tăng trưởng theo chiều sâu có nghĩa là gì?

You are using an out of date browser. It may not display this or other websites correctly.
You should upgrade or use an alternative browser.

  • Thread starter Ngô Quốc Huy
  • Start date Jul 20, 2021

QPTD -Thứ Năm, 24/09/2015, 13:50 (GMT+7)

Về mô hình tăng trưởng kinh tế trong Dự thảo các văn kiện của Đảng

Lựa chọn mô hình tăng trưởng sao cho vừa thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống dân cư mà không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vừa giải quyết được vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những vấn đề cơ bản của nước ta hiện nay và trong phương hướng tới.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng xác định: “… kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh…”1; “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”2. Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng trên nhằm lấy năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế làm mục tiêu hàng đầu để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là hoàn toàn đúng đắn. Điều đó xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, từ ưu điểm, hạn chế của từng mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng kinh tế, nói khái quát là tăng trưởng kinh tế và các nhân tố tác động đến mô hình tăng trưởng kinh tế, bao gồm các nhân tố kinh tế và phi kinh tế. Các nhân tố phi kinh tế có tác động gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế và khó lượng hóa tác động của chúng. Tùy theo mức độ đóng góp khác nhau của các nhân tố vào tăng trưởng kinh tế đã hình thành nên các mô hình tăng trưởng kinh tế khác nhau: tăng trưởng theo chiều rộng, theo chiều sâu và kết hợp chiều rộng với chiều sâu.

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất nhờ vào tăng trưởng vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập,… nhưng cũng có nhiều hạn chế: nền kinh tế trì trệ, năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, v.v.

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu có đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như: nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm. Tăng trưởng theo chiều sâu không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, mà còn gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện phúc lợi xã hội, v.v.

Trong thực tế, không thể phân biệt rạch ròi tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng theo chiều sâu, mà chúng thường được xen kẽ, kết hợp theo một mức độ nào đó. Mô hình kết hợp giữa hai loại hình tăng trưởng này vừa chú ý tới tăng trưởng kinh tế về mặt lượng, quan trọng hơn là chú trọng nâng cao chất lượng và phối hợp giữa chúng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh, chủ động hội nhập quốc tế.

Thứ hai, xuất phát từ mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng là chủ yếu ở Việt Nam trong thời gian qua. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta trong những năm qua đã tạo ra được tốc độ tăng trưởng nhanh, cao trong một thời gian nhất định. Trong 30 năm đổi mới, đạt trung bình khoảng 6% - 7%/năm. Đáng chú ý là trong giai đoạn 2008 - 2014, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn khác, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng bình quân 5,31%/năm; quy mô của nền kinh tế được mở rộng đáng kể. Năm 2014, GDP theo giá trị thực tế đạt 186,300 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2005 (57,848 tỷ USD). Do đó, thu nhập bình quân năm 2014 là 2.053 USD/người, gấp khoảng gần 3 lần so với năm 2005 (702 USD/người). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, v.v. Tăng trưởng kinh tế đã góp phần đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển và bước vào hàng ngũ các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp (1.025 - 3.035 USD/người/năm theo quy định của Ngân hàng Thế giới từ năm 2012).

Nhưng kéo dài mô hình tăng trưởng theo chiều rộng với định hướng xuất khẩu, nguồn lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên như thời gian qua trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện như hiện nay đã đưa đến những hệ lụy trực tiếp trước mắt. Đó là: (1) Đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng vẫn ở trong tình trạng tụt hậu xa so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới; (2) Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp và khi tài nguyên, lao động rẻ được khai thác “kịch trần” thì động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế sẽ không còn và Việt Nam sẽ rơi vào thời kỳ tăng trưởng thấp, hơn nữa là khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu,… do đó, sẽ làm suy yếu khả năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế; (3) Tăng trưởng kinh tế đang kéo theo tốc độ suy thoái môi trường tự nhiên một cách nhanh chóng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm môi trường sinh thái ngày càng trầm trọng; (4) Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình - tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình (GDP trong khoảng 1.025 - 9.385 USD/người/năm), nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển (nước có GDP trên 9.385 USD/người/năm và đạt các tiêu chí khác về phát triển công nghệ, kinh tế - xã hội).

