Lịch sử hình thành thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

Mở đầu bằng việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam vào ngày 28-11-1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, 2 năm sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh khi Nghị định số 48/CP của Chính phủ được ký vào ngày 11-7-1998.

Lịch sử hình thành và những cột mốc đáng chú ý

Dấu mốc đầu tiên là ngày 28/11/1996 với việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (hiện tại ở 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Hai năm sau, vào ngày 11/7/1998, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh sau Nghị định số 48/CP của Chính phủ. Đồng thời, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh - HOSE, tại số 16 Võ Văn Kiệt, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) được thành lập.

Ngày 28/7/2000 là phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam với 2 mã cổ phiếu duy nhất là REE (Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (Công ty Cổ phần SAM Holdings). Vào lúc này, mỗi tuần chỉ có 2 phiên giao dịch.

Ba năm sau, vào năm 2005, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) được thành lập và ngày 8/3/2005 là ngày khai trường Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HSX tại số 2 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đến năm 2007, thời gian giao dịch chứng khoán được mở rộng từ 8h30 đến 11h, thay vì từ 9h đến 11h. 

24/6/2009, sàn Upcom, nơi giao dịch những cổ phiếu chưa đạt đủ tiêu chuẩn đi niêm yết trên 2 sàn giao dịch TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) đi vào vận hành.

6/2/2012, chỉ số VN30 ra mắt. Đây là nhóm những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn được triển khai trên sàn giao dịch TP.HCM (HOSE).

Đến tháng 9/2012, thời gian thanh toán được rút ngắn từ T+4 xuống còn T+3. T+ là chu kỳ thanh toán trong chứng khoán, T+3 nghĩa là phải sau 3 ngày nhà đầu tư mới hoàn toàn sở hữu chứng khoán đã mua, đồng thời sau 3 ngày nhà đầu tư mới có thể nhận lại tiền bán chứng khoán.

Dấu mốc tiếp theo là vào 15/1/2013, biên độ giao dịch (sàn - trần) được điều chỉnh. Với HOSE, biên độ là +/- 7% còn đối với HSX là +/- 10%.

Tháng 7/2013, cụ thể là 22/7/2013, thời gian giao dịch chứng khoán trên sàn HOSE kéo dài tới 15h00 hàng ngày. 29/7/2013, thời gian giao dịch trên HSX được kéo dài tương tự, đồng thời thị trường chứng khoán được bổ sung các loại lệnh giao dịch mới như ATC, lệnh thị trường.

1/7/2015, sàn Upcom điều chỉnh biên độ giao dịch từ +/- 10% thành +/- 15%.

Tiếp đó, từ 1/1/2016, chu kỳ thanh toán T+3 được rút ngắn xuống thành T+2 và hiện vẫn đang duy trì tới thời điểm hiện nay.

Tháng 8/2017, chứng khoán phái sinh - một loại chứng khoán mới chính thức ra đời. 

Quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam

Trong hơn 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua khá nhiều biến động, nhưng cũng đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, qua nhiều giai đoạn khác nhau.

2000-2005 đánh dấu khởi đầu của thị trường chứng khoán, hay còn được coi là giai đoạn chập chững tập đi. Trong suốt giai đoạn này, vốn hóa thị trường chỉ đạt mức trên dưới 1% GDP, gần như không có thay đổi gì nhiều.

Tuy nhiên qua giai đoạn bắt đầu từ năm 2006, khi Luật Chứng khoán được Quốc hội ban hành và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2007

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam

Năm 2006 đánh dấu bước nhảy vọt mạnh mẽ khi đạt 22,7% GDP, con số thậm chí tiếp tục tăng mạnh tới mức trên 43% vào năm 2007.

Tất nhiên “có lên thì phải có xuống”, do ảnh hưởng của thị trường tài chính và nền kinh tế trong nước và thế giới, năm 2008 là một năm “thị trường buồn” với mức vốn hóa thị trường giảm mạnh, xuống còn 18% GDP.

  • Qua năm 2009, thị trường bắt đầu hồi phục nhẹ với vốn hóa thị trường đạt 37,71% GDP. Đi kèm với sự phục hồi này là sự gia tăng đáng kể của các công ty niêm yết trên thị trường.
  • Và tính đến thời điểm hiện tại, mức vốn hóa thị trường đã tăng thần tốc lên tới hơn 82% GDP, thể hiện sự bùng nổ của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang và sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, các nhà đầu tư hãy nắm bắt cơ hội để tham gia vào thị trường trước khi chuyển qua giai đoạn bão hòa.

2020-06-18 00:31:00 2373 viewed

TS. Nguyễn Quang Thương

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Thị trường chứng khoán phái sinh là mảng thị trường tương đối mới và phát triển mạnh mẽ trong thị trường tài chính. Thị trường chứng khoán phái sinh có vai trò quan trọng trong sự phát triển ổn định, bền vững của hệ thống tài chính nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chứng khoán phái sinh là công cụ quan trọng giúp các nhà đầu tư quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng. Chứng khoán phái sinh cũng thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, tăng cường khả năng hồi phục từ các cú sốc thị trường.

Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh cũng gắn liền với những sự kiện tiêu cực gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian qua như sự thất bại, sụp đổ, phá sản của của các tên tuổi lớn như Barings Bank (1995), Long-Term Capital Management (1998), Enron (2001), Lehman Brothers và American International Group (2008).

Chứng khoán phái sinh, cũng như các sản phẩm tài chính khác, có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vấn đề quan trọng là phải hiểu rõ bản chất, những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của chứng khoán phái sinh, phải đảm bảo thị trường được vận hành một cách đúng đắn dưới sự giám sát phù hợp, các nhà đầu tư phải biết cách sử dụng sản phẩm phái sinh một cách hiệu quả để nâng cao giá trị kinh doanh.

Tài liệu này sẽ tập trung giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, cung cấp nền tảng cần thiết nhất để người đọc tiếp cận các phương pháp sử dụng chứng khoán phái sinh và nắm được cơ bản kế hoạch triển khai thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

27.1. Chứng khoán phái sinh

27.1.1. Một số khái niệm

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính mà giá trị của nó được xác định từ một tài sản gốc, còn gọi là tài sản cơ sở (underlying asset). Tài sản cơ sở có thể là tài sản tài chính (cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, công cụ nợ…), tài sản phi tài chính (hàng hóa cơ bản, nông sản, kim loại…), sự kiện (thời tiết, sự kiện tín dụng…) và cả các chứng khoán phái sinh khác.

Nhìn vào bản chất của công cụ, chứng khoán phái sinh là hợp đồng tài chính được thiết lập ngày hiện tại giữa hai bên tham gia, bao gồm một bên mua và một bên bán, về một giao dịch sẽ được thực hiện vào một thời điểm xác định trong tương lai. Giao dịch được thỏa thuận trong hợp đồng thường liên quan đến việc mua/bán một tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh, ví dụ: bên bán đồng ý chuyển nhượng cho bên mua một số lượng cổ phiếu ABC nhất định với giá cố định, hay một bên sẽ bán cho bên kia một số lượng đồng đô la Mỹ xác định theo tỷ giá USD/VND nhất định. Trong suốt thời gian tồn tại, giá trị của chứng khoán phái sinh không cố định mà thay đổi theo sự biến động giá tài sản cơ sở.

Với sự phát triển và trào lưu cách tân, sáng tạo diễn ra không ngừng trên thị trường tài chính, chứng khoán phái sinh ngày càng trở nên đa dạng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các đối tượng tham gia thị trường. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại chứng khoán phái sinh khác nhau và có thể được phân loại theo các phương pháp khác nhau như theo phương thức giao dịch của sản phẩm, theo tính chất của hợp đồng và theo loại tài sản cơ sở, cụ thể như sau:

Theo phương thức giao dịch, chứng khoán phái sinh có thể được giao dịch trên thị trường tập trung, thông qua các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), hoặc trên thị trường phi tập trung (thị trường OTC). Tương ứng ta có chứng khoán phái sinh niêm yết (trên SGDCK) và chứng khoán phái sinh OTC. Chứng khoán phái sinh niêm yết là công cụ được chuẩn hóa trong đó các điều khoản, nội dung cụ thể của hợp đồng chứng khoán phái sinh được tổ chức có thẩm quyền (thường là SGDCK) quy định thống nhất và chi tiết. Mọi đối tượng quan tâm và muốn sử dụng công cụ này đều có thể tiếp cận và biết thông tin về các đặc tính cơ bản của sản phẩm trên thị trường để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, các đối tượng này phải chấp nhận và không được tự thay đổi các điều khoản sẵn có của hợp đồng.

– Chứng khoán phái sinh niêm yết thường được SGDCK thiết kế mới và đưa ra thị trường hoặc chuẩn hóa từ một chứng khoán phái sinh đã được giao dịch trên thị trường OTC trước đó. Hợp đồng tương lai và một số loại hợp đồng quyền chọn được chuẩn hóa là những ví dụ điển hình đối với chứng khoán phái sinh niêm yết.

– Chứng khoán phái sinh OTC không được giao dịch trên một SGDCK. Về bản chất, chứng khoán phái sinh OTC là những hợp đồng riêng giữa các bên tham gia. Điều khoản của hợp đồng được các bên trực tiếp thỏa thuận hoặc được thống nhất thông qua một tổ chức trung gian. Nhìn chung, chứng khoán phái sinh OTC là sản phẩm rất linh hoạt, có khả năng đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thậm chí là cá biệt của các bên. Mặc dù vậy, bên cạnh những công cụ được tạo ra dựa trên nhu cầu đó, vẫn có những chứng khoán phái sinh OTC mang tính chất chuẩn hóa khá cao tiệm cận tới chứng khoán phái sinh niêm yết. Hợp đồng hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn và một số loại hợp đồng quyền chọn là những ví dụ minh họa cho chứng khoán phái sinh OTC.

Theo sản phẩm, chứng khoán phái sinh có chia thành hợp đồng kỳ hạn (forwards), hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options) và hợp đồng hoán đổi (swaps).

Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai thường được trình bày cùng nhau hoặc gần nhau do đây là những công cụ giống nhau về bản chất. Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai đều là một thỏa thuận về việc mua/bán một lượng tài sản cụ thể với mức giá xác định vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Điểm khác biệt chủ yếu giữa hai sản phẩm này nằm ở cách thức chúng được tạo ra và giao dịch trên thị trường:

– Hợp đồng tương lai là một chứng khoán phái sinh niêm yết trên SGDCK với các điều khoản được chuẩn hóa; trong khi hợp đồng kỳ hạn là một công cụ OTC và được thiết kế phù hợp những nhu cầu riêng.

