Giám định tâm thần mất bao lâu

Giám định pháp y tâm thần

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Kết luận giám định pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Khi cơ quan điều tra nghi ngờ năng lực trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội thì bắt buộc phải trưng cầu giám định tình trạng tâm thần của đối tượng. Nếu kết luận cho thấy đối tượng bị bệnh tâm thần, hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì đối tượng sẽ phải thực hiện biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, khi khỏi bệnh vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã gây ra song được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án chính xác, khách quan, không để bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tuy vậy, không phải trường hợp bệnh nhân tâm thần nào cũng phải tiến hành hội chẩn. Chỉ những trường hợp nào khó chẩn đoán hoặc đã chẩn đoán song điều trị khó mới phải hội chẩn. Điều này dẫn đến những trường hợp cán bộ y tế tự ý đưa ra chẩn đoán để làm hồ sơ, bệnh án tâm thần. Trong đó, có một số người bị mua chuộc bằng lợi ích vật chất đã làm hồ sơ tâm thần giả cho các đối tượng vi phạm pháp luật.

Quy trình giám định pháp y tâm thần hiện được quy định tại Thông tư số 18/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.

Việc giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự. Hồ sơ phải được gửi tới bệnh viện trước để nghiên cứu, xem xét, quyết định việc tiếp nhận trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phân công người thực hiện giám định. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ phải nghiên cứu hồ sơ của đối tượng, tiếp đến đối tượng sẽ được theo dõi tại buồng bệnh, trường hợp cần thiết phải theo dõi bằng camera. Giám định viên tham gia giám định theo dõi sát, ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ mọi diễn biến của đối tượng giám định vào bệnh án theo dõi giám định.

Đối tượng sẽ được thăm khám lâm sàng khám tâm thần, khám nội khoa và thần kinh, khám chuyên khoa khác nếu cần thiết. Mọi diễn biến lâm sàng của bệnh nhân sẽ được ghi chép đầy đủ vào bệnh án.

Sau khi theo dõi bệnh nhân một tháng cùng với những kết quả thăm khám, hội đồng chuyên môn sẽ họp để cùng đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định này.

Công tác chuyên môn về pháp y tâm thần được giao cho 2 viện là Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và năm (05) Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực. Các đơn vị này, ngoài thực hiện chức năng do Bộ trưởng Bộ Y tế phân công, còn phải tuân thủ theo sự điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án hình sự; còn 5 Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, giai đoạn hiện nay mới chỉ thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu và theo yêu cầu của cơ quan tư pháp.

Đối với Viện Pháp y tâm thần Trung ương và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, ngoài thực hiện giám định còn phải tiếp nhận điều trị bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP.

Kể từ thời điểm người bị bắt buộc chữa bệnh, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh. Việc quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân biệt đối xử.

Bệnh án tâm thần có phải tấm “kim bài miễn tử”?

Giám định tâm thần mất bao lâu

Mấy ngày qua, dư luận xã hội đang xôn xao về vụ việc một bệnh nhân tâm thần mở động “bay lắc”, mời “gái dịch vụ” vào buồng điều trị tại bệnh viện.

Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, Nguyễn Xuân Quý, có tiền sử bệnh tâm thần, vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I từ tháng ngày 8/11/2018. Trong thời gian điều trị, Quý nhiều lần bỏ trốn khỏi bệnh viện, đầu tháng 01/2021 Công an quận Hai Bà Trưng bàn giao lại cho khoa điều trị, trước đó cơ quan này đã bắt giữ Nguyễn Xuân Quý về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Ngày 20/3/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội khám xét khẩn cấp phòng điều trị của bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện. Ngày 22/3/2021 Bệnh viện nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội thông báo kết quả điều tra, nội dung thể hiện: “Ngày 20/3/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã bắt Nguyễn Xuân Quý với hành vi: Mua bán trái phép chất ma túy, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.”

