Lê thị thái tần là ai

Năm 4 tuổi, Tan Le (tên thật là Lê Thị Thái Tần) cùng em gái theo mẹ rời Việt Nam sang Australia. Cuộc sống mưu sinh khó khăn nơi xứ người là động lực để Tần nỗ lực học tập và giành nhiều thành tích xuất sắc.

8 tuổi, Tần đã mơ ước sở hữu năng lực siêu nhiên, có thể điều khiển mọi vật bằng suy nghĩ. ''Tôi là một đứa trẻ khác biệt, hay tò mò về mọi thứ. Từ nhỏ, mẹ luôn giáo dục tôi về tầm quan trọng của trường lớp nên tôi rất ý thức về việc học và tỏ ra rất chăm'', Tần nhớ lại. Cô tự nhận mình không phải mẫu người nổi trội, khiến người khác chú ý mà khá trầm lặng và chăm chỉ.

Ở tuổi 16, Tần xuất sắc hoàn thành sớm chương trình trung học, giành được học bổng toàn phần tại đại học Monash (Australia). Cô quyết định chọn ngành Luật để theo đuổi.

Trong thời gian học tại đây, Tần cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng, như trở thành Chủ tịch tổ chức hỗ trợ người nhập cư tại Australia, tư vấn về pháp lý và việc làm. ''Những hoạt động thiện nguyện giúp tôi nhận ra mình có thể tạo nên ảnh hưởng trong tương lai, cũng là cách cống hiến tốt nhất mà tôi làm được cho xã hội'', Tần chia sẻ.

Năm 1998, chỉ tròn 20 tuổi, với những thành tích trong hoạt động cộng đồng, Tần được nhận giải thưởng ''Người trẻ tiêu biểu của năm'' tại Australia - động lực giúp cô nhìn xa hơn, những ước mơ dần thành hình. ''Tôi nhận ra tầm quan trọng của việc tìm thấy năng lực cống hiến tốt nhất. Mỗi người là khác biệt, nắm trong tay những chất liệu cuộc sống khác nhau. Điều quan trọng là phải tìm ra những mảnh ghép lẩn khuất để định hình nên con người bạn'', Tần tâm sự.

Khi đó, cô vẫn đang học Luật tại ngôi trường danh giá Monash, ngành học mà cô nhận xét là ''trí tuệ, lôi cuốn và đáng theo đuổi''. Nhưng những điều đó chưa đủ để cô gái 20 tuổi thôi trăn trở về sứ mệnh cuộc đời.

''Hầu hết những người tôi gặp đều rất đam mê với những gì họ đang làm. Động lực họ có được là từ khát khao khám phá khoa học, kinh doanh hay sở thích đặc biệt cho âm nhạc, thể thao..., hơn là những hình mẫu thành công được lý tưởng hóa như luật sư, bác sỹ'', cô thổ lộ.

Trăn trở đó thôi thúc Tần rẽ hướng sự nghiệp. Lúc đó, cô đang là luật sư trong công ty luật hàng đầu của Australia Freehills ngay sau khi tốt nghiệp.

''Tôi nhận thấy mình đang sống trong một thế hệ mà những tiến bộ của công nghệ sẽ định hình và thúc đẩy nhân loại. Tương lai sẽ thuộc về những ai kiến tạo nó. Tôi muốn trở thành một trong số đó thay vì đứng bên lề tiến trình vận động này, hay nói cách khác, là người tạo ra những thành tựu mới'', cô cho biết.

Mong ước làm chủ tương lai, Tần thử nghiệm các ý tưởng về công nghệ. Cô bắt đầu với một công ty về dạy học trực tuyến cho trẻ em, tiếp đó là công ty về đầu đọc mã vạch, đến ứng dụng phần mềm giúp các doanh nghiệp kết nối với khách hàng bằng tin nhắn. Ứng dụng này sau những thành công nhất định, đã được bán đi vào năm 2003. Thái Tần, lúc đó 26 tuổi, không muốn tiếp tục tạo ra ứng dụng mà nuôi hoài bão về việc đi tìm công nghệ mới có thể đón đầu tương lai.