– Hợp đồng kỳ hạn thường được thanh toán song phương giữa các bên tham gia (bên mua và bên bán); điều này không giống với phương thức thanh toán đa phương thông qua trung tâm thanh toán bù trừ áp dụng cho các hợp đồng tương lai.

– Các giao dịch hợp đồng tương lai chịu sự điều tiết, quản lý chặt chẽ hơn của các tổ chức có thẩm quyền nếu so sánh với hợp đồng kỳ hạn.

– Có thể tóm tắt những điểm khác biệt căn bản giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai trong bảng sau:

Bảng 27.1. So sánh hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn 

Hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng tương lai

Được giao dịch trên thị trường OTC

Được niêm yết và giao dịch trên sở giao dịch

Hợp đồng chưa được chuẩn hóa về các điều khoản cơ bản; nội dung của hợp đồng được thỏa thuận riêng giữa các bên tham gia cho phù hợp nhu cầu cá nhân.

Hợp đồng được chuẩn hóa với các điều khoản thống nhất được áp dụng chung cho mọi đối tượng sử dụng sản phẩm.

Tính thanh khoản thường kém do tính chất cá biệt hóa cao của mỗi hợp đồng.

Tính thanh khoản cao do sản phẩm được chuẩn hóa.

Thường chỉ cho phép các bên tham gia thực hiện thanh toán khi hợp đồng đáo hạn.

Được thanh toán hàng ngày. Theo đó, các bên tham gia hợp đồng hiện thực hóa lãi/lỗ hàng ngày theo sự biến động giá trên thị trường.

Do sự khó khăn hoặc/và chi phí cao của việc đóng hợp đồng trước khi đáo hạn, các bên tham gia thường duy trì vị thế đến khi hợp đồng hết thời gian hiệu lực để thực hiện thanh toán/chuyển giao.

Do tính thanh khoản cao của thị trường, các bên tham gia thường không duy trì vị thế đến thời điểm đáo hạn mà thực hiện giao dịch bù trừ để kết thúc nghĩa vụ.

Tính minh bạch về thông tin bị hạn chế

Tính minh bạch thông tin cao, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin về sản phẩm, giao dịch, giá cả…

Hoạt động giao dịch ít chịu sự quản lý hơn (mặc dù đã có những điều chỉnh thời gian gần đây).

Sản phẩm và giao dịch được quản lý, giám sát chặt chẽ của các tổ chức liên quan.

Rủi ro tín dụng cao hơn.

Hầu như không có rủi ro tín dụng nhờ những cơ chế, quy định cụ thể của thị trường.

 Hợp đồng quyền chọn có thể là công cụ được chuẩn hóa và niêm yết, hoặc là công cụ OTC thiết kế riêng theo nhu cầu. Trên thị trường, quyền chọn có hai loại là quyền chọn mua (call option) hoặc quyền chọn bán (put option). Sản phẩm này cho phép người sở hữu có quyền được mua (nếu là quyền chọn mua) hoặc quyền được bán (nếu là quyền chọn bán) một khối lượng nhất định tài sản cơ sở theo giá xác định tại hoặc trước một thời điểm tương lai cụ thể.

– Điểm cơ bản của hợp đồng quyền chọn là bên mua quyền chọn có quyền, mà không phải là nghĩa vụ bắt buộc, đối với việc thực hiện giao dịch tương lai liên quan đến tài sản cơ sở. Đây là điểm khác với hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai, vì ở các loại chứng khoán phái sinh này, cả bên mua và bên bán đều có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện giao dịch mua/bán tài sản cơ sở nếu để hợp đồng đáo hạn.

– Trong giao dịch quyền chọn, bên mua trả cho bên bán một khoản tiền để đổi lấy quyền được mua hoặc được bán một tài sản cơ sở trong tương lai. Đây có thể coi là chi phí bên mua quyền bỏ ra để được quyền thay vì bị ràng buộc vào một nghĩa vụ mua hoặc bán tài sản cơ sở trong mọi trường hợp. Với nhiều đối tượng có nhu cầu sử dụng chứng khoán phái sinh, đặc điểm này có thể được xem là ưu điểm và tạo nên nét khác biệt cho sản phẩm.

Hợp đồng hoán đổi là thoả thuận giữa hai bên về việc trao đổi các dòng tiền tương lai vào những thời điểm đã được xác định trước trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi hợp đồng đáo hạn. Có nhiều loại hợp đồng hoán đổi khác nhau với tính chất và nội dung từ đơn giản đến phức tạp như: hoán đổi lãi suất, hoán đổi tiền tệ, hoán đổi cổ phiếu, hoán đổi hàng hoá, hoán đổi tín dụng… trong đó phổ biến nhất là hoán đổi lãi suất và hoán đổi tiền tệ.

– Hợp đồng hoán đổi là sản phẩm được thiết kế riêng nhằm phù hợp với nhu cầu cụ thể của các bên tham gia. Do đó, đây là một chứng khoán phái sinh OTC. Các tổ chức tài chính trung gian trong vai trò nhà môi giới đảm nhận việc yết giá cho các sản phẩm hoán đổi khác nhau. Thêm vào đó, họ cũng cung cấp thanh khoản cho thị trường bằng cách kết nối giữa các nhà đầu tư muốn nắm giữ những vị thế đối lập nhau với cùng một loại hợp đồng hoán đổi.

– Hợp đồng hoán đổi là công cụ có tính linh hoạt rất cao, các chi tiết hợp đồng có thể được điều chỉnh, sửa đổi khi còn trong thời gian hiệu lực của hợp đồng khi có sự nhất trí của các bên. Đây là loại chứng khoán phái sinh có tính thanh khoản cao và có thể được định giá tương đối dễ dàng. Ưu điểm này và sự đa dạng của các sản phẩm như đã nêu khiến cho hợp đồng hóa đổi trở thành một trong những phương thức hiệu quả để phòng ngừa các loại rủi ro tài chính phổ biến và cá biệt. Chính vì vậy hợp đồng hoán đổi là một trong những loại chứng khoán phái sinh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường tài chính.

– Hợp đồng hoán đổi là một trong các loại sản phẩm kết hợp các yếu tố của hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Ví dụ, một công ty vay tiền với lãi suất thả nổi sẽ chịu ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Công ty này có thể giảm thiểu rủi ro đó bằng cách mua một quyền chọn lãi suất trần (cap). Về cơ bản đây chính là một quyền chọn giúp bù đắp phần lỗ khi lãi suất tăng lên trên ngưỡng đã xác định trước. Một công ty khác có thể chọn mua một hợp đồng quyền chọn thực hiện dựa trên không chỉ biến động của một loại tài sản mà có thể là của hai tài sản hoặc thậm chí nhiều hơn, gọi là quyền chọn thay thế (alternative option).

– Các sản phẩm này được gọi là sản phẩm tổng hợp (synthetic products) do kết hợp được các yếu tố của các công cụ khác. Các sản phẩm tổng hợp này cho thấy thị trường tài chính ngày nay rất linh hoạt, liên tục tạo ra những công cụ mới và hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. Quá trình tạo ra các công cụ tài chính mới này đôi khi được gọi là ngành kỹ sư tài chính (financial engineering). Các công cụ này thể hiện hiệu ứng của quá trình phát triển trong hệ thống tài chính, và cũng chính là ví dụ về sự thay đổi và cải tiến dẫn tới các phương thức tốt hơn để quản lý rủi ro.

Theo loại tài sản cơ sở, chứng khoán phái sinh nói chung có thể bao gồm:

– Chứng khoán phái sinh dựa trên các công cụ thị trường vốn, trong đó tài sản cơ sở là một cổ phiếu đơn lẻ, một nhóm/rổ cổ phiếu được lựa chọn theo những tiêu chí nhất định (trường hợp chứng khoán phái sinh chỉ số cổ phiếu), hay trái phiếu. Giá trị của loại chứng khoán phái sinh này phụ thuộc vào giá tài sản cơ sở trên thị trường giao ngay.

– Chứng khoán phái sinh dựa trên các công cụ thị trường tiền tệ, trong đó tài sản cơ sở có thể là lãi suất ngắn hạn, công cụ nợ ngắn hạn như tín phiếu kho bạc hay đồng tiền của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Sự biến động của lãi suất ngắn hạn hoặc của tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền liên quan là những yếu tố then chốt quyết định giá trị của chứng khoán phái sinh thuộc nhóm này.

– Chứng khoán phái sinh dựa trên chứng khoán phái sinh trong đó bản thân tài sản cơ sở cũng là một chứng khoán phái sinh. Các sản phẩm này có tính chất phức tạp hơn các loại chứng khoán phái sinh thông thường với những ví dụ như quyền chọn hợp đồng tương lai (futures options) hay quyền chọn hợp đồng hoán đổi (swaptions). Trong trường hợp này, giá trị của chứng khoán phái sinh không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá của tài sản hữu hình gốc mà còn phụ thuộc vào biến động giá của chứng khoán phái sinh cơ sở.

– Chứng khoán phái sinh hàng hóa có tài sản cơ sở là một loại hàng hóa cơ bản như một số loại nông sản, kim loại quý/công nghiệp, năng lượng…

– Chứng khoán phái sinh khác như chứng khoán phái sinh dựa trên những yếu tố khác có thể liên quan hoặc không liên quan đến một tài sản hữu hình. Một số ví dụ điển hình là chứng khoán phái sinh đối với bất động sản, quỹ hoán đổi danh mục (ETFs), độ biến động giá của một công cụ tài chính, sự kiện tín dụng, lạm phát, thời tiết…

Tài liệu này sẽ tập trung vào các chứng khoán phái sinh niêm yết trên SGDCK như hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn được chuẩn hóa với tài sản cơ sở là các tài sản, công cụ hoặc chỉ số tài chính.

27.1.2. Hợp đồng tương lai

Như đã trình bày ở trên, hợp đồng tương lai là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia về việc mua hoặc bán một tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với giá được xác định trước. Hợp đồng tương lai là một công cụ tài chính được chuẩn hóa, được niêm yết và giao dịch trên SGDCK.

