 3 khi 18 tuổi.

Theo quy định của Luật Giáo dục, học sinh khuyết tật là một trong những đối tượng được miễn, giảm học phí.

Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước chỉ quy định về miễn giảm học phí đến hết năm học 2020 - 2021 tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Trong đó, học sinh khuyết tật có khăn khăn về kinh tế là một trong những đối tượng được miễn học phí.

Bên cạnh đó, tại Điều 7 Thông tư liên tịch 42 quy định về chính sách học bổng cho học sinh là người khuyết tật như sau:

“Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.”

Trong đó, người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp sẽ được cấp học bổng 10 tháng/năm học.

Nếu người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách trên đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thì được cấp học bổng 9 tháng/năm học.

Cũng theo điều khoản này, người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 01 triệu đồng/người/năm học.

Trường hợp người khuyết tật cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Ngoài những chế độ ưu tiên nói trên, người khuyết tật còn được ưu tiên tuyển sinh, xét tuyển thẳng vào đại học.

Cụ thể:

- Đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông: Người khuyết tật được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Đối với trung cấp chuyên nghiệp: Người khuyết tật được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp theo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.

- Đối với đại học, cao đẳng: Người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.

Người khuyết tật nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Lưu ý, việc xét tuyển vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học sẽ do Hiệu trưởng trường quyết định dựa trên kết quả học tập phổ thông, tình trạng sức khỏe của học sinh và yêu cầu của ngành đào tạo.