Thời gian ở bệnh viện lâu nên Quý đã tạo quan hệ thân thiết với một số cán bộ tại đây và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Quý đã cải tạo phòng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy. Quý còn cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện sử dụng ma túy ngay tại đây. Thậm chí Quý còn đưa cả những cô gái làm “dịch vụ” đến đây để cùng sử dụng ma túy.

Không những thế, Quý còn tổ chức mua bán ma túy ngay tại bệnh viện. Những người đến mua ma túy thường giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân để thực hiện các giao dịch mua bán ma túy. Quý không trực tiếp đưa “hàng”, mà sai đàn em mang giao cho khách hoặc hẹn ở khu vực sân tennis, bãi đỗ xe phía sau khu điều trị trong bệnh viện, rồi ném ma túy qua cửa sổ phòng bệnh từ tầng 2 xuống. Để tránh bị phát hiện, Quý bố trí Nguyễn Trung Nguyên và Nguyễn Công Thường ngụy trang thành lái xe taxi, xe ôm công nghệ túc trực tại cổng bệnh viện làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma túy.

Một bác sĩ điều trị tại Khoa phục hồi chức năng cho biết, bình thường đối tượng Quý là người rất “khéo miệng”, lễ phép chào hỏi các bác sĩ, điều dưỡng nên không bị mất lòng ai. Tuy nhiên, nếu không chiều theo ý đối tượng này thì Quý sẽ đe doạ. Việc Quý không bị phát hiện khi tàng trữ số lượng ma tuý lớn tại phòng bệnh, vị này cho hay đối tượng khá tinh vi khi cất giấu trong “hộp chè, hộp mứt, trần nhà“.

Đối tượng Quý rất nguy hiểm, cho nên các bác sĩ luôn phải mềm mại để bệnh nhân hợp tác, không chống đối, phá phách.

Về việc Quý mở phòng hát trong phòng bệnh, bác sĩ bệnh viện giải thích rằng vì khoa điều trị có phòng nhạc dành cho những bệnh nhân tâm thần, đây là một trong những liệu pháp điều trị cho bệnh nhân. Cho nên, có thể Quý đã lợi dụng việc tổ chức “bay lắc” mở tiệc ma tuý trong phòng bệnh mà không ai hay biết.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên về câu hỏi Quý bị tâm thần thật hay không,  một bác sĩ bệnh viện cho rằng: “Quý là người từng may mắn thoát chết trong vụ tai nạn 6 người chết ở huyện Thường Tín vào tháng 10/2016. Đối tượng có lúc bị loạn cảm xúc. Vài ngày bệnh nhân này lại chửi bới một lần. Nếu không tâm thần thật sao dùng thuốc được. Người bình thường uống một viên đã rất khó chịu rồi còn Quý uống vài viên không sao. Bên cơ quan giám định Quý bị rối loạn tâm thần thực tổn và khoa chỉ điều trị theo quyết định của công an. Rối loạn tâm thần đâu phải mất trí hoàn toàn, có người vẫn học tập vẫn lao động được…”

Nhớ lại vi phạm của một số bác sĩ, nhân viên BV Tâm thần Trung ương I trong việc làm giả bệnh án tâm thần

Vụ việc “động trời” của ổ nhóm ma túy Nguyễn Xuân Quý  và nghi vấn về bệnh án tâm thần của đối tượng này, khiến chúng ta không khỏi nhớ lại câu chuyện về 78 bệnh án tâm thần giả, trong đó có 41 bệnh án của các đối tượng giang hồ nhằm giúp các đối tượng vi phạm pháp luật trốn tránh trách nhiệm hình sự xảy ra ở Bênh viện Tâm thần Trung ương 1.

Cuối tháng 01/2018, một đường dây mua bán bệnh án tâm thần nhằm chạy án hình sự đã bị Công an Thành phố Hà Nội phát giác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Theo hồ sơ vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội phát hiện nhiều đối tượng trong các vụ án hình sự đã làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Manh mối vụ án được lộ diện khi tháng 6/ 2018, Lê Thanh Tùng (SN 1986, thường trú ở phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đối tượng cầm đầu ổ nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ, băng nhóm thanh toán lẫn nhau, bị bắt.  Ngay sau khi bị bắt, Tùng đã xuất trình bệnh án tâm thần.