27.1.2.1. Các đặc tính cơ bản của hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai do SGDCK thiết kế với các đặc tính phù hợp với từng loại tài sản cơ sở cụ thể của hợp đồng, thông thường bao gồm những điều khoản căn bản nhất như sau:

Tài sản cơ sở: Là hàng hóa hoặc công cụ tài chính được sử dụng làm cơ sở cho hợp đồng tương lai (còn có các tên gọi khác như công cụ cơ sở, công cụ gốc…). Nhà đầu tư giao dịch hợp đồng tương lai đối với loại tài sản cơ sở nào là gián tiếp giao dịch và chịu tác động từ sự biến động giá của tài sản đó.

Chất lượng của tài sản cơ sở được xác định rõ trong hợp đồng tương lai, đảm bảo mọi đối tượng tham gia giao dịch đều biết rõ và nhất quán về hình thức và chất lượng tài sản mà mình giao dịch. Điều khoản này thường áp dụng cho hợp đồng tương lai hàng hóa.

Quy mô (hay hệ số nhân) hợp đồng: Là số lượng hay giá trị tài sản cơ sở mà bên mua và bên bán có thể giao dịch ứng với mỗi hợp đồng tương lai. Ví dụ, nếu quy mô của một hợp đồng dầu thô là 25 tấn dầu thô; khi đó, nếu bạn giao dịch 04 hợp đồng, bạn sẽ nắm giữ vị thế 100 tấn dầu thô.

Đơn vị yết giá, bước giá: Nhìn chung, hợp đồng tương lai thường được yết giá theo cách tương tự như yết giá tài sản cơ sở trên thị trường giao ngay. Ngoài ra, SGDCK cũng thường đưa ra quy định về bước giá, tức là mức biến động (tăng hay giảm) tối thiểu được chấp nhận của giá hợp đồng tương lai so với mức giá khớp gần nhất.

Giờ giao dịch: Là thời gian trong ngày khi giao dịch hợp đồng tương lai được diễn ra trên SGDCK.

Tháng đáo hạn: Là tháng mà hợp đồng tương lai phải được thanh toán theo một trong hai hình thức (được quy định rõ trong hợp đồng tương lai): chuyển giao vật chất hoặc thanh toán bằng tiền. Đặc tính này được quy định theo thông lệ của từng SGDCK và tùy theo từng loại tài sản cơ sở.

Ngày đáo hạn: Là một ngày trong tháng đáo hạn mà sau ngày này, mã hợp đồng tương lai liên quan không còn được giao dịch trên thị trường nữa, hợp đồng hết hiệu lực và việc thanh toán phải được thực hiện giữa hai bên.

Giá thanh toán cuối ngày, giá thanh toán cuối cùng:

– Giá thanh toán cuối ngày là mức giá của hợp đồng do SGDCK xác định để tính toán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày của từng hợp đồng.

– Giá thanh toán cuối cùng là mức giá của hợp đồng do Trung tâm bù trừ phối hợp với SGDCK xác định để tính toán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng.

Phương thức thanh toán: Việc thực hiện nghĩa vụ của bên mua, bên bán khi hợp đồng đáo hạn có thể được thực hiện theo một trong hai phương thức:

– Chuyển giao vật chất: Bên bán giao tài sản cơ sở và nhận tiền thanh toán, bên mua thanh toán tiền và nhận tài sản cơ sở được bên bán chuyển giao.

– Thanh toán bằng tiền: một bên trả (hoặc nhận) cho (từ) bên kia số tiền căn cứ trên kết quả lãi/lỗ của các vị thế hợp đồng tương lai được xác định lần cuối theo giá thanh toán cuối cùng.

Giới hạn biến động giá hàng ngày: Là mức biến động tối đa của giá hợp đồng tương lai trong ngày giao dịch so với giá cơ sở. Trong đó, giá cơ sở do SGDCK quy định và thường được lấy là giá đóng cửa ngày hôm trước hoặc giá thanh toán ngày hôm trước của hợp đồng tương lai. Khi giá hợp đồng tương lai tăng hoặc giảm quá giới hạn này, giao dịch với mã hợp đồng tương lai đó có thể tạm thời bị ngừng lại.

Giới hạn vị thế: Là số lượng hợp đồng tương lai tối đa mà một nhà đầu tư được phép nắm giữ đối với một loại tài sản cơ sở nhất định tại một thời điểm cụ thể. Điều khoản này được đưa ra nhằm giúp SGDCK kiểm soát tình trạng lũng đoạn thị trường và quản lý những rủi ro khác có thể xảy ra khi một cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ vị thế quá lớn.

27.1.2.2. Một số ví dụ về hợp đồng tương lai.

Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu S&P 500 (Chỉ số được tính từ rổ gồm cổ phiếu của 500 công ty có quy mô vốn hóa lớn được niêm yết và giao dịch trên các SGDCK Mỹ):

Đặc tính

Mô tả

Công cụ cơ sở

Chỉ số S&P 500

Hệ số nhân hợp đồng

250 USD cho mỗi điểm chỉ số

Giá trị HĐ = 250 USD × điểm chỉ số S&P500

Bước giá

0,1 điểm chỉ số (25 USD)

Giờ giao dịch

8:30 – 15:15 (thứ Hai – thứ Sáu hàng tuần)

(giao dịch thủ công)

Tháng đáo hạn

Tám tháng trong chu kỳ quý tháng 3 (tháng 3, 6, 9, 12) và thêm ba hợp đồng tháng 12

Ngày giao dịch cuối cùng

Thứ Ba trước thứ Sáu tuần thứ ba của tháng đáo hạn

Phương thức thanh toán (thanh toán cuối cùng)

Bù trừ bằng tiền

Giới hạn biến động giá hàng ngày

Được xác định phù hợp với quy định ngắt giao dịch của SGDCK New York

Giới hạn vị thế

28.000 hợp đồng

Hợp đồng tương lai của trái phiếu chính phủ Hàn Quốc (5 năm):

Đặc tính

Mô tả

Tài sản cơ sở

Trái phiếu Kho bạc Hàn Quốc kỳ hạn 5 năm, trả lãi định kỳ 6 tháng một lần với lãi suất cuống phiếu (coupon) 5%

Trái phiếu được chấp nhận để giao

Sở Giao dịch công bố rổ trái phiếu cơ sở được sử dụng để xác định giá thanh toán cuối cùng

Quy mô hợp đồng

100.000.000 KRW

Bước giá

0,01 điểm (tương ứng giá trị 10.000 KRW).

Giờ giao dịch

9:00-15:15 (9:00-11:30 vào ngày giao dịch cuối cùng)

Tháng đáo hạn

Hai tháng liên tiếp đầu tiên trong chu kỳ quý tháng 3, 6, 9, 12

Ngày giao dịch cuối cùng

Ngày thứ Ba thứ ba của tháng đáo hạn

Ngày chuyển giao cuối cùng

Ngày thanh toán cuối cùng

Ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày giao dịch cuối cùng

Phương thức thanh toán (thanh toán cuối cùng)

Thanh toán bằng tiền

Giới hạn biến động giá hàng ngày

Giới hạn vị thế

SGDCK có thể áp dụng khi thấy cần thiết

Ngoài ra còn có rất nhiều hợp đồng tương lai khác được giao dịch trên thị trường như hợp đồng tương lai tiền tệ, hợp đồng tương lai hàng hóa (nông nghiệp, năng lượng, kim loại…).

27.1.3. Hợp đồng quyền chọn

Như đã đề cập ở trên, quyền chọn là công cụ tài chính mà bên nắm giữ (hay bên mua, bên sở hữu) được quyền mua hoặc bán một tài sản cơ sở với giá xác định vào thời gian nhất định trong tương lai. Quyền chọn gồm hai loại là quyền mua và quyền bán: Quyền mua cho phép bên sở hữu được quyền mua tài sản cơ sở, còn với quyền bán người sở hữu được bán tài sản cơ sở với mức giá cố định gọi là giá thực hiện. Như vậy, một nhà đầu tư có thể là bên (nắm giữ vị thế) mua của một quyền mua, bên bán của một quyền mua, bên mua của một quyền bán hoặc bên bán của một quyền bán.

Để đổi lấy quyền được mua/bán tài sản cơ sở này, bên mua phải trả cho bên bán (hay bên phát hành) một khoản tiền gọi là giá quyền chọn. Bên bán được hưởng số tiền này và đồng thời có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng mua/bán khi bên mua thực hiện quyền. Giá quyền chọn thay đổi do sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có bao gồm cả yếu tố cung/cầu trên thị trường.

27.1.3.1. Các đặc tính cơ bản của quyền chọn

Đối với quyền chọn giao dịch trên SGDCK, các đặc tính của hợp đồng được SGDCK quy định một cách thống nhất, thông thường bao gồm:

Tài sản cơ sở: Là căn cứ để thiết kế hợp đồng quyền chọn, cũng là đối tượng chuyển giao trong giao dịch mua/bán giữa các bên khi quyền chọn đáo hạn và được thực hiện. Tương tự như đối với hợp đồng tương lai, tài sản cơ sở của quyền chọn có thể là tài sản tài chính, tài sản phi tài chính hay một chứng khoán phái sinh khác.

Quy mô hợp đồng (hay hệ số nhân): Là số lượng hoặc giá trị tài sản cơ sở sẽ được chuyển giao giữa các bên tham gia khi quyền chọn được thực hiện. Hệ số nhân cũng là giá trị được dùng để xác định tổng mức phí (giá) của một hợp đồng quyền chọn.

Giá thực hiện: Là mức giá mà người nắm giữ quyền chọn sẽ nhận được (phải trả) nếu quyết định thực hiện quyền chọn bán (quyền chọn mua) đối với một tài sản cơ sở. Với mỗi loại tài sản cơ sở, sẽ có nhiều quyền chọn (mua và bán) với các mức giá thực hiện khác nhau cùng giao dịch trên SGDCK. Giá thực hiện của mỗi quyền chọn được ấn định xoay quanh giá thị trường hiện hành của tài sản cơ sở. Chênh lệch giữa các giá thực hiện do SGDCK quy định tùy theo từngloại tài sản cơ sở cụ thể. Số lượng giá thực hiện đảm bảo tại mỗi thời điểm đều có những quyền chọn với giá cao hơn, bằng và thấp hơn giá hiện hành của tài sản cơ sở.

