Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

Số: 408/TTR-CP Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2017

TỜ TRÌNH

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội

về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Kính gửi:

– Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

– Quốc hội.

Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 88) như sau:

1. Tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới (đến tháng 9 năm 2017)

a) Những kết quả đạt được

– Về công tác tổ chức, chỉ đạo:

+ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Quyết định 404).

+ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông[1], bổ nhiệm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, thành lập Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là chương trình tổng thể), Ban Phát triển chương trình các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi tắt là các chương trình môn học) và Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình tổng thể; xây dựng và triển khai kế hoạch[2] thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 và Quyết định 404.

– Về chuẩn bị điều kiện cần thiết để xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới:

+ Tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 40); xác định những ưu điểm, hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành và công tác chỉ đạo, tổ chức, chuẩn bị điều kiện xây dựng, biên soạn, triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa; chỉ ra nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm từ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trong xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành.

+ Tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước có nền giáo dục phát triển[3] và tổ chức nhiều hội thảo về xây dựng, biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh; từ đó đề xuất vận dụng vào điều kiện Việt Nam.

+ Tổ chức triển khai thực hiện 28 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp thiết phục vụ xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; một số kết quả nghiên cứu đã được các nhóm nghiên cứu tổng hợp báo cáo, chuyển giao cho Ban Phát triển chương trình tổng thể và Ban Phát triển các chương trình môn học.

+ Ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông[4].

– Về xây dựng chương trình tổng thể: Triển khai thực hiện Quyết định 404, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo chương trình tổng thể[5] và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo lần 1 (từ ngày 05 tháng 8 năm 2015 đến ngày 21 tháng 9 năm 2015) và lần 2 (từ ngày 12 tháng 4 năm 2017 đến ngày 29 tháng 4 năm 2017) để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, đồng thời gửi xin ý kiến các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, các cơ quan, tổ chức và cá nhân[6].

Dự thảo chương trình tổng thể đã được toàn xã hội quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản và cho rằng dự thảo chương trình tổng thể đã quán triệt các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thể hiện quyết tâm đổi mới của lãnh đạo ngành Giáo dục[7]. Bên cạnh các ý kiến đồng thuận nhất trí, có một số ý kiến đề nghị giải thích, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung dự thảo chương trình tổng thể.

Ban Phát triển chương trình tổng thể đã giải trình và nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể, trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2017[8]. Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học.

– Về công tác truyền thông: Tổ chức quán triệt và tuyên truyền trên phạm vi cả nước về mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và các giải pháp chủ yếu xây dựng, biên soạn và thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 và Quyết định 404; trả lời ý kiến, kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội, các tổ chức, cá nhân về những vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tham gia diễn đàn giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)…; thành lập và chính thức đưa website “Hỏi – Đáp về giáo dục và đào tạo”[9] vào hoạt động từ tháng 7 năm 2015; thành lập và chính thức đưa website “Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”[10] vào hoạt động từ tháng 6 năm 2017.

b) Hạn chế, bất cập

Tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404, thời gian thực tế cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến[11].

Nguyên nhân:

– Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng.

– Chương trình giáo dục phổ thông có thời gian sử dụng lâu dài và đóng vai trò quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện và phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, gồm nhiều bước: Xây dựng dự thảo chương trình tổng thể; công bố dự thảo chương trình tổng thể trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến nhân dân trong thời gian ít nhất 60 ngày[12]; thẩm định và thông qua chương trình tổng thể; xây dựng dự thảo các chương trình môn học; công bố dự thảo các chương trình môn học trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến nhân dân trong thời gian ít nhất 60 ngày; thẩm định các chương trình môn học, thẩm định lần 2 chương trình tổng thể và ban hành chương trình mới. Tính từ khi ban hành Nghị quyết 88 (tháng 11/2014) đến khi ban hành chương trình mới (dự kiến quý I năm 2018), thời gian thực tế để thực hiện quy trình xây dựng chương trình mới cần hơn 3 năm[13].

– Quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội.

– Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu xây dựng chương trình mới cũng cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục theo quy định[14].

c) Những công việc chính triển khai trong thời gian tới

– Xây dựng các chương trình môn học và ban hành chương trình mới: Tổ chức tập huấn cho người tham gia thẩm định các chương trình môn học; hoàn thành dự thảo các chương trình môn học và lấy ý kiến góp ý thông qua đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức các hội thảo và gửi xin ý kiến chuyên gia; tổ chức thực nghiệm các chương trình môn học; thẩm định, chỉnh sửa và ban hành chính thức chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học).

– Biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới

+ Biên soạn tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.

+ Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức biên soạn, thực nghiệm một bộ sách giáo khoa đầy đủ các môn học ở các lớp học, cấp học theo chương trình mới.

+ Căn cứ chương trình mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tổ chức biên soạn các sách giáo khoa.

+ Các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa tiến hành thẩm định các sách giáo khoa (gồm một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn và các sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.

– Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương để đưa vào chương trình mới, báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt[15].

– Triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới: Xác định lộ trình tiến hành thực nghiệm và triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới bám sát yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404, đồng thời phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tế. Trong thời gian chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được thuận lợi.

– Tiếp tục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phục vụ xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa mới như các thông tư quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; hướng dẫn xây dựng tài liệu giáo dục của địa phương,…

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông nhằm tăng cường hiểu biết về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phân biệt rõ đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này và các lần trước đó và chỉ ra khả năng dẫn đến kết quả tốt hơn; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tạo sự tin tưởng, lạc quan, đồng thuận đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội cho công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.

2. Tình hình chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa

a) Chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

– Các công việc đã tiến hành:

+ Thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục[16]; phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025[17]. Trên cơ sở Đề án này, ngày 06 tháng 02 năm 2017, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho “Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (sau đây gọi tắt là Chương trình ETEP). Ban hành và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Rà soát, sửa đổi các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới; xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

+ Chỉ đạo và làm việc với các trường sư phạm để đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm do Chương trình ETEP đang hoàn thiện.

+ Rà soát thực trạng thừa, thiếu giáo viên các cấp học; tính toán nhu cầu đào tạo giáo viên ở các cấp học, ngành học, từ đó các trường sư phạm xây dựng chương trình đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2 để các địa phương thực hiện điều chuyển và bổ sung, xử lý việc thừa, thiếu giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tế.

+ Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt[18] chủ động phối hợp với các trường sư phạm khác và Chương trình ETEP nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Các trường sư phạm và các địa phương xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung về phát triển các năng lực nghề nghiệp nền tảng cho giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông. Cơ sở đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông tổ chức các hội thảo, tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

– Những công việc chính triển khai trong thời gian tới:

+ Hoàn thành việc ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán; khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù;

+ Hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện có ở các địa phương, xác định số giáo viên thừa, thiếu trong từng cấp học, theo từng môn học ở địa phương để làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, thay thế đội ngũ giáo viên, cùng với việc hoàn thiện tính toán định mức kinh tế – kỹ thuật để từ đó giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng;

+ Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước theo các chuẩn đã ban hành. Xây dựng và triển khai hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng trên phạm vi cả nước; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học theo chương trình mới[19] và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hai hình thức tập trung và qua mạng bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới;

+ Ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (trong đó có giảng viên trường sư phạm); ban hành Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, Tiêu chuẩn giảng viên sư phạm cốt cán; xây dựng các quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm; điều chỉnh, bổ sung các quy chế thực hành nghiệp vụ sư phạm, quy chế thực tập sư phạm của sinh viên sư phạm;

+ Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm, đồng thời chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề nhằm bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

+ Rà soát các chế độ, chính sách để giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập hiện nay như tuyển dụng, sử dụng giáo viên; lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,…; nghiên cứu các nội dung cần thiết để đề xuất sửa đổi các nội dung cốt lõi về nhà giáo trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục;

+ Các địa phương chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc bố trí tuyển dụng, sử dụng giáo viên; thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông theo chuẩn nghề nghiệp làm căn cứ bồi dưỡng, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông trong thực hiện chương trình mới; nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình trong quá trình thực hiện đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý trường phổ thông.

b) Chuẩn bị cơ sở vật chất trường phổ thông

– Những công việc đã tiến hành:

+ Các địa phương đánh giá thực trạng và nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, rà soát và xây dựng danh mục các phòng học cần kiên cố hóa sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu trên cơ sở rà soát của các trường phổ thông.