Vì vậy, lựa chọn mô hình tăng trưởng như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII đề cập ở trên nhằm vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống dân cư, đưa nền kinh tế tiến lên mà không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình; vừa giải quyết được vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái là đúng đắn. Điều đó đặt ra và đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao 6,5% - 7%/năm để đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện đứng thứ 7/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, thứ 36/50 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, và thứ 138/182 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hơn nữa, theo tính toán của các chuyên gia, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như thời gian qua thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng mức hiện tại của các nước sau đây thì số năm phải phấn đấu là: In-đô-nê-xi-a (5 năm), Phi-líp-pin (8 năm), Thái Lan (20 năm), Ma-lai-xi-a (24 năm), Sin-ga-po (40 năm). Đó là phép tính đặt trong trường hợp các nước đó “đứng yên”, còn khi kinh tế của họ vẫn tiếp tục tăng trưởng thì cực khó để tính xem bao nhiêu năm nữa sẽ đuổi kịp họ. Do đó, dù tăng trưởng cao và mục tiêu thoát nghèo đã vượt qua, nhưng nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiện hữu. Vì vậy, không thể khác, buộc chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Phải tiếp tục đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là một quá trình liên tục, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cơ cấu kinh tế phải vừa khai thác lợi thế cạnh tranh hiện có, vừa tạo điều kiện để hình thành và xây dựng các lợi thế cạnh tranh trong tương lai ở một số ngành công nghệ cao, công nghiệp hiện đại, ngành dịch vụ có tiềm năng để từng bước đưa nền kinh tế nước ta đạt trình độ cao hơn và cuối cùng trở thành một nền kinh tế phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập và định hướng xuất khẩu; kết nối được nền kinh tế nước ta với nền kinh tế khu vực và toàn cầu; cải thiện vị thế của từng doanh nghiệp, từng ngành và cả nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời chú ý hơn đến nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thay đổi phương thức tăng trưởng. Kết hợp hiệu quả giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải tiếp tục huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư, các nguồn lực khác, kết hợp các loại công nghệ có trình độ khác nhau để toàn dụng lao động. Đồng thời, liên tục cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao (6,5% - 7%/năm) liên tục, bền vững trong nhiều năm, kết hợp với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị, xã hội một cách vững chắc là một trong những điều kiện cần và đủ để trở thành một nền kinh tế phát triển. Mặt khác, xử lý tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng; trong đó, lấy chất lượng tăng trưởng là vấn đề chính yếu. Trong dài hạn, cần tiến tới chấm dứt mô hình tăng trưởng nhờ dồn sức vào tăng khối lượng vốn đầu tư, lao động giản đơn, chất lượng thấp, khai thác tài nguyên; xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế,… chuyển dần sang mô hình tăng trưởng hiệu quả, bền vững, tập trung vào mục tiêu chất lượng dài hạn. Cụ thể là nâng cao hiệu quả đầu tư, sự đóng góp của TFP, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường, cải thiện phúc lợi xã hội và xóa đói giảm nghèo, v.v.