Tháng đáo hạn và ngày đáo hạn: Các quyền chọn đều có một thời gian hiệu lực nhất định, xác định bằng tháng đáo hạn. Trong tháng đáo hạn, SGDCK ấn định một ngày đáo hạn cụ thể. Sau ngày đó, quyền chọn sẽ không còn hiệu lực nữa, và quyền mua hoặc bán tài sản cơ sở, nếu chưa được thực hiện, cũng không còn giá trị gì với người nắm giữ nó.

Kiểu thực hiện quyền: Quyền chọn có thể được thực hiện theo kiểu châu Âu (chỉ vào ngày đáo hạn) hoặc kiểu Mỹ (bất kỳ thời điểm nào trước và tại ngày đáo hạn). Điều khoản này được quy định rõ trong hợp đồng quyền chọn.

Phương thức thanh toán: Điều khoản về phương thức thanh toán cho biết cách thức bên mua và bên bán quyền chọn hoàn tất các quyền và nghĩa vụ của mình khi quyền chọn đáo hạn và (hoặc) được thực hiện. Tương tự như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn cũng được thanh toán theo một trong hai hình thức là chuyển giao vật chất hoặc thanh toán bằng tiền.

Giới hạn vị thế: Là số lượng tối đa hợp đồng quyền chọn mà một nhà đầu tư có thể nắm giữ. Giới hạn vị thế có thể khác nhau tùy thuộc loại tài sản cơ sở, tùy thuộc đối tượng giao dịch (cá nhân hay tổ chức). Mục đích của điều khoản này là đảm bảo tính bền vững của thị trường, kiểm soát tình trạng lũng đoạn thị trường của một cá nhân hay một nhóm nhà đầu tư nào đó.

Khối lượng mở (open interest): Trên thị trường quyền chọn, hoạt động mở và đóng vị thế có thể diễn ra bất kỳ thời điểm nào và hệ quả của nó là sự thay đổi số lượng vị thế mở. Số lượng vị thế mở được định nghĩa là tổng số hợp đồng quyền chọn còn hiệu lực, nghĩa là số hợp đồng chưa đáo hạn nhưng chưa được thực hiện hoặc chưa được bù trừ bằng một vị thế nghịch đảo. Số liệu này thường được tổng hợp cho từng tài sản cơ sở cụ thể, từng loại quyền chọn với một mức giá thực hiện và tháng đáo hạn xác định. Số lượng vị thế mở tăng lên khi có thêm giao dịch mở vị thế và giảm đi sau các giao dịch đóng vị thế.

27.1.3.2. Một số so sánh giữa hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai.

Hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn là các chứng khoán phái sinh có chung một số đặc tính cơ bản như tài sản cơ sở, quy mô hợp đồng, tháng đáo hạn, phương thức thanh toán… Tuy nhiên giữa hai loại chứng khoán phái sinh này cũng có một số khác biệt như:

– Đối với hợp đồng tương lai, nếu không đóng vị thế, cả bên mua và bên bán đều có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản của hợp đồng khi hợp đồng đến hạn; đối với hợp đồng quyền chọn, bên mua có quyền thực hiện (khi có lợi) hoặc không thực hiện (khi bất lợi) hợp đồng và bên bán có nghĩa vụ tuân thủ hợp đồng khi bên mua quyết định thực hiện hợp đồng.

– Hợp đồng tương lai chỉ được tiến hành khi đáo hạn (trừ trường hợp đóng vị thế); hợp đồng quyền chọn có thể được thực hiện trước khi đáo hạn nếu là quyền chọn kiểu Mỹ.

– Các bên trong hợp đồng tương lai xác định giá tương lai của hợp đồng (tương tự như cơ chế xác định giá trên thi trường chứng khoán cơ cở); giá thực hiện của hợp đồng quyền chọn lại thường được cố định theo các mức khác nhau, các bên chỉ xác định giá quyền chọn là số tiền mà bên mua phải trả cho bên bán để đổi lấy quyền mua hoặc bán tài sản cơ sở.

27.2. Thị trường chứng khoán phái sinh

27.2.1. Tổng quan và vai trò của thị trường chứng khoán phái sinh

Thị trường chứng khoán phái sinh có một lịch sử lâu đời với thị trường giao dịch “hợp đồng quyền chọn” trên ô liu từ thời cổ đại tại Hy Lạp, “hợp đồng kỳ hạn” và “hợp đồng tương lai” lúa gạo từ thế kỷ thứ 16, tại Osaka – Nhật Bản), “hợp đồng kỳ hạn” hoa tulip vào thế kỷ 16 tại Hà Lan…

Ngay từ những năm 1790, quyền chọn cổ phiếu đã được đưa vào giao dịch ở Mỹ, không lâu sau khi Sở giao dịch chứng khoán New York được thành lập. Đến năm 1848, Sở mậu dịch Chicago (Chicago Board of Trade, viết tắt là CBOT) được thành lập, giao dịch hợp đồng kỳ hạn đầu tiên (với ngô) năm 1851 và nhanh chóng được nhiều người biết đến. Năm 1865, CBOT chính thức hóa hoạt động giao dịch ngũ cốc bằng cách phát triển hợp đồng tương lai chuẩn hóa, yêu cầu bên mua và bên bán thực hiện cầm cố tài sản để ký quỹ. Sự phát triển của chứng khoán phái sinh tiếp tục diễn ra, với sự ra đời những sở giao dịch mới như Sở giao dịch bông New York (1870), Sở giao dịch hàng hóa Chicago – CME (1919). Tài sản cơ sở được mở rộng ra nhiều loại nông sản khác và sau đó bao gồm cả kim loại.

Đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, thị trường chứng khoán phái sinh bước vào giai đoạn phát triển mới với sự hiện diện của hợp đồng tương lai đối với tài sản tài chính. Thị trường tài chính chứng kiến sự xuất hiện của hợp đồng tương lai ngoại tệ (CME, 1972), hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc Mỹ (CBOT, 1975), quyền chọn niêm yết đối với hợp đồng tương lai trái phiếu (CBOT, 1982)… Với sự ra đời của Sở giao dịch quyền chọn Chicago (CBOE), quyền chọn cổ phiếu được chuẩn hóa và đưa vào niêm yết trên sở giao dịch.

Tại châu Âu, Sở giao dịch hợp đồng tương lai và quyền chọn tài chính quốc tế London (LIFFE) được thành lập năm 1982, sau đó sáp nhập với Sở giao dịch hàng hóa London năm 1996, rồi được Euronext mua lại năm 2002. Trong những năm 1990 và cả thập kỷ sau đó, trào lưu thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất diễn ra giữa các sở giao dịch chứng khoán phái sinh trên thế giới. Đầu tiên là LIFFE và Euronext như đã nói, sau đó Euronext hợp nhất với Sở giao dịch chứng khoán NewYork (NYSE) năm 2007 cho ra đời NYSE Euronext, trước khi Sở giao dịch Liên lục địa (ICE) mua lại tổ chức này năm 2013. Năm 1998, Eurex là kết quả của vụ sáp nhập giữa Sở giao dịch chứng khoán phái sinh Đức (DTB) và Sở giao dịch quyền chọn và hợp đồng tương lai tài chính Thụy Sỹ (SOFFEX). Giao dịch chứng khoán phái sinh trên các sở giao dịch ngày càng được hiện đại hóa, khai thác hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển dần từ giao dịch thủ công sang giao dịch với sự hỗ trợ của hệ thống điện tử và sau đó là giao dịch điện tử hoàn toàn.

Trong khi các sở giao dịch chứng khoán phái sinh không ngừng mở rộng hoạt động, thị trường OTC cũng trải qua quá trình tăng trưởng đầy ấn tượng. Với những ưu điểm của công cụ phái sinh OTC so với các sản phẩm niêm yết, giá trị của chứng khoán phái sinh OTC đã nhanh chóng vượt qua chứng khoán phái sinh niêm yết và chiếm ưu thế rõ rệt.

27.2.1.1. Các loại thị trường chứng khoán phái sinh

Ở phần trên, chúng ta đã đề cập đến các khái niệm sở giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường OTC. Đây chính là hai phương thức tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh cơ bản. Hai thị trường này rất khác nhau về cách thức vận hành, cơ chế hoạt động, sản phẩm giao dịch, thành phần tham gia cũng như mức độ quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.

i) Thị trường giao dịch tập trung

Ở thị trường tập trung, chứng khoán phái sinh được giao dịch tại các SGDCK. Sản phẩm trên thị trường là các hợp đồng đã được chuẩn hóa về các điều khoản theo quy định của SGDCK. Việc trao đổi, thỏa thuận giữa các bên trước đây được thực hiện một cách thủ công trên sàn. Dần dần, hệ thống giao dịch điện tử hiện đại được đưa vào sử dụng thay thế phương thức truyền thống và ngày càng trở nên phổ biến. Thông tin về sản phẩm và giao dịch được công bố rộng rãi, cập nhật thường xuyên và dễ tiếp cận với mọi người đầu tư.

Giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường tập trung diễn ra theo nguyên tắc nhất định và được thanh toán, bù trừ tập trung qua trung tâm thanh toán bù trừ. Sở giao dịch chứng khoán, cùng với trung tâm thanh toán bù trừ, thiết lập hệ thống các quy định, quy chế, thủ tục và quy trình nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, ổn định, minh bạch, công bằng và công khai của thị trường cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của các bên liên quan.

ii) Thị trường giao dịch phi tập trung (OTC)

Thị trường chứng khoán phái sinh OTC là thị trường mà ở đó người mua và người bán có thể trực tiếp trao đổi và mua bán với nhau hoặc thông qua một tổ chức trung gian. Giao dịch không diễn ra tại sở hay bất kỳ một địa điểm tập trung nào mà có thể được dàn xếp qua điện thoại hoặc các phương tiện thông tin liên lạc khác. Về phần sản phẩm, hợp đồng được mua bán trên thị trường này là các thỏa thuận song phương, tức là các điều khoản (từ số lượng và chất lượng giao hàng, địa điểm và thời gian giao hàng cũng như giá thanh toán) được đàm phán giữa hai bên tham gia. Trên thị trường này, các định chế tài chính đóng vai trò là trung gian kết nối giữa các bên có nhu cầu đối với một sản phẩm cụ thể hoặc cung cấp sản phẩm đồng thời tạo lập thị trường giúp các công cụ này có thanh khoản tốt hơn.

