Cơ quan thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu

Tôi có thắc mắc: Các cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu? Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào? Câu hỏi của chị Nga ở Huế.

Các cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu?

Căn cứ tại Điều 8 Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định những cơ quan sau đây có trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu:

Trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu
1. Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
a) Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương thì Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
c) Đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng dự toán mua sắm quyết định việc mua sắm theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
2. Thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu:
Bên mời thầu quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu.

Như vậy theo quy định trên thì đối với gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của mỗi cơ quan khác nhau sẽ có cơ quan tương ứng chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cụ thể:

- Đối với gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

- Đối với gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương:Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương quyết định cơ quan làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

- Đối với các gói thầu mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng dự toán mua sắm quyết định việc mua sắm:Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định cơ quan làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Cơ quan thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu

Cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu? Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào? (Hình từ internet)

Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?

Căn cứ tại Điều 9 Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau:

Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
1. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền giao đầu năm và lập kế hoạch bổ sung đối với các Khoản dự toán mua sắm được giao bổ sung trong năm.
Trường hợp chưa đủ Điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.
2. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.
3. Việc phân chia dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ trong việc mua sắm và có quy mô gói thầu hợp lý. Nghiêm cấm việc chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm theo các hình thức không phải đấu thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định.
4. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có quyết định phê duyệt dự toán mua sắm hoặc đồng thời với quá trình lập dự toán mua sắm.

Như vậy việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện dựa theo 4 nguyên tắc như trên.

Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm những nội dung gì?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định về nội dung văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau:

Trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
...
2. Văn bản trình duyệt gồm:
a) Phần công việc đã thực hiện bao gồm nội dung công việc liên quan đến các gói thầu thực hiện trước với giá trị tương ứng và các căn cứ pháp lý để thực hiện;
b) Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Thông tư này;
c) Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Thông tư này. Trong phần này phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự toán mua sắm thành các gói thầu. Đối với từng gói thầu, phải bảo đảm có đủ các nội dung quy định tại Điều 11 của Thông tư này. Đối với gói thầu không áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do áp dụng hình thức lựa chọn khác;
d) Phần công việc chưa đủ Điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có), trong đó nêu rõ nội dung và giá trị của phần công việc này;
đ) Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này. Tổng giá trị của phần này không được vượt tổng dự toán mua sắm được phê duyệt.