Emotiv - công ty về công nghệ đọc sóng não, được thành lập bởi Tần cùng 3 đồng sáng lập khác tại Thung lũng Silicon là lời giải cho những gì cô trăn trở: "Làm thế nào để trí tuệ nhân tạo, sự tương tác giữa máy tính và con người thông minh hơn? Thay vì mệnh lệnh, làm sao để máy tính có thể thấu hiểu cảm xúc con người?".

Lê thị thái tần là ai

CEO Thái Tần diễn thuyết về công nghệ đọc sóng não tại Ted Talk.

''Não bộ con người rất phức tạp, được cấu thành từ hơn 100.000 nơ ron thần kinh. Phản ứng hóa học giữa chúng sẽ giải phóng ra xung điện có thể đo được'', Tần chia sẻ trong một bài phát biểu tại Ted Talk. "Bộ não chức năng của con người chủ yếu được phân phối khắp lớp bề mặt bên ngoài của não. Để tăng diện tích dành cho khả năng tư duy, bề mặt não có các nếp cuộn. Nếp cuộn vỏ não này đưa ra một thách thức to lớn đối với việc diễn giải các xung điện bề mặt”, Tần giải thích. Cô cho biết, Emotiv sẽ là bước đột phá khi tạo ra thuật toán có thể ''mở'' những nếp cuộn trên não bộ, vẽ bản đồ vị trí của các xung điện.

Lê thị thái tần là ai

Epoc là thiết bị đọc sóng não, thu nhận và phân tích các tín hiệu từ não bộ con người.

Được sản xuất từ Emotiv, Epoc là một thiết bị đọc sóng não không dây, đeo trên đầu. Thay cho các loại máy móc lớn trong bệnh viện trị giá hàng nghìn USD, Epoc có khả năng ''đọc'' cảm xúc người dùng, cho phép họ di chuyển các vật thể được hiển thị trên màn hình máy tính bằng suy nghĩ.

Thiết bị còn cho phép con người điều khiển máy bay đồ chơi, đơn giản bằng cách tưởng tượng đến các cử động, đóng rèm, chơi game, vận động cánh tay robot, hay điều khiển xe lăn bằng các biểu hiện cảm xúc trên gương mặt. Chỉ sau vài tháng ra mắt, công ty đã có 10.000 khách hàng, bao gồm cả hãng sản xuất máy bay Boeing.

Một trong những ví dụ tiêu biểu minh chứng cho thành tựu của Emotiv là khi Rodrigo Hubner Mendes, một người bại liệt sử dụng thiết bị này để lái xe hơi công thức một bằng suy nghĩ. 27 năm trước, ông bị thương trong một tai nạn khi đang lái xe, liệt từ cổ xuống.

"Để tiến lên, tôi tưởng tượng mình đang ăn mừng bàn thắng. Để rẽ phải, tôi nghĩ mình đang thưởng thức một món ăn hấp dẫn, còn rẽ trái là khi tôi liên tưởng đến việc đang nắm chặt tay lái xe đạp", Mendes mô tả.

Nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Rodrigo Mendes Institute này cũng cho biết, đội ngũ Emotiv đã sử dụng thiết bị điện toán để vẽ bản đồ điện não, từ đó, các suy nghĩ hay dấu hiệu từ não bộ sẽ liên kết và tạo thành các cử chỉ khác nhau.

Hiện Thái Tần là thành viên của Hội đồng Diễn đàn kinh tế thế giới về khoa học thần kinh và não. Đối với cô, khả năng của con người là vô hạn: "Xã hội mà chúng ta có thể tạo dựng trong tương lai, mối liên kết mà con người tạo ra cùng việc phá bỏ những giới hạn mà chúng ta thường không ngờ tới. Khi chú tâm quan sát, bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị".