Theo truyền thống, việc bù trừ cho các hợp đồng chứng khoán phái sinh OTC diễn ra trên cơ sở song phương. Thế chấp tài sản cũng có thể được áp dụng cho các giao dịch trên thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro đối tác và hầu hết đều dựa trên quan hệ song phương. Tuy nhiên, trung tâm thanh toán bù trừ có thể cung cấp dịch vụ bù trừ đa phương cho một số sản phẩm OTC thỏa mãn những điều kiện nhất định.

Những điểm khác biệt giữa hai loại thị trường giúp đa dạng hóa các khả năng lựa chọn, cho phép bổ sung lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của những đối tượng khác nhau. Những người muốn rủi ro đối tác được kiểm soát, hay muốn tiếp cận thông tin ở mức độ đầy đủ nhất làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định có thể thấy sở giao dịch chứng khoán phái sinh cung cấp một nền tảng giao dịch phù hợp. Trong khi đó, những đối tượng có nhu cầu mang tính đặc thù không giống với số đông có thể thấy tính linh hoạt của thị trường OTC là rất hữu ích. Xét về khía cạnh này, thị trường OTC được cho là vườn ươm cho các sản phẩm tài chính mới, là nơi các phát minh tài chính luôn có cơ hội thể hiện và phát huy.

27.2.1.2. Vai trò của thị trường chứng khoán phái sinh

i) Tạo cơ chế xác lập giá (price discovery)

Thị trường hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai là một nguồn thông tin quan trọng về giá. Thị trường hợp đồng tương lai, trong nhiều trường hợp, được coi là phương tiện cơ bản để xác định giá giao ngay. Về lý thuyết, mọi tài sản đều có một thị trường giao ngay nơi những người có nhu cầu mua/bán thực hiện giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, thị trường giao ngay của nhiều tài sản được chọn làm cơ sở cho các hợp đồng tương lai bao trùm phạm vi rất rộng và có tính chất phân tán.

Ví dụ, vàng, dầu mỏ, và nhiều hàng hóa khác có thể được giao dịch tại những địa điểm và thời gian khác nhau. Không những thế, mỗi loại hàng hóa lại có rất nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau. Do đó, người ta có thể quan sát được rất nhiều giá “giao ngay” tiềm năng cho cùng một loại tài sản. Thị trường hợp đồng tương lai tập hợp các thông tin đó tạo ra một mức giá thống nhất, phản ánh giá giao ngay của một tài sản cụ thể mà hợp đồng tương lai lấy làm tài sản cơ sở. Đây là nguồn thông tin tham khảo về giá tài sản hữu ích cho nhiều đối tượng ở nhiều khu vực thị trường khác nhau. Thông thường, giá của hợp đồng tương lai sắp đáo hạn trong thời gian gần nhất được lấy làm đại điện cho giá giao ngay của tài sản cơ sở.

Giá hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn cũng hàm chứa thông tin về việc người ta kỳ vọng về mức giá giao ngay trong tương lai của tài sản cơ sở như thế nào. Thực ra, giá giao ngay cũng có thể chứa đựng nội dung tương tự nhưng việc xác định được thông tin đó từ thị trường giao ngay khó thực hiện hơn so với thông tintừ thị trường hợp đồng tương lai. Ngoài ra, trong hầu hết mọi trường hợp, giao dịch trên thị trường hợp đồng tương lai thường diễn ra sôi động hơn, do đó thông tin tiếp nhận được từ thị trường này thường đáng tin cậy hơn so với thông tin trên thị trường giao ngay. Mặc dù giá hợp đồng tương lai hay hợp đồng kỳ hạn không nhất thiết được coi là giá giao ngay kỳ vọng trong tương lai, nhưng nó cũng phản ánh mức giá mà một người tham gia thị trường có thể cố định cho một giao dịch sẽ thực hiện sau này thay vì chấp nhận sự không chắc chắn về mức giá giao ngay trong tương lai.

Theo đó, thị trường hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn được coi là cung cấp một cơ chế xác lập giá. Thị trường hợp đồng quyền chọn không trực tiếp đưa ra những dự báo về mức giá giao ngay trong tương lai. Tuy nhiên, nó cũng cung cấp thông tin có giá trị về sự biến động giá và qua đó là mức độ rủi ro của tài sản cơ sở giao ngay.

ii) Công cụ, phương tiện để quản lý rủi ro

Do giá chứng khoán phái sinh liên quan mật thiết đến giá tài sản cơ sở trên thị trường giao ngay, nên có thể sử dụng chứng khoán phái sinh để giảm thiểu hoặc tăng mức độ rủi ro khi nắm giữ các tài sản giao ngay. Ví dụ, việc mua một tài sản giao ngay và bán một hợp đồng tương lai hoặc một quyền chọn mua sẽ làm giảm rủi ro của nhà đầu tư. Nếu giá hàng hóa giảm, giá của hợp đồng tương lai hoặc quyền chọn cũng giảm. Khi đó, nhà đầu tư có thể mua lại hợp đồng với mức giá thấp hơn, thu được một khoản lãi ít nhất có thể bù đắp một phần khoản lỗ từ việc mua tài sản giao ngay. Loại giao dịch này được gọi là phòng ngừa rủi ro.

Như chúng ta đã biết, các nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Có những người sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn những người khác. Tuy nhiên, tất cả các nhà đầu tư đều muốn giữ các khoản đầu tư của họ ở một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được. Thị trường chứng khoán phái sinh giúp cho những người ngại rủi ro chuyển rủi ro sang những người chấp nhận được mức độ rủi ro cao hơn. Do những thị trường này rất hiệu quả trong việc phân bố lại rủi ro giữa các nhà đầu tư nên sẽ không có ai phải chịu mức rủi ro không mong muốn. Kết quả là, các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ nhiều vốn hơn vào thị trường tài chính. Điều này có lợi cho nền kinh tế, vì nó giúp nhiều công ty huy động được vốn hơn và giữ chi phí vốn ở mức thấp nhất có thể.

iii) Tăng tính hiệu quả của thị trường

Thị trường chứng khoán giao ngay vẫn có thể hiệu quả cho dù không có thị trường chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, một số cơ hội giao dịch chênh lệch giá có thể vẫn xuất hiện, cho dù thị trường nhìn chung là hiệu quả. Việc xuất hiện những cơ hội này có nghĩa là giá của một số tài sản tạm thời không phản ánh đúng giá trị vốn có của nó. Với mức rủi ro nhất định, các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn thị trường.

Giá cả của thị trường giao ngay và thị trường phái sinh có liên hệ mật thiết với nhau. Sự dễ dàng và chi phí thấp của các giao dịch trên thị trường phái sinh sẽ tạo điều kiện cho việc giao dịch chênh lệch giá và giá nhanh chóng được điều chỉnh dẫn đến triệt tiêu các cơ hội kiếm lời này. Xã hội sẽ được lợi do giá của các tài sản cơ sở phản ánh chính xác hơn giá trị kinh tế thực của chúng.

iv) Tăng hiệu quả đầu tư

Thị trường chứng khoán phái sinh mang lại một số lợi thế về cơ chế vận hành. Thứ nhất, chi phí giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh thường thấp hơn so với thị trường giao ngay (xét cả trên khía cạnh phí môi giới và các loại chi phí khác). Chính điều này làm cho giao dịch trên thị trường phái sinh dễ dàng thực hiện và hấp dẫn hơn các giao dịch trên thị trường giao ngay, hoặc có thể được xem như một yếu tố bổ sung cho vị thế giao ngay, giúp các đối tượng liên quan đạt được mục tiêu của mình một cách hiệu quả hơn.

Thứ hai, thị trường chứng khoán phái sinh, mà cụ thể là giao dịch trên các sở giao dịch hợp đồng tương lai và quyền chọn, thường có tính thanh khoản cao hơn thị trường giao ngay. Mặc dù thị trường giao ngay nhìn chung có tính thanh khoản khá cao đối với chứng khoán của các công ty lớn, nhưng các thị trường này cũng khó có thể tiếp nhận được các giao dịch trị giá lớn mà không làm thay đổi giá thị trường. Trong nhiều trường hợp, một mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng và vị thế chịu rủi ro tương tự trên thị trường giao ngay hoàn toàn có thể đạt được một cách dễ dàng bằng cách sử dụng thị trường phái sinh, nơi có thể dễ dàng tiếp nhận những giao dịch khối lượng lớn. Tính thanh khoản cao hơn của thị trường chứng khoán phái sinh một phần có nguyên nhân từ yêu cầu thấp hơn về vốn đầu tư khi tham gia vào thị trường này. Lợi nhuận và rủi ro có thể điều chỉnh theo mức độ mong muốn, nhưng do đòi hỏi lượng vốn thấp hơn nên các thị trường này có thể dễ tiếp cận hơn với nhiều đối tượng khác nhau.

Thứ ba, như đã đề cập ở trên, thị trường phái sinh cho phép các nhà đầu tư giữ nắm những vị thế đem lại kết quả tương tự như bán khống trên thị trường tài sản cơ sở một cách dễ dàng hơn. Ở nhiều nước, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán áp dụng một số quy định nhằm ngăn cấm hoặc không khuyến khích việc bán khống nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho nhà đầu tư và cho toàn thị trường. Điều này không áp dụng đối với các giao dịch chứng khoán phái sinh. Kết quả là, nhiều nhà đầu tư bán khống trên thị trường phái sinh thay vì bán khống trên thị trường chứng khoán cơ sở.

27.2.2. Giao dịch và bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh

Đối với chứng khoán phái sinh OTC, việc giao dịch và thanh toán trước đây thường chưa được chuẩn hóa, chỉ dựa vào thỏa thuận/hợp đồng giữa bên mua và bên bán với đặc điểm rất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của các bên liên quan. Tuy nhiên khi thị trường khó khăn, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, việc giao dịch và thanh toán như trên bộc lộ nhiều nhược điểm, tiềm ẩn rủi ro cho các bên tham gia nói riêng và cho toàn thị trường nói chung.

Hiện nay các nước có xu hướng chuẩn hóa các hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh OTC, nhất là chuẩn hóa công tác thanh toán để tiệm cận tới cơ chế thanh toán của thị trường chứng khoán phái sinh niêm yết. Tài liệu này sẽ tập trung chủ yếu vào các hoạt động giao dịch và thanh toán của thị trường chứng khoán phái sinh niêm yết trên SGDCK.