Tuy nhiên, qua xác minh, cơ quan điều tra kết luận bệnh án tâm thần của Tùng là giả. Chỉ với số tiền 85 triệu đồng, Tùng đã có hồ sơ bệnh án với kết luận bị “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”.

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã phối hợp với Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 rà soát trong số 94 hồ sơ của bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện có 78 hồ sơ được làm giả, trong đó có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng  Thân Thái Phong, Bác sĩ chuyên khoa 2, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và đối tượng Nguyễn Tuấn Sơn, Kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để  điều tra, xử lý đường dây “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần giả.

Ngày 19/4/2019, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm vụ án, tuyên phạt bị cáo Phong 10 năm tù về tội nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Tuấn Sơn bị phạt 30 tháng tù về tội môi giới hối lộ. Bị cáo Lê Thanh Tùng bị phạt 30 tháng tù về tội đưa hối lộ.

Nếu như những vi phạm này trót lọt, theo Điều 21 BLHS 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bệnh án tâm thần đem đến cho các đối tượng phạm tội hai cánh cửa đầy hứa hẹn:

– Thứ nhất, đối tượng phạm tội có thể  thoát án tử hình: Khi xác định đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử được quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình như tội giết người, nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì thường được Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình.

– Thứ hai, đối tượng phạm tội được rút ngắn hoặc thậm chí có thể không phải chấp hành hình phạt tù: Khi đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Điều 49 BLHS 2015 quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Nếu bệnh tâm thần ổn định, đối tượng tiếp tục được Cơ quan Điều tra phục hồi điều tra xử lý theo thủ tục tố tụng chung. Khi đó, thời gian chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù sau này khi Tòa tuyên án.

Sau khi vụ 78 bệnh án tâm thần giả và vụ việc của Quý bị đưa ra ngoài ánh sáng, chúng ta nhận thấy lỗ hổng rất lớn trong cách quản lý, điều trị cho bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Theo ghi nhận của các phóng viên, bệnh nhân điều trị bắt buộc tại các khoa điều trị đều là những bệnh nhân nghiện ma túy.  Lí giải vấn đề này, Phó Giám đốc Bệnh viện trình bày: “Do điều kiện của bệnh viện còn khó khăn nên tại các khoa điều trị chưa thành lập được khoa riêng, do đó việc điều trị bệnh nhân bắt buộc vẫn được thu dung và điều trị như những bệnh nhân tâm thần thông thường khác theo nghị định 64 của Chính phủ.

Đối với phòng bệnh của Nguyễn Xuân Quý và các bệnh nhân khác, lãnh đạo bệnh viện có xuống kiểm tra, nhưng thường đi sâu vào hồ sơ bệnh án, thuốc men, tiếp xúc người bệnh tại phòng giao ban. Ở một số chuyên khoa đa khoa các bác sĩ hay đến buồng bệnh thăm khám. Do đó, việc khám cho những bệnh nhân tâm thần không nhất thiết phải xuống buồng bệnh, mà có thể khám mọi chỗ mọi nơi và ngay cả lúc ngủ để có thể nhận định được triệu chứng rõ ràng của người bệnh.“

Hồi chuông cảnh báo cho hoạt động quản lý bệnh nhân, quản lý nhân sự tại một số Bệnh viện tâm thần

Giám định tâm thần mất bao lâu

Vụ việc vi phạm pháp luật phát hiện đường dây buôn bán và sử dụng ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn phản ánh sự lỏng lẻo của quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp y, pháp y tâm thần cả về số lượng và chất lượng chuyên môn, kiến thức pháp lý đáp ứng yêu cầu của công tác giám định tư pháp trong tình hình mới.