+ Chuẩn bị Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông[20]. Lộ trình thực hiện Đề án được xây dựng đồng bộ từ trung ương đến các địa phương và đồng bộ với lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; Đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để các địa phương huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường lớp học thực hiện được chương trình, sách giáo khoa mới.

+ Ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học và yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục phổ thông.

+ Tổ chức rà soát danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình hiện hành; nghiên cứu, đánh giá lại các chỉ số nhân trắc học của học sinh, rà soát các quy định hiện hành về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường phổ thông.

– Những công việc chính triển khai trong thời gian tới:

+ Hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo thực hiện theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

+ Ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động tiến hành điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới; ưu tiên bố trí phòng học bộ môn, phòng thực hành, thí nghiệm; rà soát danh mục thiết bị giáo dục tối thiểu hiện hành, chỉ bổ sung những thiết bị thật sự cần thiết, trang bị thiết bị giáo dục ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí.

+ Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về nhân trắc học, hướng dẫn các địa phương mua sắm bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh và chương trình, sách giáo khoa mới. Rà soát, điều chỉnh các chuẩn, quy chuẩn về trường lớp học phù hợp với chương trình mới, làm căn cứ xây dựng Đề án tổng thể về cơ sở vật chất, thiết bị trường học (bao gồm cả mầm non, phổ thông và đại học).

c) Chuẩn bị kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Ngày 08 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Tổng vốn dự án là 80 triệu USD. Trừ kinh phí dự phòng (3 triệu USD), kinh phí còn lại bố trí cho các thành phần của dự án như sau:

– Thành phần 1: Xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (16.431.850 USD), gồm: Tập huấn cho người xây dựng, thẩm định chương trình; xây dựng chương trình tổng thể và các chương trình môn học; thực nghiệm, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

– Thành phần 2: Biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới (20.568.150 USD), gồm: Biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện); tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn sách giáo khoa; thẩm định các sách giáo khoa; hỗ trợ việc cung cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn[21].

Theo Quyết định 404, dự toán kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn và triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới là 778,8 tỷ VNĐ (tương đương 37 triệu USD). Kinh phí này được bố trí tại thành phần 1 (16.431.850 USD) và thành phần 2 (20.568.150 USD) nêu trên.

– Thành phần 3: Phát triển chương trình giáo dục phổ thông, đánh giá và phân tích kết quả học tập để cải tiến chương trình và chính sách đối với giáo dục phổ thông (37.545.000 USD).

Mục tiêu của thành phần này nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển bền vững chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học; xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống đánh giá diện rộng quốc gia; kết quả học tập của học sinh theo chương trình mới được phân tích toàn diện, trong đó đặc biệt quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh nghèo và nhóm học sinh thiệt thòi; tăng cường công tác khảo thí, trước mắt là khảo thí ngoại ngữ trên phạm vi quốc gia.

Các hoạt động chính gồm: Xây dựng Trung tâm quốc gia phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và Trung tâm quốc gia khảo thí ngoại ngữ; tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh; triển khai đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh.

– Thành phần 4: Quản lý dự án (2.455.000 USD), gồm các hoạt động của Ban quản lý dự án và các hoạt động giám sát, đánh giá và kiểm toán theo quy định.