Một cách tổng quan nhất, các thành phần tham gia hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ của thị trường chứng khoán phái sinh gồm có: Cơ quan Quản lý Nhà nước (CQQLNN), các nhà đầu tư (NĐT), SGDCK, các thành viên giao dịch (TVGD), Trung tâm Thanh toán Bù trừ (TTTTBT), các thành viên bù trừ (TVBT) và các ngân hàng thanh toán (NHTT) được mô tả trong sơ đồ sau:

 Sơ đồ: Sơ lược các thành phần của thị trường chứng khoán phái sinh

Cơ quan Quản lý Nhà nước:

– Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

– Cấp phép cho các hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Sở Giao dịch Chứng khoán:

– Thiết kế các sản phẩm chứng khoán phái sinh phù hợp với thị trường.

– Cung cấp hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh.

– Giám sát các giao dịch chứng khoán phái sinh.

Thành viên Giao dịch:

– Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh như dịch vụ môi giới, tư vấn… cho các nhà đầu tư trên thị trường.

– Tự doanh chứng khoán phái sinh.

– Có thể cung cấp dịch vụ tạo lập thị trường để tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Trung tâm Thanh toán Bù trừ:

Nếu như các hoạt động của SGDCK đối với thị trường chứng khoán phái sinh về cơ bản gần giống như các hoạt động của thị trường chứng khoán cơ sở thì TTTTBT lại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thị trường chứng khoán phái sinh do tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao và tính phức tạp của thị trường này. Các hoạt động chính của TTTTBT bao gồm:

– Cung cấp hệ thống bù trừ chứng khoán phái sinh.

– Xác định nghĩa vụ bù trừ, thanh toán của các bên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

– Quản lý rủi ro cho thị trường chứng khoán phái sinh: Tính toán và quản lý ký quỹ để đảm bảo các bên liên quan thực hiện các nghĩa vụ của mình trên hợp đồng chứng khoán phái sinh, định giá hàng ngày cho các vị thế trên thị trường, quản lý các tài sản thế chấp, giới hạn vị thế… trên thị trường.

Ngày nay nhiều TTTTBT trên thế giới sử dụng mô hình đối tác trung tâm (Central CounterParty: CCP) để tăng tính hiệu quả của công tác bù trừ thanh toán, giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Sơ đồ sau mô tả tính hiệu quả của mô hình CCP so với mô hình bù trừ thanh toán thông thường:

 Sơ đồ: Hiệu quả của mô hình CCP so với mô hình truyền thống

Theo mô hình này, TTTTBT sẽ trở thành bên mua của mọi bên bán và bên bán của mọi bên mua thông qua cơ chế thế vị, từ đó giảm thiểu rủi ro đối tác và rủi ro tín dụng khi các bên tham gia không thực hiện nghĩa vụ của mình. Nguyên nhân chính là doTTTTBT có nguồn lực tài chính mạnh, được hỗ trợ nhiều từ các tổ chức kinh tế và thậm chí có thể cả từ chính phủ, tuân thủ chặt chẽ cơ chế quản lý rủi ro nghiêm ngặt.

Thành viên bù trừ:

– Cung cấp dịch vụ bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư (thường thông qua TVGD) và các TVGD khác trên thị trường.

– TVGD có thể cũng đồng thời là TVBT khi thỏa mãn các yêu cầu của TTTTBT và có mong muốn trở thành TVBT.

Ngân hàng Thanh toán:

– Thực hiện việc chuyển khoản/thanh toán tiền và cung cấp dữ liệu tài khoản cho TVBT.

Đối với thị trường chứng khoán phái sinh niêm yết, nhà đầu tư không trực tiếp tham gia SGDCK mà phải giao dịch thông qua các TVGD.

27.2.3. Công tác quản lý và xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh

27.2.3.1. Quản lý thị trường chứng khoán phái sinh

Vấn đề quản lý đối với thị trường chứng khoán phái sinh có thể được tiếp cận theo những cách khác nhau tùy đặc điểm lịch sử và điều kiện cụ thể ở từng quốc gia. Nhìn chung, việc quản lý và giám sát thị trường thường được thiết lập theo ba cấp: cơ quan quản lý nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán bù trừ và các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp. Tuy vậy, khi đi vào chi tiết, mô hình quản lý được áp dụng ở từng nước vẫn mang những nét khác biệt. Chẳng hạn, có thể là mô hình quản lý theo tổ chức, lĩnh vực hay quản lý theo chức năng; chủ thể quản lý có thể là một cơ quan duy nhất quản lý chung toàn thị trường hay là nhiều tổ chức khác nhau với sự phân chia trách nhiệm quản lý từng mảng thị trường nhất định…

Mặc dù mang những đặc thù riêng như vậy, hoạt động quản lý thị trường chứng khoán phái sinh ở các quốc gia trước đây phần lớn đều gắn liền với thị trường có tổ chức hơn là hướng tới thị trường OTC. Hơn nữa, việc xây dựng và triển khai các mô hình và cơ chế quản lý đều nhằm đạt được những mục tiêu chung, trong đó cơ bản và phổ biến nhất là:

i) Bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường

Chứng khoán phái sinh được thiết kế với mục đích ban đầu là giúp các đối tượng có nhu cầu phòng ngừa rủi ro, hay nói một cách cụ thể hơn là giảm thiểu những tác động bất lợi gây ra do sự biến động giá của các tài sản và công cụ trên thị trường. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của các sản phẩm chứng khoán phái sinh theo hướng tăng dần tính chất phức tạp và khả năng ứng dụng trong những tình huống da dạng, bản thân chứng khoán phái sinh cũng tiềm ẩn những rủi ro. Có thể kể ra những rủi ro nổi bật như:

– Rủi ro thị trường (gắn liền với sự thay đổi giá trị của các hợp đồng chứng khoán phái sinh do hệ quả của sự biến động giá các tài sản cơ sở).

– Rủi ro đối tác (nảy sinh khi một bên tham gia hợp đồng chứng khoán phái sinh bị mất khả năng thanh toán đối với các nghĩa vụ tài chính của mình theo cam kết trong hợp đồng). Đây là một loại rủi ro mang tính đặc trưng của chứng khoán phái sinh – sản phẩm tài chính được xây dựng dựa trên mối quan hệ, hay là thỏa thuận, giữa nhiều bên với nhau.

– Rủi ro thanh khoản (xuất hiện khi độ sâu thị trường không đủ lớn khiến cho việc ra, vào thị trường của các bên liên quan không thể thực hiện được, hoặc có thể thực hiện nhưng với hiệu quả rất thấp và chi phí cao). Trên thị trường chứng khoán phái sinh, thanh khoản thấp của thị trường sẽ gây khó khăn cho người sử dụng sản phẩm trong việc đóng, mở hoặc thanh lý vị thế.

– Một số rủi ro khác như rủi ro thanh toán, rủi ro hoạt động…

Những rủi ro trên khi xảy ra có thể làm cho các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh thua lỗ hoặc thiệt hại đáng kể, thậm chí là rất lớn nếu xem xét đến tác động từ hiệu ứng đòn bẩy của các công cụ này. Vì vậy, quản lý thị trường chứng khoán phái sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát tốt những yếu tố rủi ro đã đề cập, hạn chế phạm vi và mức độ tác động của chúng. Dĩ nhiên, việc quản lý đối với thị trường không hàm ý, và cũng không có khả năng, loại bỏ hoàn toàn các rủi ro. Tuy vậy, việc ngăn chặn không để chúng phát triển thành rủi ro hệ thống với ảnh hưởng mang tính lan truyền không chỉ trên thị trường chứng khoán phái sinh mà sang cả thị trườngcơ sở và những khu vực khác của thị trường tài chính là một nội dung cốt yếu góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

ii) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư

Nhà đầu tư là một trong những chủ thể quan trọng trên thị trường chứng khoán. Với chứng khoán phái sinh, kết cấu, cơ chế hoạt động và sự ràng buộc của các mối quan hệ hay cam kết giữa các bên liên quan phức tạp, tinh vi hơn so với các chứng khoán cơ sở thông thường. Vì thế, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng có thể tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, hiểu biết rõ và tận dụng được những ưu điểm và lợi ích của các sản phẩm phái sinh. Tuy vậy, dù năng lực và mức độ tham gia khác nhau, nhà đầu tư vẫn được xem là một trong những yếu tố then chốt góp phần làm nên sự thành công của thị trường này.

Chứng khoán phái sinh được sáng tạo ra trước hết để giúp các cá nhân và tổ chức thực hiện phòng ngừa rủi ro. Nói cách khác, phòng ngừa rủi ro là một động cơ căn bản để các đối tượng, trong đó có nhà đầu tư, tham gia thị trường. Bên cạnh đó, khả năng kiếm lợi nhuận cao chỉ từ một khoản vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu trên thị trường chứng khoán cơ sở cũng là một yếu tố thu hút nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán phái sinh. Trong số này, ngoài các nhà đầu tư chuyên nghiệp và có tổ chức, không thể bỏ qua sự hiện diện của các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh tham gia của nhóm nhà đầu tư này ngày càng tích cực và năng động hơn.

Tuy vậy, các nhà đầu tư cá nhân thường được nhắc đến với hạn chế về kiến thức chuyên môn và thiếu các kỹ năng đầu tư so với nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Điều này có thể gây khó khăn trong việc đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, nhất là khi sự bất cân xứng về thông tin trên thị trường dường như luôn hiện hữu. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân, trong nhiều tình huống, cũng dễ bị tác động bởi các luồng thông tin khác nhau trên thị trường, thậm chí dễ bị chi phối bởi các yếu tố mang tính tâm lý và dễ bị tổn thương.

Theo đó, việc để thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động tự do mà không có sự quản lý, giám sát thích hợp sẽ làm trầm trọng thêm những nguy cơ rủi ro vốn dĩ đã luôn tiềm ẩn trên thị trường này (thông qua sự gia tăng các quyết định đầu tư mạo hiểm, sự lựa chọn các sản phẩm không phù hợp do thiếu thông tin cần thiết…). Hệ quả là không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả các thành viên thị trường cũng như toàn hệ thống nói chung có thể bị tác động tiêu cực khi yếu tố rủi ro trở thành hiện thực. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chính là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của hoạt động quản lý thị trường chứng khoán phái sinh, góp phần vào sự ổn định của thị trường và duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

27.2.3.2. Xu hướng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh

Trên thực tế, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng quan trọng và cần thiết cho các tổ chức kinh doanh và nhà đầu tư. Các công cụ phái sinh phát triển không ngừng, cung cấp các công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu cũng đồng thời là các công cụ để tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh trên thị trường. Trong điều kiện nền kinh tế tài chính thế giới có nhiều biến động, các số liệu thống kê cho thấy hoạt động trên các thị trường tài chính phái sinh cả thị trường tập trung và phi tập trung đều tiếp tục tăng trưởng rất mạnh. Các đồ thị và bảng biểu sau thể hiện rất rõ thực tế này.