Đồng tiền đã khiến một số bác sĩ, người khoác trên mình chiếc áo chữa bệnh, cứu người trở thành kẻ tội đồ, bao che, tiếp tay cho tội phạm. Hành vi của các cán bộ bệnh viện, các nhân viên y tế đã tạo điều kiện để tội phạm lộng hành, trốn tránh việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Các bệnh viện trong cả nước, đặc biệt là bệnh viện tâm thần cần áp dụng công nghệ thông tin đối với hệ thống khám chữa bệnh, lưu trữ hồ sơ bệnh án. Với bệnh án điện tử, thể hiện rõ dấu hiệu, tiền sử người bệnh cũng như quá trình theo dõi, điều trị, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng làm giả, lạm dụng hồ sơ, bệnh án tâm thần vì mục đích khác nhau như hiện nay.

Đồng thời, để xóa bỏ tình trạng làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần,  ngành Y tế cần chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm tra, xem xét quy trình cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của các nhân viên y tế thực hiện công việc này. Đặc biệt cần thiết phải thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra, giám sát định kỳ cũng như đột xuất trong và ngoài bệnh viện; thành lập đoàn kiểm tra chéo giữa các bệnh viện với nhau để đảm bảo sự chính xác của công tác chuyên môn.

Các bác sỹ, giám định viên pháp y tâm thần càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác. Các Cục, Vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành Tâm thần cần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.

Cần phải yêu cầu tập thể lãnh đạo Bệnh viện tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan, rà soát và chấp hành nghiêm các quy định, quy chế quản lý bệnh viện và trong hoạt động khám, chữa bệnh. Đồng thời, cần ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ nhân viên yên tâm công tác, đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân.

Để nghiêm khắc trừng trị và tăng tính giáo dục, răn đe, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh những đối tượng “giả điên” và những người tiếp tay cho sự giả dối này.

Trách nhiệm hình sự đặt ra đối với những hành vi vi phạm

Trong vụ việc của Nguyễn Xuân Quý, để xử lý hành vi phạm tội của đối tượng, cần phải tiến hành giám định pháp y tâm thần. Nếu Quý đã khỏi bệnh, y sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015), Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015).

Trong trường hợp Quý có kết luận giám định mắc bệnh tâm thần trước, trong khi gây án thì được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc đình chỉ điều tra. Nếu kết luận giám định cho thấy Quý bị bệnh tâm thần, hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Nếu trường hợp phát hiện bệnh án tâm thần của Quý là giả mà Quý hoặc người nhà đưa tiền cho các bác sỹ để làm giả hồ sơ bệnh án thì có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp nếu có căn cứ xác định vì động cơ tư lợi mà các cán bộ y tế nhận tiền của đối tượng để làm hồ sơ bệnh án giả theo yêu cầu thì sẽ có dấu hiệu phạm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 BLHS. Những người này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật vì bao che, tiếp tay cho tội phạm.

Đối với những trường hợp các bác sỹ làm giả hồ sơ bệnh án, làm sai mà không vì lợi ích vật chất hoặc không chứng minh được họ nhận tiền làm giả bệnh án tâm thần thì sẽ xử lý về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra hành vi không tố giác, làm ngơ cho Quý thực hiện hành vi phạm tội của một số đối tượng trong bệnh viện để các đối tượng trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật thì hành vi này có dấu hiệu của “Tội che giấu tội phạm” (Điều 18, Điều 389 Bộ luật hình sự 2015).

BLHS 2015 cũng đã quy định rõ về việc xử lý đối với những người làm công tác giám định làm giả hồ sơ tâm thần. Điều 382 quy định, “người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm”.

Về trách nhiệm đối với người sử dụng hồ sơ giả, nếu họ có mục đích dùng hồ sơ để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật (thì có thể bị xem xét theo tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 BLHS năm 2015).

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất vi phạm mà các cán bộ, nhân viên bệnh viện này còn có thể bị phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian nhất định (từ 01 năm đến 05 năm).

Bùi Ngân

Số điện thoại: 0349144184