3. Kiến nghị

a) Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung các chính sách về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm tạo thuận lợi và động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

b) Quốc hội tăng cường giám sát Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; quy trình tuyển dụng, luân chuyển và điều động giáo viên và các chính sách tạo động lực cho giáo viên; kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất (trước hết là kiên cố hóa trường lớp học, bảo đảm đủ phòng học theo quy định). Đây là tiền đề quan trọng để công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông thành công.

c) Về lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới:

Theo yêu cầu của Nghị quyết 88, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, cụ thể:

Năm học Các lớp tiến hành thực nghiệm Các lớp bắt đầu áp dụng
Trước 2018-2019 Lớp 1, lớp 6 và lớp 10
2018-2019 Lớp 2, lớp 7 và lớp 11 Lớp 1, lớp 6 và lớp 10
2019-2020 Lớp 3, lớp 8 và lớp 12 Lớp 2, lớp 7 và lớp 11
2020-2021 Lớp 4, lớp 9 Lớp 3, lớp 8 và lớp 12
2021-2022 Lớp 5 Lớp 4, lớp 9
2022-2023 Lớp 5

Tuy nhiên, căn cứ tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc đến tháng 9 năm 2017, có thể thấy nếu triển khai theo lộ trình trên thì chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa bảo đảm, do đó việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa khó đảm bảo thành công và khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội.

Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022, cụ thể:

Năm học Các lớp tiến hành thực nghiệm Các lớp bắt đầu áp dụng
2018-2019 Lớp 1
2019-2020 Lớp 2 và lớp 6 Lớp 1
2020-2021 Lớp 3, lớp 7 và lớp 10 Lớp 2 và lớp 6
2021-2022 Lớp 4, lớp 8 và lớp 11 Lớp 3, lớp 7 và lớp 10
2022-2023 Lớp 5, lớp 9 và lớp 12 Lớp 4, lớp 8 và lớp 11
2023-2024 Lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Theo phương án mới nêu trên sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực người học; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có của các cơ sở giáo dục phổ thông; bảo đảm sự tham gia và cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Mặt khác, trong phương án mới, tổng thời gian hoàn thành việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới (5 năm) không thay đổi so với phương án nêu tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404 nhưng theo từng năm học, số lớp học ở một cấp học áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ tăng dần, đến năm thứ 5 thì tất cả các lớp học ở cả ba cấp học mới áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Điều này góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới một cách chắc chắn, nhất là đối với chương trình một số môn học tích hợp (ở cấp trung học cơ sở) và lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp (ở cấp trung học phổ thông).

Trên đây là nội dung Tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88. Kèm theo Tờ trình này có các phụ lục:

– Phụ lục I: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

– Phụ lục II: Đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2016-2017.

– Phụ lục III: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2016-2017.

– Phụ lục IV: Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88.

– Phụ lục V: Lộ trình xây dựng, thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Chính phủ kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội./.

Nơi nhận:

– Như trên;

– Chủ tịch Quốc hội (để b/c);

– Thủ tướng Chính phủ (để b/c);

– PTTg Vũ Đức Đam (để b/c);

– UB Thường vụ Quốc hội;

– Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

– UB VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Bộ Giáo dục và Đào tạo (30b);

– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,

TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: QHĐP,

TH, TKBT;

– Lưu: VT, KGVX (2b). 785b

TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

(Đã ký)

Phùng Xuân Nhạ

[1] Quyết định số 404/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

[2] Quyết định số 2632/QĐ-GDĐT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 và Quyết định 404.

[3] Đã tổ chức các đoàn công tác đi trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Úc, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển…; dịch ra tiếng Việt chương trình Tú tài quốc tế (IB) và chương trình, sách giáo khoa của một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc,…

[4]Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.

[5] Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là văn bản quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của giáo dục phổ thông, bao gồm: quan điểm xây dựng, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục, hệ thống môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

[6] Trong đợt xin ý kiến lần 2, Ban Phát triển chương trình tổng thể đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, trong đó có các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức, cá nhân và 63/63 sở Giáo dục và Đào tạo; đồng thời trên các tờ báo lớn đã có khoảng 200 bài viết và khoảng 400 ý kiến chia sẻ dưới các bài viết.