Đồ thị 27.1. Quy mô thị trường hợp đồng tương lai

Nguồn: Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), (Đơn vị tính: tỷ USD)

Đồ thị 27.2. Quy mô thị trường quyền chọn giao dịch trên sở giao dịch

Nguồn: Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), (Đơn vị tính: tỷ USD)

Bảng 27.2. Quy mô thị trường chứng khoán phái sinh OTC

Loại rủi ro/công cụ

Giá trị danh nghĩa (tỷ USD)

12/2011

12/2012

12/2013

06/2014

Tổng các hợp đồng

647.811

632.582

710.182

691.491

Hợp đồng ngoại hối

63.381

67.358

70.553

74.782

Hợp đồng lãi suất

504.117

489.706

584.364

563.290

Hợp đồng với công cụ liên quan CK vốn

5.982

6.251

6.560

6.941

Hợp đồng hàng hóa

3.091

2.587

2.206

2.206

Hợp đồng rủi ro tín dụng

28.626

25.068

21.020

19.462

Chưa phân loại

42.612

41.611

25.480

24.810

Nguồn: Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS)

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông cũng như nhu cầu về quản lý rủi ro của những người tham gia, ngày càng có nhiều sản phẩm phái sinh với những đặc điểm kỹ thuật phức tạp được tạo ra để giúp quản lý rủi ro một cách hiệu quả trong điều kiện thị trường có nhiều biến động.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong cấu trúc và hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh OTC, đặc biệt là sự thiếu minh bạch và tính phức tạp của thị trường này được nhiều nhà quản lý và ban hành chính sách quy kết là nguồn gốc tiềm năng cho sự bất ổn định và rủi ro hệ thống. Để giải quyết vấn đề này và ngăn chặn những nguy cơ có thể xuất hiện trong tương lai, năm 2009, lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 đã nhất trí về những sáng kiến trên giác độ quản lý nhằm cải cách thị trường chứng khoán phái sinh. Những mục tiêu chính được đặt ra gồm:

– Tất cả các chứng khoán phái sinh OTC có mức độ chuẩn hóa nhất định đều phải được giao dịch trên SGDCK hoặc nền tảng giao dịch điện tử một cách phù hợp. Việc khuyến khích giao dịch điện tử xuất phát từ lợi ích căn bản mà nó mang lại: Tạo ra sự minh bạch trong giao dịch, qua đó giảm sự bất cân xứng về thông tin; công bố thông tin giao dịch công khai giúp cải thiện quá trình xác lập giá; cơ sở dữ liệu cập nhật nâng cao khả năng giám sát cũng như quản lý vị thế và rủi ro của người sử dụng sản phẩm.

– Các chứng khoán phái sinh OTC phải được bù trừ, thanh toán qua đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Đây là một yếu tố nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng thị trường. CCP có thể giải quyết được vấn đề về rủi ro đối tác và quản lý các yêu cầu về cầm cố một cách kịp thời; bù trừ giao dịch một cách hiệu quả giữa các thành viên; tạo ra sự minh bạch trong giai đoạn hậu giao dịch nhờ việc cung cấp dữ liệu giao dịch hàng ngày.

– Hợp đồng chứng khoán phái sinh OTC phải được báo cáo với các trung tâm lưu trữ thông tin giao dịch. Sự tập trung hóa việc thu thập, lưu trữ và phân phối thông tin về các trung tâm có đăng ký giúp xử lý hữu hiệu sự thiếu minh bạch trên thị trường. Các cơ quan quản lý được cung cấp thông tin tốt hơn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp họ thực hiện tốt trách nhiệm giám sát; tăng cường chất lượng đánh giá khả năng, chiều hướng và phạm vi xảy ra của các nguy cơ tiềm ẩn có tính chất lan truyền.

– Phải áp dụng các yêu cầu cao hơn về vốn đối với các hợp đồng phái sinh phi tập trung. Với những chứng khoán phái sinh chưa đáp ứng được yêu cầu về mức chuẩn hóa và chưa được bù trừ qua CCP, yêu cầu về an toàn, hay là mức ký quỹ, cho những khoản thua lỗ tiềm năng sẽ được siết chặt hơn. Động thái này nhằm làm tăng chi phí của các hợp đồng phi chuẩn hóa, gián tiếp tạo động lực khuyến khích chuẩn hóa hợp đồng và chuyển hoạt động giao dịch sang các sở giao dịch và bù trừ trung tâm.

Để hướng tới những mục tiêu này, Liên minh châu Âu dự định thực thi những quy định mới cho thị trường chứng khoán phái sinh, chủ yếu qua hai văn bản pháp lý là Quy định về cơ sở hạ tầng thị trường ở châu Âu (EMIR) và Chỉ thị Thị trường công cụ tài chính sửa đổi (MiFID 2). Trong khi đó, tại Mỹ, việc quản lý và quản trị thị trường chứng khoán phái sinh được đề cập trong Đạo luật Dodd-Frank về Cải cách phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng. Đạo luật này đã được áp dụng từ tháng 7/2010.

Những cải cách trên thị trường chứng khoán phái sinh OTC đã, đang và có thể sẽ còn tiếp tục tạo ra những thay đổi đáng kể trên thị trường chứng khoán phái sinh toàn cầu. Xu thế chung là sự thu hẹp quy mô của thị trường OTC khi giao dịch chứng khoán phái sinh được chuyển hướng sang các SGDCK và các quy định về bù trừ tập trung được áp dụng rộng rãi hơn. Trong bối cảnh đó, vai trò của các CCP ngày càng trở nên quan trọng và cần được các nhà quản lý thị trường chú ý hơn để đối phó với những rủi ro tiềm ẩn và khả năng đổ vỡ của tổ chức này trong tương lai.

27.3. Sử dụng chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong kinh doanh cũng như trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Để mô tả về những thành phần tham gia trên thị trường này, người ta thường phân thành ba nhóm: Phòng ngừa rủi ro, đầu cơ và kinh doanh chênh lệch giá.

Tuy nhiên, việc phân định rạch ròi giữa các đối tượng hoặc giữa những vai trò mà họ đảm nhận nhiều khi không phải là việc dễ dàng. Cùng một cá nhân hoặc tổ chức có thể đóng vai trò khác nhau trong những tình huống thị trường không giống nhau, hoặc một chủ thể đang thực hiện vai trò này có thể chuyển sang vai trò khác một cách nhanh chóng, bất kể là do chủ định hay không cố ý.

Với mỗi mục đích khác nhau, nhà đầu tư có thể sử dụng các chiến lược khác nhau dựa trên các dự báo, kỳ vọng vào thị trường và mong muốn của chính nhà đầu tư. Không có một chiến lược nào tối ưu trong mọi trường hợp mà chỉ có các chiến lược phù hợp với kỳ vọng, hiểu biết của nhà đầu tư và thực tế thị trường trong những điều kiện cụ thể.

27.3.1. Phòng ngừa rủi ro (hedging)

Các công ty, nhà đầu tư, ngân hàng và thậm chí cả các tổ chức thuộc chính quyền cũng có thể sử dụng các sản phẩm chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro và giảm nhẹ tổn thất tiềm năng do biến động của các yếu tố thị trường như lãi suất, giá cổ phiếu, tỷ giá hối đoái và giá cả hàng hóa gây ra.

Một ví dụ kinh điển vẫn thường được nêu ra là tình huống một chủ trang trại bán hợp đồng tương lai để cố định giá bán nông sản mà anh ta sẽ thu hoạch trong tương lai. Người mua hợp đồng này có thể là một công ty chế biến thực phẩm muốn cố định giá mua nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới, hoặc là một nhà đầu cơ – đối tượng chúng ta sẽ đề cập đến sau đây. Một trường hợp tiêu biểu khác là một công ty sẽ được thanh toán một khoản tiền bằng ngoại tệ trong tương lai. Công ty này tham gia vào một hợp đồng kỳ hạn để bán ngoại tệ đó cho ngân hàng và nhận về một lượng đồng nội tệ đã được xác định trước.

Như vậy, các cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào một hợp đồng chứng khoán phái sinh để bảo vệ mình trước những biến động bất lợi xảy ra với giá trị các tài sản hoặc khoản nợ mà họ đang nắm giữ, tăng tính ổn định cho các luồng tiền phát sinh trong tương lai. Giao dịch liên quan đến hợp đồng chứng khoán phái sinh đảm bảo rằng một sự sụt giảm giá trị của tài sản chẳng hạn sẽ được bù đắp bằng sự tăng giá trị của hợp đồng chứng khoán phái sinh. Điều này thường đạt được bằng việc giữ một vị thế chứng khoán phái sinh đối lập với vị thế tài sản cơ sở hiện có.

27.3.2. Đầu cơ (speculating)

Trong khi người phòng ngừa rủi ro muốn chuyển rủi ro mà mình không mong muốn sang cho người khác thì nhà đầu cơ là đối tượng sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đó. Mục tiêu cuối cùng mà nhà đầu cơ hướng tới không gì khác hơn là lợi nhuận. Trên thực tế, chứng khoán phái sinh là công cụ thích hợp cho mục đích đầu cơ dựa trên giá của các hàng hóa và tài sản tài chính cũng như các yếu tố thị trường như lãi suất, chỉ số cổ phiếu hay tỷ giá hối đoái.

Khi bàn về vai trò của thị trường chứng khoán phái sinh ở các phần trước, chúng ta đã biết rằng đầu tư thông qua chứng khoán phái sinh ít tốn kém hơn nhiều so với giao dịch hàng hóa hay tài sản trên thị trường cơ sở. Vì vậy, mức sinh lời tiềm năng nó mang lại cũng hứa hẹn cao hơn nhiều. Giả sử, một nhà đầu tư tin rằng nhu cầu tăng cao hoặc lượng cung giảm có khả năng đẩy giá dầu lửa tăng mạnh trên thị trường. Mua và cất trữ loại hàng hóa này dưới dạng vật chất sẽ đòi hỏi chi phí vô cùng lớn. Vì vậy, nhà kinh doanh quyết định mua hợp đồng tương lai dầu cho phép anh ta nhận giao dầu vào ngày đáo hạn hợp đồng trong khi tiền thanh toán được cố định ở mức đã biết. Nếu giá dầu tăng trên thị trường cơ sở, giá trị của hợp đồng tương lai cũng sẽ tăng và nhà kinh doanh có thể kiếm lợi nhuận khi bán lại hợp đồng tương lai đó hoặc bán số hàng hóa nhận được.