Phạm Vân (Nguồn: CNBC)

Lê Thị Thái Tần từ đứa trẻ mang đôi tất thủng đến nhà khởi nghiệp thung lũng Sillicon

Chỉ mới 16 tuổi, Tan Le đã được nhận vào Đại học Monash, rồi tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật và Thương mại.Năm 1998, lần đầu tiên tại Úc, một nữ sinh viên gốc Việt 18 tuổi đã đạt danh hiệu “The Young Australian of the Year”, giải thưởng thường niên dành cho một cá nhân ưu tú dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất trong xã hội.

Lê thị thái tần là ai

Cô gái ấy tên là Lê Thị Thái Tần (Tan Le), vị Chủ tịch trẻ nhất của Trung tâm Dịch vụ Nhân lực Việt - Úc. Ở tuổi 15, Tần đã lãnh đạo nhiều nhóm thiện nguyện giúp đỡ hàng trăm dân nhập cư tìm việc và ổn định cuộc sống trên đất Úc. Dù bận rộn với cộng đồng, nhưng cô vẫn hoàn thành xuất sắc chương trình trung học ngay từ tuổi 16, vào thẳng Đại học Monash, giành học bổng toàn phần của KPMG để học 2 ngành Luật và Thương mại. Đến tuổi đôi mươi, sự nghiệp của Tần đã vững vàng khi cô là một luật sư của hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills, vừa đảm nhận nhiều chức vụ trong Chính phủ Úc và liên tục được mời làm đại sứ của nhiều chuyến đi ngoại giao. Song, kỳ lạ là 12 năm sau, cả thế giới lại dồn sự chú ý cả vào Tần như ngôi sao khởi nghiệp sáng nhất tại Thung lũng Sillicon, Mỹ. Từ năm 2003, cô đồng sáng lập Emotiv System cùng Ðỗ Hoài Nam, với ý tưởng dùng ý nghĩ và cảm xúc để điều khiển thiết bị điện tử. Đến năm 2010, ý tưởng đó thành hiện thực với chiếc mũ đọc sóng não EPOC của Emotiv System gây sốt toàn cầu, thu về hơn 10 triệu USD. EPOC hiện được ứng dụng rộng khắp các lĩnh vực như trò chơi điện tử, nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh liên quan đến não bộ.

Khát khao được công nhận

Rời Việt Nam từ khi 4 tuổi, Tần cùng gia đình đến Úc bắt đầu cuộc sống mới hệt như nhiều dân nhập cư khác: nghèo khổ và túng thiếu. “Chúng tôi thường mang hai đôi tất. Chủ yếu là chiếc này để bịt lỗ thủng của chiếc kia,” Tần hồi tưởng. Nhưng đói khổ không ám ảnh cô bằng sự ghẻ lạnh của bạn bè cùng lớp. Tần từng chờ đợi giờ học trôi qua nhanh để trốn vào thư viện một mình. “Con bé gầy rộc đi vì nỗi sợ đó,” mẹ Tần nhớ lại. Hoàn cảnh đó lại nảy sinh trong Tần hai phản ứng thú vị. Một mặt, cô tự nhủ “ta sẽ vượt qua tất cả các người” bằng cách ép mình học. Kết quả là cô học xuất sắc đến mức kết thúc sớm chương trình học hơn so bạn đồng lứa. Chỉ mới 16 tuổi, cô đã được nhận vào Đại học Monash, rồi tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật và Thương mại. Mặt khác,“Tần quan tâm đặc biệt về tác động của cộng đồng lên mỗi cá nhân,” thầy giáo tiếng Anh Ruth Willis nhận xét. Chính môi trường cô lập ấy đã vô tình nung nấu trong Tần khát vọng kết nối cộng đồng. Cô hạ quyết tâm “thay đổi nước Úc thành một nơi tốt đẹp hơn để sống và làm việc”. Kể từ lớp 9 (15 tuổi), Tần không còn trốn trong thư viện nữa mà nhiệt tình bước ra giúp đỡ cộng đồng nhập cư tại vùng Footscray (phía tây Melbourne).  Trong vòng 4 năm sau đó, Tần đã được bầu làm Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại vùng Footscray và Trung tâm Dịch vụ Nhân lực Việt - Úc, chuyên hỗ trợ dân nhập cư tìm việc và ổn định cuộc sống trên đất khách. Sau 15 năm, xứ người mà Tần tìm mọi cách hòa nhập ấy cuối cùng đã đón nhận cô. Chính người dân Úc đã bầu cô là gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của quốc gia họ vào năm 1987. Cuộc đời và cống hiến của cô gái Việt trở thành phim tư liệu lưu ở Bảo tàng Úc cho thế hệ trẻ noi theo. Riêng cô đã nhận ra rằng, “à một kẻ không được thừa nhận vẫn ổn. Thậm chí tôi xem đó là một món quà. Là kẻ được thừa nhận, bạn dễ dàng chấp nhận thành kiến bao quanh. Riêng tôi lại bị đẩy ra, nhưng đối mặt với chúng không chút sợ hãi”.