Nâng cao hiệu quả của các chỉ tiêu tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nhiều lợi thế về tài nguyên và nguồn lao động; tuy nhiên, đang có những dấu hiệu giảm sút của các lợi thế ấy. Mặt khác, khi đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, sức ép cạnh tranh kinh tế quốc tế buộc chúng ta phải quan tâm đến hiệu quả của tăng trưởng, hiệu quả của các hoạt động kinh tế, nếu không sẽ gặp bất lợi, chịu thua thiệt trong các mối quan hệ kinh tế thương mại quốc tế và có thể thất bại trên thương trường quốc tế, thậm chí ngay cả trên sân nhà. Bởi vậy, cần phải nâng cao hiệu quả của tăng trưởng, chuyển hướng hoạt động của nền kinh tế theo các khía cạnh chiều sâu của sự phát triển. Cụ thể là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học và công nghệ; tăng cường ảnh hưởng của TFP; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động; hướng hoạt động của nền kinh tế theo các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng; chủ động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa có dung lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế của đất nước; thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường đầu tư theo chiều sâu đối với các yếu tố nguồn lực làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững dài hạn; đồng thời, tăng đầu tư cho xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và bền vững. Tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực được thể hiện trực tiếp nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vì “đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”. Việc đầu tư cho khoa học và công nghệ phải có trọng tâm, trọng điểm để tạo bứt phá về một số công nghệ cao có tác động tích cực đến nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Gắn tăng trưởng với việc tạo tác động lan tỏa tích cực đến các đối tượng ảnh hưởng, đặc biệt là hướng tới mục tiêu phát triển con người. Vấn đề này đòi hỏi phải hướng tăng trưởng kinh tế tới các mục tiêu phát triển bền vững; duy trì mức tăng trưởng hợp lý trong mối quan hệ ràng buộc với những điều kiện về tài nguyên, môi trường và các vấn đề xã hội. Mô hình tăng trưởng kinh tế mới phải hướng tới mục tiêu thân thiện với môi trường: tăng trưởng kinh tế đi đôi với sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; nâng cao khả năng tái sinh tài nguyên; phòng, chống suy thoái, ô nhiễm môi trường; coi trọng tăng trưởng kinh tế xanh, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng sạch, bền vững. Đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển con người. Quá trình tăng trưởng kinh tế phải được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ, bởi các chỉ tiêu phát triển xã hội gắn với phát triển con người; trong đó, trọng tâm là vấn đề xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, công bằng xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân và các chỉ tiêu liên quan đến phát triển toàn diện con người, như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao,… bình đẳng dân tộc và bình đẳng giới, v.v. Chính việc đảm bảo các chỉ tiêu phát triển xã hội và sự bền vững về môi trường sinh thái là những yếu tố tích cực củng cố và duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Hoàn thiện cơ chế vận hành nền kinh tế ở nước ta. Hoàn thiện cơ chế vận hành nền kinh tế, vừa phải nhanh chóng tạo ra cơ chế tự do cạnh tranh thị trường, vừa phải duy trì sự can thiệp của Nhà nước ở mức độ hợp lý. Sự can thiệp và quản lý phải tuân thủ và tôn trọng nguyên tắc của kinh tế thị trường. Cả hai mặt này được ví như hai bàn tay (vô hình và hữu hình) đều phải được thực hiện ở mức độ và phạm vi thích hợp thì mới có hiệu quả. Xu hướng chung là phải nới lỏng, giảm mạnh sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước, tăng cường sự điều tiết của cơ chế thị trường đối với sản xuất, kinh doanh ở những nơi, những khâu mà thị trường điều tiết có hiệu quả hơn. Nhà nước tập trung thực hiện vai trò dẫn dắt, thúc đẩy tạo tăng tốc độ và đột phá phát triển một số ngành ưu tiên và vùng lãnh thổ làm động lực tăng trưởng, tạo dựng và tăng cường thêm lợi thế cạnh tranh, động lực tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế. Để làm được điều đó, Nhà nước cần tập trung vào thực hiện tốt các vấn đề sau đây: (1) Định hướng phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; (2) Đảm bảo kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi, ổn định, hiệu quả, hiện đại cho sự phát triển; (3) Cung cấp khung khổ thể chế (chủ yếu là hệ thống luật pháp) để điều hành và điều tiết nền kinh tế; (4) Hệ thống đòn bẩy để thực hiện các ưu tiên phát triển cũng phải vận hành theo nguyên tắc thị trường. Thực hiện tốt những điểm này thì đồng nghĩa với việc Nhà nước đã chuyển mạnh sang phương thức quản lý, điều hành gián tiếp vĩ mô bằng pháp luật và biện pháp kinh tế là chủ yếu, thay cho điều hành trực tiếp và can thiệp sâu vào các hoạt động vi mô bằng mệnh lệnh hành chính chủ yếu như trước đây.

GS, TS. CHU VĂN CẤP, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
_________________

1 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2015, tr. 20.

2 - Sđd, tr. 21.