Nợ xấu nội bảng năm 2022 của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 2%

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn, nợ xấu nhận diện tổng thể ở các “cấu phần” khác giảm khá mạnh, theo cập nhật mới từ Ngân hàng Nhà nước.

Nợ xấu với các tỷ lệ cụ thể, cập nhật gần nhất có trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi về, phục vụ phiên họp ngày 30/9 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong năm 2021, nợ xấu và nợ xấu nhận diện tổng thể (nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC chưa xử lý, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu) tăng lên và dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022 bởi tác động tiêu cực lâu dài của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2021, kinh tế Việt Nam dần mở cửa trở lại bình thường; hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi. Tình hình nợ xấu theo đó cho đến nay không chuyển biến xấu thêm mà còn giảm khá mạnh.

Trước hết, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục thực hiện xử lý nợ xấu và có kết quả khả quan. Báo cáo của NHNN cho biết, từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2022, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.449,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng đầu năm 2022 xử lý được khoảng 88,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó TCTD tự xử lý ở mức cao (chiếm 82,6% trong tổng nợ xấu được xử lý).

Việc tự xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. Riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/7/2022, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 399,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Theo báo cáo trên của NHNN, cập nhật đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống vẫn ở mức an toàn là 1,7%; đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD là 5,41%, giảm khá mạnh so với mức 6,3% cuối năm 2021.

Tiếp tục xử lý nợ xấu và tăng cường kiểm soát rủi ro, trong báo cáo trên NHNN định hướng trong năm 2023 sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thích ứng kịp thời với thị trường trong nước và ngoài nước.

Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tình hình lạm phát. Chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tăng cường triển khai các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

NHNN cũng nhấn mạnh tinh thần triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung xử lý các TCTD yếu kém, giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh nợ xấu; tăng cường kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, thực hiện tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước theo đúng quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15.

Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt

Một trong những ngân hàng ghi nhận con số nợ xấu tuyệt đối ở mức cao là VietinBank, có tới 16.650 tỷ đồng nợ xấu, tăng 33,4% sau 6 tháng đầu năm 2022; trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 128%.

Nợ xấu nội bảng năm 2022 của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 2%
Tín dụng tăng mạnh nhưng kéo theo tỷ lệ nợ xấu cũng bị đẩy lên so với hồi cuối năm 2021.

Báo cáo tài chính của MB cho thấy, cho vay khách hàng tăng mạnh tới 14,1%, thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống, giúp lãi trước thuế đạt hơn 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng lại có chiều hướng xấu hơn, khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng lên 1,2% so với mức 0,9% hồi đầu năm. Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, tới 123% từ gần 820 tỷ đồng lên 1.826 tỷ đồng, nợ nhóm 3 và 4 cũng tăng nhẹ so với con số cuối năm 2021.

NCB cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vọt tăng từ 3% hồi đầu năm lên 11% vào cuối tháng 6/2022. Trong đó, các nhóm nợ đều tăng khá mạnh, đặc biệt nhóm nợ xấu nhất là nợ nhóm 5 tăng hơn 140% lên 1.130 tỷ đồng.

Vietbank cũng tiếp tục tăng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 3,65% lên 3,91%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng 19% so với đầu năm và có sự dịch chuyển mạnh từ nợ nghi ngờ (-42%) sang nợ có khả năng mất vốn (+61,5%).

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank giảm nhẹ từ 2,34% hồi đầu năm xuống 2,3%, nhưng nợ nhóm 5 tăng 20% so với thời điểm đầu năm và chiếm tới 58% tổng nợ xấu, tổng dư nợ tuyệt đối tăng 10,7%.

3 ngân hàng gồm VIB, ACB và TPBank cùng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng trên 50%. Trong đó VIB ghi nhận nợ xấu nhóm 5 là 2.210 tỷ đồng (tăng 68%), ACB ở mức 2.190 tỷ đồng (tăng 59%) và TPBank ghi nhận 448 tỷ đồng (tăng 51%).

Theo thống kê của FiinGroup, tính đến hết 30/6, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận 120.938 tỷ đồng tăng 20%, riêng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 40% lên hơn 62.316 tỷ đồng, chiếm 51,5% trên tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ 1,84% thời điểm đầu năm lên 2,13%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 113% lên 118%.

Tăng dự phòng cho nợ xấu, ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận

Trong báo cáo nghiên cứu về ngân hàng do Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện, nhiều chuyên gia tham gia khảo sát nhận định, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh, khi sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của ngân hàng được dự báo còn tiếp tục kéo dài do DN chưa thể phục hồi.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tiếp tục tăng khi ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và DN do dịch Covid-19 đã hết hạn vào 30/6 và NHNN không gia hạn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, dù liên tục báo lãi "đậm" trong nửa đầu năm, nhưng các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực không nhỏ về nợ xấu trong tương lai. Các ngân hàng do đó sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, kéo theo thách thức về tăng trưởng lợi nhuận.

“Những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi, cộng thêm sức khỏe của các DN bất động sản đang gặp khó sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Theo quy định của NHNN, ngân hàng nếu không kiểm soát được nợ xấu dưới mức 3% sẽ bị giới hạn nhiều hoạt động như: Không được mua trái phiếu DN; không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu cũng như mua, nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng khác...

Công ty Chứng khoán SSI đưa ra cảnh báo: "Để kiểm soát lạm phát, NHNN thận trọng hơn trong việc nới hạn mức (room tín dụng) trong nửa cuối năm. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro". Theo SSI, nếu các ngân hàng thương mại không được nới room tín dụng, trong 6 tháng cuối năm, bức tranh lợi nhuận sẽ thay đổi.