Hoạt động đầu cơ chứng khoán phái sinh một mặt góp phần làm tăng tính thanh khoản trên thị trường do người đầu cơ sẵn sàng chấp nhận rủi ro từ những người muốn né tránh nó chuyển sang. Mặt khác, đầu cơ cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ cho cả người thực hiện lẫn cả thị trường nói chung. Trước hết, nếu thông tin, dự báo sai được lấy làm căn cứ để đưa ra quyết định, đầu cơ có thể dẫn đến “giao dịch nhiễu” (noise trading), ảnh hưởng đến giá trên thị trường trong ngắn hạn. Chứng khoán phái sinh sử dụng hiệu ứng đòn bẩy cao, có thể giúp gia tăng mạnh mức sinh lời trong điều kiện thị trường thuận lợi; song nó cũng có thể khiến nhà đầu cơ bị tổn thất nặng nề về tài chính, thậm chí có thể mất khả năng thanh toán hay phá sản. Điều này đã được minh chứng trong thực tiễn. Vì vậy, các giao dịch đầu cơ bằng sử dụng chứng khoán phái sinh thường chịu sự theo dõi, giám sát khá chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

27.3.3. Giao dịch chênh lệch giá (arbitraging)

Giao dịch chênh lệch giá là giao dịch tạo ra lợi nhuận phi rủi ro bằng cách khai thác, tận dụng hiện tượng định giá sai trên thị trường. Một ví dụ đơn giản là nhà đầu tư có thể mua tài sản với giá rẻ ở một địa điểm, đồng thời thu xếp để bán chính tài sản đó ở địa điểm khác với giá cao hơn. Giao dịch kiểu này cũng có thể diễn ra đối với chứng khoán phái sinh. Ở đây, cơ hội kinh doanh chênh lệch giá thường xuất hiện do một sản phẩm phái sinh có thể được định giá dựa trên những mô hình khác nhau, sử dụng nguồn số liệu không giống nhau cho cùng một tham số thành phần chẳng hạn.

Tuy nhiên, một điều cần chú ý là những cơ hội chênh lệch giá như vậy không có khả năng duy trì lâu dài, vì nhiều nhà kinh doanh chênh lệch giá đều cùng lúc lao vào mua tài sản ở thị trường được giao dịch với giá rẻ hơn và bán ở thị trường khác với giá cao hơn, qua đó xóa bỏ khoảng cách chênh lệch trong định giá. Ngoài ra, với sự hiện diện của các loại phí giao dịch, chỉ những người chơi lớn trên thị trường mới có thể hưởng lợi từ các cơ hội đó.

Với đặc điểm trên, hoạt động kinh doanh chênh lệch giá tạo thuận lợi cho cơ chế hình thành giá, điều chỉnh chênh lệch giá đặt mua/chào bán trong khoảng thời gian ngắn. Những người giao dịch chênh lệch giá hướng tới mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà không phải chịu những rủi ro có liên quan. Vai trò của họ là làm cho cơ chế hình thành giá hiệu quả hơn, trong khi không gây ra tác động gì mang tính hệ thống. Thông thường, hành vi của họ được coi là phản ứng với giao dịch nhiễu hơn là giao dịch dựa trên phân tích cơ bản. Cũng như hoạt động đầu cơ, giao dịch chênh lệch giá góp phần giúp cho thị trường đạt được mức thanh khoản cao hơn.

27.4. Triển khai thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam

27.4.1. Nhu cầu của thị trường và nền kinh tế

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng bước đầu trong những thành tựu chung của nền kinh tế quốc gia trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, cho đến nay thị trường chứng khoán vẫn còn đang ở trong những giai đoạn phát triển ban đầu, chưa đáp ứng hết các nhu cầu, kỳ vọng của nhà đầu tư nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong đó, thị trường chứng khoán mới cung cấp các sản phẩm hàng hóa chứng khoán cơ bản như cổ phiếu, trái phiếu mà chưa có các công cụ tiến tiến, đặc biệt là các công cụ phục vụ công tác quan trị rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo một số khảo sát đã được thực hiện, việc Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán phái sinh cũng khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt hơn trong đầu tư vào thị trường Việt Nam. Việc triển khai thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam sẽ thu hút thêm được nhiều vốn đầu tư nước ngoài và trực tiếp và gián tiếp do nhà đầu tư có công cụ để thực hiện quản trị rủi ro cho hoạt động kinh doanh và danh mục đầu tư của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ thị trường này do được tiếp cận với một thị trường tài chính cao cấp, theo thông lệ quốc tế, hỗ trợ quản trị rủi ro tốt hơn, giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi đối mặt với những bất định của thị trường.

27.4.2. Cơ cở pháp lý và quản lý thị trường chứng khoán phái sinh

27.4.2.1. Cơ sở pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

Căn cứ nhu cầu của nền kinh tế đối với thị trường chứng khoán phái sinh, phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng khoán và nghiên cứu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 252/2012/QĐ-TTg ngày 01/03/2012phê duyệt “Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020”, theo quyết định này Việt Nam sẽ xây dựng Thị trường chứng khoán phái sinh được chuẩn hóa theo hướng phát triển các công cụ từ đơn giản đến phức tạp, về dài hạn sẽ thống nhất các hoạt động của Thị trường chứng khoán phái sinh có công cụ cơ sở là chứng khoán, hàng hóa và tiền tệ.

Trước đó, trong các Luật chứng khoán cũng đã quy định rõ những khái niệm cơ bản về chứng khoán phái sinh (Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 và Điều 1 Luật Chứng khoán năm 2010) làm tiền đề cho sự phát triển thị trường phái sinh sau này.

Việc phát triển thị trường chứng khoán phái sinh cũng được nhấn mạnh trong Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 của thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngày 11/03/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số số 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam. Theo đó, giao cho Bộ Tài chính phối hợp cùng với bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh và dự kiến mốc thời gian triển khai cụ thể.

Ngày 05/05/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Nghị định bao gồm 8 Chương, 44 Điều và là khung pháp lý rất quan trọng để xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Nghị định đã kế thừa các quy định trong Luật Chứng khoán về các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, đặt ra điều kiện thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quy định các loại chứng khoán phái sinh được giao dịch trên thị trường, chỉ có sở giao dịch chứng khoán được phép tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh niêm yết, việc giao dịch của nhà đầu tư thực hiện thông qua môi giới của các thành viên giao dịch của sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam là đơn vị duy nhất đảm nhiệm chức năng thanh toán bù trừ cho các giao dịch chứng khoán phái sinh theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

Hiện nay, Bộ Tài chính – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các tổ chức liên quan đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các thông tư, quy chế và chuẩn bị cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào chính thức hoạt động một cách tốt nhất theo kế hoạch.

27.4.2.2. Quan điểm quản lý của Việt Nam

Việt Nam đã xác định rõ quan điểm phải xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh tập trung, thống nhất và chuẩn hóa ngay từ đầu, không để thị trường chứng khoán phái sinh tự do tự phát hoạt động, thiếu kiểm soát, gây mất ổn định, tác động xấu lên thị trường chứng khoán cơ sở và dẫn đến đổ vỡ thị trường. Thị trường chứng khoán phái sinh phải được phát triển một cách thận trọng, có lộ trình, có sự quản lý của Nhà nước.

Việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh dựa trên các nguyên tắc sau:

– Phù hợp với định hướng phát triển chung của thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường hợp lý và cân đối giữa phát triển bền vững thị trường cơ sở với thị trường chứng khoán phái sinh.

– Thị trường phải công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn.

– Có cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ và hướng tới bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

– Dựa trên thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

– Từng bước liên kết được với các TTCK trong khu vực ASEAN.

– Phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng cường năng lực và sức cạnh tranh đối với các thị trường trong khu vực.

– Bảo đảm tính khả thi và tầm nhìn dài hạn.

27.4.3. Lộ trình và mục tiêu triển khai dự kiến

Lộ trình và mục tiêu triển khai thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến theo Quyết định số 252/2012/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020” như sau:

– Cho đến năm 2015 sẽ xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất và công nghệ (hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, hệ thống giám sát và công bố thông tin) và các điều kiện khác tại SGDCK, TTTTBT và các thành viên thị trường, sẵn sàng cho thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động.

– Từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh mà trước mắt là các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu.

– Giai đoạn sau 2020 sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch. Mở rộng các đối tượng thành viên tham gia thị trường, cải tiến hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng cơ sở nhà đầu tư, tiến tới xây dựng một thị trường chứng khoán phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế, hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của thị trường tài chính.

27.5. Kết luận

Như vậy, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh là một bước đi tất yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế, đặc biệt là của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong công tác quản lý rủi ro cho hoạt động kinh doanh và danh mục đầu tư của mình.

Công tác chuẩn bị cho việc ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam được thực hiện tương đối kỹ càng từ khung pháp lý đến công nghệ, đào tạo. Toàn thị trường từ cơ quan quản lý nhà nước đến các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán bù trừ và thành viên thị trường đều có những nỗ lực vượt bậc chuẩn bị các điều kiện về nhân sự và cơ sở vật chất kỹ thuật. Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ quý giá của nhiều thị trường phát triển và thị trường có điều kiện tương đồng, đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu từ những thành công và cả thất bại của các thị trường quốc tế.

Trên cơ sở đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ triển khai thành công thị trường chứng khoán phái sinh, phục vụ tốt nhu cầu và sự phát triển của nền kinh tế quốc dân./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 06 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010
  2. Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 của Chính phủ quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh
  3. Giáo trình Phân tích và đầu tư chứng khoán, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Chứng khoán – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2014
  4. 1.      Tài liệu tiếng Anh
  5. Options, Futures, and Other Derivatives, Eighth Edition, John Hull, 2015
  6. Derivatives Market Business Regulation, Korea Exchange
  7. Futures Trading Act, Taiwan