“Đứa con” Emotiv System

Qua những chuyến công tác xã hội và hoạt động ngoại giao ở nhiều nước, Tần  gặp gỡ nhiều người sống theo đam mê hơn vì mưu sinh. Nghề luật sư không còn là mảnh ghép khớp với lựa chọn của cô gái đa tài này nữa. Năm 2003, cô táo bạo rời Úc đến Thung lũng Silicon, Mỹ cùng 3 người bạn mở ra công ty Emotiv System. Tần tin công nghệ là cách nhanh nhất để thay đổi cả thế giới. Emotiv System ấp ủ ý định cho ra đời những thiết bị điều khiển mọi thứ bằng suy nghĩ và cảm xúc của con người. Đội ngũ Emotiv System mất 7 năm trời nghiên cứu sản phẩm đầu tiên là Emotiv EPOC, nâng cấp từ công nghệ đo điện não (EGG). Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt lớn cho cả Emotiv System và cả nền công nghệ thế giới. Emotiv EPOC ra đời như một chiếc mũ EGG nhỏ gọn, kèm với 16 nút điện cực ghi lại mọi hoạt động trong não và cử chỉ gương mặt. Giả sử bạn muốn kéo rèm cửa, suy nghĩ này sẽ truyền tín hiệu trong não được ghi vào EPOC. Lần tới, khi ý định kéo rèm xuất hiện trong đầu, đường truyền lần trước ngay lập tức thông qua EPOC ra lệnh cho máy tính kéo rèm từ xa, thay vì kéo tay hay bấm nút. Ngoài ra, mấu chốt khiến Emotiv EPOC trở nên thông dụng vì nó chỉ tốn khoảng 300 USD, rẻ gấp nhiều lần so với một chiếc máy EGG hàng chục triệu USD ở phòng thí nghiệm. Emotiv EPOC bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong y học (cho phép bệnh nhân điều khiển xe lăn bằng suy nghĩ hoặc giao tiếp dễ dàng hơn với người thân) hay nguồn cảm hứng mới cho trò chơi điện tử. Trong khi Emotiv EPOC đang thành tâm điểm trên thế giới, Tần vẫn chưa dừng lại. Năm 2013, sản phẩm thứ hai Emotiv Insight đã gọi vốn thành công hơn 1,6 triệu USD trên Kickstarter, dự kiến ra thị trường vào cuối 2015. Đi kèm tính năng đã có với Emotiv EPOC, Emotiv Insight nghiêng về ứng dụng y học. Thiết bị này có thể thu thập và phân tích hoạt động trong não từng ngày để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu bệnh lý hay chấn thương. Ngoài ra, dữ liệu thu thập từ người dùng trên khắp thế giới sẽ thành nguồn nghiên cứu não bộ lớn nhất từ trước đến nay.

Với Tần, mảnh ghép Emotiv Insight liệu có là miếng ghép cuối cùng? Tần nhìn nhận ứng dụng đã mở ra chân trời mới trong công nghệ: “Những gì chúng tôi làm chỉ mới chạm vào phần nổi của vô vàn ứng dụng khác mà thôi!”.