[7] Ưu điểm của dự thảo chương trình tổng thể:

– Đã kế thừa, phát huy ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông trước đây, đồng thời có nhiều điểm mới so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận xu hướng quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông;

– Có những nội dung đổi mới mang tính đột phá như cụ thể hoá mục tiêu phát triển năng lực cá nhân nêu trong Luật Giáo dục; xác định những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh; quan điểm tích hợp được quán triệt đầy đủ trong thiết kế chương trình, đã có những môn học và hoạt động giáo dục có tính tích hợp khá hợp lý và khoa học; cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm;

– Chương trình được xây dựng theo hướng mở, đảm bảo thống nhất về những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội;

– Đã nêu khái quát các điều kiện tối thiểu về cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện được chương trình mới;

– Quy trình, cách thức tổ chức xây dựng chương trình và đặc biệt là cách lấy ý kiến đóng góp đã thể hiện rõ tính công khai, minh bạch, dân chủ, thực sự cầu thị, sẵn sàng đối thoại trực tiếp, thông tin đầy đủ và kịp thời để giải tỏa những bức xúc của dư luận;

– Chương trình được biên soạn, chỉnh sửa công phu và nghiêm túc; cách thể hiện khá ngắn gọn, cô đọng, dễ đọc và dễ hiểu với mọi đối tượng.

[8] Chương trình tổng thể đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 28 tháng 7 năm 2017.

[9] Tại địa chỉ: http://hoidap.moet.gov.vn

[10] Tại địa chỉ: http://rgep.moet.gov.vn

[11] Theo Quyết định 404, đến tháng 6 năm 2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học). Trên thực tế, chương trình tổng thể được Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2017; dự kiến chương trình mới được ban hành trong quý I năm 2018.

[12] Trên thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 lần công bố dự thảo chương trình tổng thể trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến nhân dân, tổng cộng thời gian xin ý kiến là hơn 90 ngày.

[13] Chương trình hiện hành (gồm các chường trình môn học, không có chương trình tổng thể) được bắt đầu xây dựng từ năm 1996, đến năm 2002 mới triển khai ở hai cấp tiểu học, trung học cơ sở và năm 2005 mới triển khai ở cấp trung học phổ thông; tổng cộng thời gian từ khi dự thảo đến khi ban hành chính thức hơn 9 năm.

[14] Ngày 08 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt danh mục dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Ngày 08 tháng 8 năm 2016, Hiệp định tài trợ cho dự án được ký kết. Ngày 15 tháng 9 năm 2016, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 256/NQ-UBTVQH14 bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện dự án. Từ đây việc tuyển chọn Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, các Chủ biên và tác giả chương trình môn học, một trong yếu tố quyết định thành công trong xây dựng, biên soạn và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được chính thức tiến hành theo phương thức đấu thầu tuyển chọn chuyên gia tư vấn. Căn cứ kết quả đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Quyết định thành lập Ban Phát triển chương trình tổng thể (tháng 01/2017) và Ban Phát triển các chương trình môn học (tháng 3/2017).

[15] Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

[16] Quyết định số 302/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

[17] Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

[18] Trường Đại học sư phạm Hà Nội; Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học sư phạm, Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học sư phạm, Đại học Huế; Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Quy Nhơn.

[19] Nội dung tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới tập trung hướng dẫn dạy và học theo yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh đối với mỗi môn học, lớp học, cấp học; đáp ứng sự đa dạng vùng miền, đặc biệt là vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.

[20] Mục tiêu cụ thể của Đề án: Đầu tư kiên cố hóa các phòng học mầm non và tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn (sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ); đầu tư bổ sung đáp ứng số phòng học còn thiếu của cấp mầm non và tiểu học (lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ngân sách địa phương, huy động khác); đầu tư xây dựng bổ sung các phòng học bộ môn, khối phòng phục vụ học tập và thư viện (lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ngân sách địa phương, huy động khác); mua sắm bổ sung đáp ứng nhu cầu thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa (lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục và ngân sách địa phương, huy động khác); mua sắm bổ sung thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế 02 chỗ ngồi, máy tính phục vụ công tác giảng dạy, thiết bị phòng học ngoại ngữ (lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục và ngân sách địa phương, huy động khác).

[21] Tổ chức lựa chọn một số trường thuộc vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn để cung cấp sách giáo khoa cho thư viện các trường này tổ chức cho học sinh mượn sử dụng trong năm học. Dự kiến sẽ có khoảng 66.000 bộ sách giáo khoa biên soạn theo chương trình mới (mỗi bộ gồm sách giáo khoa các môn học từ lớp 1 đến lớp 12) được cung cấp theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.